Chùa Việt
Huyền thoại ngôi chùa tăng ni 'cởi áo cà sa khoác chiến bào'
Chủ nhật, 26/06/2019 06:27
Chùa Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở vùng đất Thành Nam giàu truyền thống lịch sử văn hóa. Chùa còn được biết đến bởi huyền thoại về những tăng ni tạm gác việc đạo tình nguyện ra trận đối mặt với kẻ thù để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
>>Những ngôi chùa Việt độc đáo
Đôi nét về lịch sử chùa Cổ Lễ
Chùa Cổ Lễ hiệu “Thần Quang Tự”, là công trình văn hóa kiến trúc Phật giáo. Qua Thành Nam Định - Đò Quan 15 km về phía Tây thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Chùa xây dựng từ thế kỷ thứ 12 thời Lý Thần Tôn, thờ Phật và Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không. Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không sinh đầu thế kỷ 12, hương quán tại làng Điền Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Thuở thiếu thời, Ngài chuyên làm nghề chài lưới của cha ông, năm 29 tuổi xuất gia đầu Phật.Ngài đã “Văn - Tư - Tu đốn Tức Minh Tâm kiến tính quán càn khôn”, và Ngài còn là nhà Y sư nổi tiếng, đã cứu chữa cho vua Lý Thần Tôn khỏi bệnh nan y và được nhà vua phong làm “Lý Triều Quốc Sư”.
Ngài cùng Thiền Sư Giác Hải và Thiền Sư Từ Đạo Hạnh kết nghĩa anh em sang Tây vực (Bắc Ấn Độ), tầm học phép “Tam vô lậu” đắc “Giới - Định - Tuệ viên dung nhập Thánh siêu phàm du nhật nguyệt”. 3 Thiền sư sau khi đắc lục trí thần thông trở về nước, Đức Thánh Tổ Từ Đạo Hạnh trụ trì chùa Sài Sơn, Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không trụ trì chùa Thần Quang, Đức Giác Hải Thiền Sư trụ trì chùa Diên Phúc. Từ đó 3 vị Thiền Sư trở thành “Nam Thiên Tam Vị Thánh Tổ”.
Sau đó Ngài vượt Tống quyên đồng đem về đúc “An Nam Tứ Khí” - 4 bảo vật quý ở nước ta.
Chùa Cổ Lễ trước đây là một ngôi chùa kiến trúc cổ bằng gỗ. Trải qua thời gian phong hóa của nắng xói, mưa mòn và mối mọt cho nên ngôi chùa cổ xưa đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1902, Đệ Nhất Sư Tổ Phạm Quang Tuyên tuổi cao đức trọng về trụ trì.
Ngài đã trùng tu, tái thiết lại ngôi chùa này theo kiến trúc mới “Nhất Thốc Lâu Đài”. Quy mô rộng lớn, thật là một nền kiến trúc văn hóa Phật giáo trứ danh.
Cởi áo cà sa, khoác chiến bào ra trận, quét sạch quân xâm lược
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc của dân tộc ta trong thế kỷ 20, từ mái chùa cổ kính này đã có 35 ni, sư cởi áo cà sa ra tiền tuyến giết giặc, bảo vệ quê hương. Trong số 35 nhà sư ra trận có 12 người đã anh dũng hi sinh trong chiến đấu được nhà nước công nhận liệt sỹ. Các nhà sư còn lại nhiều người đã trở thành sỹ quan cao cấp trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và giữ nhiều trọng trách quan trọng khác trong Giáo hội cũng như ngoài xã hội.
Sự kiện ngày 27.2.1947, tại chùa Cổ Lễ, Hoà thượng Thích Thế Long đã chủ trì buổi mít tinh trọng thể làm lễ phát nguyện cho 27 nhà sư cởi áo cà sa khoác chiến bào ra trận. Đây là một sự kiện quan trọng, đầy tự hào trong lịch sử phật giáo Việt Nam. Tiếp bước những nhà sư đi trước, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến tranh biên giới đã có thêm 8 nhà sư cởi áo cà sa, tạm biệt cửa thiền lên đường bảo vệ đất nước.
Trong cuốn Lịch sử Phật giáo huyện Trực Ninh đã viết rất rõ về buổi lễ đặc biệt, hào hùng này. Đoàn nhà sư khoác áo cà sa, chân đất, đầu trần, tay cầm mũ vải, xếp hàng ba, cuối cùng là 2 ni cô Đàm Nhung và Đàm Lân. Hồi đó, bài phát nguyện dành cho 27 nhà sư ra chiến trường thật hào sảng: “Cởi áo cà sa khoác chiến bào/Tuốt gươm, bồng súng diệt binh đao/Ra đi quyết rửa thù cứu nước/Vì nghĩa quên thân, hiến máu đào”. Khi nghe bài phát nguyện này, trước lúc nhập ngũ, sư nữ Đàm Thanh xúc động đã họa lại bài thơ trên: “Gậy thiền quét sạch loài xâm lược/Theo gót Trưng Vương tỏ nữ hào”.
Khi xong việc cử lễ, cả đoàn đứng lên cùng cởi áo cà sa. Hòa thượng Thích Thế Long, khi đó là Viện chủ chùa Cổ Lễ, đỡ các tấm áo cà sa đặt trước bàn thờ Phật, rồi một nhà sư hô: “Đội mũ”. Thế là 27 nhà sư đã trở thành 27 chiến sĩ vệ quốc quân. Cuối cùng, đại biểu của Trung đoàn 34 đến nhận quân, chuyển súng, kiếm, mã tấu đến từng tay các vị, chấn chỉnh đội hình, hạ lệnh xuất phát. Đoàn quân theo tiếng hô dõng dạc của trung đội trưởng, tất cả đều đồng thanh ca vang bài Tiến lên đường, tới sa trường.
Năm 1999, nhân kỷ niệm 52 năm Ngày truyền thống "Nghĩa sĩ phật tử" (27.2.1947), một nhóm ni sư từng phát nguyện "Cởi áo cà sa khoác chiến bào" đã cho lập một bia đá ngay trong khuôn viên chùa để ghi nhớ sự kiện đó. Nhà chùa cũng đã cho xây dựng Đài tưởng niệm các Nghĩa sĩ Phật tử hy sinh trong thời kỳ chiến tranh.
Chùa Cổ Lễ là công trình kiến trúc văn hóa Phật Giáo và dân tộc, chùa được Bộ Văn Hóa xếp hạng “Di tích lịch sử Quốc gia”, là trụ sở Phật Giáo huyện Trực Ninh và là cơ sở trường hạ Phật Giáo tỉnh Nam Định.