Chùa Việt

Huyền tích chùa Báo Ân ở Thanh Hóa

Thứ bảy, 23/01/2013 04:02

Tương truyền rằng, chùa Báo được tạo lập từ thời Lý - Trần, hiện nay tại chùa đang còn tấm bia đá "Viên Quang tháp nội bia ký" (Dựa theo bản dịch của Tiến sỹ Đinh Công Vĩ)

Chùa Báo Ân là một trong số rất nhiều các di tích được xếp hạng ở làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Lúc đầu chỉ là Am, với tên gọi là “Am Lộc Sơn tự”, đến thời Hậu Lê trước thế kỷ XVI mới xây dựng thành chùa. Sau này, chúa Trịnh đã đổi tên từ “Am Lộc Sơn tự” thành “Báo Ân tự”. Về sau, nhân dân trong vùng thường gọi là chùa Báo. Các tên gọi khác nhau của chùa đều gắn với những truyền thuyết, dã sử mang tính thiêng, tính thiện và lòng biết ơn, báo đền “Ân” “Đức”.

Chùa nằm dưới chân núi Báo, ở vào vị trí đại long ngai, tiền đường nhìn về hướng Tây Nam. Trước chùa có dòng sông Mã uốn lượn rất nên thơ, bên kia bờ là xã Định Tân, huyện Yên Định. Khúc sông trước chùa còn gắn với biết bao sự tích huyền sử và các sinh hoạt văn hoá, lễ hội mang đậm tính truyền thống của cư dân trồng lúa nước như: Vụng Quần Tiên, hòn đá Ngốc, đá Bàn, ghềnh Trùng Trục (hay ghềnh Trai) và đặc sắc nhất là lễ hội rước nước (rước bóng) diễn ra vào ngày 28 tháng 2 hàng năm.

Thời điểm trước cách mạng tháng Tám năm 1945, chùa Báo còn khá nguyên vẹn, nổi tiếng thiêng liêng và có kiến trúc điêu khắc độc đáo. Theo các cụ già trong làng kể lại: Hậu cung của chùa hình vòm, xây bằng gạch dài 3m, rộng 2m, cao 4m, trên nóc vòm có hoa văn rồng mây uốn lượn và hai chữ Bồng Tiên. Tiền đường chùa gồm 6 gian 2 chái, bên trong bài trí tượng phật như nhiều ngôi chùa khác trong vùng, đặc biệt có rất nhiều pho tượng bằng đồng. Trước chùa có tháp Viên Quang 5 tầng, cao 9m, đường kính đáy 3m. Đường vào chùa đi từ hướng Tây Tam quan, chùa không có gác chuông. Phía Đông giáp chùa là Phủ Báo. Phủ Báo xưa kia rất rộng có cung đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ và đệ ngũ. Phía Tây chùa có hang Nhà đá, sân Hầu Bóng gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu Địa.

Cụm di tích gồm chùa Báo, Phủ Báo, sân Hầu bóng tạo thành không gian sinh hoạt văn hoá của nhân dân trong vùng. Vào dịp tết nguyên đán, ngày rằm và các ngày lễ trọng của đạo Phật, người dân khắp nơi đổ về như trẩy hội, đặc biệt là lễ hội rước nước đông tới hàng vạn người từ khắp mọi miền đất nước kéo về dự lễ.

Tương truyền rằng, chùa Báo được tạo lập từ thời Lý - Trần, hiện nay tại chùa đang còn tấm bia đá "Viên Quang tháp nội bia ký" (Dựa theo bản dịch của tiến sỹ Đinh Công Vĩ). Văn bia không nói rõ chùa thành lập năm nào? Do ai lập nên? Văn bia cho biết: “Tháp Viên Quang do thiền sư tên là Thích Thư, hiệu Diệu Trì tạo nên. Xá lợi được an trí trong tháp, họ Bùi, tên huý là Tại Tâm, tên hiệu là Diệu Chân, người xã Phi Trạch, huyện Thanh Miên, Trung Quốc. Qua 15 năm được nuôi dưỡng ở nhà Viên Trung, được trời ban cho tư chất tốt, đã lâu không vướng đến chuyện tình ái, làm chủ được bản thân, cho rằng Biện Thượng là ấp cũ. Ngày khác trở lại chùa theo đạo Phật, sau khi làm hoàn tất mọi việc, tỏ rõ sự quyến luyến với nhà chùa, đã được bản sư truyền dạy cẩn thận, mọi giáo lý nhà Phật như được khắc vào lòng vậy. Bản chất của Tại Tâm thẳng thắn, nên dù đời loạn, đường gập ghềnh cũng đều vững vàng, không phụ thuộc, có thể bảo đó là lộc trời vậy! Tại Tâm đã từng ở nơi thôn dã Yên Sơn (quê hương Không Tử) hơn 20 năm, giữ một niềm trinh tiết.

Sau loạn, lại quy y phật giáo, trở lại ấp xưa, đúc tượng phật, đồng thời đưa "hòn đá thiêng" vào cửa Am Lộc Sơn và nhân đó đổi tên Chùa là "Báo Ân tự" ngụ ý "điều đáng báo đáp phải báo đáp", đó là "ân" vậy.

Tại Tâm ở chùa nhưng vẫn phải làm ruộng vất vả, khó nhọc. Tuy vậy, nhưng Tại Tâm vẫn hết lòng đèn hương, mở mang tuệ thức, danh thơm toả khắp mọi nơi. Đến năm Bính Dần, Tại Tâm chống gậy Tích Trượng đến Tân Quang tự ở Hà Nội hỏi thăm về tiền đồ quá vãng, đã được lời tiên tri: "Người sẽ như đôi chim bay về Tây phương". Vì thế, vào cuối năm, Tại Tâm qua 80 canh giờ ngồi thiền để hoá (hoả thiêu), đã để lại nhiều viên xá lợi, được đem để tạm ở chùa, song song với việc làm tháp mới để chính thức chứa xá lợi lâu dài.

Ngày 20 tháng 9 năm Tự Đức thứ 5(1852), nguyên tri huyện huyện Minh Chính Cao Lạc, Hiên Lỗ Vương soạn văn bia”.

Qua một số thông tin trong bia, có thể khẳng định rằng: "Chùa Báo Ân có trước năm 1852 (năm dựng bia tháp Viên Quang và tháp Viên Quang có chứa những viên xá lợi của nhà sư Tại Tâm).

Ngoài bia ký nói trên, không còn tài liệu nào nói về chùa Báo Ân do thời gian chiến tranh phá hoại. Nhưng chắc chắn phong cảnh và kiến trúc của chùa xưa kia phải vào loại đặc sắc có một không hai trong vùng. Cụ Nguyễn Sự Chí, người làng Bồng Trung (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc ngày nay) đậu cử nhân làm hành tẩu Bộ Lễ, Tri huyện Chương Đức - Tri phủ Lý Nhân có bài thơ "Tu chùa Báo" có đoạn:

" Vui thay thú Báo Ân  Sơn tự

Cảnh con con mà đủ để chơi

Kìa cây, kìa nước, kìa đá, kìa trời

Thuyền Bát Nhã lênh đênh Chèo bát ngát

..........

Muốn coi lên núi Báo mà coi

Đường đục, đường chạm, đường soi rành rành

Hoa rũ tán, liễu buông mành

Nước non Thiên Trúc cung đình Bồng Lai"

Thời kỳ phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ XIX, chùa Báo Ân còn là nơi thường trú và thường xuyên lui tới của các lãnh tụ và nghĩa quân Hùng Lĩnh dưới sự lãnh đạo của ông Nghè Tống Duy Tân. Thời kỳ trước Cánh mạng tháng Tám năm 1945, chùa Báo Ân là nơi liên lạc, ẩn náu của các chiến sĩ cộng sản. Trong kháng chiến chống Pháp, làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng bị tổn thất vô cùng nặng nề do trận oanh tạc bằng không quân của thực dân Pháp. Chúng đã cho 4 máy bay đến ném 30 quả bom tạ xuống Nghè Vẹt, Phủ Trịnh, Đình Trung. Ngoài ra, chúng còn kết hợp bắn đạn lửa và dội bom napan (bom cháy) nhiều giờ liền để quân và dân không thể cứu chữa được, làm nhiều người chết và bị thương, lửa đã thiêu cháy gần 500 nóc nhà cùng thóc, lúa, gạo và mọi đồ dùng sinh hoạt .... Chính chùa Báo là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc và cứu chữa cả quân và dân bị thương.

Do hoàn cảnh chiến tranh, do thời cuộc phân ly, loạn lạc, chùa Báo Ân xưa đã bị xuống cấp  nhiều, với "Đường đục, đường chạm, đường soi rành rành" không còn nữa. Thay vào đó là Trạm bơm nước nông nghiệp và khu kho thóc của Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Hùng. Tượng Phật, đồ thờ bị mất mát hoặc sơ tán về các chùa, nghè, phủ khác. Rất may, hai pho tượng đồng được đưa trở lại chùa. Hiện vật chùa còn lại là tấm bia đá "Viên Quang tháp nội bia ký" đã bị vỡ và hai pho tượng đồng (pho tượng Di lặc đặt trên bệ hình tròn, vân mây có đường kính đáy 70cm, cao 60 cm, trọng lượng 78kg và pho tượng Thích Ca Mâu Ni thành đạo, đường kính đáy 35cm, cao 50cm, trọng lượng 28kg). Ngoài ra, trong chùa còn có bốn câu thơ ca ngợi vẻ đẹp của chùa Báo xưa:

Nam hoà mã thuỷ Bồng tiên hội

Bắc tựa Hùng sơn tuấn kiệt giang

Tây thịnh thiên kim nhật xuất quỷ

Đông thánh vạn cổ nguyệt bạch mi.

Năm 2002, chùa Báo Ân đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Năm 2008, được sự quan tâm của các cấp chính quyền cùng sự cung tiến của các tăng ni phật tử, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã trùng tu, tôn tạo chùa Báo Ân. Chùa được xây dựng trên nền đất cao hơn nhiều so với nền cũ của chùa với vẻ đẹp uy nghi, bề thế theo phong cách kiến trúc thời Trần.

Đầu năm 2010, chùa được khánh thành một cách trọng thể, thu hút đông đảo bà con trong làng, xã và con cháu làng Bồng Thượng ở khắp nơi đổ về dâng hương rất đông vui, nhộn nhịp. Đến nay, Chùa Báo Ân đã trở thành nơi được nhiều du khách yêu thích tìm đến chiêm bái, vãng cảnh, thả mình vào không gian thoáng đãng, nên thơ hài hòa, gắn liền với cảnh vật xung quanh của chùa./.

 

Phạm Thị Huyền - Trường Đại học Hồng Đức - Thanh Hóa    

 Tài liệu tham khảo:

1. Đảng uỷ - HĐND - UBND - MTTQ xã Vĩnh Hùng (2005), Lịch sử xã Vĩnh Hùng, in tại công ty in và văn hoá phẩm - Bộ VHTT.

2. Đinh Xuân Lâm (1985), Từ Ba Đình đến Hùng Lĩnh (1886 - 1892), NXB Thanh Hoá.

3. Lưu Công Đạo (2006), Thanh Hoá Vĩnh Lộc huyện chí (bản dịch Hán Nôm của Nguyễn Văn Hải), Lưu tại thư viện tỉnh Thanh Hoá.

4. Quốc Chấn (2007), Những thắng tích của xứ Thanh, NXB Thanh Hoá.

5. Lý lịch di tích Chùa Báo Ân làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng (Lưu tại phòng Văn hóa huyện Vĩnh Lộc)

 

 

loading...