Sống an vui
Im lặng cũng là chánh ngữ
Thứ ba, 12/09/2021 04:38
Khi người ta hỏi một câu mà mình hấp tấp trả lời, cái đó có thể không là chánh ngữ. Khi người ta hỏi một câu mà mình ngồi im không trả lời, cái đó có thể là chánh ngữ. Tại vì có những câu hỏi không nên trả lời.
Sự im lặng đó là im lặng sấm sét của kinh Người Bắt Rắn. Chỉ cần im lặng thôi là đủ hùng hồn chỉ cho người kia thấy sự thật. Nhất là khi những câu hỏi có chủ ý khơi ra những đàm luận về siêu hình, không ích lợi thật sự.
Phật dạy: Nên nói cái gì và im lặng thế nào?
Chúng ta thường nghe nói về những câu của đệ tử hỏi thầy ngày xưa: Bạch thầy, thế nào là tiếng vỗ của một bàn tay?
Hoặc: Thầy nói tất cả vạn pháp đều qui về một, vậy thì cái một nó qui về đâu? Đó là những công án thiền tập, và người ta có khuynh hướng muốn phân tích, tìm hiểu, lý luận về những công án đó. Ta có thể để ra một, hai tiếng đồng hồ để thao thao bất tuyệt. Nói mà thấy trong lòng sung sướng, vì có cơ hội để phô bày kiến thức của mình. Nhưng tất cả những lời nói đó có thể không phải là chánh ngữ, tại vì nó không giúp ích gì được cho người nghe. Vì vậy khi nghe câu của đệ tử hỏi, có thầy chỉ ngồi im lặng và mỉm cười, nhìn người đệ tử với con mắt rất từ bi. Có thầy lại nói: Con uống trà đi. Hoặc: Con có thấy cây tùng trước sân đẹp quá không?… Sự thật thì đó là một mệnh lệnh: Sư chú đừng hỏi lôi thôi! Có ly trà trước mặt mà không chịu uống cho đàng hoàng, mà lại hỏi những chuyện vớ vẩn!
Nếu quý vị là một nghệ sĩ thì nên vẽ một bức tranh, trong đó có một chén trà đang bốc hơi và đề thêm ba chữ “Drink your tea!”. Đó là những bức họa có thể treo trong thiền viện. Drink your tea tức là đừng đánh mất sự sống của anh vào những suy tưởng, và những đàm luận siêu hình, hãy sống sâu sắc trong giờ phút hiện tại. Drink your tea là một chánh ngữ. Nếu phân tích các chữ “Uống trà đi” thì mình thấy có gì là Phật pháp ở trong đó đâu? Trong “Uống trà đi” mình không thấy có vô ngã, vô thường, Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, không thấy có gì cả! Nhưng sự thật thì drink your tea là chánh ngữ, tại vì nó đưa người kia trở về thực tại, và sống sâu sắc trong giây phút đó.
Các thiền sư thường có ngôn ngữ đặc biệt của họ. Họ chận đứng được đà suy tư, vọng tưởng của thiền sinh. Nhiều khi họ dùng những câu nói rất lạ lùng. Ngày xưa đời Lý có Thiền sư Thiền Lão (mất năm 1073) ở chùa Trùng Minh, núi Thiên Phúc. Tuy sống trên núi, mà danh tiếng vang lừng từ trong triều ra đến ngoài quận. Cho nên vua Lý Thái Tông có lên thăm thiền sư. Khi lên thăm, vua hỏi: Bạch thầy, thầy ở trên núi này được bao lâu rồi? Câu hỏi rất đơn giản, thầy có thể trả lời: Tôi ở đây cũng gần 22 năm. Nhưng thiền sư nói rằng: Bần tăng chỉ biết ngày hôm nay thôi, không có thì giờ để nghĩ đến ngày hôm qua, nên bần tăng không biết đã sống ở đây bao nhiêu năm rồi! Đản tri kim nhật nguyệt. Hà thức cựu Xuân Thu là câu của thiền sư trả lời. Hai câu thơ này tuy văn vẻ và có nhiều ý, nhưng nó chỉ có nghĩa là: Xin mời bệ hạ uống trà đi, hỏi chi những thứ đó cho phí thì giờ! Tôi ở đây đã 20 hay 30 năm thì đâu có quan trọng gì! Vấn đề là bệ hạ lên đến đây là một cơ hội rất lớn, chúng ta uống trà với nhau đi! Trong câu trả lời đó cũng không có triết lý gì ghê gớm cả, nó là một tiếng chuông, và nếu nó là một tiếng chuông, thì đó là giáo lý đích thực.
Thành ra chúng ta là những cái “bị kiến thức”, những cái “bị chứa” giáo lý, chúng ta không làm được công vụ của một cái chuông! Tiếng chuông mỗi khi thỉnh lên thì mọi người đều phải vâng theo, đều phải trở về uống trà và thực tập hơi thở. Cái chuông đó có thể có công đức hơn chúng ta, và chúng ta phải truyền đăng cho nó trước. Vì vậy cho nên mỗi khi thỉnh chuông, ta phải xá chuông trước.
Chúng ta ai cũng có những nỗi khổ niềm đau truyền lại từ ông bà, cha mẹ. Nó có thể không phải là những nỗi khổ niềm đau mà chúng ta đã gom góp ở trong kiếp này. Trong chúng ta có thể có một ngọn núi lửa ở chiều sâu, những bực nhọc, những đau buồn, những giận hờn, những oán trách từ thời xưa. Cho nên chúng ta phải biết trong ta có một núi lửa, và khi núi lửa đó cựa quậy thì ta bắt đầu phun lửa, ta biến thành một hỏa diệm sơn, và ta sẽ đốt cháy. Khi núi lửa sắp phun, nó có những triệu chứng. Người biết về núi lửa thì khi nghe thấy những triệu chứng đó, họ tìm cách trốn chạy.
Đức Phật 'im lặng' để trả lời có tự ngã không?
Khi có chánh niệm thì chúng ta biết núi lửa sắp phun, chúng ta phải lo chạy để có an ninh. Nó phun bằng những lời không chánh ngữ, làm cho người nói đau khổ, và tạo nên đau khổ, tan nát cho những người chung quanh.
Cho nên chúng ta phải học nhận diện ngọn núi lửa trong ta và trong những người khác. Nhận diện để thương, tại vì không phải chỉ người kia mới có núi lửa mà chính ta cũng có núi lửa ở trong mình. Khi núi lửa trong ta phun lên thì mọi điều tan nát, do đó chúng ta phải có một chính sách để có thể đối phó với ngọn núi lửa ở trong ta. Ta có những bực nhọc, những đè nén, và ta có cảm tưởng rằng nếu nói ra không được thì ta sẽ chết. Tại sao vậy? Tại vì chúng ta không biết quản lý nó, không biết quản lý cái năng lượng núi lửa của chúng ta.