Kiến thức
Ít muốn sẽ thấy an vui, biết đủ ta sống cả đời bình yên
Thứ ba, 05/08/2021 03:49
Ở đâu có tham muốn, ở đó có ích kỷ. Ở đâu không có tham muốn ở đó có vị tha. Với tâm tham muốn ích kỷ, hẳn nhiên chúng ta sẽ vướng mắc hệ lụy và gây ra khổ đau cho mình và mọi người.
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nghe rằng: “Mong muốn càng ít thì hạnh phúc càng nhiều” hay như “Biết đủ chính là cách nắm giữ hạnh phúc trong tay”… Tuy đây là những câu nói tưởng chừng như đã cũ, nhưng chúng luôn chứa đựng những lời dạy mới mẻ mà có thể chúng ta chưa biết được hết.
Cuộc sống đầy đủ về vật chất nhiều khi lại đem đến cho con người lòng ganh tỵ khi thấy mình không có những thứ mà người khác có, trong khi thực sự bản thân không cần đến nó. Càng có, ta lại càng muốn sở hữu nhiều hơn. Chỉ đến khi ta học được cách để đơn giản hóa mọi thứ, học cách buông bỏ, lúc ấy ta mới có thể thấy thực sự “đủ đầy” và hạnh phúc. Cổ đức từng dạy: ”Cao ốc ngàn gian, đêm nằm ngủ cũng không quá hai mét, ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng không quá ba bữa”. Vậy hà cớ gì ta không biết đủ, mà phải lao tâm khổ tứ tìm cầu nhiều thứ như thế?
Thật không biết từ khi nào, con người lại có những tính xấu như tham lam, ích kỷ, thù hằn, ganh ghét…, và theo thời gian mãi cho đến ngày nay vẫn không thay đổi. Trong vô vàn kinh điển mà Đức Phật để lại, Ngài đã nhiều lần dạy rất rõ về phương pháp để trừ đi những tính xấu nói trên cũng như giúp cho con người có được một cuộc sống hiện thực an lạc, hạnh phúc và đầy nhân văn, phương pháp ấy đơn giản chính là thực hành hạnh “Thiểu dục và Tri túc”.
Một vài nhận định về thiểu dục và tri túc
Theo một số từ điển, Thiểu dục tri túc đã được định nghĩa như sau:
Thiểu dục (alobha, disinterestedness) có nghĩa là không quan tâm đến việc cầu lợi. Tri túc (santutthi, contentment) chỉ trạng thái bằng lòng, vừa ý, sự mãn nguyện với những gì mình có [1].
Trong từ điển Hán Việt thì Thiểu dục (小欲) có nghĩa “ít ham muốn” tức là ít ham muốn với những gì mình chưa có. Còn Tri túc (知足) nghĩa là “biết đủ”, tức biết vui ở những thứ mình đang sở hữu, không buông thả theo lòng ham muốn của con người, thường không bao giờ thoả mãn, cứ được cái này lại muốn cái khác. Như vậy, Thiểu dục tri túc là ít muốn và biết đủ, bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Căn cứ theo Đại tự điển Bách khoa toàn thư thì: “Tri túc là biết đủ, biết cái mức coi như là đủ, không để lòng ham muốn vượt quá mức đó”.
Nói về “Thiểu dục, Tri túc”, các nhà hiền triết đã đưa ra những nhận định của riêng mình
Tổng thống Mahatma Gandhi cũng dạy rằng: “Trong thế giới này có đủ các thứ để cho mọi người sử dụng, thế nhưng không đủ cho một người có lòng tham vô đáy”. Điều đó có nghĩa là nếu không có tâm biết đủ thì dù chúng ta nắm giữ đầy đủ tất cả vật chất trong đời cũng không sao thỏa mãn lòng tham của mình.
Lão Tử trong “Đạo đức kinh” [2] nhấn mạnh đức tính “Tri túc bất nhục”. “Biết đủ”, tức biết vui ở những thứ mình đang có, không buông thả theo lòng ham muốn của con người, thường không bao giờ thoả mãn, cứ được cái này lại muốn cái khác. Không làm chủ được lòng ham muốn sẽ đi đến sự nhục nhã, nhục nhã vì thất bại do việc làm quá sức mình, tệ hại hơn là nhục nhã vì lương tâm và xã hội lên án nếu làm trái với pháp luật. Lão Tử còn nói: “Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi” (Biết thế nào là đủ thì không nhục, biết lúc nào nên ngừng thì không nguy) và “Nhân dục vô nhai, hồi đầu thị ngạn” (Lòng dục của con người không có bờ bến, nhưng nhìn lại phía sau mình thì đó là bờ bến đấy), “Tri chỉ bất đãi, khả dĩ trường cửu” (nghĩa là biết dừng lại sẽ không nguy hại, có thể lâu bền). “Biết ngừng lại” tức là biết chế ngự dục vọng, không để sự ham muốn lôi cuốn mình, có thế mới vững bền cuộc sống [3].
Trong Phật giáo có rất nhiều bài kinh nói về Thiểu dục tri túc, như trong kinh Thủy Sám có câu: “Người biết đủ tuy nằm dưới đất vẫn lấy làm an vui, người không biết đủ dù ở thiên đường cũng không vừa ý” [4]. Đó là lý do vì sao nhiều người giàu nhưng vẫn không tìm được an vui, người nghèo lại có được hạnh phúc tràn đầy. Điều này đã cho thấy rằng, thiếu thốn hay đầy đủ không phải phụ thuộc vào vật chất mà nó phụ thuộc vào tư tưởng hay cách suy nghĩ của mỗi chúng ta, có chấp nhận nó đã đủ hay chưa? Đây là lý do vì sao Đức Phật dạy hạnh Thiểu dục, Tri túc cho chúng ta. Thiểu dục tri túc ở đây được nhận định là pháp thực hành hoàn toàn do tự ý thức của mỗi người không kìm hãm sự phát triển của bất kỳ ai, cách sống này là để đối trị với lòng tham không đáy, lòng tham gây ra phiền não không có điểm dừng.
Những đặc tính tiêu biểu của thiểu dục và tri túc
Thiểu dục và tri túc là một sắc thái tâm lý sống. Khi nhắc đến Thiểu dục tri túc, Đức Phật không có ý định thắt chặt những nguyện vọng, những nhu cầu của con người. Sự thật, dạy Thiểu dục tri túc, Đức Phật chỉ nhắm đến khía cạnh tâm lý. Xét về mặt tâm lý, Thiểu dục tri túc có tác dụng chữa khỏi những ham muốn không biết đủ gây nên những vấn đề khổ não, giày vò bất an của con người, chứ Thiểu dục tri túc không phải là phương pháp để cổ vũ cho cái nghèo của con người, không phải bắt ép không được phấn đấu cho cuộc sống.
Thiểu dục và tri túc là một loại cảnh giới. Người biết đủ sẽ luôn mỉm cười đối mặt với cuộc sống của họ. Trong mắt của người ít muốn biết đủ sẽ không có điều gì là không thể giải quyết được trên thế gian này. Bởi vì họ sẽ luôn vì chính bản thân mà tìm kiếm cho mình cách giải quyết phù hợp nhất, tốt đẹp nhất. Pháp này khiến cho con người lạc quan và an tâm hơn, sẽ phân biệt được rõ điều gì nên làm thì làm, điều gì không nên làm thì dừng lại. Ngược lại, nếu không biết đủ sẽ khiến con người rối loạn. Sự khác biệt giữa họ chính là hạn độ. Hạn độ tức là mức độ có hạn, sự đúng mực, là trí tuệ, là một loại trình độ. Người ít muốn, biết đủ luôn có một hạn độ nên họ không dễ phạm phải lỗi lầm và đánh mất lương tâm.
Thiểu dục tri túc chứa đựng đặc tính “rộng lượng”. Lòng dạ con người rộng lượng có thể dung nạp được rất nhiều, cho nên trong mắt người ít tham muốn và biết đủ thì mọi sự tranh giành và đòi hỏi quá mức sẽ không cần thiết. Cũng chính vì thế mà tâm lý của người ít muốn biết đủ luôn có sự cân bằng, họ luôn thấy thỏa mãn và giàu có. Thiểu dục tri túc còn là một loại đức tính “khoan dung”. Khoan dung đối với người khác, khoan dung đối với xã hội, khoan dung với cả chính mình, như vậy mới có được một không gian sinh tồn bao la và rộng lớn. Chính vì thế mà Cổ nhân mới luôn dạy: “Tri túc thường lạc”.
Lời Phật dạy về 'Thiểu dục tri túc' và câu chuyện về cụ bà 83 tuổi 'xin thoát nghèo'
Thiểu dục tri túc là phương thức nắm giữ hạnh phúc. Một người biết đủ ở phương diện công danh, lợi lộc có thể không thành công với cái nhìn của người khác nhưng hẳn sẽ vui vẻ, hạnh phúc. Thiểu dục tri túc chính là cách nắm giữ hạnh phúc trong tay. Người ta nói rằng “vui vẻ” là nguyên tố không thể thiếu của mỗi người. Nó giúp con người bình đẳng trước hạnh phúc, vì hạnh phúc hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ tâm lý con người chứ không phụ thuộc vào vật chất nhiều hay ít. Một trăm nghìn cũng có thể tạo nên xúc cảm hạnh phúc tuyệt vời đối với anh chàng nhà nghèo, nhưng một triệu đồng chưa chắc đã tạo nên xúc cảm hạnh phúc tuyệt vời đối với một người giàu có.
Thiểu dục tri túc có tính chất đoạn trừ lòng tham, mưu sinh bất chính. Khi trong tâm bị câu thúc quá nhiều, quá mạnh bởi ham muốn, con người dễ bất chấp đạo lý, đan tâm thực hiện mọi mánh khóe thủ đoạn để đạt cho bằng được cái điều ham muốn ấy. Do đó, khi một người biết đủ, ít ham muốn thì ngay những nhu cầu, khát vọng chính đáng cũng không thể làm vẩn đục cái tâm trong sáng, lành mạnh, bình lặng của người ấy huống gì có sự tham lam hiện hữu trong cái tâm ấy được.
Những lời dạy ý nghĩa của Đức Phật về thiểu dục và tri túc
Vào triều đại nhà Minh, có một vị tiên sinh dạy học, gia cảnh bần hàn nhưng mỗi ngày đều dâng hương bái lễ, cảm tạ trời xanh ban phúc lành. Người vợ của ông nghĩ mãi mà không hiểu, liền hỏi: “Một ngày ba bữa đều là húp cháo loãng, sao có thể tính là hưởng phúc?” Vị tiên sinh này trả lời: “Sống ở nơi thái bình, không có chiến sự thảm họa, đó là cái hạnh phúc lớn nhất. Hàng ngày có quần áo mặc, có cái ăn, không đến mức đông chịu lạnh, đói không có gì ăn là hạnh phúc lớn thứ hai. Trong người không có bệnh tật, không có tai họa là cái hạnh phúc lớn thứ ba. Chúng ta có cả ba thứ ấy rồi chẳng phải là có phúc sao?” Nhiều người nhìn vị tiên sinh này thường cho rằng ông không thành công, nhưng ông lại tự thấy mình hạnh phúc. Bởi vì trong lòng ông đã biết đủ. [5]
Có một câu nói rất hay thế này: “Đừng khóc vì không có giày để đi bởi vì có người còn không có chân để đứng!”. Cho nên mới thấy rằng: “Biết đủ thì người nghèo khổ cũng vui, không biết đủ thì người giàu sang cũng cảm thấy u buồn”. Ở vào cùng một tình cảnh, chúng ta chỉ cần thay đổi góc nhìn, thay đổi cái tâm của mình thì tình cảnh cũng tự nhiên thay đổi, cải biến theo chiều hướng tốt.
Khi chúng ta có đủ cái ăn cái mặc, có nhà che nắng che mưa, thân không tật bệnh, tâm không phiền não là ta đã có đủ cái căn bản của hạnh phúc. Có tâm biết đủ là quý trọng những gì có ở hiện tại. Chúng ta đừng nên nghĩ mình thiếu những gì mà nên nghĩ nhiều về những thứ mình đã có. Nếu không quý trọng thì những thứ đang có hiện tại cùng rời bỏ chúng ta mà đi. Cách tránh được tai họa chính là coi trọng phúc phận mình đang có. Ví như sinh mệnh và sức khỏe là tài phú lớn nhất của mỗi người nhưng mọi người lại thường xem nhẹ, đến lúc sắp mất đi rồi mới thấy hối tiếc thì đã muộn mất rồi.
Tại sao người Phật tử nên thiểu dục?
Hoặc như một câu chuyện khác:
Trong một buổi dạy học cho các đệ tử của mình, vị sư phụ hỏi: Nếu muốn đun ấm nước nhưng phát hiện củi không đủ, con sẽ làm thế nào?
Một đệ tử nói: “Dạ. Con sẽ đi tìm củi”.
Đệ tử khác đáp: “Dạ. Con đi mượn tạm cho nhanh”.
Đệ tử thứ ba nói: “Dạ. Còn con, con sẽ đi mua”.
Sư phụ mỉm cười hỏi: “Thế sao các con không đổ bớt nước đi?” [6].
Thật ý nghĩa phải không ạ? Đọc đến đây thôi tự mỗi chúng ta đã rút ra được một bài học nhỏ cho bản thân mình rồi. Khi tham vọng nhiều hơn khả năng đang có, tất yếu chúng ta sẽ phải cảm thấy mệt mỏi, cũng giống câu chuyện trên là nước đã nhiều hơn so với củi. Để hạnh phúc, hoặc là phải đi kiếm củi nhiều hơn, hoặc là đổ bớt nước. Kiếm củi chưa chắc sẽ có, nhưng nước thì chắc chắn có thể đổ bớt được. Hiểu rõ Thiểu dục tri túc, mỗi người phải biết lượng tài sức của mình để quyết định ước muốn của mình nhiều hay ít. Nếu sức lực của mình không đủ mà suốt ngày cứ loay hoay đeo đuổi những mơ tưởng điên rồ thì chắc chắn sẽ chuốc lấy những khổ não mà thôi.
Tại sao Đức Phật lại dạy về Thiểu dục tri túc? Vì dục vọng và khát ái của con người không biết đâu cho đủ. Đó là cội gốc của tam độc (tham, sân, si) gây nên. Cho nên, “Thiểu dục tri túc”, theo nguyên nghĩa nội hàm là ít ham muốn, biết đủ thì không khổ. Vậy thế nào là đủ? Phật dạy để biết được cái đủ trong cái thừa, thì con người cần phải có Chánh tri kiến, Chánh tư duy mới thấy được cái chân thường trong cái vô thường của vòng tương tục. Pháp này thuộc về lĩnh vực đạo đức, lối sống và đây là quá trình thực nghiệm sâu xa của Đức Phật.
Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, Đức Phật có dạy:”Đa dục vi khổ, sanh tử bì lao, tùng tham dục khởi, Thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại”, nghĩa là tham muốn nhiều là khổ, sinh tử nhọc nhằn, đều từ tham dục mà ra, ít mong cầu, không vướng bận, thân tâm tự tại [7]. Đức Phật từng dạy trong kinh Di Giáo [8]: Người ít ham muốn thì không có tâm siểm khúc [9] để cầu cho được vừa lòng người, lại cũng không bị các căn dắt dẫn [10] việc thế nào cũng tự thấy đầy đủ. Giữ tâm ít ham muốn, ắt được Niết-bàn [11]. Như vậy gọi là ít ham muốn.
Đức Phật dạy tiếp: ”Nếu muốn thoát khỏi mọi khổ não, nên quán xét việc biết đủ. Pháp biết đủ chính là chỗ giàu có, vui vẻ, an ổn. Người biết đủ dù nằm trên mặt đất, vẫn thấy yên vui. Người không biết đủ, dù ở trên cảnh trời cũng chưa thỏa ý”. Kẻ không biết đủ, tuy giàu mà nghèo. Người biết đủ, tuy nghèo mà giàu. Kẻ không biết đủ thường bị năm dục dắt dẫn, nên người biết đủ lấy làm thương xót. Như vậy gọi là sự biết đủ.
Trong Quy Sơn Cảnh sách, Tổ Quy Sơn đã dạy cho đồ chúng của mình như sau: “Đạo sư hữu sắc, giới húc Tỳ kheo, tiến đạo nghiêm thân, tam thường bất túc”. Phật có lời răn dạy rằng: Các Thầy Tỳ kheo muốn tiến tu đạo nghiệp, trang nghiêm pháp thân thì ba việc thường phải chẳng đủ. Ba việc đó là ăn, mặc và ngủ. Chẳng đủ nghĩa là hơi thiếu một chút, chớ không phải không cần ăn, mặc không đủ ấm hay thiếu ngủ. Đôi khi chúng ta hiểu lầm nghe nói chẳng đủ rồi thức luôn không cần ngủ, hoặc nhịn đói không ăn…đó là nguồn gốc gây ra bệnh. Người thế gian thì ngày ba bữa lại thêm các món ăn chơi, chúng ta ăn ít hơn họ một chút thì sáng ăn sơ sài gọi là tiểu thực. Trưa ăn đầy đầy một chút gọi là ngọ trai. Chiều uống chút bột cho ấm bao tử, ngồi thiền khỏi xót ruột, ấy là thiếu đó. Nếu chiều ăn một bữa đầy bụng thì dư rồi. Thiếu một chút đó là để mình “tiến đạo nghiêm thân”. Ăn, mặc, ngủ ta đều bớt thì sự tu hành mới dễ tiến [12].
“Thiểu dục tri túc tâm thường lạc
Xuất thế vô cầu phẩm tự cao”.
Đức Phật dạy cho chúng ta phương pháp Thiểu dục và Tri túc này quả thật là tuyệt vời, điều mà Ngài đã từng thực nghiệm và thực chứng qua nhiều kiếp tu tập của mình trong quá khứ. Vì thế, nếu mỗi cá nhân nếu muốn có hạnh phúc thật sự thì phải sớm phát nguyện và thực hành hạnh Thiểu dục và Tri túc ngõ hầu mang lại lợi cho chính mình và ích cho tha nhân. Từ xưa đến nay, không có một vị giáo chủ nào, nhà hiền triết nào được gọi là tự do giải thoát mà lại không khinh thường vật chất, xa rời danh vọng tiền của, ăn sung, mặc sướng cả. Nhờ Thiểu dục tri túc mà gia đình xã hội được an vui, hòa bình, không còn ai giành giật của cải, danh vọng, miếng ngon, vật lạ của ai nữa. Mới có thể thấy lợi ích của Thiểu dục, Tri túc thật không sao kể xiết được [13].
Xã hội càng hiện đại, nếu không biết đủ, lòng tham càng trỗi dậy, sẽ dễ dẫn con người đến việc trộm cắp, lừa lọc, mánh khóe, thậm chí phạm pháp như tham ô, giết người, cướp của… Nhất là trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, đã có rất nhiều hành vi bất chính như đầu cơ, sản xuất, mua bán nước sát khuẩn, khẩu trang, găng tay y tế giả, hàng kém chất lượng, lừa gạt người dân nhẹ dạ cả tin… với mục đích trục lợi cho bản thân. Trong tình huống này thì phương pháp “Thiểu dục tri túc” chính là để giúp họ cảnh tỉnh và dừng lại những hành vi mất nhân tính, giúp con người nhận ra được giá trị hạnh phúc, đừng vì lợi ích của bản thân mà làm hại đến người khác, giúp họ biết cách sống vui và hạnh phúc với những gì mình đang có, đang sở hữu, chạy đuổi theo lòng tham thì không bao giờ cùng tận. Vì vậy, tu tập pháp Thiểu dục tri túc là điều căn bản để loại trừ lòng tham.
Từ bao đời nay, nguyên nhân tạo nên những cuộc chiến tranh tang tóc đều xuất phát từ sự tham muốn xâm chiếm, thâu tóm, cướp đoạt… về quyền lợi, đất đai, vị thế, các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Một khi lòng tham nổi lên thì mãi mãi không có tiếng nói chung và nhường nhịn nhau hay là bất kì sự thỏa hiệp nào cả. Khi con người luôn muốn thỏa mãn được những nhu cầu tự đặt ra của bản thân thì vô tư khai thác tài nguyên môi trường, đến cạn kiệt và phải đón nhận hậu quả tàn khốc như ngày hôm nay. Nếu chúng ta không kiểm soát được những ham muốn của bản thân thì sẽ tự gây hại cho bản thân và xã hội là điều tất yếu. Đức Phật dạy rằng: “Đương tri đa dục chi nhân, đa cầu lợi cố, khổ não diệc đa” [14] có nghĩa là: Người do nhiều tham muốn, cầu lợi nhiều, thì khổ não cũng nhiều.
Phàm sống ở đời, dù là tại gia hay xuất gia, nếu còn nhiều tham muốn là còn khổ, càng tham càng khổ. Một khi đã hiểu được những lời dạy này thì chúng ta cần phải biết vận dụng vào ngay cuộc sống hiện tại, phải nhận chân ra được tham là một trong ba món độc hại nếu ai nhiễm vào đều khó tránh luân hồi sanh tử khổ đau. Đã là người biết đạo lý thì phải có nghệ thuật sống thật hay: “Khi của cải ít thì sống theo ít, có nhiều thì chia sẻ bớt cho những người thiếu thốn. Thấy rõ vật chất là của tạm, dùng nuôi thân cho khỏe để làm lợi ích cho tha nhân”.
Lời Phật dạy về "Thiểu dục tri túc"
Từ những lời dạy trên của Đức Phật, chúng ta đã nhìn nhận được tầm quan trọng về cách sống “Thiểu dục, Tri túc”. Ngày nay, cách sống ấy vô cùng cần thiết khi mà tốc độ phát triển của xã hội nhanh chóng đi lên, vật chất đáp ứng đầy đủ nhưng phiền não chưa bao giờ được giải quyết triệt để. Hiểu đúng lời Đức Phật dạy về Thiểu dục tri túc chắc chắn chúng ta sẽ tìm được sự bình an nơi tâm hồn và tự tại giữa cuộc sống, không bị ngũ dục chi phối trong mọi hoàn cảnh.
“Mất được, được mất chốn phù hoa
Năm tháng trôi qua cũng nhạt nhòa
Biết đủ thường vui, tham thì lụy
Đường về chính đạo chẳng còn xa”.
Có thể nói, người biết đủ luôn cảm thấy an yên và hạnh phúc. Họ luôn mỉm cười đối mặt với mọi khó khăn của cuộc sống, trong mắt người đó điều gì cũng có cách giải quyết. Họ sẽ tìm ra hướng đi phù hợp và hoàn hảo nhất. Người biết đủ sẽ phân biệt được rõ điều gì nên làm, điều gì không nên làm. Trong suy nghĩ của người biết đủ không có chỗ cho sự tranh giành và đòi hỏi quá mức. Họ luôn cảm thấy hài lòng và thỏa mãn với cuộc sống hiện tại. Cũng vậy, nếu biết hài lòng với những gì mình đang có, chúng ta mới có thể sống hạnh phúc. Vì vậy, chúng ta không nên tham lam hay bằng mọi giá để đạt được những thứ vốn không thuộc về mình. Cần đặt ra một giới hạn nhất định để không phạm phải sai lầm và đánh mất lương tâm. Không thể phủ nhận sức hấp dẫn, tầm quan trọng của danh lợi cũng như vật chất. Nhưng bạn cần biết danh lợi và tiền tài là vật ngoài thân, là thứ không tồn tại mãi mãi. Chúng ta đừng vì lòng tham mải mê theo đuổi danh lợi, để rồi rơi vào vòng luẩn quẩn không thoát ra được. Kết quả cuối cùng không được gì mà còn đánh mất niềm vui, niềm hạnh phúc vốn có.
Con người đến với Đạo Phật là để được hạnh phúc hơn, an lạc hơn. Tuy điều kiện vật chất giúp ta sống có hạnh phúc hơn, điều đó không ai phủ nhận, nhưng chúng ta không thể đánh đổi, bất chấp tất cả để đạt được nó. Nếu chúng ta không hệ lụy vào vật chất thì chúng ta sẽ được cái cảm giác nhẹ nhàng, khoan khoái, tâm hồn thư thái, không lo âu muộn phiền những việc đã qua và mong cầu ở tương lai. Sống biết đủ cũng là cách sống yêu thương, san sẻ mình vì mọi người. Khi tham muốn thôi thúc, ta không có tinh thần vị tha đích thực, đơn giản vì ta không thể chia sẻ điều mình ước muốn cho người khác. Ở đâu có tham muốn, ở đó có ích kỷ. Ở đâu không có tham muốn ở đó có vị tha. Với tâm tham muốn ích kỷ, hẳn nhiên chúng ta sẽ vướng mắc hệ lụy và gây ra khổ đau cho mình và mọi người. Với tâm hài lòng biết đủ thì chúng ta đang trải nghiệm hạnh phúc trong hiện tại và tương lai. Để thế giới này luôn đầy ắp tiếng cười và niềm vui, để hôm nay hạnh phúc hơn hôm qua, mỗi người chúng ta nên biết sống thế nào là đủ.
Chú thích:
[1] Mạnh Tường – Minh Tân dịch (2019), The Oxford concise dictionary, Nxb Hồng Đức
[2] Nguyễn Hiến Lê dịch và chú giải (2005), Lão Tử – Đạo đức kinh, Nxb Văn hóa.
[3] Nguyễn Duy Cần dịch (1961), Lão tử – Đạo Đức kinh, Nxb Khai Trí, quyển II, tr.59.
[4] Thích Huyền Dung dịch (2008), Kinh Từ bi thủy sám, Nxb Tôn giáo, tr.67.
[5] Lời Phật dạy người biết đủ là người giàu có, http://www.songdep.com.vn
[6] Những câu chuyện ẩn dụ trong điều hành và cuộc sống, http://www.conduongtritue.com
[7] Thích Thanh Từ (2008), Kinh Bát đại nhân giác, Nxb Tôn giáo, tr.15.
[8] Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến việt dịch (2010), Kinh Di Giáo, Nxb Tôn giáo, tr.40-41.
[9] Siểm khúc: Siểm là nịnh hót, bợ đỡ kẻ quyền thế; khúc là cong vạy, chẳng ngay thẳng, tức là lòng dối trá chẳng theo đúng sự thật. Nói siểm khúc, vì hai tính xấu này đi đôi với nhau. Đã muốn nịnh hót, bợ đỡ, tất chẳng thể nói lời ngay thật được.
[10] Do ham muốn nên năm căn chạy theo năm trần, dắt dẫn, thúc giục người ta tạo các ác nghiệp. Trừ được tham muốn thì chế phục được năm căn, chẳng bị chúng dắt dẫn nữa.
[11] Nếu hiểu Niết-bàn là an vui tự tại, thì người ít ham muốn ắt có thể được hưởng cảnh vui tự tại đó ngay tức khắc, chẳng đợi đến kiếp sau.
[12] Thích Thanh Từ (2010), Quy Sơn cảnh sách giảng giải, Nxb Tổng hợp TPHCM, tr.15.
[13] Thích Thiện Hoa (2006), Phật học phổ thông, Nxb Tôn giáo, tr.238.
[14] Đoàn Trung Còn – Nguyễn Minh Tiến việt dịch, sách đã dẫn, tr.18.