Sách Phật giáo

Khái luận về Pháp tướng Duy thức học (Hết)

Thứ ba, 28/02/2017 09:17

Hạng Phàm phu muốn chứng quả Thánh thì bước đầu là phải đoạn diệt từng phần các chủng tử của phiền não hiện hành đang nương tựa, tức là trước hết biết khi nào cái tâm chấp trước tự ngã của Ý Thức thứ sáu xuất hiện mà đem cái tâm chấp trước tự ngã này ly khai và tẩy sạch. Ly khai vĩnh viễn cả sự chấp ngã hằng thâm tư lương câu sinh của Thức Mạt Na thứ bảy thì mới có thể vào nơi Thánh Vị tối sơ.

11. Vấn Đề Có Và Không Của Các Pháp Vô Tính Cũng Như Của Các Pháp Tự Tính

Các pháp của Duy Thức đã được giảng rõ, nhưng các pháp của Duy Thức đây có tính quyết định không? Các pháp của Duy Thức nếu như không có tính quyết định, chẳng qua do ngôn thuyết và tư tưởng kiến lập mà thôi, cũng giống như Khương Đức cho rằng vũ trụ đều do Ý Thức sáng lập thì bản thân của các pháp quyết định không có tự tính và như thế các pháp trở thành thuộc loại Không; còn các pháp nếu như có tự tính của nó thì trở thành thuộc loại Có. Có tự tính thì các pháp đều có, không tự tính thì các pháp đều không và cũng từ đó tạo thành vấn đề Có và Không. Vấn đề Có và Không có thể quán chiếu qua ba phương pháp sau đây:

a) Biến Kế Sở Chấp Tự Tính: nghĩa là tất cả pháp Y Tha Khởi thật ra không phù hợp với nhau, nguyên vì chúng hoàn toàn được thành lập từ nơi sự quyết định của Ý Thức. Những pháp Y Tha Khởi do Ý Thức tính toán so lường biến hiện rộng khắp thì không thể thích hợp như nó lượng tính, hoặc có loại tăng thêm sự lợi ích, hoặc có loại gây thêm sự tổn hại, vì tự tính của những pháp nói trên là do chấp pháp mà thành lập, cho nên có thể biết được chúng nó tuyệt đối không thật thể.

Xét cho chùng chỗ chấp pháp sở dĩ cho là Không chỉ vì bệnh chấp đây do bởi mê lầm mà chấp lấy các pháp Y Tha Khởi kia, nhưng sự thật không phải đem bản thân của Ý Thức đi tẩy sạch mới cho là Không. Sau khi thoát ly được vọng chấp này, đối với tính thật thể của các pháp, hai chấp ngã và pháp không còn phát khởi để làm tổn hại thêm thì tất nhiên không còn phương hại đến Biến Kế nữa.

b) Y Tha Khởi Tự Tính: nghĩa là tự tính của các pháp đây mặc dù không có tồn tại độc lập, tuy nhiên công dụng và tướng mạo của chúng có thể quan hệ nơi các duyên khác để hiện khởi. Nhân của các pháp Y Tha Khởi thì dựa vào các hạt giống bất đồng nhau và duyên của các pháp Y Tha Khởi thì lại gá nương vào nhiều loại pháp đã quan hệ hỗ tương để hiện khởi, cho nên trở thành nhiều loại pháp sai biệt nhau, mặc dù các pháp Y Tha Khởi tuyệt đối không tồn tại, nhưng nhờ đó có những công dụng của những sự việc tương đối.

c) Viên Thành Thật Tự Tính: nghĩa là tất cả pháp hiện hữu của Y Tha Khởi đều do Duy Thức biến hiện, nguyên do tri thức thì có nhiều thứ khác nhau cho nên có nhiều loại sai biệt nhau. Những thứ tri thức trùng trùng sai biệt này nếu như tận lực trừ khử cho hết và quét sạch những vọng chấp sai biệt chủ quan này thì trí tuệ liễu tri cảnh giới liền trở thành bình đẳng phổ biến và lúc đó không những các pháp Biến Kế Sở Chấp của Ý Thức vọng chấp đều là không mà cho đến sự sai biệt của các pháp Y Tha Khởi lại cũng đều là không, nhờ thế trí tuệ liễu tri cảnh giới liền thông đạt đến tính tướng chân thật của các pháp và tính tướng chân thật của các pháp đây được gọi là Viên Thành Thật Tính.

Từ đó cho thấy các pháp Y Tha Khởi và các pháp Viên Thành Thầt thì có tự tính, riêng các pháp Biến Kế Sở Chấp thì không có tự tính. Điều cốt yếu là phải tẩy trừ cho sạch những vọng chấp của Ý Thức để trở thành không và nếu chẳng như thế thì chỗ thấy cùng với chỗ biết của Y Tha Khởi cũng như của Viên Thành Thật lại trở thành ra pháp của Biến Kế Sở Chấp cả. Vì lý do đó trí chân thật của vô phân biệt nhất định phải có hiển hiện để vừa không vọng chấp và để vừa có thể thông đạt đến Y Tha Khởi của các duyên sinh ra. Thông đạt đây nghĩa là thông đạt cái tướng của Y Tha Khởi.

Tông chỉ Không của Phật Pháp là đối với các pháp Biến Kế Sở Chấp mà nói các pháp Biến Kế Sở Chấp nếu như không triệt để tiêu trừ trở thành không thì không thể đạt đến thật tướng của các pháp. Viên Thành Thật Tính nếu như chưa đạt đến thì mặc dù có nói đến nhân duyên của Y Tha Khởi mà trong lúc đó không khởi lên Biến Kế Sở Chấp đi nữa thì cũng không đúng với sự thật của các pháp.

12. Vấn Đề Chân Và Huyễn Của Pháp Tướng Duy Thức Cũng Như Của Pháp Tính Duy Thức

Pháp Tướng Duy Thức là căn cứ nơi Pháp Tính Duy Thức để thành lập. Pháp Tướng Duy Thức tức là chỉ cho các pháp thuộc Y Tha Khởi. Các pháp thuộc Y Tha Khởi là những pháp do nhiều duyên quan hệ với nhau thành hình. Trong nhiều duyên đó, Thức chính là một trong những duyên thù thắng và trọng yếu hơn cả, nguyên vì các pháp của Y Tha Khởi do các duyên quan hệ biến hiện đều là thuộc loại năng biến của Tri Thức Liễu Tri.

Tất cả pháp nếu như nương nơi Tri Thức của các thứ sai biệt thì hiện ra pháp tướng của các thứ cũng sai biệt theo, còn như chuyên cần ly khai và tẩy sạch các tướng sai biệt của Y Tha Khởi thì chân như thật tính của tất cả pháp hiện bày rõ ràng, đây chính là Pháp Tính Duy Thức vậy.

Nói một cách đơn giản, trong Thức Năng Biến và các Pháp Sở Biến, các pháp Y Tha Khởi sau khi lìa khỏi Biến Kế Sở Chấp chính là Pháp Tướng Duy Thức; Pháp Tướng Duy Thức đã trở thành không thì Nhất Chân Pháp Giới Bình Đẳng Chân Như liền hiển hiện chính là Pháp Tính Duy Thức. Hai nghĩa Pháp Tướng Duy Thức cùng với Pháp Tính Duy Thức này có thể giải quyết được vấn đề Chân và Huyễn, vì cái có của các duyên Y Tha Khởi thì thuộc về cái có của tương đối, không phải cái có của tuyệt đối; nói rõ hơn, cái có của Y Tha Khởi chính là như huyễn vậy.

Thông thường vấn đề bản chất hiện tượng được đề cập đến đều là chỉ cho các pháp Y Tha Khởi và các pháp Y Tha Khởi này đều thuộc về cái có giả huyễn do các duyên hợp thành; riêng Pháp Tính Duy Thức của Viên Thành Thật Tính tức là thể tính chân thật của các pháp thì mới chân thật không có vấn đề giả huyễn. 

13. Vấn Đề Phàm Thánh Của Duy Thức Giới Tạp Nhiễm Và Duy Thức Giới Thanh Tịnh

Chân Như Pháp Tính thì lìa ngôn ngữ và tư duy, dứt hẳn vấn đề đúng sai, nhưng Pháp Tướng của Y Tha Khởi thì có nhiễm và tịnh khác nhau, cho nên mới có vấn đề phàm và Thánh. Phật Pháp nơi Phàm và Thánh thì có vấn đề giải quyết tinh nghiêm, nghĩa là được gọi là bậc Thánh thì phải chứng đặng quả Thánh tuyệt năng. Quả Thánh thì có giai cấp cao thấp không giống nhau: Tiểu Thừa có bốn bậc và Đại Thừa có mười một bậc.

Hạng Phàm phu muốn chứng quả Thánh thì bước đầu là phải đoạn diệt từng phần các chủng tử của phiền não hiện hành đang nương tựa, tức là trước hết biết khi nào cái tâm chấp trước tự ngã của Ý Thức thứ sáu xuất hiện mà đem cái tâm chấp trước tự ngã này ly khai và tẩy sạch. Ly khai vĩnh viễn cả sự chấp ngã hằng thâm tư lương câu sinh của Thức Mạt Na thứ bảy thì mới có thể vào nơi Thánh Vị tối sơ.

Duy Thức Giới là chỉ cho phạm vi của tất cả pháp trong đó gồm có Tạp Nhiễm Duy Thức Giới và Thanh Tịnh Duy Thức Giới. Tạp Nhiễm Duy Thức Giới là chỉ cho các pháp ô nhiễm bởi căn bản phiền não và tùy phiền não, vì có các pháp tạp nhiễm này trong Duy Thức Giới nên được gọi là Tạp Nhiễm Duy Thức Giới. Một phần hư vọng phân biệt của Tạp Nhiễm Duy Thức Giới nếu được tẩy sạch trở thành không thì chứng được một phần Thanh Tịnh Duy Thức Giới, cũng tức là mới bắt đầu thành bậc Thánh. Trùng trùng Tạp Nhiễm Duy Thức Giới này nếu như được tận diệt hoàn toàn để trở thành không thì chứng được quả Thánh tối cao là quả Phật.

Cho nên Pháp Tướng Duy Thức Học không phải chỉ chuyên lý luận suông mà còn phải biến cải Duy Thức Giới tạp nhiễm thành Duy Thức Giới thanh tịnh. Tôi thường cho Phật Pháp chính là cách mạng triệt để trong tự nhiên.

14. Vấn Đề Tu Chứng Của Duy Thức Hạnh Và Tịnh Duy Thức Quả

Đoạn này trình bày rõ ràng cần phải sử dụng thứ công phu gì để cải biến Duy Thức trở thành quả Thánh, cho nên mới có vấn đề tu chứng. Nói chung, giả sử những người không chân tu thật chứng thì không những chỉ trở thành những kẻ không đàm mà thôi. Như đã nói, lý luận thì phải căn cứ nơi sự thành quả của tu chứng vì nếu không như thế thì bao nhiêu căn bản cũng tùy theo đó bị lật đổ.

Tu Duy Thức Hạnh thì chứng Duy Thức Quả và hơn nữa tu Duy Thức Hạnh càng cao thì thành Duy Thức Quả càng cao; cho nên sự tiến hóa chân chính không ngoài tu chứng nơi Duy Thức này. Nhưng nói tiến hóa mà không có bối cảnh cứu cánh viên mãn thì hoàn toàn không có tiêu chuẩn và nghĩa của tiến hóa đây cũng thể thành lập. Hôm nay vấn đề tu chứng được phân làm hai đoạn để phân tích: 

a) Tứ Tầm Tư Dẫn Đến Tứ Như Thật Trí Và Ngũ Trùng Duy Thức Quán

Tứ Tầm Tư dẫn đến Tứ Như Thật Trí và Ngũ Trùng Duy Thức Quán chính là do tâm lý cải biến tâm lý và không những tâm lý đã bị cải biến, sinh lý cũng bị cải biến theo, mà cho đến vật lý cũng bị cải biến theo; cải biến cho đến khi hiện tượng của vũ trụ thảy đều là chân như vô phân biệt thì lúc đó vũ trụ trở thành một thứ tự tha hỗ tương viên dung bỉ thử vô ngại. Nói cách khác, tâm lý cải biến đến khi nào vũ trụ trở thành sự vô ngại pháp giới không thể nghĩ bàn.

Tuy nhiên sự cải tạo đây bắt đầu bằng cách huấn luyện tâm lý, tức là cải tạo Ý Thức trước hết. Đại để người đương thời thường sử dụng ngôn ngữ và danh tự làm chân tướng để đạt được sự vật, cũng chính vì thế quán chiếu khởi điểm từ danh ngôn. Nhận thấy danh ngôn chỉ thuộc về danh ngôn, sự thật thuần nhất quan hệ nơi sự thật, sự thật tuyệt đối không phải là danh ngôn, danh ngôn cũng không phải là sự thật, cả hai tách rời ra thì chẳng theo kịp với nhau, đây là ý nghĩa của Danh Tầm Tư và Sự Tầm Tư, là hai Tầm Tư trong Tứ Tầm Tư. Ba là Tự Tính Giả Lập Tầm Tư, bốn là Sai Biệt Giả Lập tầm tư, nghĩa là thông thường trên tư tưởng, không luận nơi một danh tự hoặc nơi một sự thật đều có đặc định ý nghĩa cho nó gọi là tự tính.

Như nói đến tách trà, chỉ là chính nó giữ gìn được tự thể của nó và bảo thủ được bộ phận tự thể của nó khiến cho không quán thông (không giống) với các vật khác. Nghĩa của chữ Quán là sai biệt đối với các vật khác, như nói tách trà là vật do đất chế tạo có thể bị hư hoại và nhĩa có thể bị hư hoại đây chính là quán thông nơi vật khác tức là chỉ cho sự không sai biệt. Quán thông với các vật khác là nghĩa không sai biệt với các vật khác. Không quán thông với các vật khác là nghĩa sai biệt với các vật khác. Nghĩa quán thông nơi vật khác là đối với nhiều người, còn nghĩa bộ phận tự thể là đối với riêng mình, dùng khách từ để giải thích chủ từ, không dùng chủ từ để giải thích khách từ, cho nên chủ từ gọi là tự tính và khách từ gọi là sai biệt.

Mỗi danh tự mỗi sự vật mặc dù có thể giả lập tự tính, giả lập sai biệt, nhưng trong ý nghĩa tự tính giả lập đây có ý nghĩa vô sai biệt giả lập cũng như trong ý nghĩa sai biệt giả lập có ý nghĩa vô tự tính giả lập. Thứ tâm lý huấn luyện này nói chung thì cũng giống như Phù Hiệu của La Tập. Như công thức xưa của La Tập chủ trương, chủ từ là tự tính và khách từ là sai biệt. Phù Hiệu của La Tập cho rằng các thứ chủ từ, khách từ chẳng qua trình bày thứ tự không giống nhau, nguyên do các thứ khái niệm đều trở thành một loại khái niệm tự lập, chỉ vì tổ chức bất đồng nhau trở thành là hoặc chủ hoặc khác, kỳ thật tự tính giả lập chỉ là tự tính giả lập và sai biệt giả lập chỉ là sai biệt giả lập.

Bốn thứ Tầm Tư Quán này luôn luôn đem ra luyện tập thì có thể phát sinh Tứ Như Thật Trí. Như Thật Trí tức là tâm lý liễu tri thật tế do tu tập kết thành như thế và tâm lý này sinh khởi trí tuệ ấn chứng sự quyết định. Như thật nơi sở duyên chính là danh, là sự, là tự tính, là sai biệt và liễu tri về danh, về sự, về giả lập gọi là Tứ Tầm Tư dẫn đến Như Thật Trí. Năm lớp Duy Thức Quán gồm có:

* Lớp thứ nhất là ly khai và tẩy sạch các pháp biến kế vọng chấp, chỉ còn lại Thức Năng Biến và các Pháp Sở Biến của Pháp Tướng Duy Thức và Pháp Tính Duy Thức của Viên Thành Thật.

* Lớp thứ hai là quán sát Tướng Phần của các pháp do Duy Thức biến hiện đều là Pháp Sở Liễu Tri, được biến hiện trên Thức Năng Tri, quán sát đến khi nào chỉ còn lại Tâm và Tâm Sở Pháp của năng tri và của năng biến.

* Lớp thứ ba là quán trong hai phần năng duyên và ba phần sở duyên chỉ còn tự thể hồn nhiên không phân biệt, không những tướng phần đã là không và cho đến kiến phần cũng không còn thì sự phân chia hai phần kiến và tướng đều mất hẳn, chỉ còn lại phần tự thể hồn nhiên không phân biệt.

* Lớp thứ tư là quán trong tất cả tâm và tâm sở pháp, các Tâm Sở chỉ là thuộc tính công dụng của Tâm Vương, không thể cùng với Tâm Vương tương đối tồn tại, cho nên chỉ có tám Thức Tâm Vương mới là quan trọng.

* Lớp thứ năm là quán tám Thức Tâm Vương chính là hỗ tương tương đối nương nhau mà có, suy cứu triệt để thì như huyễn như hóa mà không quyết định, do đó chân thật rốt ráo chỉ có Pháp Tính Bình Đẳng Chân Như đã xả bỏ hẳn tướng hư vọng nương nhau tương đối thì mới thực sự là chân thật tồn tại, lớp thứ năm này là bỏ pháp tướng để chứng pháp tính.

Khi chứng được Chân Như Pháp Tính nơi lớp thứ năm này, Duy Thức Giới thanh tịnh mới bắt đầu thành tựu và từ đây về sau năm lớp quán nói trên cần phải luôn luôn áp dụng tinh tấn tu tập thì mới có thể chứng được viên mãn hai quả chuyển y.

b) Đại Bát Niết Bàn Và Tứ Trí Bồ Đề

Niết Bàn là nghĩa viên tịch. Duy Thức tạp nhiễm khi chuyển thành Duy Thức thanh tịnh thì chứng đặng Đại Bát Niết Bàn và Niết Bàn là nơi hiện thành Trứ Trí Bồ Đề. Bồ Đề là nghĩa chính giác. Năm Thức trước được chuyển thành Thành Sở Tác Sự Trí, Ý Thức thứ sáu được chuyển thành Diệu Quan Sát Trí, Thức Mạt Na thứ bảy được chuyển thành Bình Đẳng Tính Trí và Thức Alaya thứ tám được chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí; nói cách khác tám Thức của tạp nhiễm giới liền chuyển thành bốn Trí của chính giác giới.

Hai đoạn trên đây cũng đủ cho biết một cách đích xác hạng Phàm phu có thể trở thành bậc Thánh và cũng chứng minh rằng Pháp Tướng Duy Thức Học có thể thành lập.
 
IV. SỰ LỢI ÍCH CỦA PHÁP TƯỚNG DUY THỨC HỌC

A. Phá Trừ Sự chấp Sai Lầm Của Ngã Pháp

Do mưu kế mà có tự ngã chủ quan nên gọi là ngã chấp và cũng do mưu kế mà có vũ trụ khách quan nên gọi là pháp chấp. Nhân có cái ngã thì nhất định phải có cái không phải ngã và vì đã có cái không phải ngã thế là cái tham nơi các thứ phát sinh, tham được được toại nguyện thì lẽ cố nhiên sinh ra sân hận, tham sân lại nương nơi si mê và kiêu mạn tạo thành thế giới khổ não và tất cả những sự việc kể trên đều phát sinh từ nơi hai bệnh chấp ngã và pháp này.

Học Pháp Tướng Duy Thức là hiểu rõ muôn pháp đều do các duyên hợp thành và do Duy Thức biến hiện thì quan niệm chấp ngã lẽ tất nhiên đã bị phá tan và cho đến các pháp sở hữu của ngã cũng không còn.

B. Diệt Tận Hoặc Chướng Của Sinh Pháp

Sinh là chỉ cho nhơn sinh của chúng sinh hữu tình và pháp là chỉ cho vũ trụ vạn vật v.v... Ngã chấp chưa phá tan thì phiền não chướng của tham, sân, si phát sinh và pháp chấp chưa trừ diệt thì cái chướng của sở tri lại cũng phát sinh. Pháp Tướng Duy Thức Học được biết rõ thì có thể đạt đến chân tướng cứu cánh tột cùng của vũ trụ nhơn sinh, nhờ liễu tri như thật về chân tướng cứu cánh tột cùng của vũ trụ nhân sinh cho nên cái chướng của phiền não và sở tri không thể nào phát sinh.

C. Giải Thoát Nghiệp Báo Biến Hoại

Vấn đề sinh tử, hoặc chướng sở dĩ được phát sinh là do lầm chấp ngã pháp, còn nghiệp thì lại phát sinh các thứ tư tưởng hành vi, nguyên do nghiệp nhân thì có hạn lượng và quả báo chiêu cảm thì cũng có hạn lượng, cho nên từ đó mới có vấn đề sinh tử.

Thí dụ như triều đại quân chủ chuyên chế, chung cuộc rồi cũng có lúc bị tiêu diệt, lý do nghiệp của triều đại đó đã hết và quả báo của họ tất nhiên phải chấm dứt. Lầm ngã chấp pháp nếu như được tẩy trừ cho sạch thì nghiệp báo biến hoại có thể giải thoát và nghiệp báo viên mãn của Tứ Trí Bồ Đề Bất Tư Nghì mới có thể thành tựu. Phật học thường gọi liễu thoát sinh tử tức là nói đến vấn đề này.

D. Ý Nguyện Của Tâm Tính Đầy Đủ

Nhơn sinh đều mong cầu đạt đến chí thiện, nếu như không đạt đến chí thiện thì ý nguyện của tâm tính không thể đầy đủ, cũng như nước của ngàn sông vạn hồ nếu chẳng chảy đến được đại dương thì không thể đạt đến kết cuộc tối hậu. Đại Viên Mãn Giác của Tứ Trí Bồ Đề vừa là nơi chốn của chí thiện; có thể đem tính tướng liễu tri như như của các pháp chuyển tất cả tạp nhiễm thành tất cả chí thiện là nguyện vọng của ý chí nhơn sinh có thể được đầy đủ.

E. Thành Tựu An Lạc Vĩnh Cửu

Đặc thù của an lạc thì có lâu và có mau, như thời đại của Tiểu Khương thì rất thái bình, hoặc thời cận đại phần lớn đại đa số nhơn loại đều mưư tìm quốc gia chủ nghĩa xã hội hạnh phúc rất lớn, nhưng vì nghiệp lực có giới hạn cho nên thành tựu sự an lạc cũng có giới hạn mà không phải vĩnh cửu.

Lý do thế giới có trị thì có loạn, nhơn sinh khổ và lạc thì luôn luôn tìm nhau, huống hồ quốc gia đã có hiện hữu mà không thể không diệt vong, cũng như thế giới nhơn sinh đã có hiện hữu mà không thể không hoại diệt, chì vì trước mắt đã bị giới hạn thì làm sao có đầy đủ giá trị! Cho nên Tứ Trí của Duy Thức Thanh Tịnh nhất định phải đạt đến kết quả Đại Bồ Đề thì mới có thể thành tựu được an lạc vĩnh cửu.

F. Chứng Đắc Thanh Tịnh Vô Ngại

Thanh Tịnh vô ngại tức là tự do chân thật là chí thiện tuyệt đối. Thông thường hai chữ tự do luôn luôn được nhắc đến là thứ tự do bị kiềm chế bởi căn trần tiếp nhận có giới hạn, có thể nói loại tự do này chính nó đã bị trói buộc mà không phải thứ tự do chân thật; vô lậu thanh tịnh nếu như chuyên cần tu tập thì được thành Duy Thức Giới thanh tịnh và khi chuyển Thức thành Trí, quả vị thanh tịnh vô ngại liền được chứng đắc nên gọi là ngã tịnh, đó là thứ tự do chân thật và chí thiện tuyệt đối. (Ngu Đức Nguyên ghi lại) (Kiến Hải San 14, quyển 3, kỳ 4).

loading...