Sách Phật giáo

Khái luận về Pháp tướng Duy thức học (P.3)

Thứ ba, 25/02/2017 10:05

Sự thành lập Pháp Tướng Duy Thức Học nhằm phủ định tất cả vạn pháp và lẽ đương nhiên sự phủ định của Pháp Tướng Duy Thức Học nếu như khảo sát lý do thì rất cụ thể không ngoài mục đích chứng minh sự thật của các pháp hữu vi và vô vi.

III. SỰ THÀNH LẬP CỦA PHÁP TƯỚNG DUY THỨC HỌC

Do xuất phát vấn đề nghiên cứu hai nhu cầu trọng yếu về sụ cứu cánh của chân thật và sự tồn tại của điều thiện ở trước, Pháp Tướng Duy Thức Học thực tế được thành lập cũng nhờ trợ duyên từ hai động cơ trên, nghĩa là hai động cơ này chính là nguyên nhân phát sinh Pháp Tướng Duy Thức Học. Sự thành lập Pháp Tướng Duy Thức Học nhằm phủ định tất cả vạn pháp và lẽ đương nhiên sự phủ định của Pháp Tướng Duy Thức Học nếu như khảo sát lý do thì rất cụ thể không ngoài mục đích chứng minh sự thật của các pháp hữu vi và vô vi.

Sự phủ định của Pháp Tướng Duy Thức Học nêu như so sánh với học thuyết phủ định hiệu quả của Duy Tâm Luận thì cũng có thể cho là tương đương với nhau. Học thuyết phủ định hiệu quả của Duy Tâm Luận mặc dù thuộc loại tương tợ với Duy Thức, nhưng đối với bất cứ sự việc gì đầu tiên cũng đều biện luận, nghĩa là luôn luôn ghép muôn loại vào trong Duy Tâm Luận. Các loại Duy Tâm Luận tuy cho rằng nguyên lý đều hiện hữu một cách đặc biệt, nhưng có nhiều vấn đề không thể giải quyết và cũng không thể thành tựu.

Cũng vì Duy Tâm Luận đã không được thành lập một cách rõ ràng ở trước, cho nên Pháp Tướng Duy Thức Học sau này thiết lập mới được hoàn thành một cách rực rỡ. Trung Quốc từ xưa tới nay đối với Duy Tâm Luận ít có quan hệ lý luận, do vì trước đây họ đã thông đạt tríết thuyết Thái Cực v.v... và nhìn chung Duy Tâm Luận không có gì nổi bật, cho nên Trung Quốc ngày nay mỗi khi đề cập đến Duy Tâm Luận đều cho là thuộc về triết học của Tây phương.

Duy Tâm Luận Tây phương đã có từ xưa và mãi đến cận đại vẫn còn được phổ biến rộng rãi. Duy Tâm Luận cổ đại (Sipiritualism) thì gần giống Quan Niệm Luận (Idealism) và Quan Niệm Luận chẳng qua là một thứ hình tướng mà thôi; Quan Niệm Luận cũng xưng là Duy Tâm Luận, nhưng thà đừng xưng là Duy Lý Luận (Apriorism). Những ngôn từ này cho đến ngày nay chỉ riêng có ở nơi Duy Tâm Luận Tây phương cận đại. Duy Tâm Luận cận đại lúc đầu nói chung phát khởi không được sung mãn đối với Đa Nguyên Luận, Nhị Nguyên Luận và Duy Vật Luận.

Ngoài Duy Tâm Luận cận đại, các luận thuyết nói trên đều có thể gọi là Tố Phác Thật Tại Luận (Naiverealism); Thật Tại Luận của Tố Phác cho rằng thấy và nghe là do con mắt và lỗ tai, nghĩa là con mắt và lỗ tai có thể nhận biết được thật tại của sự vật. Cho nên chúng ta có được tri giác chân thật là lý do nó phù hợp với sự vật khách quan. Vấn đề nhẹ nặng, dày mỏng, lớn nhỏ, vuông tròn đều là sự thật vững chắc và trọn vẹn của sự vật, mặc dù tâm có nhận thức hay không nhận thức cũng không quan hệ; tính chất bao hàm của tri thức chẳng qua nương nơi sự vật để có nhận thức mà thôi.

Hệ phái Tố Phác Thật Tại Luận là căn cứ nơi một loại kiến giải thường thức để phát huy, như thấy cái bàn này tồn tại tức thì nương nơi thật tại của cái bàn để thêm vào sự nhận thức, như nhận thấy nguồn gốc của vạn hữu là thật thể do nhiều yếu tố bất đồng kết thành liền chủ trương Đa Nguyên Luận; cũng có những phái nhận thấy nguồn gốc của vạn hữu do hai loại yếu tố hoặc một loại yếu tố kết thành liền chủ trương Nhị Nguyên Luận hoặc Nhất Nguyên Luận; Nhất Nguyên Luận đây tức là Duy Vật Luận và cũng đích thực là Tố Phác Thật Tại Luận. Nhằm để chống đối với Tố Phác Thật Tại Luận, các Duy Tâm Luận cận đại ra đời gồm có Chủ Quan Duy Tâm Luận và Khách Quan Duy Tâm Luận. những lý luận được thua của hai hệ phái Duy Tâm Luận này hôm nay xin lần lượt trình bày sau đây:

A. Các Duy Tâm Luận Không Thể Thành Lập

1. Chủ Quan Duy Tâm Luận Không Thể Thành Lập

Các phái kinh nghiệm cận đại gồm có: Bồi Căn (Bacon), Lạc Khắc (Locke) cho đến Hưu Mô (Hume) đều chủ trương rằng, phàm những người có kinh nghiệm tức là đã có cảm giác hiện tượng; con người giả sử loại bỏ những hiện tượng kinh nghiệm cảm giác của năm giác quan ra ngoài, như hình sắc nhìn thấy được, âm thanh nghe được, cho đến sự xúc chạm cảm giác được trên thân thể v.v... thì hoàn toàn không thể có kinh nghiệm. Từ trước đến nay vấn đề quan niệm nào là quan hệ phép tắc quán thông lý tính v.v... thực tế chẳng qua là trật tự trên kinh nghiệm của cảm giác đạt đến.

Tư tưởng của hệ phái kinh nghiệm nhân đó có một phần tiến bộ và Bột Khắc Lai (Berkleg) mới là người phát sinh Duy Tâm Luận Chủ Quan, Bột Khắc Lai phủ nhận bản chất tồn tại của vật chất, do vì tính chất của tất cả sự vật đều là chỗ hiểu biết của tâm tôi, cho đến vật thể của vạn hữu vũ trụ mà người ta thường đề cập tất cả đều là chỗ tri giác của tâm tôi và ngoài tri giác này ra quyết không có thực chất nào tồn tại cả; nhờ tri giác trên, mọi thứ hiện tượng mới được phát hiện, nghĩa là chỉ có tự tâm mới tri giác được hiện tượng. Ý của Bột Khắc Lai cho rằng vấn đề tồn tại của tất cả sự vật đều nằm trong Ý Thức Chủ Quan và ngoài Ý Thức Chủ Quan không có sự vật nào tồn tại cả, nghĩa là vấn đề tồn tại ở đây tất nhiên đã bị tri giác.

Chủ Quan Duy Tâm Luận trên lý luận hình như lúc nào cũng có thể thành lập, nhưng một khi suy cứu đến thì lại có quá nhiều nghi vấn. Họ Bột cho rằng sự tồn tại của tất cả ngoại vật đều quy về ảnh tử của tự tâm chủ quan hiện ra thì tự tâm giống như cái gương, còn tất cả ngoại vật giống như ảnh tử trong gương và nếu như chỉ riêng có tự tâm thì nhân cách của người khác cũng bị phủ nhận luôn.

Suy cho cùng, họ Bột chẳng qua quan niệm riêng biệt sự tồn tại của tự tâm, nhưng còn đối với quốc gia, xã hội, pháp luật, luân lý v.v... theo ông tất cả đều thiết lập trên hư giả và vô tình làm mất đi sự công dụng hữu hiệu của nó; sự điên đảo này không thể nào chấp nhận sống chung trong đời được! Nên tư duy lại một lần nữa; như họ Bột đã nói, cái chén để thấy, ngoại trừ hình sắc, mùi hương v.v... đều không có sự tồn tại của thật chất; nhưng dù không ai quan sát hay chú ý đến, nếu trải qua một đêm và cả một ngày sau, cái chén vày vẫn còn tồn tại.

Thử hỏi cái chén này qua đêm có tồn tại liên tục không? Nếu bảo rằng cái chén để thấy chính là do tâm của ông mà có, nhưng tâm của ông đã không biết thời gian hao mòn của cái chén sao gọi là thấy lại được một lần nữa sự tồn tại của cái chén ngày hôm qua? Điều đó chứng tỏ lý thuyết của họ Bột không đứng vững khi cho rằng sự tồn tại của mọi vật nếu như không tồn tại nơi tự tâm hoặc nơi tâm của người khác thì nhất định cũng phải tồn tại nơi tâm của Thượng Đế, nhưng Thượng Đế không phải do kinh nghiệm mà có thì lẽ dĩ nhiên không thể thành lập được, cho nên học thuyết của họ Bột lại càng không có giá trị!

2. Khách Quan Duy Tâm Luận Không Thể Thành Lập

Chủ Quan Duy Tâm Luận đã được phát sinh từ nơi hệ phái Kinh Nghiệm thì Khách Quan Duy Tâm Luận lại được phát sinh từ nơi hệ phái Lý Tính, vì học thuyết của Chủ Quan Duy Tâm Luận không thể hoàn bị, cho nên một chuyển biến mới là Khách Quan Duy Tâm Luận ra đời nhằm để giải trừ những rắc rối khó khăn đã nêu ở trên mà Chủ Quan Duy Tâm Luận gặp phải. Khách Quan Duy Tâm Luận chủ trương rằng vạn hữu vũ trụ đã có tâm cộng đồng hoặc ý thức cộng đồng cho nên thuộc về thành phần khách quan tồn tại, vì vạn hữu chính là biểu hiện duy nhất của Tâm Khách Quan.

Theo học thuyết này vũ trụ gồm có động vật, thực vật, khoáng vật, mặc dù trình độ có chỗ không giống nhau, nhưng đều là vũ trụ của tâm cộng đồng, giống như ngàn sông vạn hồ cũng đều là nước cả. Nhân loại hoặc dân tộc nào đó là thuộc về hạng tối cao của tâm cộng đồng phát triển và còn động vật, thực vật, khoáng vật v.v... là thuộc về hạng thấp kém của tâm cộng đồng kiến tạo, cho nên sự tồn tại của vạn hữu đều do tâm khách quan này quyết định. Tâm khách quan đây chính là tự mình, là người khác, là vạn hữu và cho đến toàn thể vũ trụ; hơn nữa mỗi người chỉ là một phần của tâm cộng đồng và tự tâm cá nhân không phải làm nên chỗ đứng mà ở đây tâm cộng đồng mới thực sự làm nên chỗ đứng.

Có thể cho rằng Hắc Cách Nhĩ (Hegel 1770-1831) là người đại biểu của phái này. Ông chủ trương rằng tâm cộng đồng thì bao quát tất cả, tính toán, vẽ vời và chi phối vạn hữu vũ trụ. Tâm cộng đồng không thể chứng minh cũng như Nhất Thần Giáo cho rằng, thực chất và hình tướng đi đứng như thế nào của một vị Thần không thể chứng minh? Những dữ kiện trên cho thấy một vị Thần không thể thành lập thì tâm cộng đồng cũng không thể thành lập.

Vả lại, quan niệm tâm khách quan tồn tại của ông Hắc Cách Nhĩ chẳng qua cho vạn hữu vũ trụ là tâm và nếu như so sánh với quan niệm vật chất không thể chứng minh của Tố Phác Thật Tại Luận thì chỉ khác nhau về danh xưng, nhưng cả hai lại giống nhau ở chỗ là không thể chứng minh và cũng chỉ giả lập theo danh ngôn mà thôi.

Duy Vật Luận đã không thể thành lập thì Khác Quan Duy Tâm Luận cũng không thể thành lập. Hôm nay, giả sử theo quan niệm của ông Hắc Cách Nhĩ có tâm cộng đồng tồn tại thì vạn hữu nhất định phải do tâm cộng đồng sinh ra; nhưng trong thế gian, phàm người bị sinh đều giống với kẻ sinh ra, như người sinh ta người, thú sinh ra thú và chưa từng có đá sinh ra người hay sinh ra thú vật; Tâm cộng đồng nếu như chỉ có một thì làm sao sinh ra vạn hữu hoàn toàn sai biệt nhau, nghĩa là người bị sinh cùng với kẻ sinh ra không bao giờ giống nhau?

Lại nữa, vạn hữu vũ trụ thực sự do tâm cộng đồng hiện ra thì phải hợp nhất với cộng đồng, nghĩa là tại sao sự vật phải có đủ các duyên mới thành công được? Ngược lại, các duyên nếu như bị khiếm khuyết thì sự vật không biết nương vào đâu để hiển hiện? Với những vấn đề trên, Khách Quan Duy Tâm Luận không thể thuyết minh rõ ràng, cho nên cũng rất khó khăn trong sự thành lập.

3. Ý Chí Duy Tâm Luận Không Thể Thành Lập

Khang Đức (Kant 1724-1804) là người điều hòa phái Lý Tính và phái Kinh Nghiệm, một mặt thừa nhận phái Kinh Nghiệm cho rằng, phàm những gì tồn tại thì không thể vượt ra ngoài kinh nghiệm của năm giác quan; mặt khác họ Khang lại thiết lập một thứ [Vật Như] Dingan-Sich hoặc gọi là Vật Tự Tồn Ngoài Kinh Nghiệm, là thứ mà tri giác cảm quan không thể biết được; hơn nữa ông chủ trương có loại năng lực Lý Tính Tiên Thiên hướng về sự hỗn tạp không mạch lạc để lập ra phép tắc trong kinh nghiệm.

Vật Tự Tồn nếu như ở ngoài tất cả tri thức không thể biết đến thì họ Khang nhất định không phải là người Duy Tâm Luận và cũng không phải là người Duy Vật Luận, nhưng sau đó thuyết Vật Tự Tồn Ngoài Kinh Nghiệm không thể biết của họ Khang thiết lập có số người giải thích cho là Duy Vật và có số người giải thích cho là Duy Tâm.

Thúc Bổn Hoa (Schopenh-Aucr, 1789-1860) lại giải thích Vật Tự Tồn chính là ý chí cầu sinh tồn của chúng ta và ý chí này thật sự không thể biết được nó như thế nào, nhưng nhờ có ý chí đòi hỏi sinh tồn cho nên mới nỗ lực biểu hiện liên tục không gián đoạn tại các nơi. Sự hoạt động của tất cả cơ quan sinh tồn, sự trưởng thành vĩnh cửu của các thực vật và sự xung động của tất cả động vật đều là do ý chí đứng đầu biểu hiện đầy đủ căn bản của thế giới; Ý chí tồn tại thì vạn hữu mặc dù đã bị tiêu diệt, nhưng cũng lại được tiếp nối sinh ra, diệt và sinh không bao giờ chấm dứt.

Chỉ vì ông Thúc Bổn Hoa đã chịu ảnh hưởng tư tưởng của Số Luận và của Tiểu Thừa Ấn Độ thành thử quan niệm rằng, thế giới nhân sinh đã sản xuất sự đòi hỏi mù quáng của ý chí kia cho nên mới bị thống khổ; theo họ con đường căn bản của sự giải thoát chính là phủ nhận ý chí cầu sinh, khiến nó tiêu diệt qua nghệ thuật âm nhạc v.v... và cũng nhờ nghệ thuật âm nhạc này, ý chí cầu sinh lần lần bị mất hẳn.

Ông Thúc Bổn Hoa thừa nhận thế giới nhân sinh đều do ý chí tạo thành và ý chí cầu sinh kia rồi đây cũng sẽ bị tiêu diệt một khi vạn hữu do ý chí cầu sinh sinh ra bị tiêu diệt. Tư tưởng này lại gần giống với Số Luận hoặc Tiểu Thừa Ấn Độ. Có lần tại Đức Quốc Hội Tuân Xã Lý Thư tôi có hỏi rằng: chỗ gọi sức sống thì chỉ có một hay là có nhiều? Theo họ Đỗ giải thích: lúc ban sơ Sức Sống chỉ là một, sau lại thành ra nhiều và sau cùng lại trở về thành một.

Nay, Thúc Bổn Hoa cũng hỏi một câu tương tợ: chỗ gọi ý chí mù quáng thì chỉ có một ở nơi mỗi cõi hay là do muôn cõi cộng chung nhau lại làm một? Nếu như do muôn cõi cộng chung nhau lại làm một, ý chí sinh tồn của riêng mình một khi bị tiêu diệt thì lúc đó ý chí cộng đồng của muôn cõi lại như thế nào, có bị tiêu diệt theo cùng với ý chí sinh tồn của mỗi cá thể không? Còn như nói rằng, ý chí của mỗi cõi tự nó chỉ có một thì làm sao có thể sinh khởi thế giới cộng đồng muôn cõi? Cũng từ dữ kiện này, sự tiêu diệt ở đây chỉ có thể nói là ý chí của mỗi cõi tự tiêu diệt lấy và cũng chính là mỗi người tự mình giải thoát lấy.

Hiện tại đại cầu và thái dương của cộng đồng có phải là do ý chí của mỗi cõi sinh ra chăng? Địa cầu và thái dương nếu là do ý chí của mỗi cõi sinh ra thì ý chí mỗi người một khi bị tiêu diệt cũng không chút nào ảnh hưởng đến! Nếu như nói rằng: Thế giới v.v... chính là do ý chí của mỗi người sinh ra thì thế giới cùng ý chí của mỗi người dung thông với nhau như thế nào? Lại hỏi tiếp: xưa nay ý chí mưu cầu sinh tồn như thế nào không thể biết được, nó quan hệ nơi vô tướng để hiện khởi hay là quan hệ nơi vô tướng để nương tựa?

Ý chí mưu cầu sinh tồn nếu như quan hệ nơi vô tướng để nương tựa thì các pháp khác bị tiêu diệt không phải do nó; còn như nó quan hệ nơi hữu tướng để duyên khởi thì trước ý chí nhất định phải có nguyên nhân khác tồn tại, nghĩa là ý chí không phải là căn bản. Cho nên Ý Chí Duy Tâm Luận cũng không thể thành lập.

4. Kinh Nghiệm Duy Tâm Luận Không Thể Thành Lập

Chủ quan Duy Tâm Luận được phát khởi từ nơi phái Kinh Nghiệm, Khách Quan Duy Tâm Luận được phát khởi từ nơi phái Lý Tính, riêng Ý Chí Duy Tâm Luận thì gián tiếp được phát khởi từ nơi Khang Đức Điều, từ nơi phái Lý Tính và từ nơi phái Kinh Nghiệm. Cho đến Kinh Nghiệm Duy Tâm Luận cũng được phát khởi và mở rộng từ nơi phạm vi kinh nghiệm. Trước kia, phái Kinh Nghiệm được mang danh kinh nghiệm là do năm giác quan tri giác trực tiếp và phái này mở rộng phát huy kinh nghiệm đồng thời đem lý tính cùng với chủ nghĩa thực nghiệm quy về trong kinh nghiệm.

Thế nên Chiêm Mỗ Sĩ (William James, 1842-1910) v.v... sở dĩ đặt tên là kinh nghiệm là do căn cứ nơi tất cả chủ trương này, nghĩa là không luận Ý Thức hoặc tri giác hoặc tư tưởng hoặc tưởng tượng, cả thảy đều lệ thuộc vào những người đã có kinh nghiệm và năm giác quan đã hiểu biết đến; vì lý do đó không gian thì trở thành đại cương của kinh nghiệm và thời gian thì trở thành dòng thác của kinh nghiệm, cho đến toàn bộ nội dung của tâm lý cũng tức là nội dung của kinh nghiệm. Đồng thời nơi trong kinh nghiệm có thể phân làm hai loại: một là kinh nghiệm của Tố Phác và hai là kinh nghiệm qua Điêu Khắc.

Nguyên liệu kinh nghiệm của Tố Phác có thể trải qua công phu điêu khắc của Ý Thức, nhờ sự điêu khắc của Ý Thức, tướng trạng của các thứ lập tức thành hình và cũng nhờ Ý Thức đặt tên, các thứ lập tức thành danh; những hiện tượng đó mới thực sự là chân lý và cũng là thực tế hữu dụng. Những sự nghiệp và những tư tưởng hiện có trong thế gian đã được thành lập đều phải nương tựa nơi kinh nghiệm của Tố Phác và phải trải qua sự điêu khắc của Ý Thức, cũng vì thế tính chất chân lý quyết định không có thể đạt được.

Nói tóm lược, thời điểm này, nơi chốn này, nhu cầu sinh hoạt thực tế của chúng ta đã được thích ứng thì mới thành chân lý. Phái này mặc dù không phải dùng Duy Tâm Luận làm chỗ cứ điểm cho mình, nhưng lại đem phạm vi kinh nghiệm để suy rộng thêm ra mà đã gọi là kinh nghiệm thì lẽ dĩ nhiên không ngoài nội dung tâm lý cho nên gọi phái này là Duy Tâm. Chỉ vì phái này cấu tạo nên kinh nghiệm, nhưng lại nương nơi sinh lý cơ thể để sinh hoạt, cho nên dòng thác kinh nghiệm của họ phải có cơ thể đã được cấu tạo nên thì mới tồn tại và cơ thể đây chính là nền tảng sinh lý của vật lý, vì thế thân thể của cơ thể một khi bị hoại diệt thì dòng thác kinh nghiệm của họ cũng bị hoại diệt theo.

Hơn nữa cơ thể đây lại được cấu tạo rất nhiều nguyên tố vật chất và từ trên sự cấu tạo thành hình, cơ thể đây hoàn toàn sử dụng vật lý làm cơ bản. Phái Hành Vi Tâm Lý Học cũng có thể nói là chịu ảnh hưởng rất nhiều của phái Kinh Nghiệm này và theo họ thấy, dòng thác kinh nghiệm của phái Kinh Nghiệm sở dĩ được thành lập là nhờ xây dựng trên cơ cấu vật chất cho nên nó không phải Duy Tâm mà chính là Duy Vật. Suy cho cùng, phái Kinh Nghiệm Duy Tâm Luận lẽ tự nhiên rất là khó thành lập.

5. Trực Giác Duy Tâm Luận Không Thể Thành Lập

Bách Cách Sâm (Henri Louis Bergson 1859-X) không cho Trực Giác (Intuitionisme) là căn nguyên của vạn hữu và theo ông căn nguyên của vạn hữu chính là [Dòng Thác Sinh Mạng] hoặc [Nông Nổi Của Sinh Lý]; nhưng dòng thác sinh mạng đây lý trí không thể nắm bắt được và phải nhờ đến trực giác mới có thể hiểu biết đến. Nguyên do dòng thác sinh mạng chính thực là sự sinh sản chân thể hồn nhiên của vạn hữu và lý trí chỉ có thể thấy được là khi nào vật thể bị phân biệt kia xuất hiện, nhưng nếu như muốn hiểu biết được dòng thác sinh mạng thì thực tế phải sử dụng đến một thứ công cụ gọi là giác quan; dòng thác sinh mạng bên trong thì phải nhờ đến trực giác để hiểu biết.

Bình thường tri giác trực tiếp gọi là trực giác thì không có vấn đề phân biệt bỉ thử, tự tha, nội ngoại; từ trực giác đã ngộ được, dòng thác sinh mạng vạn hữu đây đã được tổng hợp với ý chí mù quáng của Thúc Bổn Hoa cũng đã được phối hợp với dòng thác kinh nghiệm của Chiêm Mỗ Sĩ và nhờ dùng trực giác đế nắm lấy then chốt của nó. Đây là dòng thác sinh mạng trong trực giác của Bách Cách Sâm chủ trương. Dòng thác sinh mạng này ẩn nấp phía sau Ý Thức của chúng ta và luôn luôn khích lệ cổ võ chúng ta hướng về con đường sáng tạo để chạy theo sự tiến hóa.

Ông Bách Cách Sâm dùng thuyết tiến hóa sáng tạo trên để phát minh và thuyết tiến hóa đó là dòng thác to lớn trường tồn vĩnh cửu kể từ nguyên thỉ cho đến hiện tại và liên tục mãi muôn đời về sau, còn vấn đề nông nổi của sinh lý giống như viên đạn lửa bắn ra chia làm hai dòng thác; một là ngọn lửa căng thẳng khẩn trương vọt lên là chỉ cho hiện tượng tinh thần như các loài động vật v.v...; hai là pháo bông buông thả từ từ rớt xuống là chỉ cho hiện tượng vật chất như các khoáng vật v.v... Phần trước là trình bày các động vật giống như ngọn lửa của viên đạn lửa căng thẳng rất khẩn trương; phần sau là trình bày các khoáng vật giống như pháo bông lốm đốm từng điểm.

Duy Tâm Luận đây tuy là một phái rất có thế lực, nhưng trên lý luận lại gặp nhiều vấn đề nan giải: thứ nhất, họ đã thừa nhận sự nông nổi của sinh lý là nguyên nhân sáng tạo ra động lực, nhưng tại sao vạn hữu lại có sự tồn tại của hệ thống trật tự, v.v...? Còn như chấp nhận vạn hữu không có hệ thống trật tự thì cũng không thể chủ trương thuyết tiến hoá được.

Thứ hai, vấn đề căng thẳng khẩn trương cho là tinh thần và buông thả cho là điều kiện thành vật chất, mà trên thường thức hoặc trên khoa học, ai cũng đều biết hiện tượng sinh mạng lẽ tất nhiên phải có hiện tượng phi sinh mạng để làm chỗ nương tựa và chỗ nương tựa đó hoặc là địa cầu, hoặc là hiện tượng vật chất của nó sử dụng, nhưng tại sao ở trước đã nói chỉ có hiện tượng tinh thần mới tồn tại mà thôi? Đúng như thế họ Bách chủ trưong hiện tượng sinh mạng của tinh thần có trước thì lại mâu thuẫn với nhau! Cho nên học thuyết này cũng rất khó thành lập.

6. Tồn Nghi Duy Tâm Luận Không Thể Thành Lập

Vật Tự Tồn Không Thể Biết của Khang Đức (Kant) có thể là Duy Vật Luận Tồn Nghi và cũng có thể là Duy Tâm Luận Tồn Nghi. Gần đây, Thuyết Tương Đối của An Tư Thản (Einsteins Albert 1879-X) thì phủ định sự tồn tại của vũ trụ khách quan, nghĩa là họ còn nghi mà chẳng nhanh chóng đoạn diệt và học thuyết này sở dĩ xuất hiện là do tất cả hiện tượng vận động cùng với thời gian, cùng với khoảng cách của nó không giống nhau đưa đến sự bất đồng quan điểm thành ra hiện tượng tương đối có khuynh hướng Duy Tâm Luận.

Căn cứ trên học thuyết, Duy Tâm Luận đây cũng có thể cho là Duy Tâm Luận Tồn Nghi. Ngoài ra Tân Thật Tại Luận (New Realism) của La Tố (Bertrand Russell 1872 -X) mặc dù chịu ảnh hưởng của Khách Quan Thật Tại Luận, nhưng đem những sự việc cảm quan của phái Kinh Nghiệm và nguyên lý siêu kinh nghiệm của phái Lý Tính làm nền tảng nhận thức, đồng thời quan niệm rằng, chúng nó tồn tại không nương tựa vào tâm và biến động chẳng phải do tâm, đó là ý nghĩa thật tại của Khách Quan Tồn Tại; ông chủ trương như thế với mục đích nhằm kiến lập Trung Lập Nhất Nguyên Luận, nghĩa là tâm và vật đều do Nhất Nguyên Trung Lập tạo thành, nhưng Nhất Nguyên Trung Lập không phải tâm mà cũng không phải vật kia tức là kinh nghiệm của cảm giác; Ý nghĩa nguồn gốc duy nhất của Nhất Nguyên Trung Lập là như thế nào? Họ vẫn còn trong vòng nghi ngờ.

Khi đến Anh Quốc để hội họp tôi có đem vấn đề này ra hỏi và họ trả lời hiện đang còn nghiên cứu chưa có thể phán quyết. Mặc dù họ còn nghi ngờ nhưng cũng được gọi là Duy Tâm Luận. Thật ra thứ Duy Tâm Luận Tồn Nghi đây về phương diện tiêu cực đủ tư cách để tránh khỏi sự phê bình của người khác và về phương diện tích cực thì không đủ tính chất để thành lập học phái.

Tác giả: Đại Sư Thái Hư
Dịch giả: Thích Thắng Hoan
Trích trong: Khái luận về Pháp tướng Duy thức học
Còn nữa...

TIN, BÀI LIÊN QUAN:



loading...