Sách Phật giáo
Khái quát quá trình hình thành Trường TCPH Khánh Hòa
Thứ hai, 24/09/2015 06:07
20 năm hoạt động, nhưng Phật học viện Hải Đức đã để lại một dấu ấn vàng son sâu đậm trong lòng tăng, ni, phật tử
Về lịch sử, đến năm 1653 đất Khánh Hòa mới là đất của người Đại Việt. Tiến trình di dân lập ấp của người Việt bao giờ cũng đi liền với những thiết chế văn hóa truyền thống như chùa, đình… Cho nên ta có thể nói, Phật giáo đã có mặt ở Khánh Hòa ngay từ buổi đầu. Điều này có thể khẳng định qua những ngôi chùa cổ hàng mấy trăm năm hiện còn tồn tại ở vùng đất này.
Tuy nhiên, đây là vùng đất phên dậu của đầm lầy nên sự phát triển văn hoá có nhiều mặt hạn chế, phập phù theo thế nước thịnh suy. Binh loạn nơi biên cương nên trong suốt thời kỳ này,Phật giáo tồn tại ở mức tối thiểu để vỗ về an ủi cho lưu dân Đại Việt trong buổi đầu gian khổ.
Mãi cho đến những năm 40, 50 của thế kỷ trước, phong trào chấn hưng Phật giáo sôi nổi trên3 miền đất nước, lúc này cố Hòa thượng Thích Thiện Minh, với sứ mệnh gầy dựng ngôi nhà Phật pháp cho các tỉnh Nam Trung bộ và cao nguyên Trung phần đã đến Nha Trang, chọn nơi đây làm trung tâm cho công cuộc vận chuyển bánh xe chánh pháp, thì phong trào học Phật nơi đây được phát triển ngày một sáng rạng, đạt những thành tựu hết sức khả quan với sự ra đời của tăng học đường Nha Trang, làm tiền đề cho sự xuất hiện huy hoàng của Phật học viện Hải Đức sau này.
Sự xuất hiện của Phật học viện Hải Đức vào năm 1957, Khánh Hòa đã trở thành đất Phật, Nha Trang rực sáng trên bản đồ giáo dục Phật giáo trong cả nước và định hình luôn cả tương lai của giáo dục Phật giáo Khánh Hòa, để rồi sau này, trong sự hỗn mang của thời cuộc, chư tôn đức nơi đây vẫn có nẻo quay về để góp nhặt hành trang xây dựng lại ngôi nhà giáo dục Phật giáo cho tương lai.
Sự xuất hiện của Phật học viện Hải Đức vào năm 1957, Khánh Hòa đã trở thành đất Phật, Nha Trang rực sáng trên bản đồ giáo dục Phật giáo trong cả nước và định hình luôn cả tương lai của giáo dục Phật giáo Khánh Hòa, để rồi sau này, trong sự hỗn mang của thời cuộc, chư tôn đức nơi đây vẫn có nẻo quay về để góp nhặt hành trang xây dựng lại ngôi nhà giáo dục Phật giáo cho tương lai.
Cùng với biến động của lịch sử, Phật học viện Hải Đức đã ngừng hoạt động sau năm 1975. Trong gần 20 năm hoạt động, nhưng Phật học viện Hải Đức đã để lại một dấu ấn vàng son sâu đậm trong lòng tăng, ni, phật tử và học giới khắp nơi, nên Phật học viện Hải Đức có đóng cửa đi chăng chỉ là bề mặt hiện tượng, tinh thần Phật học viện Hải Đức vẫn luôn chảy trong lòng người con Phật tại Nha Trang. Đây chính là nền tảng, là chất liệu, là động lực cho những cơ sở giáo dục khác ra đời. Đó chính là Trường TCPH Khánh Hòa.
2. Quá trình thành lập Trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa:
Sau khi hòa bình thống nhất được thiết lập trên cả nước, cuộc sống dần đi vào ổn định, chư tôn đức nghĩ ngay đến việc mở trường đạo tạo tăng, ni.
Về đường hướng giáo dục Phật giáo lúc bấy giờ, có thể khẳng định đó chính là sự thúc đẩy của chư tôn Hòa thượng: HT.Thích Trí Nghiêm, HT. Thích Đỗng Minh, HT.Thích Thiện Bình, HT.Thích Trí Tâm... trong đó có những vị đã gắng bó với nền giáo dục Phật giáo Khánh Hòa từ những ngày tăng học đường Nha Trang và Phật học viện Hải Đức sau này.
Trong lòng của chư tôn Hòa thượng luôn canh cánh ước mơ giáo dục. Thời cuộc biến thiên, rất nhiều giá trị bị đảo lộn và con người cũng trở nên bất trắc, nhưng chư tôn Hòa thượng luôn quyết tâm lèo lái con đường đạo pháp, dân tộc, trong lúc con thuyền giáo dục Phật giáo bị chao đảo. Quý ngài, những vị đầu tàu giữa lúc sóng cả vẫn không ngã tay chèo, vẫn miệt mài công tác của mình.
Ý chí đã thống nhất, quý ngài phân công hành động. HT.Thích Đỗng Minh lo về chuyên môn, HT.Thích Thiện Bình, HT.Thích Trí Tâm lo về thủ tục hành chính, HT.Thích Như Ýchịu trách nhiệm về đời sống tăng, ni sinh. Thế là những vấn đề cơ bản nhất của trường đã ổn, các ngài ngay lập tức bắt tay vào vận động thành lập trường.
Đất nước sau khi đi qua chiến tranh, rất nhiều vết thương cần có thời gian mới được chữa lành nên vấn đề an ninh trật tự được nhà nước đặt lên hàng đầu. Tôn giáo là vấn đề nhạy cảmnên việc xin mở trường trong bối cảnh như thế, được các ngài xác nhận ngay từ đầu là không dễ dàng gì. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì, thực tâm và tinh thần Phật giáo trong sáng, qua rất nhiều cuộc họp gay go với các ban ngành có liên quan, hàng loạt yêu cầu đều được đáp ứng. Cuối cùng, quý ngài cũng thuyết phục được các cấp lãnh đạo cho phép mở trường qua giấy phép số 700-UB do ông Võ Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa ký ngày 04/6/1990.
Có thể nói cùng với cả nước, Trường TCPH Khánh Hòa là một trong những ngôi trường được mở sớm nhất sau giải phóng.
Thật khó có thể diễn tả hết nổi vui mừng của chư tôn đức, cũng như tăng, ni, phật tử Khánh Hòa lúc bấy giờ. Cả trăm năm dưới thời Pháp thuộc, và cả trước đó nữa, Phật giáo bị suy tàn đến thậm tệ vì tăng ni thất học. Ý thức mãnh liệt được điều đó, khẩu hiệu đào tạo tăng tài là trước hết các phật sự được chư tôn đức tiền bối trong công cuộc chấn hưng đặt lên hàng đầu, tựu thành nơi Phật học viện Hải Đức. Tinh thần đó được chư tôn đức hôm nay kế thừa một cách trọn vẹn nơi Trường TCPH Khánh Hòa.
Cùng với giấy phép thành lập trường, những bộ phận chức năng khác của trường cũng nhanh chóng được kiện toàn. Ban giám hiệu được thành lập do HT.Thích Trí Tâm làm hiệu trưởng, HT.Thích Đỗng Minh làm giáo thọ trưởng, HT.Thích Như Ý làm trưởng ban bảo trợ. Nội dung giảng dạy được thống nhất và khoá học đầu tiên được chính thức khai giảng vào ngày 26/9/1990 với tất cả 97 tăng ni sinh được tuyển chọn (48 tăng, 49 ni).
Lâu rồi, hình ảnh trường lớp, tăng ni, bảng đen, phấn trắng, giáo thọ giảng kinh mới lại trở về giữa miền thuỳ dương cát trắng, cho con người như vừa chợt tỉnh chiêm bao giữa khung trời hội cũ!
3. Xây dựng trường mới:
Cơ sở hạ tầng của Phật học viện Hải Đức rất tốt, nhưng vì nhiều lí do, không thể tận dụng được trong khi Giáo hội chưa có khả năng xây dựng trường. Trước tình hình đó, HT.Thích Trí Tâm đã mở lòng đưa trường về đóng tại Tổ đình Nghĩa Phương do ngài làm viện chủ, dù nơi đây cũng không rộng rãi gì mấy. Học thì sử dụng giảng đường Tổ đình, nội trú thì mượn tăng phòng chùa Linh Sơn Pháp Bảo, ni thì ở và học tại Ni viện Diệu Quang. Như vậy, ở một nơi mà học một ngả nên công tác quản lý, điều hành cực kỳ khó khăn. Vào mùa hạ, với điều kiện cấm túc an cư, do chùa Nghĩa Phương ở trung tâm thành phố diện tích chật hẹp, Phật sự lại nhiều nên có những thời điểm việc tu và học dồn hết lên chùa Linh Sơn Pháp Bảo.
Về chùa Linh Sơn Pháp Bảo, do ở vị trí thấp nên mỗi mùa mưa lụt về là hết sức khó khăn. Nước tràn khắp nơi, ngập tới đầu người, đường ra vào chùa bị cô lập hoàn toàn. Trong hoàn cảnh đó mới thấy được hết tình cảm và tấm lòng của mọi người dành cho học Tăng. Hình ảnh chư tôn đức, phật tử phải lội nước hoặc lênh đênh trên những chiếc ghe vượt lũ vào thăm, tiếp tế cho học tăng sẽ mãi không bao giờ phai trong ký ức tăng sinh thời bấy giờ.
Mặc khác, những nơi này vì là chùa nên luôn có những hoạt động nghi lễ, sự kiện khiến việc học của tăng ni sinh có thể bị gián đoạn bất cứ lúc nào. Do đó, để thời khóa của trường được duy trì một cách nghiêm túc, sư phạm, tăng ni chuyên tâm vào học thì cần phải có một cơ sở độc lập, tách hẳn khỏi sinh hoạt thường nhật của một ngôi chùa. Ý thức là thế, nhưng với sự khó khăn chung của toàn xã hội sau giải phóng, nên cả 4 năm khoá I và những năm đầu khoá II, tất cả vẫn phải đi mượn. Đầu năm 1994, với tất cả hùng lực, chư tôn đức trong BTS quyết định bằng mọi giá phải xây trường. Đầu tiên là chọn địa điểm. Chùa Long Sơn nằm ở trung tâm thành phố, có diện tích rộng rãi là lựa chọn số 1. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề lịch sử để lại, chùa bị lấn chiếm tứ bề, để có đất xây trường là cả một vấn đề hiệp thương căng thẳng. Cảm động nhất là hình ảnh Hòa thượng trụ trì chùa Long Sơn, bằng đức độ của mình, phải đứng ra trực tiếp chỉ từng góc đất cho công nhân cắm mốc định vị khu đất xây trường.
Lễ động thổ xây dựng trường mới diễn ra thật trang nghiêm long trọng đúng vào ngày vía đức Bồ tát Quan Thế Âm 19/02 âm lịch năm 1994. Buổi lễ đặt dưới sự chứng minh của HT.Thích Trí Nghiêm và sự hiện điện đông đảo chư tôn đức tăng ni, quan khách, phật tử tỉnh nhà.
Do vấn đề kinh phí quá khó khăn nên trong đồ án thiết kế, chư tôn đức chỉ đặt ra những vấn đề căn bản tối thiểu, và cũng chỉ có thể giải quyết được cho bên tăng. Thế mà cũng mất gần 5 năm, vừa xây vừa sử dụng. Đây cũng là thời điểm khóa II chuyển về trường nội trú nên cũng là khóa có đóng góp nhiều công sức xây dựng trường. Tổng kinh phí xây dựng trường là 2 tỷ đồng, trong đó công đức lớn nhất là của HT.Thích Thiện Bình và HT.Thích Chí Tín. Quý ngài đã phải vay mượn ở những chỗ thân quen và trả dần mãi về sau này.
Trong khi cả nước, các trường Phật học vẫn phải đi mượn, thì nơi đây quí ngài quyết định xây trường, và đã xây dựng thành công. Có thể nói đây gần như là ngôi trường Phật học đầu tiên được xây dựng sau giải phóng. Do đó, nó là kết tinh của cả một tấm lòng sắc son vì tương lai đạo pháp dân tộc của chư tôn đức tăng ni phật tử tỉnh nhà.
4. Tổng kết:
Qua 25 năm hoạt động, Trường TCPH Khánh Hòa đào tạo được 6 khóa đã tốt nghiệp ra trường và đang đào tạo khóa VII với tổng số 732 tăng ni sinh. Lúc đầu trường có tên là Trường Cơ bản Phật học Khánh Hòa, từ năm 2000, theo quy định chung, trường đổi tên thành Trường TCPH Khánh Hòa. Ngoài số tăng ni sinh tỉnh nhà, trường cũng đào tạo cho các tỉnh lân cận như Daklak, Đồng Nai, Ninh Thuận, Phú Yên, Gia Lai...
Hiện nay, những tăng ni sinh khoá I, II, III đã chính thức tham gia công tác Giáo hội, giáo dục, trụ trì cũng như đi du học nước ngoài, và trong tương lai 10 năm tới đây sẽ là nguồn lực then chốt cho phật sự tỉnh nhà.
Cùng với sự vận động của cả nước, Phật giáo Khánh Hòa cũng đang từng bước chuyển mình để hòa nhịp đạo đời. Trước xu thế đó, Trường TCPH Khánh Hòa không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy nhằm đào tạo ra những con người vừa khế lý, khế cơ để truyền đi thông điệp từ bi, trí tuệ của đức Phật, trong đó từng bước xây dựng Nha Trang thành một trung tâm giáo dục Phật giáo mà Phật học viện Hải Đức năm xưa đã đi là một định hướng.
25 năm trôi qua như một giấc mơ, một giấc mơ trong bộn bề khốn khó nhưng thành tựu là không thể nghĩ bàn. Hoàn cảnh có khó khăn, cuộc đời có trắc trở, nhưng nếu Tăng già hòa hợp, tứ chúng đồng tâm thì hoa thơm trái ngọt vẫn đơm chồi nảy lộc tỏa ngát muôn phương. Trường TCPH Khánh Hòa là một hoa trái được kết nên trong tình cảnh như thế. Nó là cả tấm lòng, là bao ước mơ, là rất nhiều cống hiến đến quên mình của biết bao người con Phật trong những thời khắc quyết định.
Rồi đây, tương lai sẽ được viết tiếp, nhưng 25 năm qua là một quãng thời gian không thể nào quên với những con người, những công việc đã được chạm khắc vào lịch sử, cho ngàn năm trôi qua nhưng đồng vọng mãi ân tình.
Đại đức Thích Thanh Tri