Chùa Việt

Khánh Hòa: Linh thiêng chùa cổ Vạn Thiện (Diên Khánh)

Thứ sáu, 17/02/2014 11:29

Chùa xây cất tại Suối Đổ, trên triền một ngọn núi trong dãy Hoàng Ngưu Sơn, thuộc địa phận thôn Phước Trạch. Do đó núi có tên là Hòn Chùa. Chùa dời xuống thôn An Ninh thời Ngài Thiệt Vinh.

Vạn pháp hoằng minh cảm ứng đồng lai quy hướng Tổ
Thiện duyên phổ nhuận ngộ mê kỳ hưởng ngưởng vi đình

Thật đúng là:

Muôn pháp sáng soi cảm ứng đều về nơi chốn Tổ
Duyên lành trải khắp ngộ mê đều ngưởng vọng Từ Tôn
 Chánh pháp nhãn tạng của Thiền sư Linh Phù hiện còn lưu tại bàn Tổ chùa cổ Vạn Thiện

                                            
                              
                                            
                               綿 綿

 Phiên âm:              Phật tổ tông phong chính pháp truyền,
                               Tam thập ngũ thế đăng cao huyền.
                               Ngã kim phú nhữ vi hậu duệ,
                               Tâm đăng tục diệm vĩnh miên miên.

Dịch nghĩa:            Phật tổ tông phong truyền chính pháp,
                              Ba mươi lăm tổ nối đèn thiền.
                              Ta nay giao phó cho hậu duệ,
                              Bể khổ chúng sinh Bát-nhã thuyền.

 Cổng chùa Tổ Vạn Thiện, thôn An Ninh, xã Diên An, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa)

Chùa cổ Vạn Thiện ở thôn An Ninh, xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Chùa sáng lập vào khoảng đời Vua Lê Cảnh Hưng (1740-1786). Tổ khai sơn là Ngài thượng Ân hạ Tùy. Thừa kế là ngài Thiệt Vinh, pháp hiệu Bửu Hạnh. Thiền sư Thiệt Vinh - Bửu Hạnh là đệ tử truyền thừa của Tổ Minh Hoằng Tử Dung, thuộc đời thứ 35 thiền phái Lâm Tế tại Đàng Trong. Ngài là Tổ khai sáng chùa Sắc tứ Viên Tịnh mà Long vị tại Tổ đình Từ Đàm đã viết: 敕賜圓淨臨濟正宗三十五世上寶下行諱實榮老和尚猊座 “Sắc tứ Viên Tịnh Lâm Tế chánh tông tam thập ngũ thế thượng Bảo hạ Hạnh huý Thiệt Vinh lão Hoà thượng nghê toà”; Sau khi Ngài rời chùa Ấn Tôn vào Khánh Hoà khai sơn chùa Vạn Thiện ở núi Phụng Thuỳ Sơn

Lúc đầu chùa xây cất tại Suối Đổ, trên triền một ngọn núi trong dãy Hoàng Ngưu Sơn, thuộc địa phận thôn Phước Trạch. Do đó núi có tên là Hòn Chùa. Chùa dời xuống thôn An Ninh thời Ngài Thiệt Vinh.

Ngài Thiệt Vinh có người đệ tử húy thượng Tế hạ Cảm, hiệu Thiện Khoáng, thế danh tên Keo, người Bình Định, vào tu và chăn trâu cho chùa.  Ngày xưa, Chùa cổ Vạn Thiện nuôi hàng trăm con trâu. Ngày ngày, Ngài Tế Cảm-Thiện Khoáng lùa trâu vào trong núi ăn. Chiều về mỗi con trâu đều có một bó cũi trên lưng. Trong chùa có một bà cô phụ trách việc nấu dầu chay, nấu bằng hột dầu tía. Nơi nấu dầu cấm người lạ, vô phận sự không được vào, vì sợ lạ hơi, dầu bị khét.

Một hôm, đi chăn trâu về, ngài Thiện Khoáng đẩy cửa bước vào. Bà cô, thất kinh la:

- Thôi! Ông Keo làm hư dầu rồi! Để “cứu vãn tình thế” bà cô bắt ông phải khuấy dầu đương sôi trong chảo. Khuấy dầu phải dùng đủa bếp hoặc củi, nhưng ông lại xăn tay áo, nhúng cả cánh tay vào chảo dầu mà khuấy. Khuấy xong trở ra, tay không hề bị phỏng mà cũng không dính một hột dầu. Bà cô lấy làm kinh dị, lên bạch cùng Hòa thượng. Xem qua thấy quả như lời, Hòa thượng không cho Ngài Thiện Khoáng chăn trâu nữa. Trâu không người chăn, nhưng sáng vẫn kéo nhau lên núi ăn, và chiều về trên lưng mỗi con vẫn đèo một bó củi như trước. Mọi người đều tin rằng thầy tu hành đắc đạo và đã luyện tập được phép thần thông có thể điều khiển được sinh vật ở xa.. Mấy tháng sau Ngài tịch cốc, rồi xin sư phụ được hóa thân. Hòa thượng hoan hỉ chấp nhận. Ngài xin người trong thôn mỗi người một bó củi, ngoài số củi của trâu mang về, để làm giàn hỏa. Phần đông đều hoan hỉ, nhưng có một ít người miễn cưỡng. Trước khi lên dàn hỏa, Ngài nguyện sẽ để lại một vật mọn tặng làng. Đoạn đúng ngọ, Ngài ung dung lên ngồi trên đống củi, gõ mõ tụng kinh. Không ai nỡ châm lửa, Ngài phải trở xuống mồi lửa, lửa cất ngọn rồi, Ngài bước lên giàn trở lại, tay gõ mõ miệng tụng kinh. Ngọn lửa càng cao, tiếng mõ tiếng kinh nghe càng rõ. Mãi đến khi lửa tắt, tiếng kinh tiếng mõ mới lần lần theo bóng khói bay lên tầng mây xanh để chìm vào im lặng.

Người trong chùa đến nhặt xá lợi, nhận thấy:

- Một số củi còn y nguyên, không sổ dây, không sém lửa.

- Một chén chung cổ đựng một móng tay tươi hấn và không dính chút khói chút tro.

Ai nấy đều cho rằng những bó cũi còn nguyên kia là của những người không thành tâm cúng dường, Ngài Thiện Khoáng hoàn lại hầu mong họ sám hối. Còn chén chung đựng móng tay là vật lưu niệm cho người trong thôn.

Tăng chúng và Phật tử đều tin rằng Ngài Thiện Khoáng đã thành chánh quả. Hòa thượng bổn sư phong cho Ngài pháp hiệu là Linh Phù. Và làng sở tại cúng cho chùa một mẫu ruộng để hương khói cho Ngài, tục gọi là ruộng Hóa thân.

Còn chén chung đựng móng tay thì làng đem thờ nơi am ở Núi Chúa, cạnh Suối Đổ. Từ khi chén chung đem lên núi thì vùng chung quanh Cư Thạnh, Phước Trạch, An Ninh luôn luôn được mùa vì trời thường mưa.

Người bên Đại Điền biết được, bèn lén sang lấy đem về để nơi am Chúa, trên Núi Chúa. Từ ấy Đại Điền thường được mưa và ruộng nương mỗi ngày trở nên phì nhiêu. Người bên này biết được, song nghĩ rằng Đại Điền nhiều ruộng hơn nên hoan hỷ để bên đó, chỉ khi nào trời nắng hạn quá mới thỉnh về ít hôm, rồi cũng giao hoàn.

Do có những sự linh ứng thế mà người địa phương còn gọi chùa cổ Vạn Thiện là chùa Linh Phù.

 (từ phải sang trái) Tháp Tổ Linh Phù, cây Me cổ thụ, bia tháp Tổ Linh Phù, tháp sư cô nấu Dầu chay

Tương truyền rằng sau khi Ngài Linh Phù viên tịch, một cặp trâu cò chiều chiều len theo bầy trâu của chùa vào vườn ăn dâu. Thấy dâu bị hư hao nhiều, người trong chùa rình xem, bắt gặp liền ví đánh. Cặp trâu cò rống lên một tiếng lạnh mình, rồi chạy thẳng ra đồng nhảy xuống con sông Cạn trốn mất. Còn bầy trâu của chùa, vì không người chăn, lần lượt kéo nhau lên núi ở.

Lại truyền rằng trong thời loạn lạc, để tránh dùng chuông đúc khí giới, chùa cổ Vạn Thiện đem đại hồng chung dấu nơi lòng Sông Cạn ở cạnh chùa. Đến lúc thái bình, tìm lại không thấy. Ai cũng tưởng đã bị lụt trôi đi xa. Nhưng người trong vùng, đêm đêm thường nghe tiếng chuông ngân ở dưới vực. Lặn xem lại không thấy gì. Rồi thời gian qua, không còn ai để ý đến nữa. Đến triều Thành Thái (1889-1907), trong thôn có người đi câu trông thấy quả hồng chung, liền tri hô. Đồng bào xúm khiêng lên. Khiêng không nổi, bèn báo tỉnh. Tỉnh sai viên quản tượng là Hồ Ngọc Nhuận đem voi đến kéo. Một voi kéo không lên, phải dùng đến hai voi. Nhưng suốt một ngày và nửa đêm, hết hơi hết sức, quả hồng chung vẫn không hề di dịch mảy may. Lý trưởng bèn thiết hương án cầu khẩn. Cuối canh tư, trời bỗng nổi sấm chớp. Rồi mưa tuôn như đổ. Nước sông lênh láng. Sợi dây cáp cột nơi quai chuông và cổ voi, tự nhiên đứt. Khi tạnh mưa, lặn tìm không còn thấy quả hồng chung! Đến giờ ngọ, nước Sông Cạn nổi sôi sục sục, hết sôi liền đổi màu, trông đen như dầm mực!

Người địa phương cho rằng do teng đồng mà ra. Nên gọi khúc sông đó là Sông Đồng Đen. Hiện nay nước sông đã hết đen, nhưng tên sông vẫn còn giữ.

Chùa cổ Vạn Thiên đã được trùng tu nhiều lần. Quy mô không rộng lớn, kiểu thức, phong cảnh không có gì đặc biệt. Nhưng vẫn đượm khí vị thiền lâm.

Vườn chùa trước kia rộng mấy mẫu. Cây cối sum sê. Ngày nay chỉ còn được chừng năm ba sào, và cây cối đều mới vun trồng.
 Mặt tiền chùa Tổ Vạn Thiện
Dấu tích xưa chỉ còn lại bốn ngọn cổ tháp và hai cây cổ thụ là cây Bồ đề và cây Me. Những cổ vật này trước kia nằm trong khuôn viển chùa. Nhưng hiện nay chỉ còn một tháp Tổ nằm trong vườn chùa (do thời gian mưa nắng bào mòn nên không thể xác định được tháp Tổ Khai sơn hay Tháp của vị Tổ nào), cây Bồ Đề cũng nhiều lần đổi chỗ vì con đường mở rộng. Tháp Ngài Linh Phù và cây me cùng tháp của sư cô nấu Dầu chay bị con đường hương lộ chạy qua chính giữa, nên nằm phía bên kia đường.

Còn một tháp cổ có thể là tháp Tổ Khai sơn vì lớn và cao hơn tháp nằm cạnh chùa, ở trong khuôn viên đình An Ninh. Ngày xưa có Cây Song Giá đứng che tháp Tổ. Xa trông tưởng như một cây tầm thường. Nhưng lại gần xem thật là kỳ thọ: Thân cây vốn hai, nhưng tháng ngày đã nhập thành một và lòng cây đã rỗng thành bộng có thể chứa được hai người đàn ông vóc cao to. Nhánh lưa thưa, và gầy guộc rắn rỏi trông như bằng đá hay bằng gang. Cây và tháp đứng bên nhau, tạo thành một bức cổ họa kỳ mỹ. Ngày nay, qua nhiều lần vật đổi, sao dời, nương dâu, bãi bể. Cây Song Giá không còn, có lẻ đã thuận theo quy luật thành trụ hoại không?
                      Ngôi Tháp Tổ hiện nằm trong khuôn viên Đình An Ninh (sát bên cạnh chùa)
Nói về Thiền sư Linh Phù – Tế Cảm tự Thiện Khoáng thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 36, là đệ tử của Tổ Thiệt Vinh – Bửu Hạnh khai sơn Sắc tứ Viên Tịnh đời thứ 35 dòng thiền Lâm Tế khai sơn Tổ đình Vạn Thiện ở núi Phụng Thuỳ Sơn. Ngài đã được Tổ Thiệt Vinh phú pháp tại Vạn Thiện vào tháng 2 năm Cảnh Hưng thứ 9 (1749) với bài kệ:

                                            
                              
                                            
                               綿 綿
 Phiên âm:              Phật tổ tông phong chánh pháp truyền,
                               Tam thập ngũ thế đăng cao huyền.

                               Ngã kim phú nhữ vi hậu duệ,
                              Tâm đăng tục diệm vĩnh miên miên.

Dịch nghĩa:           Phật tổ tông phong chính pháp truyền,
                             Ba mươi lăm tổ nối đèn thiền.
                             Ta nay giao phó cho hậu duệ,
                             Bể khổ chúng sinh Bát-nhã thuyền.
 
Theo Chánh pháp nhãn tạng hiện đang lưu giữ tại chùa Vạn Thiện – Khánh Hoà. Căn cứ vào bia tháp, Thiền sư Linh Phù là vị Tổ khai sáng Am chúa tại núi Đại An, Đại Điền ngày nay.

Theo truyền thuyết dân gian, ngài là vị Thiền sư hành trì miên mật pháp môn Tịnh Độ và đã chứng nhiều năng lực phi phàm như: - Chăn một bầy trâu đen, một thời gian đã biến thành trâu trắng. - Ngài có thể dùng tay không khuấy vào chảo nước sôi...

Khi đạo duyên viên mãn Thiền sư xả báo thân, môn đồ lập đàn trà tỳ và lập tháp tôn thờ.

Long vị thờ ngài được viết: “Tự Lâm Tế chánh tông tam thập lục thế thượng Linh hạ Phù -Thiện Ứng huý Tế Cảm lão tổ Hoà thượng giác linh”.

Chùa cổ Vạn Thiện như nhiều ngôi chùa cổ khác ở Khánh Hòa: thờ Phât, Bồ tát và Quan Thánh Đế quân. Chùa được vua Khải Định ban tặng một đạo sắc phong cho Đức Quan Thánh.

Vạn Thiện cổ tự,  ngôi chùa gần 300 tuổi đã gắn bó và đồng hành cùng làng quê. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ nơi đây diễn ra nhiều hoạt động cách mạng góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Năm 2008, chùa cổ Vạn Thiện được Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Khánh Hòa xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
                          Bia Di tích Lịch sử - văn hóa, cấp tỉnh chùa cổ Vạn Thiện (Diên Khánh)
Nối pháp trụ trì chùa cổ Vạn Thiện, xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa hiện nay, Đại đức Thích Trừng Thông, thuộc đời thứ 42 dòng Lâm Tế, trụ trì từ năm 2012 đến nay.
 Toàn cảnh chùa Tổ Vạn Thiện
  Cây Bồ đê cổ thụ sau nhiều lần thay đổi chỗ, hiện nay nằm bên cạnh cổng chùa Tổ Vạn Thiện
 Tháp chuông tại ngôi chùa cổ Vạn Thiện
 Bia Tổ Linh Phù bên cạnh tháp Tổ Linh Phù

NNC Trí Bửu
Đầu xuân Giáp Ngọ - 16/02/2014

loading...