Kiến thức
Khi khẩn cấp nhớ niệm Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát
Chủ nhật, 13/08/2022 02:37
Trong giờ phút khẩn cấp hiểm nghèo, niệm được một câu Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát thì bằng cả trăm vạn câu niệm trong lúc bình thường. Tại sao vậy?
Bởi trong lúc không có gì nguy hiểm, lời mình niệm chưa đủ tha thiết, lòng mình chưa đủ thành khẩn. Cho nên, niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, ta phải hết lòng kiền thành, hết lòng chân thực, thì cảm ứng đó mới thật là không thể nghĩ bàn.
Hôm nay tôi xin truyền cho quý vị một yếu quyết. Ðó là yếu quyết để áp dụng trong giờ phút thật khẩn cấp. Gặp những trường hợp đó chúng ta phải giữ bình tĩnh, đừng hốt hoảng, chuyện sống chết hãy tạm gác một bên. Lúc ấy chỉ một lòng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì chắc chắn sự hiểm nguy sẽ hóa thành tốt lành, thoát khỏi ách nạn.
Trong giây phút khẩn trương, chúng ta hãy nghĩ rằng: “Ðàng nào cũng chết, vậy trước khi chết ta hãy dốc lòng niệm Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát, biết đâu đó là niềm hy vọng.” Hành động như thế, tức là từ hiểm nguy mà gặp may mắn.
Tại sao chúng ta phải niệm: Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát? Bởi vì đối với chúng sanh ở cõi Ta bà Ngài đều có nhân duyên. Ngài là vị Bồ tát tầm thanh cứu khổ và cứu nạn.
Có người nghĩ rằng: “Khi nào chúng ta gặp khổ và gặp nạn chúng ta mới cần cầu Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát. Bây giờ không gặp cảnh khổ cũng không gặp cảnh nạn thì niệm danh hiệu của Ngài làm gì?”
Nói vậy hóa ra chúng ta chẳng khổ chút nào ư? Ðây là ngũ trược ác thế: Kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mệnh trược – Các chúng sanh đều bị khổ cả, khổ không thể nói hết. Rồi trong vòng luân hồi, các chúng sanh lên lên xuống xuống, vậy mà không phải khổ sao?
Một ngày, từ sáng tới tối trong tâm toàn là vọng tưởng thôi thúc, đấy chẳng phải là cảnh khổ ư? Rồi lo âu cho riêng mình, muốn có lợi cho riêng mình. Nhưng lo không được thì ngủ không an; cầu chẳng được thì ăn không ngon. Vậy mà nói là chẳng khổ ư? Ai dám đoan quyết rằng mình chẳng khổ? Họ chẳng khổ vì điều này thì lại khổ vì điều khác, tóm lại khổ bất ly thân. Trừ phi vạn sự đều buông bỏ, chẳng cầu điều gì họa may mới không khổ.
Chúng ta niệm câu Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát, thì trước hết chúng ta phải hiểu ý nghĩa câu này. Nam mô là tiếng Phạn, có nghĩa là quy mạng. Quán là quán sát, lấy diệu quan sát trí để quán sát. Ai có diệu quan sát trí? Ngài Quán Thế Âm, vì Ngài có loại trí huệ đó. Cho nên đối với hết thảy mọi âm thanh của thế gian Ngài đều hay, đều thấy, không hề bị lầm lẫn. Chữ Thế là chỉ thế gian. Âm là âm thanh.
Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát tu pháp môn phản văn văn tự tánh. Cho nên Ngài dùng tâm để quán sát tiếng kêu cứu của các chúng sanh trong thế gian. Khi Ngài nghe được sẽ tức khắc phân thân đến nơi để cứu độ nạn nhân ra khỏi bể khổ; thoát được khổ và được vui sướng, cho nên có câu kệ rằng:
Thiên xứ kỳ cầu thiên xứ ứng,
Khổ hải thường tác độ nhân chu.
Nghĩa là:
Ngàn nơi cầu, ngàn nơi ứng,
Ngài là thuyền vớt người trong bể khổ.
Bồ Tát Quán Thế Âm cũng giống như các bậc mẹ hiền: Con cái cầu mẹ thì sẽ được mẹ cứu, không dến nỗi bị thất vọng bao giờ. Cho nên Ngài có danh hiệu là Ðại Từ Ðại Bi Quảng Ðại Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát.