Lời Phật dạy

Không đắm nhiễm thì sống vui

Thứ sáu, 04/11/2018 08:34

Hạnh phúc thế thường chủ yếu vẫn quẩn quanh nơi thọ lạc, sự thỏa mãn các giác quan. Người có phước thì sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý luôn tiếp xúc với sáu cảnh trần sắc đẹp, thanh hay, hương thơm, vị ngon, xúc chạm êm ái, cảnh trong tâm (pháp trần) vừa ý, đẹp lòng. 

Theo tuệ giác của Thế Tôn, nếu các căn gặp cảnh trần vừa ý, thọ lạc rồi sinh tâm yêu thích, đắm nhiễm thì đó là cội nguồn của mọi khổ đau.

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các tỳ kheo:

Chư Thiên, người thế gian, đối với sắc thì yêu thích, đắm nhiễm, bám trụ. Sắc này nếu vô thường, biến đổi, hoặc diệt mất, thì trời và người sẽ cảm thấy rất khổ đau. Đối với âm thanh, mùi, vị, xúc, pháp cũng yêu thích, đắm nhiễm, bám trụ; nếu các pháp này vô thường, biến đổi, hoặc diệt mất thì trời, người sẽ sống trong đau khổ.

Đối với sự hiện hữu của sắc, sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, sự tai hại của sắc, sự xuất ly sắc, Như Lai biết như thật. Vì đã biết như thật, nên đối với sắc không còn yêu thích, đắm nhiễm, bám vào. Cho dù nếu sắc này là vô thường, biến đổi, diệt tận đi nữa, thì vẫn sống an vui. Đối với sự hiện hữu, sự tập khởi, sự diệt tận, vị ngọt, tai hại, xuất ly của thanh, hương, vị, xúc, pháp, nên biết như thật. Khi đã biết như thật thì không còn ưa thích, đắm nhiễm, bám vào. Cho dù sắc này là vô thường, biến đổi, diệt tận đi nữa, thì vẫn sống an vui.
 
Vì sao? Vì mắt và sắc làm duyên sinh ra nhãn thức, ba sự hòa hợp sinh ra nhãn xúc; xúc làm duyên sinh ra cảm thọ, hoặc khổ hoặc vui, hoặc không khổ không vui, nên sự tập khởi của thọ này, sự diệt tận của thọ này, vị ngọt của thọ này, sự tai hại của thọ này, xuất ly thọ này, nên biết như thật. Do nhân duyên sắc kia sự ách ngại phát sinh. Ách ngại bị diệt tận, đó gọi là vô thượng an ổn, Niết bàn.

Đối với sự hiện hữu của tai, mũi, lưỡi, thân, ý và… pháp làm duyên sinh ra ý thức, ba sự hòa hợp này sinh ra xúc. Xúc duyên thọ, hoặc khổ hoặc vui, hoặc không khổ không vui như vậy, đối với sự tập khởi của thọ, sự diệt tận của thọ, vị ngọt của thọ, sự tai hại của thọ, sự xuất ly thọ này cũng phải biết như thật. Khi đã biết như thật rồi, pháp này làm nhân duyên sinh ra trở ngại và khi đã hết trở ngại rồi thì gọi là vô thượng an ổn, Niết bàn.

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói bài kệ:
Nơi sắc, thanh, hương, vị
Xúc, pháp, sáu cảnh giới
Một hướng sinh vui thích
Ái nhiễm, vui đắm sâu
Chư Thiên và người thế
Chỉ vì cái vui này
Khi biến đổi, diệt mất
Họ sinh ra khổ đau
Chỉ có bậc Hiền thánh
Thấy chúng diệt, an vui
Cái vui của thế gian
Quán sát đều là oán
Hiền thánh thấy là khổ
Thế gian cho là vui
Cái khổ của thế gian
Đối với Thánh là vui
Pháp sâu xa khó hiểu
Thế gian sinh nghi hoặc
Chìm đắm trong tối tăm
Mờ mịt chẳng thấy gì
Chỉ có người trí tuệ
Mở bày sự sáng tỏ
Lời sâu xa như vậy
Phi Thánh nào ai biết
Không lại thọ thân sau
Đạt xa lẽ chân thật.

Phật nói kinh này xong, các tỳ kheo nghe những gì đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành
”. (Kinh Tạp A-hàm, kinh số 308)

Vạn vật hay sáu trần cảnh đều vô thường, biến hoại mà ta lại ước mong cho chúng trường cửu, nếu không toại ý thì sinh tâm tiếc nuối, khổ đau. Nếu ai thấy được như thật (về sự tập khởi, sự diệt tận, sự tai hại, sự xuất ly) của trần cảnh thì không đắm nhiễm, không bám víu, khi vô thường xảy đến họ vẫn an nhiên.

Quán chiếu sâu hơn, do duyên căn-trần-thức tiếp xúc mà sinh ra cảm thọ. Thọ lạc thì sinh tham ái, thọ khổ thì sinh sân hận. Cuộc sống chỉ là chuỗi tham sân tiếp nối nhau. Cho nên phải thấy như thật (về sự tập khởi, sự diệt tận, sự tai hại, sự xuất ly) của cảm thọ để làm chủ tham sân, khiến chúng không sinh khởi. Khi các nhân duyên của tai ách, chướng ngại không còn thì hành giả sống vui, đạt vô thượng an ổn, chứng đạt Niết bàn.

Quảng Tánh
Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a30428/khong-dam-nhiem-thi-song-vui
loading...