Kiến thức
Không dễ nói lời lành
Chủ nhật, 08/10/2023 09:44
Thiện ngữ là nói lời lành, chân thật, nhẹ nhàng, xây dựng, đoàn kết, yêu thương. Cung thuận là cung kính, nhu hòa, đôi khi có những việc mình chưa thực sự hài lòng nhưng cũng không vì thế mà bực bội, nóng nảy, quát tháo, gây gổ.
"Một thời Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc…
- Ta không nói các Tỳ-kheo là thiện ngữ cung thuận do các nhu dụng sinh sống, y bát, ẩm thực, giường chõng. Vì sao vậy? Tỳ-kheo ấy nếu không nhận được các thứ ấy thì trả lại bằng sự không thiện ngữ cung thuận, thành tựu đức tánh không thiện ngữ cung thuận.
- Nếu có Tỳ-kheo vì viễn ly, y trên viễn ly, sống nơi viễn ly mà thiện ngữ cung thuận, thành tựu đức tánh thiện ngữ cung thuận, Ta nói ấy thật sự là thiện ngữ cung thuận. Vì sao vậy? Ở đây, một Tỳ-kheo khéo thủ hộ, khéo an trú, chỉ vì người khác không nói cộc cằn. Nếu người khác ăn nói cộc cằn thì không phẫn nộ, cũng không thù nghịch, cũng không ưu sầu, oán hận, không hằn học giận dữ, không lộ vẻ hung bạo.
Các Tỳ-kheo kia sau khi thấy vậy bèn nghĩ rằng: ‘Hiền giả thật là người nhẫn nhục, ôn hòa, giỏi chịu đựng, giỏi tự chủ, khéo định, khéo trầm tĩnh’. Nếu người khác ăn nói cộc cằn thì liền hằn học, thù nghịch, ưu phiền, ôm hận, lộ vẻ hung dữ. Các Tỳ-kheo kia thấy vậy bèn nói: ‘Hiền giả này ngoan cố, nóng nảy, thô lỗ, không định, không tự chủ, không trầm tĩnh’".
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Đại, kinh Mâu-lê-phá-quần-na, số 193 [trích, lược])
Thiện ngữ là nói lời lành, chân thật, nhẹ nhàng, xây dựng, đoàn kết, yêu thương. Cung thuận là cung kính, nhu hòa, đôi khi có những việc mình chưa thực sự hài lòng nhưng cũng không vì thế mà bực bội, nóng nảy, quát tháo, gây gổ.
Điều đáng nói ở đây là chỉ khi gặp nghịch cảnh, trái ý, không vừa lòng mới kiểm tra, đo lường được khả năng thiện ngữ, cung thuận của mình. Đa phần chúng ta đều tử tế, đàng hoàng, lời hay, ý đẹp trong điều kiện bình thường. Nhưng khi đụng đến quyền lợi, danh dự bị bôi nhọ, cái tôi bị xúc phạm thì sẽ phản ứng dữ dội, thậm chí mất cả nhân cách.
Vì thế gặp nhau chỉ đôi lần trong hội họp, tiệc tùng, lễ lộc rồi vội đánh giá, ca ngợi ông nọ bà kia là người đàng hoàng, tử tế thì thật hời hợt. Phải sống gần người ấy, chứng kiến những pha xử lý điềm tĩnh, nhân văn của họ khi gặp cảnh trái ý, nghịch lòng mới có thể kết luận chính xác.
Ngay cả một số tân Tỳ-kheo, đi tu rồi là nguyện xả buông, hướng đến “ly dục, ly bất thiện pháp”. Ấy vậy mà trước sự phân chia và thọ nhận bốn vật dụng (thực phẩm, y phục, tọa cụ-phòng xá, thuốc thang), lỡ có thiếu sót hay thua thiệt so với huynh đệ mà kham nhẫn được, hoan hỷ vô tư, không phiền trách cũng chẳng phải là dễ dàng.
Khi gặp nghịch cảnh, người khác ăn nói cộc cằn mà “không phẫn nộ, cũng không thù nghịch, cũng không ưu sầu, oán hận, không hằn học giận dữ, không lộ vẻ hung bạo” mới thực sự biết tu, làm chủ bản thân trước những điều không vừa ý. Muốn được bình tĩnh và an nhiên như thế, theo kinh nghiệm của Thế Tôn, cần rèn luyện các đức tính “nhẫn nhục, ôn hòa, giỏi chịu đựng, giỏi tự chủ, khéo định, khéo trầm tĩnh”.
Tuy ai cũng muốn an yên nhưng cuộc sống vốn dĩ không bình yên. Chính sự biến động trong cuộc sống với vô vàn nghịch cảnh sẽ giúp chúng ta rèn luyện mình để vững chãi hơn. Cho nên cần khéo léo thủ hộ và an trú. Thủ hộ là giữ gìn sáu căn, ba nghiệp thiện lành. An trú là vững là trước mọi thuận nghịch. Xây dựng hiểu và thương hay nói cách khác là phát huy trí tuệ và từ bi, những chất liệu quan trọng giúp chúng ta vượt lên mọi chướng ngại.