Chùa Việt

Không gian xanh chùa Linh Sơn Vạn Đức, Hải Dương

Thứ ba, 17/11/2015 04:17

Quý khách và phật tử có dịp về mảnh đất xứ Đông – Hải Dương, có dịp đi trên con đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng hãy ghé thăm chùa Linh Sơn Vạn Đức để được tìm về nơi Phật pháp sáng soi và được chìm đắm vào cảnh đẹp của không gian xanh nhà chùa.

Sáng nay thức dậy thấy lòng mình xốn xang, hoan hỉ. Bầu trời đã có những tia nắng chói trang xua đi cơn mưa rào của những ngày đầu Lập Đông. Mở vội cánh cửa để đón không gian ngày mới đã thấy mấy bác hàng xóm cắm hoa, thắp hương lên bàn thờ. Quay vào nhà, xé vội tờ lịch dán trên tường thì hôm nay đã là những ngày đầu tháng 10 năm Ất Mùi. Nhớ lại lời hẹn với Đại đức Thích Minh Tánh, trụ trì chùa Linh Sơn Vạn Đức, ở thôn Nội, xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Chúng tôi thu dọn hành lý của những người làm truyền thông Phật giáo xuôi theo đường quốc lộ 392 để tìm về không gian yên bình, tĩnh lặng giữa màu xanh của cảnh vật và tìm lại dấu tích chùa xưa.  
 
Từ dày công tạo dựng cổ tự … 

Theo các cụ cao niên trong làng cho biết: Chùa Linh Sơn Vạn Đức có tên cổ là chùa Múc, sau đó đổi tên thành chùa Mục Sơn. Đến năm 2009 khi Đại đức Thích Minh Tánh về trụ trì, Đại đức đã xin với GHPGVN tỉnh Hải Dương xin đổi tên thành Linh Sơn Vạn Đức và tên chùa này cho đến ngày nay. Chùa Linh Sơn Vạn Đức ghi dấu ấn của dòng họ Nguyễn và họ Phạm làng Nội có công trong việc tạo dựng, trùng tu và gìn giữ chùa. 

Chùa Linh Sơn Vạn Đức có từ  năm 1915 (Ất Mão), lúc đầu chùa chỉ là tường gianh vách đất lợp lá do cụ Phạm Văn Oai cung tiến đất làm chùa ở cánh đồng Múc. Sau đó khi nhân dân trong làng đoàn kết, đồng thuận giữa các dòng họ. Dòng họ Nguyễn cũng đứng ra hiến đất ruộng để mở rộng khuôn viên chùa. Lúc này, chùa mới có hai pho tượng Phật do cụ Oai cúng dường từ chùa Yên Phụ. Do cánh đồng Múc nằm cách xa khu dân cư của làng, nên khi xây dựng chùa, nhân dân đão tiến hành đào đất đắp thành một gò cao giữa cánh đồng và lập chùa trên gò đất đó và chùa quay theo hướng Đông. Để mở rộng thêm diện tích của chùa, dòng họ Phạm và các dòng họ khác tiếp tục vận động con cháu nhân dân dòng họ mình hiến đất, ngày công và tiền bạc để mở rộng khuôn viên. Lúc này diện tích chùa trên 7500m2. Các cụ trong làng tổ chức đào giếng nước, làm hệ thống mương máng chạy xung quanh chùa, trồng cây và cho các gia đình ra ở gần chùa để tiện cho việc trông coi, dần dần các gia đình khác cũng đến ở tạo nên khu dân cư đông đông đúc. 
 
Năm 1935, các cụ trong làng tổ chức đốt gạch để lấy vật liệu xây dựng. Đến năm 1939, chùa được xây dựng bằng gạch, một gian, hai trái có hậu cung thờ. Lúc này chùa có 6 pho tượng Phật gồm: Pho Ngọc Hoàng, Bụt ốc, Khô Khan, Đức ông, Thổ thần và pho tượng Mẫu. Các pho tượng được làm bằng gỗ mít. Sau khi xây dựng chùa xong, chùa Mục được đổi tên thành chùa Mục Sơn có nghĩa là chùa ngự trên mắt núi. Bắt đầu từ đây, vào ngày tuần Rằm, mồng Một nhân dân trong làng đến chiêm bái, thắp hương lễ Phật, tình làng nghĩa xóm đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương giầu đẹp và vun đắp cho cảnh đẹp của chùa. 

Khi Thực dân Pháp về càn quét, chùa Mục Sơn bị đốt phá san bằng trở thành một khu đất trống mọc đầy cỏ dại. Mọi người trong làng đi tản cư để tránh bị kẻ thù bắn giết. Đến năm 1950, nhân dân làng Nội hồi cư bắt tay vào tạo lập cuộc sống mới. Từ năm 1965 đến năm 1967 để phục vụ cho công cuộc xây dựng quê hương, khu đất chùa Mục Sơn được các cụ làm vườn ươm cây giống, một số diện tích đất của chùa cho nhân dân chuyển thành ao nuôi cá. 

Sau năm 1975, đất nước được hoà bình thống nhất, vấn đề tín ngưỡng càng được nhân dân coi trọng. Đặc biệt từ khi Nghị quyết Trung ương 5, khoá VIII của Đảng được ban hành và triển khai như một luồng gió mới cho nhân dân thôn Nội trong việc phục dựng lại ngôi chùa cổ. Được sự nhất trí của chính quyền địa phương cấp lại đất chùa cũ và sự đồng thuận của nhân dân, cụ Nguyễn Huy Tưởng vận động con cháu trong dòng họ và đứng lên xây dựng chùa. Ngày 2/2/1998 nhân dân trong làng tổ chức động thổ phục dựng chùa Mục Sơn, có 3 gian quay theo hướng chùa cũ và vận động phật tử ở Hải Dương, Hà Nội phát tâm công đức cúng dường tượng Phật. Một năm sau đó, 3 gian chùa chính Mục Sơn đã hoàn thành và trở thành nơi thờ tự đức Phật, nơi bái vọng của nhân dân.  

Năm 2002, nhân dân đóng góp tiền của xây dựng nhà Mẫu và cổng Tam quan. Đến năm 2007 thể theo nguyện vọng và phật tử, nhân dân đã mới sư cô Thích Huệ Quang về trông coi, truyền bá đạo Phật. Trong quá trình hành đạo, sư cô Huệ Quang đã vận động nhân dân, phật tử gần xa phát tâm cúng dường xây dựng giếng chùa, dựng tượng Quan âm do cụ Phạm Văn Hồi cung tiến. Do cơ duyên chưa đến, nên sau khi sư cô Huệ Quang chuyển đi. Nhân dân đã thỉnh Đại đức Thích Minh Tánh về trụ trì chùa và làm công việc Phật sự. Với sự nhiệt tình và cái Tâm của người hành đạo, sư Thầy Minh Tánh đã truyền bá đạo pháp, giáo dục lòng hướng thiện của mọi người.  

Vừa truyền bá đạo Phật, Đại đức Minh Tánh kết nối những tấm lòng hướng Phật của các phật tử gần xa chăm lo xây dựng chùa. Từ năm 2009 đến nay, bằng sự chung tay góp sức, góp công góp của của cán bộ, nhân dân làng Nội nói chung và các phật tử gần xa nói riêng đã mở rộng khuôn viên xây dựng thêm các hạng mục như: đúc tượng Phật A Di Đà, xây mới 5 gian nhà Mẫu, đúc đại hồng chung, xây dựng ngôi Tam Bảo…
 
 
Đến không gian xanh của chùa

Hôm nay chúng tôi đến chiêm bái chùa Linh Sơn Vạn Đức cũng là lúc những cơn mưa rào đầu đông và không khí se lạnh đã lan toả mọi miền quê miền Bắc khiến cho lòng người sống chậm lại. Lại không may cho chúng tôi khi Đại đức Minh Tánh đi làm công tác Phật sự ở Hải Phòng. Sau khi thụ nước ở phòng khách, chúng tôi xin phép người nhà chùa đi vãn cảnh chùa trong lòng hoan hỉ an vui. 

Quả thật, nếu như ai về chùa Linh Sơn Vạn Đức cũng sẽ phải thừa nhận cảnh vật nơi đây thật đẹp, không khí trong lành và con người thân thiện. Cái hồn quê chân chất như đã ngấm vào từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ đến cỏ cây hoa lá. Và chúng tôi còn nhận ra rằng: không gian xanh ở ngôi chùa quê này cũng rất đặc biệt. Từ cổng Tam quan đến khuôn viên của chùa, chỗ nào cũng có cây xanh bao phủ. Chỗ thì cây cổ thụ, chỗ cây cảnh, chỗ thì những khóm hoa đang khoe sắc đỏ rực và kia là vườn ươm các loại cây của nhà chùa. Tất cả các loại cây, loài hoa đang căng mình vươn lên đón lấy những nhựa sống của ban mai. 
 
 
Nếu như nói hơi quá khi chúng tôi phải thốt lên rằng: Cây cảnh của chùa đẹp quá. Từ các giống cây, đến các thế cây và cách bố trí từng loại cây trong khuôn viên đã thể hiện nhãn quan của người chơi cây. Chúng tôi còn nhớ đã có lần Đại đức Minh Tánh chia sẻ: “Bản thân Thầy cũng rất thích cây xanh, Thầy lại là người ở Huế ra mảnh đất xứ Đông hoằng pháp, nên đôi khi cây chính là người bạn tâm giao, cây chính là quê hương hiện hữu. Hiện nay trong khuôn viên của chùa có bao nhiêu cây Thầy cũng không biết nữa, Thầy chỉ biết từ ngày về tiếp nhận trụ trì đến nay, cứ chỗ nào có khoảng không, khoảng trống và đất thừa là Thầy cho trồng cây. Phần lớn cây trong nhà chùa Thầy đi mua là chính, còn lại một số ít Thầy đi xin trong quá trình làm Phật sự và các phật tử, nhân dân mang cho”. Nhớ lại những chia sẻ của sư Thầy chúng tôi mới thấy được sự tâm huyết và công lao của Đại đức bỏ ra rất lớn để có được một không gian xanh như bây giờ.  

Trong suốt hơn 2 năm được làm công tác  báo chí cho TTPG, chúng tôi đã có cơ duyên đến được nhiều chùa, nhiều chùa ở các tỉnh của miền Bắc. Mỗi một chùa chúng tôi ghé thăm luôn để lại những ấn tượng sâu sắc, cảm xúc vô bờ trong niềm hoan hỉ. Và hôm nay, khuôn viên chùa Linh Sơn Vạn Đức và cây xanh nơi đây chính là điểm nhấn cho mỗi phật tử và du khách đến chiêm bái. 

Trở lại với vẻ đẹp của không gian xanh của chùa chúng ta có nhiều cách để ngắm nhìn vẻ đẹp ở các góc cạnh khác nhau. Nếu đứng trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng nhìn xuống, chùa Linh Sơn Vạn Đức như một thung lũng thu nhỏ giữa cánh đồng ngút ngàn hương lúa, các cây xanh lớn nhỏ khác nhau tầng tầng lớp lớp xoè tán xếp lên nhau như che chở sự sống, dựa vào nhau để cùng sinh sôi nảy nở. Nếu đứng ở cổng Tam quan nhìn vào, du khách lại thấy được sự khác biệt rõ rệt của không gian xanh, với sự phân hoá rõ rệt của các loại cây và sự gần gũi thân thiện của các cây xanh được trồng. Hai bên cổng Tam quan là những loại cây đặc trưng của Đồng bằng Bắc bộ, như: cây sung, cây xoài, cây chuối. Phía bên phải là sự hiện diện của tượng Phật khoác trên mình chiếc áo màu vàng được toạ lạc giữa không gian xanh mát của cây cảnh, cây cổ thụ. Và nếu như chúng ta đứng trên tầng hai của nhà khách hướng xuống, chùa không khác gì một khu vườn sinh thái bao la rộng lớn xanh mát lòng người.

Càng đi sâu vào trong chùa, chúng ta như lạc vào một thế giới khác của nhà Phật. Khoảng sân rộng lớn được đổ mới có sự hiện hữu của cây ăn quả, cây cảnh làm cho cảnh quan dịu mát. Có hồ Phật Quan âm đứng sừng sững trước ngôi Tam Bảo với hương thơm ngát của hoa sen bốn mùa. Mải ngắm những cây xanh trước ngôi Tam Bảo, chúng tôi đã thấy chú tiểu Viễn Trí chỉ tay về phía nhà khách:

Đây là những cây cổ thụ, cây ăn quả, cây lấy gỗ và một ít cây cảnh. Những loại cây này được dòng họ Phạm, họ Nguyễn và nhân dân trong làng trồng trước khi Thầy về trụ trì. Còn phía trước nhà khách, nhà Mẫu là hệ thống cây cảnh được chính tay Thầy trồng đó. Chú lại đó mà xem.
 
 
Theo hướng tay chỉ của chú tiểu, chúng tôi đi qua sân Tâm Bảo rẽ sang khu nhà khách. Nơi đây cúng có một khoảng sân rất rộng được lát gạch đỏ, phía trên là sân khấu để tổ chức các buổi nghi lễ, liên hoan văn nghệ. Quả thật, đúng không sai lời của tiểu Viễn Trí, ở đây nhiều cây xanh thật, đủ các loại với các thế cây khác nhau. Từ Tùng, Cúc, Trúc, Mai, Bách, đến các loại cây xi, xanh, sung, khế và các loại cây hoa râm bụt, hoa giấy. Tất cả các loại hoa đó như hoà quyện vào nhau cùng nhau phát triển. Chỉ tính riêng tùng có có dăm ba loại; bách cũng đến vài thứ…  Đi giữa những chậu cây xanh được cắt tỉa gọn gàng và xếp thành hàng, chúng tôi như lạc vào thế giới xanh của nhà Phật với đủ loại tư thế cây khác nhau. Mỗi một cây xanh, cây si Đại đức Minh Tánh lại tạo cho một thế khác nhau. Có những cây mang thế vươn lên, có những thế oằn mình cúi xuống như tượng trưng các kiếp luân hồi của con người. Nhìn vào các thế cây mà sư Thầy đã dày công sưu tầm, uốn tỉa, chúng tôi mới cảm nhận được sự khéo léo, tỉ mỉ, cận thận và trân trọng của Thầy. 

Thầy Minh Tánh tâm sự: “Cây cũng như người, cũng có hồn cách và nhân cách sống, có tâm trạng buồn vui, từ bi hỉ xả. Chúng ta trồng cây là một việc tốt, nhưng chơi cây lại là một nghệ thuật đòi hỏi sự kiên trì của người chơi. Cho nên việc tạo dáng, tạo thế cho cây cũng như chúng ta đang cảm hoá, giáo hoá con người làm cho cây đẹp lên mang sức sống nhân sinh. Vì vậy, khi dời công việc Phật sự, Thầy lại tìm đến các loại cây vừa là người bầu bạn, vừa làm đẹp cảnh quan và quan trọng hơn giúp cho chúng ta tĩnh tâm, thư thái…” 

Có khi nào chúng ta hiểu được những nỗi lòng của quý Thầy đi hành đạo? Có khi nào chúng ta biết được nhưng việc mà các Thầy đang làm đẹp cho đời? Giáo hoá chúng sinh để thực hiện theo những lời Phật dạy đã là một việc khó, vận động mọi người xây dựng chùa lại càng khó gấp ngàn lần và xây dựng không gian xanh cho chùa Linh Sơn Vạn Đức thì không phải ai cũng có thể làm được. Nhìn vào bản đồ quy hoạch chi tiết về chùa và những chia sẻ của Đại đức Minh Tánh, chúng tôi mới thấu hiểu được bao công việc bộn bề còn phải làm, phải xây dựng. Nhưng có lẽ điều mà chúng tôi có thể khẳng định được rằng: Đó là sự gần gũi của Thầy, tình cảm của Thầy đối với thiên nhiên cây cỏ hoa lá và cái Tâm của Đại đức đối với không gian và ngôi chùa vùng quê thôn dã này. 

Nếu như quý khách và phật tử có dịp về mảnh đất xứ Đông – Hải Dương, có dịp đi trên con đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng hãy ghé thăm chùa Linh Sơn Vạn Đức để được tìm về nơi Phật pháp sáng soi và được chìm đắm vào cảnh đẹp của không gian xanh nhà chùa.

Đức Tùy
loading...