Lời Phật dạy
Không tranh chấp là pháp trang nghiêm
Thứ ba, 19/01/2024 03:00
Đức vua trong quá trình trị nước đã tự nghiệm ra rằng, người đời tranh chấp với nhau rất sâu nặng. Cha mẹ, chồng vợ, con cái, anh em, bà con với nhau mà còn tranh chấp kịch liệt, kéo nhau hầu tòa, huống gì người dưng. Ấy thế mà các Tỳ-kheo dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn luôn sống trong lục hòa.
"Một thời Phật du hóa giữa những người họ Thích, trú trong một đô ấp của Thích gia tên là Di-lũ-ly. Bấy giờ Ba-tư-nặc vua nước Câu-tát-la… đến trước Đức Phật cúi đầu lễ sát chân và lui ngồi một bên. Đức Thế Tôn hỏi:
- Đại vương, Đại vương thấy Ta có những nghĩa lợi nào mà tự hạ mình đảnh lễ dưới chân và cúng dường cung kính như vậy?
Vua Ba-tư-nặc thưa:
- Bạch Thế Tôn, con có sự loại suy về pháp đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật khéo thú hướng’.
- Bạch Thế Tôn, khi con ngồi trên đô tọa, con nhìn thấy mẹ tranh chấp với con, con tranh chấp với mẹ; cha tranh chấp với con, con tranh chấp với cha; cho đến anh em, chị em, thân bằng quyến thuộc tranh chấp lẫn nhau. Trong khi tranh chấp, mẹ nói con xấu, con nói mẹ xấu, cha con, anh em, chị em, thân bằng quyến thuộc nói xấu lẫn nhau. Người thân thích trong nhà còn như thế, huống nữa là người ngoài.
Còn ở đây, con thấy chúng Tỳ-kheo, đệ tử của Thế Tôn theo Thế Tôn tu hành phạm hạnh. Hoặc nếu có Tỳ-kheo nào gây ra ít nhiều tranh chấp, xả giới bỏ đạo cũng không nói xấu Phật, không nói xấu Pháp, không nói xấu chúng Tăng, mà chỉ tự chê trách rằng, ‘Tôi xấu xa, thiếu đức hạnh. Tại sao như vậy? Vì tôi không thể theo Thế Tôn trọn đời tu hành phạm hạnh’. Đó là sự loại suy về pháp của con đối với Thế Tôn. Do đó con nghĩ rằng, ‘Pháp được Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác giảng dạy thật là toàn thiện. Chúng đệ tử của Thế Tôn thật là khéo thú hướng".
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Lệ, kinh Pháp trang nghiêm, số 213 [trích, lược])
Pháp hỷ, pháp lạc - niềm vui trong chánh pháp
Lời bàn:
Vua Ba-tư-nặc (Pasenadi) nước Câu-tát-la (Kosala) là vị đại vương uy quyền lừng lẫy, cũng là đệ tử thân tín của Đức Phật. Lúc về già, vua đã đến đảnh lễ Đức Phật với tư cách đệ tử kính lễ thầy chỉ vì sự trang nghiêm của Chánh pháp. Một trong những sự trang nghiêm đó là các vị đệ tử Phật không tranh chấp, nói xấu, đấu đá lẫn nhau.
Đức vua trong quá trình trị nước đã tự nghiệm ra rằng, người đời tranh chấp với nhau rất sâu nặng. Cha mẹ, chồng vợ, con cái, anh em, bà con với nhau mà còn tranh chấp kịch liệt, kéo nhau hầu tòa, huống gì người dưng. Ấy thế mà các Tỳ-kheo dưới sự hướng dẫn của Thế Tôn luôn sống trong lục hòa. Thi thoảng cũng có vài vị thối thất không tu nữa nhưng chỉ tự trách mình “tôi xấu xa, thiếu đức hạnh” mà không bao giờ nói xấu hay chỉ trích về Phật-Pháp-Tăng.
Suy nghiệm sâu về điều này để thấy rằng, một cá nhân hay đoàn thể đệ tử Phật thực sự có tu tập giới-định-tuệ thì được mọi người kính trọng; sống hòa hợp, nhẫn nhịn, không tranh chấp đấu đá lẫn nhau chắc chắn được mọi người thương mến. Không chỉ người thường mà giới lãnh đạo các cấp, như vua Ba-tư-nặc là lãnh tụ của quốc gia cũng phải kính phục.
Thế thì cũng dễ hiểu vì sao ngày nay người tu không được tôn kính như xưa, vì chúng ta chưa thực sự lục hòa. Vẫn còn một số biểu hiện tranh chấp, đấu đá, nói xấu lẫn nhau trong Tăng đoàn. Những người hay tranh chấp thường không biết tự trách mình rằng tôi vụng tu, còn nặng nghiệp hay biết tàm quý “tôi xấu xa, thiếu đức hạnh”. Chính cái tôi cá nhân to lớn (đáng ra là ngày càng thu hẹp), dính mắc sâu nặng vào lợi danh (đáng ra là buông bỏ) nên tranh giành, tranh chấp đã xảy ra.
Những biểu hiện bất hòa như thế, dù ít nhưng cũng là tín hiệu buồn. Nếu không sớm dập tắt, để xảy ra càng nhiều thì uy tín của Tăng đoàn càng giảm. Dù chỉ manh mún, cá nhân nhưng nếu không chuyển hóa sớm tình trạng này thì người tu tự đánh mất mình, tín đồ sẽ quay lưng với Giáo hội, người đời không kính trọng, giới lãnh đạo cũng xem thường vì thiếu trang nghiêm.