Chùa Việt
Kiến An Cung ngôi chùa người Hoa ở Đồng Tháp
Thứ bảy, 09/04/2016 10:15
“…đến Tp.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp mà không đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp trầm mặc pha lẫn nét uy thiêng của di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Kiến An Cung quả là một thiếu sót rất lớn cho các du khách…”. Chú Liêu Quốc Nhang, ngụ phường 2, Tp.Sa Đéc khẳng định.
Người dân bản xứ vốn quen gọi ngôi chùa này là chùa Ông Quách được xây từ năm 1924 đến năm 1927 bởi những người Hoa từ tỉnh Phúc Kiến di cư sang đây lập nghiệp.
Tương truyền trong 3 năm xây dựng chùa, có rất nhiều người thợ từ Phúc Kiến sang thi công tạo nên những đường nét, họa tiết, hoa văn, tiểu tượng rất công phu, tinh xảo mang đậm nét văn hóa kiến trúc Trung Hoa… để trở thành một công trình kiến trúc uy nghiêm, rực rỡ theo phong cách đền miếu của Trung Hoa.
Ngày 27/04/1990, Bộ VHTT đã có Quyết định xếp hạng công nhận Kiến An Cung là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đây còn là công trình mang nặng tính hữu nghị đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam – Trung Hoa, mang đậm nét kiến trúc văn hóa độc đáo, đậm nét kỹ thuật phương Đông.
Kiến trúc chủ đạo tổng thể của chùa gồm ba gian: Đông lang, Tây lang và khu chính điện. Mái ngói gồm 3 lớp, mặt trên ngói, giữa gạch, dưới là ngói...3 năm trời đằng đẳng ấy, những người thợ từ Phúc Kiến sang đã cùng với những người thợ trong xây của Sa Đéc miệt mài lao động, tạo nên những đường nét, họa tiết, hoa văn, tiểu tượng… để trở thành một công trình kiến trúc uy nghiêm, rực rỡ theo phong cách đền miếu của Trung Hoa.
Nét độc đáo của ngồi chùa là hàng rào xây bằng xi măng nhưng được chế tác như những cọc tre xanh dân dã. Cổng chính được trang trí bằng 2 con kỳ lân bằng đá quý khá lớn và dũng mãnh nhưng vẫn giữ được nét tâm linh Toàn bộ ngôi chùa được thiết kế không có kèo mà chỉ có đòn tay ráp mộng, chịu lực trên những cột gỗ tròn có đường kính 30cm. Mặt tiền của chùa được thiết kế hài hòa với 3 gian chính, mái ngói âm dương được lợp theo kiểu rợn sóng rồng trải nền cho 6 ngọn sóng cong vút lên cao mà 6 đầu ngọn sóng ấy là 6 cung điện nguy nga, tráng lệ được thu nhỏ, biểu trưng cho tinh thần vượt khó và thành đạt.
Bên trong chánh điện là một khoảng sân lộ thiên, vừa để làm nơi tế lễ, vừa để lấy khí trời và là lối thoát cho khói hương. Những hàng cột lớn, đen bóng đồ sộ; hoành phi, câu đối, bao lam, thành vọng, liễn, chấn… tất cả được chạm trổ tinh vi, sơn son thếp vàng rực rỡ. Ngay giữa chánh điện là bàn thờ Ông Quách (tức Quảng Trạch Tôn Vương), bên tả là Thanh Thuỷ Tổ Sư (nguyên là thầy thuốc chữa bệnh cho dân); bên hữu là Bảo Sanh Đại Đế (có nhiệm vụ bảo vệ sanh mạng của người trung nghĩa)…. Phía trước bàn thờ có tượng quan Thánh Đế Quân, có sắp hai hàng binh khí sáng ngời; cạnh bên có Đông lang và Tây lang để làm nơi tiếp khách khi đến cúng bái, trên vách tường có vẻ những bức tranh theo lối thủy mạc, nét vẽ rất uyển chuyển, sống động, những hình thập điện phong thần, những truyện xưa tích cũ mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Hàng năm, chùa có hai lễ tế lớn vào ngày 22/02 (Âm lịch) là ngày sinh của ông Quách và ngày 22/08 (Âm lịch) là ngày ông thành đạo; chùa có thiết lễ cúng tế rất trang nghiêm, đông đảo người đến dự và cầu nguyện. Đáo lệ 03 năm thì lập trai đàn, cầu siêu cho bá tánh; cầu quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa. Từ khi xây dựng đến nay, chùa đã được trùng tu ba lần nhưng vẫn nằm tại vị trí cũ. Mỗi năm chùa có hai lễ hội lớn vào ngày 22/02 (Âm lịch) và 22/08 (Âm lịch) đón tiếp nhiều khách thập phương.
Kiến An Cung đã và đang được nhiều du khác đến tham quan, tìm hiểu mỗi khi đến với vùng đất Sa Đéc hiền hòa.
Tô Phục Hưng