Chùa Việt
Kiệt tác nghệ thuật bằng gỗ lim của ngôi chùa gần 400 năm tuổi ở Thái Bình
Thứ ba, 08/01/2024 08:00
Trải qua gần 400 năm thăng trầm bể dâu, chùa Keo vẫn ôm ấp nguyên vẹn trong mình những dấu ấn của lịch sử, của văn hoá và kiến trúc nghệ thuật thời hậu Lê.
Nằm yên bình trầm mặc tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, chùa Keo còn có tên chữ là Thần Quang Tự. Chùa được xây dựng vào năm 1632 (thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII).
Trải qua gần 400 năm, chùa Keo hiện vẫn tồn tại khá nguyên vẹn so với kiến trúc ban đầu. Theo văn bia còn lưu, diện tích toàn khu chùa rộng 58.000m2, gồm 21 công trình với 157 gian. Hiện nay chùa còn lưu giữ được 17 công trình với 128 gian trên tổng diện tích khoảng 41.000m2.
Chùa Keo được đánh giá là công trình nghệ thuật kiến trúc cổ có quy mô rộng lớn bậc nhất trong các kiến trúc chùa chiền ở Việt Nam.
Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng "Nội công ngoại quốc" và dựng hoàn toàn bằng gỗ lim với kỹ thuật cao, không sử dụng đinh tán, chỉ dùng mộng gỗ ghép lại với nhau và mái lợp ngói nam.
Quần thể chùa Keo chứa đựng nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật khác nhau với nét riêng độc đáo, tiêu biểu như: Tam quan, tòa Giá Roi, hành lang đông tây, gác chuông,... Kết cấu và cách bố trí của từng khu cũng có sự khác cao thấp, lớn nhỏ, lên xuống bồng bềnh nhưng lại quyện hoà với nhau tạo thành tổng thể rất chặt chẽ, chắc chắn.
Chùa có 2 Tam quan, đó là Tam quan nội và Tam quan ngoại. Hai Tam quan cách nhau bởi hồ nước. Qua Tam quan nội là khu thờ Phật gồm chùa Ông Hộ, tòa Thiêu Hương và điện Phật. Khu thờ Phật là nơi tập trung nhiều nhất các pho tượng Phật có giá trị nghệ thuật cao ở thế kỷ 17, 18, gồm tượng Tuyết Sơn, La Hán, quan thế âm Bồ Tát, Khuyến Thiện...
Phía sau khu thờ Phật là khu thờ Thánh ( Thiền sư Không Lộ) cùng hai dãy hành lang Đông và Tây nối từ chùa ông Hộ đến gác chuông gồm hàng chục gian là nơi để Phật tử sắp lễ và du khách nghỉ chân.
Từng cột đỡ, vì kèo, cánh cửa….tại chùa đều được chạm khắc rất tinh xảo, chi tiết và tỉ mỉ. Chùa Keo hiện đang lưu giữ gần 200 di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hoá lớn.
Trải qua gần 400 năm, thời gian đã phủ lên ngôi chùa một vẻ bàng bạc, rêu phong trầm buồn, nhưng cũng rất gần gũi, an lành. Chùa Keo là điểm đến linh thiêng không chỉ với người dân địa phương mà còn thu hút nhiều du khách từ khắp nơi về chiêm bái.
Với những giá trị đặc biệt về văn hóa lịch sử, năm 2012, quần thể chùa Keo được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, điểm đến du lịch quốc gia từ năm 2013. Bên cạnh đó, lễ hội chùa Keo cũng có nhiều nét đặc sắc và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017.
Nguồn: Báo VietNamNet.