Chùa Việt

Kim Sơn cổ tự ở cực nam tổ quốc

Thứ bảy, 24/12/2016 09:54

Tôi từng được sư cô Thích Nữ Diệu Chánh tiếp ở chùa Tổ Quan Âm Sắc Tứ (phường 4, Tp.Cà Mau), vị ni có chức phận trong BTS Phật giáo tỉnh cực Nam tổ quốc và từng được truyền thông ghi nhận như một gương sáng trong công tác từ thiện – nhân đạo.

Chùa Quan Âm Sắc Tứ được chọn đặt văn phòng BTS Phật giáo tỉnh và Sư cô Diệu Chánh giữ cương vị Phó ban, phụ trách công tác từ thiện nhân đạo. Trong lần gặp ngắn ngủi ấy tôi được biết vị ni hiền từ nhỏ nhắn người Đầm Dơi trụ trì chùa Kim Sơn ở cùng thành phố Cà Mau.

Đến Kim Sơn cổ tự bạn phải qua phà hay đò, từ cửa ngõ thành phố trẻ, dừng ở một chợ nhỏ bên vệ đường có tên Cống Nhum, sang sông mấy bước đã thấy tấm biển xanh đẹp mắt đóng vai hướng dẫn: “Chùa Kim Sơn cách 600 mét”.

….Thế là bắt đầu hành trình lạ, ngay cả với tôi cũng ở vùng có sinh thái tương tự, ngập mặn - bước trong màu xanh cây mắm trên phù sa ven rạch nhỏ, cầu này cách cầu kia chẳng bao xa, nối nhau. Bên này sông con, bên kia lau sậy hay lối mòn, 600 mét thành ra ngắn ngủn, không kịp thấm mệt đã thấy thấp thoáng trong vạt mắm kiến trúc chùa màu đỏ – vàng xen lẫn sắc xanh.

Kim Sơn Cổ Tự đón chân khách hành hương với phòng thuốc nam đơn sơ, tiếp đấy chính là các khối kiến trúc cân đối trải rộng và kéo dài ra hồ nước phía hậu.

Tượng Phật nằm ẩn ở xã xa gần nhà vãng sinh và tháp bậc có công kiến tạo chốn này. Chính điện ở vị trí trung tâm, khá rộng và trang nghiêm. Các hạng mục công trình bếp, nơi nuôi dưỡng người già... xếp cạnh nhau. Gian thờ có có độ cao trung bình ngay mặt tiền chính là am nhỏ – khởi đầu để có chùa Kim Sơn ngày nay.

Tôi được người địa phương kể cho nghe về vị sáng lập am nhỏ trong thời khói lửa, Kim Sơn cổ tự. Năm 2007 Sư cô Thích Nữ Diệu Chánh được cử về khi đang tu tập ở chùa Tổ phường 4, đã làm rất nhiều việc để hoàn thiện chốn tu tập cho ni giới và phật tử gần xa, đồng thời chăm sóc người cao tuổi.

Vùng đất cạnh quốc lộ 1, bên này sông, nhưng hoang sơ lắm. Tôi cũng không ngờ phường 6 thành phố Cà Mau lại có cảnh quê như vầy, với rạch nhỏ bãi bồi cùng vạt mắm chạy dài xanh um, lau sậy, dân cư thưa thớt... Nhưng sư cô kể ngày chân ướt, chân ráo đến đây còn vắng hơn nhiều, đường không có, bộn bề việc cần làm. Những chiếc cầu con gắn biển ghi dấu tấm lòng mạnh thường quân gần xa.

Sư cô trụ trì cho biết duy trì đều các khóa tu hàng tháng, có phật tử từ các tỉnh bạn đến dự đều. Ngoài chức vụ trụ trì, như đã nói, sư cô nặng gánh công việc tỉnh hội, đã chung sức vận động xây dựng hàng loạt cầu nông thôn cho các huyện, giúp các hoàn cảnh khó khăn, tặng xe đạp cho trẻ nghèo... Nhiệt tâm từ thiện của sư cô Diệu Chánh đến nức tiếng trong vùng.

Viếng Kim Sơn, được sư cô trụ trì tiếp chuyện, có nhiều thông tin quý được xác tín lại nhưng tôi vẫn lấn cấn chút: phòng thuốc hãy còn đơn sơ quá, lơ thơ cây thuốc, phòng ốc tạm bợ, cần đầu tư nhiều để xứng với các kiến trúc còn lại. Biết rằng việc thiện bao nhiêu cho đủ, nhưng vẫn băn khoăn. Không nhiều chùa tổ chức được phòng thuốc, nên nếu mà tạm bợ quá cũng áy náy: trữ thuốc, phơi sấy, thăm khám... cần không gian đảm bảo mọi mặt.

Nhưng ấn tượng thanh thoát lần đầu đến viếng Kim Sơn cổ tự vẫn lắng đọng, nhất là khi được đích thân sư cô “ưa” làm từ thiện tiếp thân mật.

Nếu có duyên, bạn hãy hưởng thụ trải nghiệm tâm linh chốn thanh tịnh này, trong vùng xanh sắc cây mắm, cầu nối cầu, một vùng quê ngay ở phường 6, thành phố Cà Mau.

Ở đấy có một tấm lòng...

Nguyễn Thành Công
loading...