Kinh Phật
Kinh Pháp cú (Dhammapada) - những câu kệ tuyệt diệu của đạo Phật
Thứ năm, 27/02/2019 07:00
Kinh Pháp Cú (Dhammapada) là một trong những văn tự cổ xưa nhất của đạo Phật. Kinh được xem là một phương cách trình bầy đạo Phật giản dị và sáng sủa, ai ai cũng có thể hiểu được, và giúp ích cho sự tu tập hàng ngày nhờ những câu kệ tuyệt diệu này.
Kinh Pháp cú cũng đồng thời cũng được xem là một tuyệt tác phẩm của nền văn chương Ấn Độ, trong thể thi ca gọi là kavya.Kinh thuộc vào Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka-nikaya, Bộ kinh ngắn), nằm trong Kinh Tạng (Sutta-pitaka), một trong Tam Tạng kinh điển (Tipitaka), tức là Kinh điển pali.
Để định vị chính xác Kinh Pháp Cú, chúng ta hãy hình dung 3 cái bồ lớn, trong đó đã được gom góp các bài kinh ghi trên lá bối bởi các đệ tử của đức Phật, sau nhiều lần ôn đi tụng lại, truyền khẩu từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Bồ đầu tiên chứa Kinh Tạng (Sutta-pitaka) gồm các bài giảng của đức Phật.
Bồ thứ nhì chứa Luật Tạng (Vinaya-pitaka) gồm các giới luật.
Bồ thứ ba chứa Luận Tạng (Abhidhamma-pitaka) gồm các bài luận giải viết sau này.
Kinh Tạng gồm hơn 10000 bài kinh, chia ra làm 5 Bộ: Trường Bộ Kinh (Digha-nikaya), Trung Bộ Kinh (Majjhima-nikaya), Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta-nikaya), Tăng Chi Bộ Kinh(Anguttara-nikaya), và Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka-nikaya). Tiểu Bộ Kinh gồm 15 phần, trong đó phần 2 chính là Kinh Pháp Cú.
Bản Kinh Pháp Cú thông dụng được viết bằng tiếng pali, gần với tiếng maghadi là ngôn ngữ dùng bởi đức Phật Thích Ca, vì ngài thường ngụ tại vương quốc Maghada, tức là tỉnh Bihar hiện nay. Đã có nhiều bản dịch sang nhiều thứ tiếng, đặc biệt sang tiếng Việt, từ bản dịch và chú giải của Tỳ kheo Narada bởi Phạm Kim Khánh, từ tiếng Hán bởi HT Thiện Siêu, từ tiếng pali bởi HT Minh Châu, HT Thiện Châu, Tịnh Minh (đăng trên Internet), và nhà thơ Trụ Vũ.
Tên Kinh gồm hai từ pali ghép lại với nhau: Dhamma (Dharma tiếng Phạn), là giáo lý của đức Phật, vàpada, là "lời nói, câu kệ", đồng thời cũng có nghĩa là "con đường". Do đó Dhammapada có thể dịch là " Lời Chánh Pháp " (Pháp Cú tiếng Hán-Việt), hoặc là "Con đường của đức Phật ”.
Kinh gồm 423 bài kệ, chia ra làm 26 chương hay phẩm (vagga), được đặt tên là " song yếu, tinh cần, hoa hương, ngu si, hiền trí, hình phạt, già yếu, an lạc, v.v. ". Mỗi bài kệ gồm có 4 hay 6 câu ngắn, có vần ít nhiều.
Theo truyền thống Nguyên Thủy, nơi mà Kinh Pháp Cú được phổ biến rộng rãi trong quần chúng, mỗi câu kệ được đức Phật nói lên trong một hoàn cảnh đặc biệt, như đã được ngài Phật Âm (Buddhaghosa) luận giải vào thế kỷ thứ V. Kinh diễn tả đầy đủ thông điệp của đức Phật dưới mọi khía cạnh, trong suốt 45 năm ngài thuyết giảng bên bờ sông Hằng, cho tất cả những ai muốn nghe, không phân biệt thế cấp hay tôn giáo.
Mỗi câu kệ, dưới một bề ngoài giản dị, chứa đựng một nội dung rất phong phú và sâu xa. Thay vì những lời lẽ phức tạp, đức Phật thường dùng những hình ảnh giản dị, những thí dụ lấy từ đời sống hàng ngày, dẫn tới một cảm nhận trực tiếp bằng trực giác, chẳng hạn như " bánh xe theo chân bò, tảng đá gió không lay chuyển, lũ lụt cuốn làng ngủ, lửa cháy khắp nơi, nước trượt trên lá sen... ".
Tuy nhiên, không phải chỉ đọc một lần mà người ta có thể hiểu được tất cả ý nghĩa của bài Kinh, phải đọc đi đọc lại thường xuyên và quán xét kỹ lưỡng, người ta mới có thể thấm nhuần được tất cả tinh hoa của giáo lý đạo Phật. Mỗi lần đọc lại, Kinh Pháp Cú truyền cho ta một nguồn sinh khí mới, đồng thời làm sáng tỏ hiểu biết và mang lại một cảm tưởng thanh tịnh, an lành.
Vì bài Kinh khá dài, gồm đến 423 câu kệ, cho nên chúng tôi thấy nên tuyển lựa trong đó một số câu, chẳng hạn như 30 câu. 30 câu kệ đó trên nguyên tắc là những câu tiêu biểu nhất và chứa đựng phần cốt tủy của đạo Phật. Trong khi trình bầy, chúng tôi sẽ không theo thứ tự số câu, mà sẽ xếp loại theo chủ đề.
Chúng ta sẽ khởi đầu bằng 2 câu kệ số 1 và 2, thuộc phẩm "Song Yếu", bởi vì như chúng ta sẽ thấy, trong Kinh có nhiều câu đi song song, đối lại với nhau, nhưng bổ túc cho nhau và chở cùng một ý nghĩa. Hai câu này hết sức quan trọng, bởi vì vừa mới khởi đầu Kinh, khuôn khổ chung của đạo Phật đã được ấn định một cách rõ rệt: tất cả là do tâm, do ý thức con người tạo nên.
1. Tâm dẫn đầu các pháp.
Tâm là chủ, tạo tác.
Nếu nói hay hành động,
Với tâm niệm bất tịnh,
Khổ não liền theo sau,
Như xe theo chân bò.
(tiếng pali : Manopubbangama dhamma manosettha manomaya Manasa ce padutthena bhasati va karoti va Tato nam dukkhamanveti cakkam va vahato padam.)
2. Tâm dẫn đầu các pháp.
Tâm là chủ, tạo tác.
Nếu nói hay hành động,
Với tâm niệm thanh tịnh,
An lạc liền theo sau,
Như bóng chẳng rời hình.
Chủ đề sau là những lý do chính đáng để đi theo con đường Chánh Pháp (Dhamma). Đầu tiên là sự nhận xét rằng thế giới này đang chìm đắm trong khổ đau (dukkha), đó là sự thật thứ nhất trong 4 Sự Thật (Tứ Đế, cattari-aryia-sacca).
146. Vui cười làm sao được,
Khi lửa cháy khắp nơi?
Bóng tối mãi bủa vây,
Sao không tìm ánh sáng?
Trong khi đó, người ta có ngờ đâu rằng được sanh ra làm người, sống ở trên đời này và nghe lời dậy của đức Phật, là một sự ưu đãi, một đặc ân hiếm có:
182. Khó thay sanh làm người,
Khó thay sống giữa đời!
Khó thay nghe Chánh Pháp,
Khó thay Phật ra đời!
194. Vui thay Phật ra đời,
Vui thay Pháp được giảng!
Vui thay Tăng hòa hợp,
Đồng hòa tu, thật vui!
Sự khác biệt giữa kẻ ngu và người trí thấy rất rõ. Kẻ ngu là kẻ không nhận thấy mình đang bị lôi cuốn bởi những độc tố như tham ái, sân hận và ngu si, và không đi theo con đường đạo hạnh. Người trí, ngược lại ý thức được điều đó, và tu tập theo Chánh Pháp.
62. " Con ta, tài sản ta ",
Kẻ ngu mãi lo xa,
Chính ta còn không có,
Tài sản, con đâu ra?
47. Người hái hoa dục lạc,
Tâm tham nhiễm say sưa,
Tử thần sẽ kéo bừa,
Như lụt cuốn làng ngủ.
Trong khi đó :
25. Nhờ nhiệt tâm cố gắng,
Tự chế, sống nghiêm trang,
Người trí xây hòn đảo,
Nước lụt khó ngập tràn.
20. Dầu tụng ít kinh điển,
Nhưng làm theo chánh pháp,
Diệt trừ tham sân si,
Hiểu đúng, tâm giải thoát,
Không chấp cả hai đời,
An hưởng quả đạo hạnh.
Như vậy, người ta có thể chọn lựa được giữa hai lối sống, hai thái độ:
110. Dù sống đến trăm năm,
Buông lung, không tự chế,
Chẳng bằng sống một ngày
Trong đạo hạnh, thiền định.
102. Dầu tụng trăm câu kệ
, Nhưng không có lợi ích,
Chẳng bằng một câu Pháp
Nghe xong được tịnh lạc.
Sự tu tập chuyên cần trên con đường đạo hạnh sẽ dẫn tới một trạng thái an bình và tự tại:
81. Như tảng đá vững chắc,
Không gió nào lay chuyển,
Hiền đức không giao động,
Trước lời khen tiếng chê.
170. Như bọt nước trôi sông,
Như ảo ảnh bềnh bồng.
Nhìn thế gian như vậy,
Tử thần không thấy ta.
Điểm quan trọng, và cũng là điểm khác biệt so với các tôn giáo thần khải, là con người phải ý thức được rằng tất cả đều tùy thuộc ở mình. Mỗi người là tác giả duy nhất của sự khổ đau cũng như sự giải thoát của mình:
165. Tự mình làm điều ác,
Tự mình sanh nhiễm ô,
Tự mình không làm ác,
Tự mình thanh tịnh mình.
Tịnh hay không, do mình,
Không ai thanh tịnh ai.
160. Hãy tự cứu lấy mình,
Ai cứu mình được chứ? Người khéo điều phục mình, Là cứu tinh khó tìm.
276. Hãy tự mình cố gắng,
Như Lai chỉ là thầy.
Người hành giả kiên trì,
Sẽ thoát vòng Ma vương.
Sự cố gắng đó chính là một chiến thắng trên chính mình, vẻ vang hơn cả mọi chiến thắng. Tức là tự chế phục được mình, tự điều khiển được thân, khẩu, ý:
103. Dầu tại bãi chiến trường,
Thắng hàng ngàn quân địch,
Không bằng tự thắng mình,
Thắng mình là tối thượng.
35. Tâm khó chế, lanh lẹ
Vun vút theo dục trần,
Lành thay điều phục tâm,
Ðiều tâm thì an lạc.
361. Lành thay chế ngự thân!
Lành thay chế ngự lời!
Lành thay chế ngự ý!
Lành thay chế tất cả!
Tỳ kheo tự chế hết,
Thoát khỏi mọi khổ đau.
Những điều phải chế ngự, phải điều phục là ba cái độc tố, ba cái rễ (mula) dẫn tới khổ đau, tức là tham ái (lobha), sân hận (dosa) và vô minh (avijja):
251. Lửa nào bằng lửa tham,
Kềm nào bằng kềm sân,
Lưới nào bằng lưới si,
Sông nào bằng sông ái.
Đầu tiên là tham ái:
215. Tham ái sinh ưu sầu,
Tham ái sinh sợ hãi,
Ai dứt bỏ tham ái,
Hết sợ hãi, ưu sầu.
199. Hạnh phúc thay được sống,
Không tham giữa khao khát.
Giữa những kẻ khao khát,
Ta sống không khát khao.
336. Ai sống ở trên đời,
Khắc phục được tham ái,
Sầu muộn sẽ tách rời,
Như nước trượt lá sen.
Độc tố thứ nhì là sân hận, thường bắt nguồn từ sự thiếu cảm thông, sự ngộ nhận và có thể dẫn tới bạo động:
252. Thấy lỗi người thì dễ,
Nhận lỗi mình rất khó.
Lỗi người vạch tỉ mỉ,
Lỗi mình che dấu luôn.
129. Gậy gộc, ai cũng sợ,
Mất mạng, ai cũng khiếp.
Lấy ta suy bụng người,
Chớ giết, chớ bảo giết!
201. Chiến thắng nuôi thù hận,
Chiến bại chuốc khổ đau.
Từ bỏ mọi thắng bại,
An tịnh liền theo sau.
197. Hạnh phúc thay được sống,
Không hận giữa hận thù.
Giữa những kẻ hận thù,
Ta sống không thù hận.
5. Hận thù diệt hận thù,
Ðời này không thể có.
Từ bi diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.
Cuối cùng, độc tố thứ ba, cũng là nguồn gốc của hai cái trên, là vô minh. Đó không phải là sự thiếu hiểu biết, mà là sự thiếu sáng suốt và trí huệ, phải được loại trừ bởi chánh định (samma-samadhi) và chánh niệm(samma-sati), là hai nẻo đường trong con Đường Chánh Tám Nẻo (Bát Chánh Đạo, atthangika-magga). Do đó, có một mối liên hệ mật thiết giữa định (samadhi)và huệ (pañña):
372. Không có huệ, không định,
Không có định, không huệ.
Người có định, có huệ,
Đạt Niết bàn viên tịnh.
Để kết thúc, đây là một trong những câu kệ nổi tiếng nhất, tóm tắt một cách vô cùng đơn giản lời dậy của đức Phật, đúng hơn của chư Phật, các đấng Giác ngộ hoàn toàn:
183. Tránh làm các điều ác,
Thành tựu mọi việc lành,
Giữ tâm ý thanh tịnh,
Ấy lời chư Phật dạy.
Câu này rất quen thuộc bằng tiếng Hán-Việt:
Chư ác mạc tác, Chúng thiện phụng hành, Tự tịnh kỳ ý, Thị chư Phật giáo.
Nói tóm lại, lời dậy ban đầu của đức Phật qua những câu kệ này vô cùng sáng sủa và giản dị. Không có một chút luận tưởng siêu hình nào, không có lý luận triết học, cũng không có đức tin tôn giáo. Tất cả khởi đầu bằng một nhận định tâm lý căn bản: sự khổ đau của con người là kết quả của những ảo tưởng gây nên bởi tham ái, sân hận và vô minh, và do đó có thể dẹp tan được bằng cách điều phục tâm và các cảm xúc tiêu cực của mình.
Thông điệp này hoàn toàn phù hợp với câu kệ cuối cùng của đức Phật Thích Ca trước khi ngài viên tịch, ghi trong Kinh Đại Bát Niết Bàn (Maha-parinibbana- sutta) pali:
"Hỡi các tỳ kheo!
Hãy chánh niệm, tỉnh giác,
Trì giới, định tâm, nhiếp ý.
Ai tinh tấn trong Pháp và Luật này,
Sẽ lìa vòng sanh tử, chấm dứt khổ đau. "