Kiến thức
Kinh Phật nói ân nặng của cha mẹ khó báo đáp
Thứ sáu, 14/11/2020 11:07
Tất cả chúng ta đang hiện hữu trên cõi đời này, không ai không phải do cha mẹ mang nặng đẻ đau. Tình cảm ấy ân đức ấy, quả thật không bút mực nào có thể diễn tả, không ngôn từ nào có thể biểu đạt. Thế thì làm thế nào để báo đáp thâm ân sâu dày ấy trong muôn một?
Có hiếu với mẹ cha tức là kính Phật
Thật may thay! Một lần nọ, đức Như Lai dẫn đại chúng đi về hướng Nam, trên đường đi Ngài và đại chúng gặp đống xương khô. Ngay lập tức đức cha lành của bốn loại, thầy của ba cõi quì mọp xuống lạy đống xương, việc làm ấy đánh động sự tò mò của đại chúng nói chung và thầy A-nan nói riêng, do đó mới có bộ kinh làm cảm động rất nhiều con tim biết hiểu và biết thương này.
Thông qua bộ kinh này, đức cha lành Thích-ca Mâu-ni của chúng ta muốn nhắn gửi thông điệp đạo hiếu đến hết thảy mọi người trên cả địa cầu. Thông điệp ấy được đức Như Lai nói ra bằng cả trái tim thương yêu. Ngài dạy cho đại chúng hiện tiền và nhân loại đời sau thể hội ân đức cao hơn núi, sâu hơn đại dương của song thân. Cha mẹ đã gian lao vất vả cả cuộc đời cho những người con bé bỏng của mình. Từ khi mới vào thai chúng ta đã làm cho cha mẹ lo lắng khổ đau, sớm chiều luôn chăm lo gìn giữ sợ điều bất như ý xảy đến. Dần dần chúng ta được phát triển nhờ máu của mẫu thân, đến khi đủ tháng đủ ngày, có người lại chẳng chịu co tay co chân để ra, mà còn đạp, vùng vẫy không thôi, khiến mẫu thân đau như dao cắt. Sau khi được chào đời, cha mẹ lại chăm lo bồng ẵm, nuốt đắng nhả ngọt, nằm ướt nhường khô… Khi lớn lên chút nữa, song thân lại lo cho chúng ta ăn học. Lúc đến tuổi trưởng thành, lại lo dựng vợ gả chồng, xây nhà cất cửa. Tưởng đâu sau khi thành gia lập thất cha mẹ được yên thân, nào ngờ nỗi lo lại chất chồng khi nghe tin vợ chồng con cái không được hạnh phúc, nghèo thiếu, đói rách… Quả thật, “mẹ già tuổi đã 100, vẫn lo con cái tuổi gần 80”. Tình cha mẹ thương yêu con không bao giờ ngừng nghỉ, ngay cả khi đã nhắm mắt xuôi tay, thân tứ đại trả về cho tứ đại, song thần thức vẫn luôn theo bảo hộ con cái.
Ấy thế mà chúng ta nào có biết có hay, luôn giận dỗi oán hờn cha mẹ, nếu xin thứ gì cha mẹ chưa kịp thời đáp ứng, liền bỏ ăn hoặc bỏ nhà ra đi, làm cha mẹ buồn rầu đứng ngồi không yên. Nhiều khi chúng ta mãi vui chơi với bạn bè quên cả giờ giấc, nhưng chúng ta nào hay cha mẹ ở nhà nóng ruột chờ mong, trông đứng trông ngồi, trong đầu nghĩ tưởng đến những điều bất như ý xảy đến với con mình. Mỗi khi đêm đông lạnh giá, chúng ta vùi say trong giấc ngủ, nào hay mẹ hiền vẫn còn đang cặm cụi khâu lại chiếc áo cho ta bên ngọn đèn dầu leo lắt, thế mà khi mặc vào chúng ta lại còn chê tới chê lui, chê xấu, chê quê mùa. Mỗi khi trái gió trở trời, chúng ta cảm sốt, nào hay song thân thức thâu đêm luôn đi tới đi lui, lâu lâu sờ lên trán. Đến khi khỏe mạnh ta lại dành sức khỏe đó lo cho bạn bè, người dưng nước lã, chứ nào nghĩ đến hiếu dưỡng song thân. Nhiều người đã nổi tiếng thành danh, lại không dám thừa nhận và gặp mặt cha mẹ khi họ ở quê lên thăm. Người con trai khi đã có vợ, suốt ngày chỉ biết làm lụng vất vả, lo cung phụng vợ con, vợ vừa hờn dỗi liền xin lỗi dỗ dành, chẳng chút xấu hổ. Phận con gái, khi đã xuất giá theo chồng, thì lo cho cuộc sống nhà chồng, nhiều khi cả năm cả tháng chẳng ghé về thăm, nếu cha mẹ có rầy la điều chi, liền hờn dỗi, oán giận bỏ về nhà chồng luôn, ấy thế khi bị chồng đánh mắng, ngược lại đứng trơ ra chịu đòn chẳng chút phản ứng, bị gia đình nhà chồng coi thường, chỉ biết khóc chẳng dám hở môi, có khi nghe tin cha mẹ mình bệnh nặng hoặc qua đời cũng chẳng về thăm, không nhìn được mặt song thân lần cuối…
Như thế nào là làm cha mẹ trong chánh niệm?
Những người em dễ thương của anh ơi! Các em hãy ngồi yên tĩnh lặng, xem mình đã làm cho cha mẹ phải khổ tâm, rơi lệ bao lần rồi? Các em đã lần nào nói hoặc thể hiện cho cha mẹ biết rằng mình thương yêu cha mẹ chưa? Các em đã lần nào tự tay mình nấu cho cha mẹ bát cháo hoặc đi mua viên thuốc khi cha mẹ đau bệnh chưa? Các em hãy nhớ cho “ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn trên mắt mẹ nghe em!”. Nếu làm cho cha mẹ phải khổ tâm, rơi lệ, như vậy chúng ta bị tội lớn lắm, tội này to lớn không gì có thể sánh được. Do đó, anh khuyên các em hãy thực hành ngay hiếu hạnh. Nếu em còn nhỏ, còn tuổi ăn tuổi học, chưa làm ra tiền, thực hành hạnh hiếu bằng cách nỗ lực học tập, nghe lời cha mẹ dạy không được chống trái, cãi lại, cha mẹ nói điều gì phải vòng tay nghe, các em cũng có thể thực hành hiếu bằng cách thăm hỏi, rót cho cha mẹ li nước sau khi mỗi bữa ăn… Còn nếu các em đã lớn, đã làm ra tiền, ngoài chi tiêu cho cá nhân ra, nên trích một phần để phụng dưỡng song thân… Tóm lại, dù đã lớn hay còn nhỏ, điều trước nhất phải tự thân chăm sóc, thăm hỏi, phụng dưỡng song thân.
Nói đến đạo lí hiếu thuận, hầu như ai cũng biết, nhưng thực tiễn của hiếu thuận, lại ít người làm được. Đặc biệt hiện tại đang thịnh hành chủ nghĩa lợi ích và hiện thực, vô hình trung hai chữ “hiếu thuận” trở thành đức tốt của rất ít người. Do đó bộ kinh đề xướng chữ hiếu này, quả thật đã làm cảm động lòng người. Khắc sâu ân tình của cha mẹ, làm cho người đọc phải rơi lệ mỗi lần nghĩ đến. Vì thế dám khuyên tất cả những người làm con nên đọc tụng, thọ trì bộ kinh này, đồng thời ra sức lưu truyền rộng rãi, hầu phát dương đạo hiếu khắp nơi nơi.
Nói lời yêu thương cha mẹ cũng là một cách báo hiếu ý nghĩa
Theo quan điểm của Phật giáo, nghe lời cha mẹ, nỗ lực học tập, lập thân hành đạo, phụng dưỡng song thân, quạt nồng ấp lạnh, đây chỉ là hiếu của thế gian. Muốn tận hiếu, theo kinh văn phải in kinh ấn tống, đối với bản thân phải ăn chay, làm mọi việc lành, thực tập các nguyên tắc đạo đức. Nếu cha mẹ còn tại thế, phải dùng mọi phương cách khéo léo hướng dẫn cha mẹ vào đạo, quay về nương tựa ba ngôi báu, thọ trì năm nguyên tắc đạo đức, ăn chay, tin sâu nhân quả, niệm Phật cầu vãng sinh về thế giới Cực Lạc của đức Phật A-di-đà. Còn nếu cha mẹ đã quá vãng, nên nỗ lực tu tập niệm Phật, hồi hướng công đức đó cho song thân được siêu thoát. Được như thế mới đền đáp xong hiếu đạo của phận làm con. Vì thế, cổ nhân nói “khi nào cha mẹ lìa xa ba cõi phận con mới vuông tròn”.
Trước khi dứt lời anh xin nhắn gởi đến tất cả các em của anh các em ơi! Các em hãy thực tập hiếu thuận trước khi quá muộn, đừng để cảnh “cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, con muốn nuôi cha mẹ mà cha mẹ đã ra đi”.
Cuối lời xin hồi hướng công đức dịch phẩm này đến song thân, cùng pháp giới chúng sinh, nguyện cho hết thảy mọi người cùng được sống trong tình thương yêu hiếu đạo. Xin tri ân cô Phật tử ở HồngKông người biếu cho tôi bản gốc cuốn sách này, cầu chư Phật gia hộ cho cô được sống an lành trong giáo pháp giải thoát của đức Như Lai.
Nam mô A-di-đà Phật!