Lời Phật dạy
Kinh tế qua góc nhìn Phật pháp
Thứ sáu, 03/04/2019 08:00
Kinh tế đóng 1 vai trò quan trọng trong trật tự an toàn xã hội. Đức Phật nhấn mạnh: “Nguồn gốc của vô đạo và tội ác như trộm cướp, bạo động, thù hận, do nghèo đói, túng thiếu (dālliddiya) mà ra. Dưới đây là một số tư liệu đúc kết từ trong kinh sách về kinh tế, thương gia qua góc nhìn Phật pháp.
Ghi nhớ 5 nghề cần tránh xa, nghèo mấy cũng không làm!
Nên sống bằng nghề nghiệp chân chính, xa lánh 5 nghề nuôi mạng sống khả dĩ tạo nghiệp xấu như:
01: Buôn bán vũ khí
02: Buôn bán nô lệ
03: Nuôi thú vật cho người giết thịt
04: Làm nghề đồ tể
05: Bán thực vật có chất say và buôn bán độc dược.
Đức Phật nhấn mạnh: Kinh tế đóng 1 vai trò quan trọng trong trật tự an toàn xã hội. Bởi: “Nguồn gốc của vô đạo và tội ác như trộm cướp, bạo động, thù hận, 1 phần do nghèo đói và túng thiếu (dālliddiya) mà ra.
Nên đầu tư vốn cho thương gia, lương bổng cho quan chức để khuyến khích họ làm tốt
Với đức Phật: Phương pháp kinh tế an sinh để thiết kế 1 quốc gia cường thịnh là “Trong quốc độ của nhà Vua, với những người dân nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, Tôn vương hãy cung cấp cho họ hạt giống và vật thực. Với những thương gia, hãy cung cấp cho họ vốn đầu Tư. Những người này sẽ chuyên tâm vào nghề nghiệp riêng của mình. Sẽ không nhiễu hại quốc độ của nhà Vua, ách nạn và dân chúng sẽ được vui vẻ”
Điều này rất gần gũi với chính sách của Singapore từ thời Tổng thống Lý Quang Diệu.
Kinh tế phát triển dựa theo 4 nguyên tắc:
1. Những thứ có liên quan tới sản xuất kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp và công nghiệp, phải được cung cấp cho người dân như hạt giống, gia súc, phân bón, đất canh tác, nước tưới, dụng cụ… Những hoạt động hỗ trợ cho sản xuất là phải chăm lo.
2. Khuyến khích giao thương buôn bán vì chúng mang lại lợi ích cho đất nước. Nhà nước phải giám sát sự giao thương buôn bán để bảo vệ lợi ích của người lao động và tiêu dùng.
3. Những quan chức và chuyên gia phục vụ đất nước phải có chế độ đãi ngộ thích đáng như lương bổng, thăng chức, nghỉ phép, khích lệ hay những đặc quyền khác để họ phấn đấu cống hiến hết sức cho công việc. Không được tạo điều kiện để họ tham nhũng, hối lộ, cũng như bỏ bê công việc của mình.
4. Nhà nước nên ủng hộ và khuyến khích mọi người tham gia vào các lĩnh vực phát triển tinh thần.
Hãy học theo lời Phật dạy về cách chi tiêu, sử dụng đồng tiền
Những triết lý của Đức Phật về kinh tế như cách dạy sử dụng đồng tiền mình kiếm được như thế nào với Sigāla: “dùng 1/4 lợi tức vào việc tiêu dùng hàng ngày, 1/4 lợi tức phòng khi cấp nạn”, có nghĩa là: Mỗi cá nhân nên chia số tiền mình kiếm được thành 4 phần. 1 phần chi tiêu đời sống hàng ngày, 1 phần tiết kiệm phòng bất trắc, hoặc tình huống khẩn cấp xảy ra, và 2 phần để kinh doanh và đầu tư sinh lời.
Vậy là, chỉ cần ¼ số tiền kiếm được, con người đã có 1 cuộc sống tạm ổn. Nhu cầu ăn mặc, ăn ở, đi lại, chữa bệnh, là nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Thực phẩm phải được sản xuất tránh tình trạng thiếu hụt lương thực gây bất ổn xã hội.
¼ để dành tích lũy của cải, giúp con người vượt qua khó khăn lúc khủng hoảng kinh tế. Nếu không tích trữ của cải, thì dù là 1 cá nhân hay đất nước sẽ rơi vào khủng hoảng, nợ nần chồng chất.
06 nguyên nhân gây nghèo tránh phạm phải
Trong kinh Trung Bộ, đức Phật dạy về 6 nguyên nhân gây phung phí tài sản cần tránh:
01: Đam mê các loại rượu
02: Du hành đường phố phi thời
03: La cà đình đám hí viện
04: Đam mê cờ bạc
05: Giao du ác hữu
06: Quen thói lười biếng
Như vậy, sự lười biếng là một trong những tính phải triệt để thay đổi, bởi nó trực tiếp liên quan tới việc có tài sản hay không có tài sản. Khi không làm ra tài sản, tức nhiên, tài sản cũ sẽ bị tiêu hao.
Lười biếng là một sự quá nguy hiểm!
Thói quen lười biếng được đức Phật vô cùng ưu ái giảng giải: “Quen thói lười biếng có 6 nguy hiểm:
+ “Quá lạnh” - Không làm việc
+ “Quá nóng” – Không làm việc
+ “Quá sớm” – Không làm việc
+ “Quá đói” – Không làm việc
+ “Quá no” – Không làm việc”
Trong khi đó, những việc phải làm, lại không làm. Cứ thế nên tài sản chưa có không gầy dựng được, còn tài sản đã có sẽ bị tiêu hao”
Bốn đặc điểm Người thương gia nên áp dụng
Theo kinh Trung Bộ, Đức Phật đã đưa ra lời khuyên cho một thương gia, khi người đó hỏi Đức Phật về cách thức để phát triển sự nghiệp của mình.
01: Có năng lực và nghị lực
02: Có sự thận trọng
03: Hợp tác với người tài, người có tinh thần xây dựng, có phẩm chất đạo đức tốt.
04: Cuộc sống được cân bằng.
2 đệ tử đầu tiên của Đức Phật là doanh nhân
Vào thời kỳ đức Phật vừa thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề, sau 49 ngày, không ăn không uống, đến ngày thứ 49, có 2 vị thương gia (doanh nhân) người Miến Điện tên Tappassu và Bhallika từ Ukkala đến. Hai thương gia sửa soạn bột rang và mật ong, rồi quỳ xuống trước Phật, cung kính dâng lên. Phật nhận lãnh rồi khuyên 2 vị thương gia quy y Phật, quy y Pháp, thọ trì 5 giới để được phúc báo lâu dài. Hai vị thương gia đồng ý, xin Phật thu nhận vào hàng thiện tín (Upāsaka, nam cư sĩ). Đó là 2 thiện tín đầu tiên đã quy y Nhị Bảo, tức là Phật và Pháp, chưa có Tăng.
Sau khi đã được Đức Phật ban pháp quy y và truyền năm giới (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không uống rượu, không nói dối), hai vị thương gia xin ông ít vật lưu niệm để luôn luôn tưởng nhớ đến ông.
Đức Phật tặng cho hai vị 8 sợi tóc và móng tay. Hai vị cung kính nhận lãnh, lạy tạ rồi mang về Miến Điện xây tháp thờ. Hiện nay bảo vật này vẫn còn được giữ gìn cẩn thận trong bảo tháp của chùa Shwedagon tại thủ đô Rangoon (Ngưỡng Quang) của Miến Điện, được người Myanmar xem là quốc bảo.