Chùa Việt

Ký ức chùa Bửu Lâm

Chủ nhật, 20/10/2017 08:31

Bà Nguyễn Thị Ngọc Xuyến, 70 tuổi, người đã từng có thời gian ẩn náu, chiến đấu tại chùa Bửu Lâm kể lại “…hồi đó chiến tranh ác liệt, tui cùng nhiều cán bộ được nhà chùa và nhân dân nuôi chứa dưới các hầm bí mật nhờ vậy mới thoát được sự càn quét, truy lùng của địch. Từ đó chùa này được tụi nó đặt tên là chùa 'Việt Cộng'…”.

Hướng dẫn chúng tôi ra xem tận mắt một gốc cây Sộp rất khổng lồ, bà Xuyến nói thêm: dưới gốc cây này là hầm chứa được khoảng 20 cán bộ của ta. Do bị người dân tuyên truyền tác động về sự huyền bí, linh thiêng của ngôi chùa nên bọn giặc rất hoang mang lo sợ không dám bắn phá vào cây sộp này. Thậm chí mỗi khi ngang qua gốc cây này, chúng còn dừng lại thắp nhang cầu nguyện được yên ổn.

Có một giai thoại tâm linh khác mà người dân xứ này ai cũng tường tận, đó là chuyện ngày xưa, khu vực này rất hoang vu, nhiều thú dữ. Một hôm xuất hiện một tượng Phật bằng đất nung ngồi trên một bè chuối trôi giữa sông. Nhiều người dân bèn kéo chiếc bè vào nhưng không thực hiện được. Đến địa phận chùa bây giờ, bỗng nhiên tượng Phật tấp vào bờ sông và ở nguyên đó. Thấy vậy người dân bèn lập chùa và thỉnh tượng lên thờ cho đến hôm nay.

Hiện tại chùa Bửu Lâm (còn được gọi là chùa Tổ), tọa lạc tại ấp 3, xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Mặc dù bị chiến tranh tàn phá, đã qua nhiều lần trùng tu, nhưng chùa vẫn còn giữ được nét nghiêm trang cổ kính với thiết kế dạng chữ tam, gồm ba dãy nhà ngang nối tiếp nhau như các chùa cổ khác ở Nam bộ. Chùa còn lưu giữ được nhiều câu đối khoán thủ mang tên chùa, nội dung ca ngợi Phật pháp cao siêu. Trước năm 1966, chùa có tất cả 7 nóc, xây cất bằng vật liệu nặng gồm: Chính điện, nhà giảng đường, nhà tổ, đông lang, tây lang, nhà dưỡng tăng nhà trù.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Bửu Lâm trở thành trạm liên lạc, đi lại, tập kết lương thực của nghĩa quân yêu nước do Võ Duy Dương (Thiên Hộ Vương) lãnh đạo. Ngày 25/8/1945, hàng ngàn đồng bào từ chùa Bửu Lâm trang bị mọi thứ võ khí kéo về quận lỵ Cao Lãnh cướp chính quyền. Năm 1948, ông Phạm Hữu Lầu, Phó Bí thư T.Ư cục miền Nam thường trú ngụ trong chùa để chỉ đạo phong trào cách mạng. Từ giữa năm 1948 đến năm 1952, chùa là nơi diễn ra các cuộc hội họp của nhân sĩ, trí thức yêu nước do Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt tổ chức. 

Từ năm 1952 đến 1975, chùa là đã bị máy bay, tàu chiến của địch đánh phá, bắn cháy rất nhiều lần do chúng biết đây là cơ sở hoạt động của Việt Cộng với nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp, trong đó có 68 tượng Phật và nhiều cổ vật quý hiếm bị hư hỏng hoàn toàn. Tuy nhiên ngôi chùa trên vẫn vững vàng trong bom đạn quân thù. Để có lúa gạo nuôi sống cán bộ, chiến sĩ và cả thanh niên trốn lính lúc này lên đến gần 70 người.

Ông Bạch Văn Thông, 82 tuổi ngụ xã Bình Hàng Trung, huyện Cao Lãnh, mọi người cùng canh tác 150 công ruộng quanh chùa. kể “…tụi giặc thường xuyên pháo kích, dội bom để tiêu diệt chùa, nhưng khi chùa bị sập thì người dân lập tức dựng lên ngôi chùa mới và tiếp tục nuôi chứa cách mạng không ngại hy sinh, gian khổ…”.

Bửu Lâm là một ngôi chùa cổ ở Nam bộ có tuổi đời trên 300 năm gắn liền với quá trình khai hoang lập ấp của địa phương, là một chứng tích đánh dấu sự hiện diện khá sớm của người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long. Cạnh đó, chùa còn là nơi truyền bá Phật pháp ở Nam bộ; hòa mình vào công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đến thắng lợi cuối cùng.

Đến chùa “Việt Cộng” hôm nay, du khách sẽ nghe lòng lâng lâng cảm xúc nhớ về những chiến sỹ đã vì nước vong thân; nhớ về quá khứ gian lao mà anh dũng của một ngôi chùa cổ đã vững vàng trong phong ba giữ gìn đạo pháp dân tộc gắn liền với bao cuộc chiến tranh giữ đất, bám quê.

Tam Anh

loading...