Sống an vui

Là người biết sống một mình

Thứ bảy, 25/12/2022 01:50

Một lúc nào đó, dù có một đời sống thế nào, hạnh phúc hay đau khổ, may mắn hay bất hạnh, chúng ta sẽ chỉ còn lại một mình, đối diện với chính mình. Nếu chưa bao giờ biết sống một mình, chắc hẳn sẽ có rất nhiều bất an và phiền muộn, không biết làm gì cho lấp đầy khoảng trống.

Audio

Thiên hạ bao la, nhưng trên đời này có mấy ai gặp được tri kỷ, để nhiều lúc phải cười đau khóc hận, ôm mối tâm sự một mình. Thế thì đi tìm tri kỷ cũng như tìm trăng dưới đáy nước, nếu có gặp được cũng chỉ là một cái duyên, có hợp rồi có tan, như tất cả những nhân duyên trên cõi đời này.

Dù có gặp được tri kỷ, mỗi người cũng vẫn là một thế giới cách biệt, có cảm thông cũng chẳng làm gì được cho nhau, vì ai nấy đều phải sống cuộc đời của mình, đối diện với những vấn đề của mình, không ai có thể cảm nhận được hoàn toàn những điều người khác cảm nhận. Mặc dù vậy, nếu biết hiện tại có một người tri kỷ, dẫu người ấy ở xa ngàn trùng, cũng cảm thấy ấm lòng.

Nếu xây đắp hạnh phúc hay sự an lạc của mình trên những đối tượng bên ngoài hay những gì do duyên hợp, chắc chắn sẽ không khỏi có lúc buồn đau hụt hẫng, bởi vì những gì do duyên hợp đều phù du huyễn ảo như giấc mộng, như bọt nước, như sương rơi.

Biết an lạc một mình

1

Trên thế giới này, tất cả mọi thứ đều luôn luôn chuyển biến, và con người cũng không ngừng thay đổi, không bao giờ đứng lại một chỗ. Vì vậy, những vấn đề của ngày hôm qua có thể không còn là vấn đề của ngày hôm nay, và những nỗi niềm ôm ấp lâu nay đến lúc nào đó sẽ nhạt nhòa phai tàn cùng với thời gian. Tri kỷ ngày hôm nay có thể không còn là tri kỷ của ngày mai. Có những người bạn trước đây thật thân thiết nhưng ngày nay gặp lại nhiều khi cũng chỉ trao đổi vài ba câu chuyện rồi đường ai nấy đi, vì hoàn cảnh đã thay đổi, tâm tình cũng không còn như xưa.

Một lúc nào đó, dù có một đời sống thế nào, hạnh phúc hay đau khổ, may mắn hay bất hạnh, chúng ta sẽ chỉ còn lại một mình, đối diện với chính mình. Nếu chưa bao giờ biết sống một mình, chắc hẳn sẽ có rất nhiều bất an và phiền muộn, không biết làm gì cho lấp đầy khoảng trống. Biết sống một mình không có nghĩa là xa lánh đời, xa lánh người mà chỉ biết đến mình. Sống một mình như vậy chỉ là theo hình tướng, nếu thực chất vẫn còn đầy vô minh phiền não thì cũng chẳng ích gì. Biết sống một mình là ý thức được sự huyễn hóa trong cuộc đời và đi tìm sự thường hằng an lạc nơi chính mình, qua sự tìm hiểu khai phá thân và tâm mình. Tập trung tư tưởng trong sự thấy biết thân và tâm, cảm nhận sự sống hiện tại qua từng hơi thở, từng niệm khởi đến đi là trở về với Tánh Giác thường hằng sẵn có. Và từ nền tảng bao la của Tánh Giác đó, những năng lực chuyển hóa mầu nhiệm có thể được phát khởi, cho ta sức mạnh nội tại để có thể an nhiên vượt qua những khó khăn thử thách trong cuộc đời.

Trong kinh Phật có kể chuyện một vị tỳ kheo khất sĩ lúc nào cũng thích sống một mình, đi khất thực một mình, thọ trai một mình, ngồi thiền một mình, không giao du hòa nhập với các tỳ kheo khác trong Tăng chúng. Đức Phật nghe kể lại mới gọi ông đến hỏi rằng:

- Nghe nói ông thích sống một mình, vậy ông sống một mình như thế nào?

Khất sĩ đáp:

- Bạch Thế Tôn, con chỉ sống một mình một nơi, ca ngợi hạnh sống một mình, một mình đi khất thực, một mình ra khỏi xóm làng, một mình ngồi thiền, thế thôi.

Phật bảo:

- Ông đúng là người thích sống một mình - tôi không nói vậy là không phải, nhưng tôi biết có một cách sống một mình thật là mầu nhiệm. Đó là sự quán chiếu thấy rằng quá khứ đã không còn, tương lai thì chưa tới, nên an nhiên sống trong hiện tại mà không vướng mắc vào những ước vọng ràng buộc. Người thức giả sống như thế, tâm không do dự, bỏ hết mọi lo âu hối tiếc, xa lìa mọi tham dục trên thế gian, cắt đứt những sợi dây ràng buộc lôi kéo mình. Đó gọi là thực sự biết sống một mình. Không có cách nào sống một mình mầu nhiệm hơn thế được.

Rồi Thế Tôn nói bài kệ như sau:

Quán chiếu vào cuộc đời

Thấy rõ được vạn pháp

Không kẹt vào pháp nào

Lìa xa mọi ái nhiễm

Sống an lạc như thế

Là biết sống một mình.

Như vậy, sống một mình tức là sống an vui tự tại vì đã thấy rõ được bản chất hư ảo của cuộc đời, nên xả bỏ cái Ngã đầy chấp trước si mê, nguồn gốc của mọi phiền não đau khổ. Điều nghịch lý kỳ diệu là người biết sống một mình lại chính là người biết quên mình đi, như thiền sư Đạo Nguyên nói:

Học đạo là học về tự ngã

Học về tự ngã là quên đi tự ngã...

loading...