Kiến thức
Lá rụng về cội
Thứ hai, 20/01/2021 03:45
Uống nước nhớ nguồn là đạo lý thiêng liêng của người Việt. Đạo lý này, nghe ra thì ai cũng biết, nhưng để hiểu cho đúng giá trị của chữ "nguồn" thì mới là điều đáng trân quý.
Sáng nay ra làm vườn, ươm mấy luống khoai, mới nhìn thấy trái bầu đã vừa già để ăn được. Tôi gọi mẹ ngắt vào nấu bữa canh trưa..
Nhìn giàn bầu trong vườn Am, tôi lại thương thật nhiều công sức mẹ chăm lo vun vén...
Có trái bầu già nằm cuộn mình trên mái tôn che củi. Ở đây mẹ tôi vẫn nấu thêm nước bằng củi cho đở tốn tiền ga. Thường trong một giàn bầu bao giờ cũng để lại một trái cho đến già và khô theo thân cây bầu để làm giống.
Ban mai hoa bầu không nở. Hoa bầu nở về chiều đến đêm. Đêm qua tôi ra nhìn đã thấy hoa nở trắng cả giàn bầu. Cành hoa vươn cao chơ vơ khẽ lay lay trong đêm thật đẹp làm sao! Bầu nấu canh nếu mình ngắt vào từ giàn nhà mình buổi sáng, canh sẽ rất ngọt. Thật hay là khi có bầu là có loài rau hao mọc. Loài rau này mới hợp để bỏ vào nồi canh bầu, làm cho nồi canh bầu dậy mùi thơm...
Hương quê! Đó là tất cả từ những điều giản đơn như vậy.
Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng của Sư ông Thích Phước An
Sống và lớn lên từ đấy bạn mới cảm nhận được hương vị của làng quê. Mỗi khi mùa về, hương lúa như được ủ vào nắng gió thơm ngọt và dịu dàng trên khắp các nẻo đường làng làm xao xuyến lòng người.. Ngôi chùa Ván tôi ở vùng Hải Dương cũng là đồng quê với ruộng lúa bao quanh. Chùa quê là vậy. Đơn sơ và hiền hòa, đẹp nét giản dị và gần gũi.
Tôi đi đó đây, biết bao người từ làng quê đi xa lập nghiệp, sinh sống và thành đạt. Nhưng nhiều người, họ không yêu miền quê của họ, nơi có tổ tiên bao đời xây dựng.
Có chăng chỉ là ít bổn phận còn rơi rớt trong tâm trí để gọi 'chút lòng" với mấy người quê mình. Bố mẹ không từ quê đi ra và thương nhớ diết da cội nguồn quê cha đất tổ thì họ không truyền được hơi thở yêu quê hương vào nơi con cháu họ.
Từ Làng Thi bao người đã ra đi... đi theo bước chân học hành, lập nghiệp, dựng xây gia đình và chọn quê hương thứ hai để ở lại sinh sống.
Tôi cũng rời làng Thi lúc lên 10, nhưng 10 tuổi cũng đủ để tôi nghe ra bao âm thanh đằm thắm nơi làng quê mình. Từng bờ mương bụi tre và con đường rú cát, từ dòng sông Vĩnh hiền hòa... tôi đều có thật nhiều kỷ niệm để trân quý, để nhớ thương!!
Bổn phận của một người tu đối với quê hương dân tộc như thế nào?
Có ai từ làng quê mình đi ra mà không nhớ con đường trở lại...?
Đường đời, phía trước là muôn vạn nẻo. Mỗi chúng ta tùy vào khả năng để định cho mình hướng đi tới. Nhưng chỉ có một lối về.
Như một quy luật tất yếu, nhành lá hướng lên trải rộng vào không gian mênh mông đón bắt ánh sáng... nhưng rồi lại rụng về cội. Yêu cây, quan sát tôi biết, rễ đâm về hướng nào là nhành lá mới vươn về hướng ấy.
Am tôi ở gần con hói. (Nước từ ruộng ra chảy đổ vào sông Vĩnh đi ngang trước mặt Am làm thành con hói.) Cây tôi trồng sát mép nhưng cây chỉ đâm cành về phía đường mà không ra nhánh phía con hói. Ly hương bất ly tổ là lời dạy chân lý của ông cha chúng ta. Ly hương, chúng ta có trăm ngàn lý do để ly hương, nhưng cùng chung giá trị bất ly tổ.
Uống nước nhớ nguồn là đạo lý thiêng liêng của người Việt. Đạo lý này, nghe ra thì ai cũng biết, nhưng để hiểu cho đúng giá trị của chữ "nguồn" thì mới là điều đáng trân quý.