Chùa Việt

Lạc bước chùa đẹp Long Quang

Thứ bảy, 15/09/2018 07:50

Chùa Long Quang (còn gọi là Long Quang cổ tự) đã tồn tại 193 năm. Chùa Long Quang thuộc hệ phái Bắc tông trên diện tích gần 12.000 mét vuông, nằm cạnh con sông Bình Thủy hiền hòa.

 
Lúc chúng tôi đến tham quan cũng là lúc có rất đông phật tử đến đây thắp hương khấn nguyện nhân tháng 7 mùa Vu Lan báo hiếu.

Ông Ngô Văn Phúc, ngụ khu vực Bình Chánh, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ cho biết: “Mỗi ngày có rất nhiều người đến đây cầu nguyện, thưởng lãm những cảnh đẹp của ngôi chùa đã được công nhận di tích Lịch sử - Kiến trúc – Nghệ thuật cấp quốc gia năm 2013”. Đặc biệt hơn cả là năm 2017, chùa Long Quang được Hội Di sản văn hóa Việt Nam công nhận Danh hiệu “Di sản văn hóa tâm linh Việt”.
 
Đại đức Thích Bình Tâm, trụ trì chùa Long Quang tự hào nói: “Trải qua gần 200 năm lịch sử thăng trầm, chùa là nơi lưu giữ rất nhiều cảnh quan đẹp, nhiều bảo vật quý hiếm. Cạnh đó chùa còn là chứng nhân lịch sử khi là nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng hoạt động bí mật trong thời kỳ chống Mỹ và chống Pháp”.

Chùa Long Quang (còn gọi là Long Quang cổ tự) đã tồn tại 193 năm. Chùa Long Quang thuộc hệ phái Bắc tông trên diện tích gần 12.000 mét vuông, nằm cạnh con sông Bình Thủy hiền hòa. Năm 1825, chùa do Thiền sư Võ Văn Quyền thành lập vào năm Minh Mạng thứ 5. Từ đó đến nay chùa đã nhiều lần đổi tên, đổi phiên hiệu đơn vị hành chính quản lý, mãi đến năm 1966 cho đến nay mang tên Long Quang cổ tự.

Điện thờ chính được làm bằng gỗ có hai bậc; bậc trên thờ tam thế Phật: A Di Đà Phật, Đại Thế Chí Bồ Tát và Quan Thế Âm Bồ Tát. Tượng bằng gỗ cao hơn 1m theo tư thế ngồi. Bậc dưới thờ Phật Di Lặc. Giữa điện thờ chính có treo bức hoành phi cũng làm bằng gỗ chạm bốn chữ Hán “Đại hùng bảo điện”, phía bên dưới gắn khung bao lam chạm trổ hoa văn, hai bên gắn hai câu liễu đối cũng bằng chữ Hán. Ở phía trước bậc cao là tượng Phật Thích Ca bằng gỗ dài 1m. Đối diện thờ chính là bàn thờ Vi Đà Hộ Pháp và Tiêu Diện Đại Sĩ (Ông Tiêu). Sát vách bên phải, trên kệ dài bày trí 9 tượng La Hán, kế tiếp là bàn thờ Địa Tạng Bồ Tát, phía sau là bàn thờ Ngọc Hoàng Đại đế, hai bên có Nam Tào, Bắc Đẩu.
 
Sát vách bên trái, trên kệ dài bày trí 9 tượng La Hán đối diện với 9 tượng bên phải, kế tiếp là bàn thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, hai bên có Thiên Tài và Đồng Tử. Phía sau điện thờ chính là bàn thờ Hậu Tổ. Phía trên là tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề, bên dưới có tượng Bồ Đề Đạt Ma. Chung quanh bày trí các long vị, các bức di ảnh của các cố trụ trì chùa. Sát vách hai bên cửa có đặt hai bàn thờ, bên phải thờ các tượng Quan Công, Giám Trai…, bên trái thờ các tượng Diêm Vương, Long Vương và Phán quan…

Điểm đặc biệt nổi bật nhất ở chánh điện là nhóm tượng Thập Bát La Hán, mỗi tượng cao 80cm. Hệ thống tượng La Hán của chùa Long Quang được thể hiện theo phong cách Thiền tông Trung Hoa; các vị La Hán được tạc ở hình thái không mặc áo cà sa hay đắp y cầm bát mà mặc áo tràng, trên tay mỗi vị đều cầm một bảo bối khác nhau, tượng trưng cho phẩm hạnh, đức độ hoặc phương tiện mà các vị chứng quả; có tư thế ngồi khác nhau trông rất sinh động, được chạm khắc và đục đẽo từ một khối gỗ, chứ không chắp ghép từng phần, người và thú được sắp xếp theo bố cục hình chóp nón... vị nào cũng ngồi trên lưng một con thú dữ. 

Theo truyền thuyết, 18 vị La Hán lúc sinh thời đã làm những việc ác sau đó đã giác ngộ, phục thiện, quy hướng Phật pháp, chinh phục 18 con thú dữ mang lại cuộc sống thanh bình cho người dân. Các con thú phục sát dưới đất để thể hiện vẻ quy thuận tuyệt đối. Sự tích về những vị La Hán có ý nghĩa giúp con người hướng về những điều tốt đẹp và mang đậm tính nhân văn.

Với kiến trúc độc đáo và bề dày lịch sử, Long Quang luôn là điểm đến lý tưởng không chỉ trong giới phật tử mà cho cả những người yêu thích cảnh đẹp u ẩn, thâm sâu. Thú vị lắm khi được nghe tiếng chuông ngân nga trầm mặc bên dòng sông trôi nhẹ trong buổi chiều tà. Xa xa tiếng kinh cầu nguyện cứ đều đều vang xa để trút bỏ những phiền lụy chốn dương trần.

Song Anh
loading...