Chùa Việt

“Lạc bước” trong không gian thiền tịnh bên vịnh Hạ Long

Chủ nhật, 23/06/2021 12:28

Ẩn mình giữa đồi thông xanh mát trên đỉnh Ba Đèo (thành phố Hạ Long), Bảo Hải Linh Thông Tự góp thêm một điểm dừng chân ấn tượng trên cung đường hành hương về “miền đất Phật” Quảng Ninh của du khách, Phật tử.

Bảo Hải Linh Thông Tự là quần thể văn hóa tâm linh nằm trong tổ hợp Sun World Halong Complex. Tọa lạc tại một trong những vị trí đắc địa bậc nhất của Hạ Long, trên đỉnh Ba Đèo, giữa rừng thông xanh, quần thể này đem đến một tầm nhìn toàn cảnh vô cùng đắt giá. Từ đây, du khách có thể thu vào tầm mắt vịnh Hạ Long thơ mộng phía xa và chứng kiến nhịp sống của thành phố biển sôi động bao quanh chân núi.

Ảnh 1- Bảo Hải Linh Thông Tự (1)

Cũng bởi vị trí có một không hai đó mà Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh - Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam lúc sinh tiền đã đặt tên cho quần thể văn hóa tâm linh trên đỉnh Ba Đèo là “Bảo Hải Linh Thông Tự”, với hàm nghĩa “ngôi chùa linh thiêng nằm giữa đồi thông xanh mát” hay “bảo vật gìn giữ, bảo vệ cho thành phố biển Hạ Long được bình an, thịnh vượng”.

Khám phá hai nền văn hóa phương Đông ở Sun World Halong Complex

Ảnh 2- Bảo Hải Linh Thông Tự (1)

Để chiêm bái Bảo Hải Linh Thông Tự, du khách có thể đi từ vườn Nhật (thuộc Sun World Halong Complex) qua Cầu May - cây cầu thép màu xanh vắt qua hẻm núi.

Mang đậm tinh thần Phật giáo và kế thừa giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc, Bảo Hải Linh Thông Tự là sự tổng hòa của lối kiến trúc chùa Việt cổ tại Bắc Bộ ở thế kỷ 17, 18 và sự vận dụng sáng tạo ngôn ngữ tạo hình dân gian.

Hình ảnh hoa sen - loài hoa biểu tượng của Phật giáo được thể hiện sinh động trong kiến trúc của Bảo Hải Linh Thông Tự: từ thiết kế tổng thể tới các họa tiết trang trí, tạo hình…

Ảnh 3- Bảo Hải Linh Thông Tự (1)

Bước qua cổng Tam quan với ngói mũi hài, các chi tiết trang trí cách điệu hình mây, du khách sẽ không khỏi choáng ngợp với vẻ bề thế cùng thiết kế khác lạ của Ngũ Phương Bảo Tháp.

Ảnh 4- Bảo Hải Linh Thông Tự (1)

Top điểm đến tâm linh đẹp ngoạn mục tại Quảng Ninh

Đây là điểm nhấn đặc biệt trong tổng thể kiến trúc của Bảo Hải Linh Thông Tự. Công trình được thiết kế theo mô hình ngũ phương Phật, gồm 5 tháp, tượng trưng cho: 5 hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung tâm), 5 bộ (Bảo Bộ, Liên Hoa Bộ, Kim Cang Bộ, Nghiệp Bộ, Phật Bộ) và 5 sắc (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen).

Tháp trung tâm gồm 9 tầng, cao 25,2m, bên trong đặt tượng Phật và cột kinh cao 4m, được lấy theo mẫu cột kinh Phật có niên đại từ khoảng 1.000 năm trước tại chùa Nhất Trụ (Ninh Bình) với ước nguyện bình an cho muôn dân bá tánh. Bốn tháp xung quanh, mỗi tháp gồm 5 tầng, cao 12,1m.

Qua Ngũ Phương Bảo Tháp, hành trình khám phá vẻ kỳ vĩ của quần thể văn hóa tâm linh trên đỉnh Ba Đèo tiếp tục mở ra bằng khoảng sân rộng với hai bên là Lầu chuông, Lầu khánh.

Ảnh 5- Bảo Hải Linh Thông Tự

Giữa không gian mênh mang của núi, của biển, tiếng chuông ngân vang, đưa bước chân du khách về chốn thiền tịnh, bỏ lại phía sau những sân si, u sầu…

Ảnh 6- Bảo Hải Linh Thông Tự (1)

Qua khoảng sân rộng là tới Tam Bảo, công trình được tạo dựng bề thế trong không gian thiền tự trầm mặc mang đậm âm hưởng kiến trúc truyền thống với thiết kế hình chữ Công (I), kiến trúc hai tường mái. Những dấu ấn kiến trúc chùa Việt thế kỷ 17, 18 còn được thể hiện sinh động qua bộ khung mái theo dạng “giá chiêng, chồng rường” đến mái ngói mũi hài, họa tiết vân mây cách điệu tinh xảo…

Ảnh 7- Bảo Hải Linh Thông Tự (1)

Bên trong Tam bảo thờ 38 pho tượng Phật bằng đồng được tạo tác tinh xảo bởi những nghệ nhân đúc tượng hàng đầu Việt Nam. Hệ thống tượng đồng tại Bảo Hải Linh Thông Tự được tạo tác theo nguyên mẫu thờ tại các chùa cổ ở Bắc Bộ như: Chùa Bà Đá, Chùa Lý Quốc Sư, Chùa Hòa Mã, Chùa Chân Tiên, Chùa Vua, Chùa Mía, Chùa Tây Phương (Hà Nội) và chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang)…

Ảnh 8- Bảo Hải Linh Thông Tự (1)

Phía sau Tam bảo là Nhà tổ, có diện tích 450m2, bao gồm ba gian tiền đường, một gian hậu cung. Phía trước Nhà tổ là một hồ sen rộng, giữa hồ đặt tôn tượng Quan Âm Tự Tại (Công chúa Ba), được tạo tác theo nguyên mẫu tượng ở động Thiên Trù, chùa Hương (Hà Nội).

Ảnh 9- Bảo Hải Linh Thông Tự (1)

Chiêm bái, cầu an tại những ngôi chùa khác, du khách sẽ thấy, thông thường, Nhà tổ chỉ đặt tượng Sư Tổ Đạt Ma và tượng các vị tổ (các đời trụ trì) của chùa. Tuy nhiên, ở Bảo Hải Linh Thông Tự, bên cạnh tượng Sư Tổ Đạt Ma, Nhà tổ còn đặt tượng Tam Tổ Trúc Lâm, Tam Tổ Mật Tông và Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân.

Nhờ đó, trong hành trình khám phá không gian chùa Việt cổ ở Bảo Hải Linh Thông Tự, du khách thập phương có dịp tìm hiểu, trải nghiệm sâu sắc hơn văn hóa Phật giáo.

Ảnh 10- Bảo Hải Linh Thông Tự (1)

Nằm hai bên Nhà tổ là hành lang Tả vu, Hữu vu với 18 pho tượng La Hán được tạo tác công phu, tinh xảo theo nguyên mẫu bộ tượng La Hán ở Chùa Tây Phương. Nếu như ở Chùa Tây Phương, bộ tượng La Hán có 16 pho thì ở Bảo Hải Linh Thông Tự, bên cạnh 16 pho tượng (lấy theo thứ tự Tổ thứ nhất đến Tổ thứ 16), có thêm tượng hai vị Tổ (An Nan và Ca Diếp - vốn là Thị giả của Phật Thích Ca) để tạo thành bộ tượng thập bát La Hán.

Ảnh 11- Bảo Hải Linh THông Tự

Những điểm đến tâm linh kỳ vĩ bậc nhất Quảng Ninh

Kế thừa và chắt lọc vốn cổ, Nhà mẫu tại Bảo Hải Linh Thông Tự được thiết kế gồm 5 gian, mái lợp ngói mũi hài, các chi tiết trang trí trên mái được cách theo hình mây tinh xảo.

Đi hết quần thể văn hóa tâm linh, du khách sẽ nhận thấy hình tượng hoa sen được cách điệu đầy tinh tế và ấn tượng trên từng chi tiết chạm khắc cũng như biến tấu linh hoạt trên những họa tiết trang trí ở cửa gỗ, chân cột, hệ thống xà gỗ...

Ảnh 12- Bảo Hải Linh Thông Tự

Thủ pháp kiến trúc “chồng diêm tầng mái” gợi mở hình ảnh sen nở trong sen, tạo nên vẻ độc đáo, bề thế cho Bảo Hải Linh Thông Tự.

Ảnh 13- Bảo Hải Linh Thông Tự

Đặc biệt, toàn bộ công trình thuộc Bảo Hải Linh Thông Tự (trừ Ngũ Phương Bảo Tháp) được tạo tác hoàn toàn bằng gỗ lim, đưa nơi này trở thành một trong số ít công trình văn hóa tâm linh ở Việt Nam hiện nay được kiến tạo từ gỗ.

Ảnh 14- Bảo Hải Linh Thông Tự

Quần thể văn hóa tâm linh trên đỉnh Ba Đèo được xây mới nhưng thiết kế vẫn giữ được những nét truyền thống của kiến trúc chùa cổ thời Hậu Lê. Đây là dấu ấn mới “tô bồi cho cảnh quan hùng vĩ, thơ mộng bên vịnh Hạ Long” - như lời chia sẻ của Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Ủy viên Hội đồng Trị sự Trung ương, Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh.

loading...