Sách Phật giáo
Làm gì để được vãng sinh Tây phương Cực Lạc? (P1)
Thứ hai, 20/04/2016 04:28
Tu xuất gia hay tại gia, là minh sư hay khờ dại, khôn hay dại, thắng hay bại v.v... điều quan trọng nhất chính là khi lâm-chung có được Phật tiếp-dẫn về Tây phương Cực-Lạc hay không?
Còn nhiều người tại-gia thì càng không biết xem trọng, họ đến chùa hay Làng Phổ-Đà, Đạo-tràng chỉ là để sinh hoạt cho vui, có bầu, có bạn mà không coi việc làm sao khi lâm chung để được Phật tiếp-dẫn Tây phương Cực-Lạc lại cứ coi như không, chẳng phải là cái đích đến của mình. Đây chính là hoàn cảnh chân thật bức tranh hôm nay mà mọi người chúng ta đang chứng kiến.
Vậy muốn khi lâm chung được Phật tiếp-dẫn về Tây phương Cực-Lạc thì phải làm gì? Có mấy việc phải làm cho bằng được như sau:
Một lòng tha thiết trì niệm danh hiệu Phật A-Di-Đà, một lòng cầu nguyện vãng sinh về Tây phương Cực-Lạc. Thực hành đúng Tín, Hạnh, Nguyện như Phật đã chỉ dạy.
Vậy thế nào là Tín?
TÍN: là đỉnh cao của lòng tin. Lòng tin thì có thể lúc này tin mà lúc khác chưa chắc đã tin. Còn Tín là lòng tin sâu chắc không bao giờ thay đổi. Như câu: "Sông kia có thể cạn, núi kia có thể mòn mà lòng tin này không bao giờ thay đổi" thì đó là tín.
Như trong Kinh Pháp-Hoa hay Kinh Đại-Thừa Vô-Lượng-Thọ đức Phật hỏi ngài A-Nan: "Lời Phật nói ra có hư dối chăng?"
Ngài A-Nan nói: "Thưa Thế-Tôn! Mặt trời mặt trăng còn có thể rơi, Núi Diệu Cao có thể lung lay, còn lời Phật nói không bao giờ hư ngụy! Vì sao? Bởi ba nghiệp thân, khẩu, Ý của Phật đã hoàn toàn thanh tịnh."
Ta tin đây là tin vào lời dạy của Phật-Thích-Ca Mâu-Ni là có thế giới Tây Phương Cực-Lạc của Phật A-Di-Đà, nơi đó không có nơi đâu trang nghiêm, thanh-tịnh và đẹp đẽ bằng.
Tin vào 48 lời nguyện hàm linh của Phật A-Di-Đà, Ngài luôn luôn từ-bi, sẵn lòng giang tay tiếp-dẫn những ai một lòng trì niệm danh hiệu của Ngài, một lòng cầu vãng sinh về đây, luôn biết sám hối các tội lỗi đã gây ra từ vô thỉ đến nay, ra sức làm công đức lành, phát tâm Bồ-Đề, hoằng pháp độ sinh. Năm tiểu-kiếp đã qua, đã có không biết bao nhiêu là Bồ-Tát, Thanh-Văn, Duyên-Giác, Trời, Người v.v...được Phật tiếp-dẫn về đó tu hành thành Bồ-Tát Bất-Thối, thành Phật.
Ta tin ngay bản thân chúng ta đều có Phật tính sáng suốt, đủ trí-tuệ, làm có vô-lượng công đức, nhân duyên để được vãng sinh về Tây phương Cực-Lạc.
Tin vào nếu chúng ta một lòng làm đúng như lời Phật dạy, y-giáo lời Phật dạy trong Kinh điển thì chúng ta sẽ được dự phần vào một trong chín phẩm sen vàng nơi Tây phương Cực-Lạc của Phật A-Di-Đà.
Hạnh là gì?
HẠNH: Tức là biến niềm tin ấy phải biến thành hành động cụ thể, lời nói đi đôi với việc làm, trong ngoài phải tương ứng, mồm niệm Phật và tâm cũng niệm Phật. Phải luôn phấn đấu giữ gìn ba nghiệp: Thân, Khẩu, Ý đều thanh tịnh, ngày đêm tinh tấn niệm sáu chữ hồng danh Nam mô A-Di-Đà Phật không rời và coi tất cả công danh, địa vị, tiền của, sắc đẹp v.v... chỉ là hư ảo để không sa vào tham, sân, si, phát tâm Bồ-Đề, hoằng dương Phật pháp, thực hành mười Hạnh Phổ-Hiền để trang nghiêm thân như:
Kính Phật, kính Bồ-Tát, kính chư Thiên, kính Sư-trưởng, kính Phật trong nhà (tức là bố mẹ), kính quốc gia nhân dân nơi mình sống, kính là yêu quý tất cả chúng sinh kể cả muôn loài muôn thú....đối nhân xử vật một cách tử tế, theo đúng nghĩa Đại-thừa, Trang nghiêm, Thanh-Tịnh, Bình-đẳng, giác.
Hạnh tức là phải giữ giới luật mà quan trọng đó là giữ gìn năm giới căn bản: Không sát sinh; không trộm cắp; không tà dâm, không uống rượu, không nói dối.
Còn niệm Phật thì phải chí thành, tha thiết, rõ ràng thì mới có cảm ứng đạo-giao để cảm động tới Phật mà khi lâm chung được Phật tới tiếp-dẫn về Tây phương.
Còn niệm Phật thì phải chí thành, tha thiết, rõ ràng thì mới có cảm ứng đạo-giao để cảm động tới Phật mà khi lâm chung được Phật tới tiếp-dẫn về Tây phương.
Còn niệm giả thì đến vỡ cổ họng cũng không bao giờ được Phật chứng.
Miệng thì niệm chân thành như vậy còn tâm cũng phải niệm Phật, nghĩa là phải giữ giới thanh-tịnh, phải biết lấy gương của Phật mà noi theo. Đây gọi là niệm Phật trong ngoài tương ưng, còn như trên đã nói, không thực hành làm như vậy thì đó là niệm giả không được Phật chứng thì sao nói có thể được Ngài đến tiếp-dẫn khi lâm chung?
“Con ếch chết tại miệng”, người tu hành không tiến lên được mà còn có thể bị đọa địa-ngục A-tỳ là do đến chùa này nói xấu chùa kia, gặp thầy này nói xấu thầy kia. Đó là tội làm mất đoàn kết Tăng đoàn, làm chia rẽ Tăng đòan. Tội đây rất nặng mà được ví như làm thân Phật chảy máu. Vậy làm sao có thể được vãng sinh? Cửa địa ngục mở ra mà họ không biết. Ngay đời này đã bị nghiệp dẫn vào ba đường ác thì nói gì đến chuyện khi lâm chung được Phật tiếp-dẫn về Tây phương Cực-Lạc để thành Bồ-Tát Bất-Thối, thành Phật?
Muốn tu hành thành tựu đạo quả thì phải giữ ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý thanh tịnh mà trong đó khẩu nghiệp là điều cực kỳ quan trọng.
Vậy thế nào là Niệm giả:
Những ai đến chùa hay Đạo-tràng, Làng Phổ-Đà v.v...mồm niệm Phật tụng Kinh mà không giữ gìn giới luật, làm việc buông lung thì đó là niệm giả và như vậy không thể được Phật chứng giám, làm sao có được cảm ứng đạo giao với Phật? Tu hành như vậy thì chỉ uổng công vô ích như là đem thóc mà vãi vào không gian hay trên sỏi đá sao mong có lúa mọc mà thu hoạch?
Hay khi ngồi tụng Kinh niệm Phật mà tâm để ở tận đâu đâu, Kinh để trên kệ đó cũng chẳng thèm mở ra, đến tụng Kinh niệm Phật mà như chạy Show, thường là đến muộn, chạy vội vã nháo nhào, xem lo việc tụng Kinh hay làm việc ở nhà mình là chính, nên tụng Kinh mà chẳng thâm nhập được Phật-tri-kiến, chẳng biết Phật nói gì, hay xem việc trang nghiêm Tam-Bảo, việc tập thể làm phụ.
Đến sinh hoạt thì nói chuyện toàn là Ta-bà, buôn dưa lê, lời lẽ văng tục, nói xấu người khác, các sinh hoạt cộng đồng không tham gia thì làm sao có thể được Phật chứng cho và được Ngài tiếp-dẫn. Đó chính là niệm giả.
Niệm Thật như nói ở trên là miệng niệm, tâm niệm tương ưng, tai nghe rõ từng tiếng niệm danh hiệu Phật rõ ràng thâm nhập vào tâm thức từng lời từng tiếng liên tục không dứt thành dòng chảy liên tục. Từ lúc đi ngủ, đến khi thức dậy, điều đầu tiên làm chính là niệm Phật không dứt. Đó gọi là niệm Phật thành khối hay niệm Phật Tam-muội. Người tu hành như vậy nhất định thành công.
Nguyện là gì?
NGUYỆN: Nguyện là nguyện làm Phật để hóa độ chúng sinh vì thế mà phát sinh tâm nguyện cầu vãng sinh Tây phương Cực-Lạc. Đó là lời nguyện chân chính.
Tình trạng ngày nay, có nhiều người muốn khi lâm chung được Phật đến tiếp-dẫn về Tây phương Cực-Lạc nhưng bản thân mình chỉ ngồi đó mà niệm, chẳng làm việc công đức, chẳng phát tâm Đại-thừa, tham gia các lễ hội đi hoằng-pháp lợi sinh, để chuyển bánh xe luân của Phật làm lợi sinh. Như vậy tâm tiểu thừa này sao hợp với bản nguyện của Phật A-Di-Đà là hóa độ cứu vớt chúng sinh ở khắp mười phương, thì khi lâm chung sao có thể được Phật đến tiếp-dẫn Tây phương Cực-Lạc? Vậy hóa ra anh về đó để hưởng thụ cho riêng mình anh? Không thể có đạo lý này.
Ngày nay, có nhiều nơi chủ trương tối đến cứ đi vòng quanh niệm Phật cho đó là đủ tư lương về Tây phương Cực-Lạc. Họ ngụy biện là ngài Tịnh-Không dạy như vậy. Họ đâu có đọc và nghe tất cả 48 cuốn băng ngài Tịnh- Không dạy mà chỉ bám vào vài lời, vài dòng ngài nói an trụ niệm Phật, thế là cắt ra đoạn đó lấy đây thực hành nhưng tai hại nhất là lại nói để người khác nghe theo thực hành không đúng lời Phật chỉ dạy.
Các bạn nên biết! Các vị chân tu cả đời tu hành hoằng dương Phật pháp, hay những người già sau cả một đời làm việc công đức, đã chăm lo hoằng dương Phật pháp thì đến lúc đã gần xế chiều, các vị này ngồi an trụ hay đi diễu hành niệm danh hiệu Phật đó là lẽ đương nhiên, thật là đáng quý, còn mấy vị trẻ tuổi đầu xanh chẳng chịu phát tâm Đại-thừa, làm việc công đức mà nghĩ ngồi yên đó niệm Phật mà nghĩ rằng sẽ được Phật tiếp-dẫn Tây phương Cực-Lạc? Làm gì có chuyện lạ đời như vây? Trong các Kinh điển Phật nhất là Kinh Diệu-Pháp Liên-Hoa, Kinh Phật Thuyết Đại-Thừa Vô-Lượng-Thọ v.v…Phật rất phê phán cách tu tiểu-thừa này.
Các bạn nên biết! Các vị chân tu cả đời tu hành hoằng dương Phật pháp, hay những người già sau cả một đời làm việc công đức, đã chăm lo hoằng dương Phật pháp thì đến lúc đã gần xế chiều, các vị này ngồi an trụ hay đi diễu hành niệm danh hiệu Phật đó là lẽ đương nhiên, thật là đáng quý, còn mấy vị trẻ tuổi đầu xanh chẳng chịu phát tâm Đại-thừa, làm việc công đức mà nghĩ ngồi yên đó niệm Phật mà nghĩ rằng sẽ được Phật tiếp-dẫn Tây phương Cực-Lạc? Làm gì có chuyện lạ đời như vây? Trong các Kinh điển Phật nhất là Kinh Diệu-Pháp Liên-Hoa, Kinh Phật Thuyết Đại-Thừa Vô-Lượng-Thọ v.v…Phật rất phê phán cách tu tiểu-thừa này.
Cư sĩ Quảng Tịnh
Trích trong Giáo án để giảng mùa kiết hạ 2016
Còn nữa...
Ghi chú: Bài viết thể hiện cách tư duy, quan điểm và lối hành văn của cư sĩ Quảng Tịnh.