Sách Phật giáo

Làm gì để được vãng sinh Tây phương Cực Lạc? (Phần cuối)

Thứ hai, 27/04/2016 03:06

Hộ niệm là bổn phận chung của Chư Tôn Đức Tăng-Ni và các phật-tử tại-gia, nên cùng nhau phối hợp chặt chẽ, hài hòa. Vạn sự khởi đầu nan nhưng bằng sự hiểu biết và quyết tâm mạnh mẽ, việc hộ niệm có thể trở thành một tập tục hữu ích nhất là trợ duyên tích cực cho người sắp lâm chung được vãng sinh về Thế giới An Lạc.

 
Như Phật dạy trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật: 

“Lành thay! Các thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân! Nay ta vì lời thưa thỉnh của Ưu-bà-tắc Diệu-Nguyệt, và của Ưu-bà-di Vi-Đề-Hy, lại nương theo Bản-nguyện của vô lượng vô-số bất-khả-thuyết chư Phật, mà tuyên dương giáo nghĩa bí mật vi-diệu tối thắng đệ nhất, nhằm cứu độ hết thảy chúng sinh ở trong thời kỳ Phật Pháp cuối cùng. 

Giáo nghĩa này, chư Phật quá-khứ đã nói, chư Phật hiện tại đang nói, và chư Phật vị-lai sẽ nói. Tất cả chúng sinh đời Mạt pháp sẽ nương nơi giáo nghĩa này mà được giải thoát rốt ráo, mãi mãi xa lìa các đường ác, hiện đời an ổn, sau khi mạng-chung đuợc sinh về cõi Phật, chứng ngôi vị Bất-thối, dần dần tu tập cho đến khi đắc A-nậu-đa-la Tam-miệu-tam Bồ-đề. 

Này cư sĩ Diệu-Nguyệt, hãy chăm chú lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói:

- Diệu-Nguyệt, tất cả các loại chúng sinh chết ở nơi đây, rồi sinh sang nơi kia, sống chết nối nhau không dứt. Mỗi khi sắp mạng chung thì các loại nghiệp lành dữ trong một đời hiển hiện rõ ràng. Chúng sinh nào sống thuần bằng tư tưởng(1), thì bay lên hóa sinh nơi các cõi Trời. 

Nếu trong sự thuần tưởng, lại gồm cả phước-huệ và tịnh-nguyện thì tự nhiên tâm trí khai mở mà được thấy mười phương chư Phật, tùy theo nguyện lực của mình mà sinh về Tịnh-độ(2).

Chúng sinh nào tình ít, tưởng nhiều thì vào hàng phi-tiên(3), bay đi nhẹ nhàng nhưng không được xa bằng hạng thuần tưởng.

Chúng sinh nào tình và tưởng bằng nhau(4) thì sẽ phát sinh vào cõi người. Bởi vì sao như vậy? Bởi tưởng là thông sáng, tình là mê tối. Nếu tình và tưởng ngang bằng nhau thì không bay lên và cũng không đi xuống.     

Chúng sinh nào tình nhiều, tưởng ít thì sẽ lạc vào bàng sinh, nhẹ thì làm chim bay, nặng thì làm thú chạy(5).

Chúng sinh nào có bảy phần tình và ba phần tưởng, sẽ bị đọa làm thân ngạ-quỷ(6), thường chịu nóng bức, đói khát trải qua trăm ngàn kiếp dài lâu.

Chúng sinh nào có chín phần tình và một phần tưởng, thì sẽ đọa vào địa-ngục. Nhẹ thì vào nơi địa ngục hữu gián, nặng thì sẽ đọa vào ngục Đại A-tỳ(7).  

Nếu ngoài cái tâm thuần tình ấy, còn kiêm thêm các trọng tội như hủy giới cấm của Phật, khinh báng Đại-thừa, thuyết pháp sai lầm, đắm tham của tín thí, lạm thọ sự cung kính, và phạm vào thập-ác ngũ-ngịch, thì sẽ chiêu cảm quả báo luân chuyển sinh về các ngục Vô-gián(8) ở khắp mười phương.
   
Này Diệu-Nguyệt cư-sĩ! Trong thời kỳ Chánh-pháp diệt tận, chúng sinh nơi cõi Diêm-phù-đề tình nhiều tưởng ít, tâm địa bỏn sẻn, tham lam ghét ganh, các căn lành phước báo kém cỏi. Lúc sinh tiền thọ nhận đủ loại nghiệp dữ, sau khi mạng chung sẽ chịu các quả báo đau khổ trong ba nẻo ác dữ với hạn kỳ lâu dài. Vì thế mà chư Phật khắp mười phương xót thương vô cùng, luôn luôn tìm cách cứu trừ khổ não cho các hạng chúng sinh kia.

Các đức Như-Lai hiện ra nơi đời, mục tiêu chân chính là không chỉ tuyên dương diệu-pháp bí giáo sâu xa cho những bậc Thánh-giả, Hiền-nhân-mà mục tiêu khẩn thiết nhất vẫn là nhằm cứu vớt các loại chúng sinh tội khổ, nặng về tình, nhẹ về tưởng(9). 

Chư Phật đã dùng Phật nhãn quán sát khắp mười phương, thấy rõ nghiệp lực chúng sinh lành dữ không đồng đều, thấy thân tướng và cảnh giới của chúng sinh xấu tốt có sai biệt.  Nhưng điểm sinh khởi chẳng rời sát-na tâm sinh diệt, chỗ hội quy cũng không rời sát-na tâm sinh diệt. Muốn hàng phục và chuyển biến cái sát-na tâm sinh diệt ấy, thì không có pháp nào hơn là pháp Niệm Phật (10).   

Diệu-Nguyệt cư-sĩ, nếu có thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào, đủ lòng tin thì chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu NAM MÔ A-DI-ĐÀ PHẬT, suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi, thì hiện tiền chiêu cảm được Y-báo, và Chánh-báo của Phật A-Di-Đà ở cõi Cực-Lạc, lúc lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm tiếp nối liền nhau, lập tức vào Phổ-đẳng Tam-muội của đức A-Di-Đà được Phật tiếp-dẫn về Tịnh-độ Tây-phương, vĩnh viễn xa lìa các đường ác, không còn luân hồi sinh tử.  Đó gọi là quả vị Bất-thối-chuyển. Từ lúc ấy nhẫn nại về sau, vượt qua Thập-Địa, chứng Vô-Thượng-Giác(11).

Diệu-Nguyệt nên biết, đây thật là pháp vi-diệu thù thắng đệ nhất, mà chư Phật dùng để cứu độ khắp hết thảy chúng sinh. Đây thật là môn tu thích đáng khế hợp mọi căn cơ mà chư Phật dùng để đưa hết thảy muôn loài xa rời nẻo khổ, chứng đắc Niết-bàn tại thế, thành Phật trong một đời.(12)

Trong đời vị-lai, tất cả chư Phật nếu muốn cứu vớt hết mọi chúng sinh, thì cũng phải do nơi pháp Niệm Phật này. Do đó mà Như-Lai bảo rằng Niệm Phật là vua của tất cả các Pháp(19).

Nầy Diệu-Nguyệt cư sĩ, hãy một lòng tin nhận lời dạy của Như-Lai. Hãy ghi nhớ kỹ lời dạy của Như-Lai. Hãy thực hành theo lời dạy của Như-Lai, và hãy chứng đắc Pháp Nhẫn tối tôn, tối diệu, đệ nhất nầy mà Như-Lai đã ban cho(20).

Vì sao vậy? Vì pháp của Như-Lai là chân thật, là giải thoát, là an vui, là thuận theo sở cầu, sở nguyện của mọi chúng sinh. Vì pháp của Như-Lai là vắng lặng, không dính mắc, vô-cấu nhiễm, thuận theo tình và tưởng của chúng sinh mà vẫn giúp chúng sinh thành tựu địa vị Phật-Đà, không bị hư hoại, cho nên chẳng cần phải chán ghét lìa bỏ thế-gian, ở trong chỗ ràng buộc mà tâm vẫn tự-tại, thọ dụng pháp lạc. Và sau khi lâm-chung được sinh về cõi Phật A-Di-Đà(21)".

Các bạn đồng tu thân mến! 

Trên đây là các giáo lý quan trọng nhất của người Phật-tử tu hành Tịnh-Độ bất kể là người tu tại-gia hay xuất-gia muốn quyết đinh vãng sinh về Tây phương Cực-Lạc đều phải hiểu rõ và lấy đây để y-giáo phụng hành. Chúng ta hẹn kẻ trước người sau đều được đoàn tụ, sinh trên Sen báu nơi thế-giới Cực-lạc của Phật A-Di-Đà.

Nam mô A-Di-Đà Phật.

Cư sĩ Quảng Tịnh
Trích trong Giáo án để giảng mùa kiết hạ 2016
Ghi chú: Bài viết thể hiện cách tư duy, quan điểm và lối hành văn của cư sĩ Quảng Tịnh.
loading...