Hỏi - Đáp
Làm gì khi hôn nhân có người thứ 3
Thứ bảy, 30/07/2019 07:00
Câu hỏi: Thưa thầy, trong cuộc sống vợ chồng có tình huống chung sống với nhau một thời gian thì một trong hai người có người thứ ba. Có phải là giữa vợ chồng họ đã hết duyên, hết nợ với nhau, họ đi tìm người khác để trả nợ trả duyên tiếp không ạ?
ĐÁP:
Cũng có nhiều tình huống mà chúng ta cần phải phân biệt.
1. Có người có cá tính thích hưởng thụ, thích chinh phục, thích tìm kiếm, thích có nhiều hơn cái mình đang có. Do không biết hài lòng và biết đủ về người vợ và người chồng đang hợp pháp, thì cá tính này rất khó có thể khắc phục. Nếu có cơ hội trong những hoàn cảnh thuận lợi hơn thì những người như thế không phải chỉ có một mà có thể có ba, có mười, có hai mươi. Khi phát hiện rõ về cá tính đó, nỗ lực tha thứ nhiều lần, để giúp cho người đó quay đầu nhưng vẫn không có thay đổi được tình huống thì người bị thiệt thòi trong tình huống này có thể tự quyết định kết thúc hoặc là quyết định nào đó thì tuỳ, miễn là tích cực.
2. Có những trường hợp người vợ ở nhà rất tốt không chê vào đâu được, nhưng ông chồng vẫn thấy có có nhu cầu ở bên ngoài, thậm chí là hất hủi người vợ của mình. Khi hai bên ly dị nhau để cho ông chồng này tới với người thứ ba, thì lúc đó ông ấy mới ngậm đắng nuốt cay phát hiện ra người vợ mới của mình không bằng một phần nào đó của người vợ cũ, cho nên day dứt và muốn nỗ lực quay về, thì cơ hội đó không còn. Trong trường hợp này chúng ta có thể nói là người đó hết phước cho nên phải là ôm lấy một đống nợ của một người không thích hợp so với người cũ. Trường hợp này là khá nhiều, như là một quả báo nhãn tiền.
3. Trong những cơn say đắm hoặc là bị những cạm bẫy thì người bạn đời chúng ta có thể bị vướng kẹt vào. Thay vì cố chấp không tha thứ làm lớn chuyện thì hạnh phúc bị vỡ đôi. Chúng ta nên tham khảo tình huống của vợ chồng Bill Clinton để thấy ứng xử rất thông minh của bà vợ. Có đủ các bằng chứng trong tay và với tư cách là một luật sư có tên tuổi, vợ của Tổng thống Clinton đã không để mất chồng, không tấn công chồng. Và cho đến bây giờ sau nhiều năm vụ tai tiếng của chồng, họ vẫn tay trong tay hạnh phúc. Đó là ứng xử rất thông minh và cao thượng của một người phụ nữ. Ứng xử đó cho chúng ta thấy là khi nhận ra được người bạn đời của mình vì một sơ xuất nào đó dẫn đến một hậu quả, thay vì lấy hậu quả đó làm một cái cớ để kết thúc hôn nhân.
Người khôn ngoan hãy tạo cơ hội cho người khác hồi đầu với điều kiện là tiềm năng hồi đầu đó là có thực, hành động hồi đầu đó là có thực, có thể cảm nhận được, chứng minh được. Thì trong những tình huống đó đừng nên quá khó tính để khoả lấp hay cắt đứt cơ hội hồi đầu của người mà mình đang thương.
Ở trong kinh đức Phật có nói câu như sau: “Khi nhận thức mình phạm một lỗi lầm, thì người nhận thức đó phải cam kết là không tái phạm trong tương lai và nỗ lực chuyển nghiệp.” Nhận thức lỗi là bước ban đầu của sự thay đổi theo một chiều hướng tích cực hơn và ở một chừng mực nào đó chúng ta có thể thông cảm được các lỗi lầm của con người. Vì lỗi lầm là thuộc tính của người phàm. Ta là người phàm cái cơ hội vướng kẹt vào lỗi bao giờ cũng có. Vấn đề là mình có nỗ lực nhận diện để vượt qua hay không thôi!
Lời BBT:
Nói tóm lại, nếu một chị em phụ nữ nào đó với tư cách là một người chung thuỷ, đảm đang hay một người chồng với tư cách là một người tận tuỵ bị người còn lại không chung thuỷ làm cho mình khổ đau, thì lúc đó nếu quyết định con đường đi từ đó trở về sau kết thúc thì không nên oán hận người còn lại, cũng không nên trả thù và mình cứ quan niệm đơn giản rằng “ta đã đặt được gánh nặng xuống” nên mừng với hạnh phúc đó hơn bị vướng kẹt bởi sự bị lừa gạt, bị qua mặt, bị vụng trộm làm cho mình bị thương tổn.
Chúng ta xem cái phước này là không phải gánh thêm cái khổ đau đó trong tâm; người nào đó tình nguyện gánh thế, ta phải cám ơn người. Tuy nhiên nhận thức này chỉ nên được thực hiện khi mọi nỗ lực tích cực nhất, tốt đẹp nhất có phương pháp đã được thực hiện mà đã không thay đổi được tình thế. Nói một cách khác, là Phật tử chúng ta phải có một cái nhìn tích cực, có các hành động tích cực, có các trợ lý tích cực để để giữ được hạnh phúc hôn nhân bền vững.
Về mặt đạo lý, cách đây hơn 2500 năm, đức Phật đã ví người vợ (hoặc người chồng) ngoại tình là kẻ sát nhân phá hủy hôn nhân và hạnh phúc gia đình.
Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật cho rằng có 7 loại vợ. 1 là vợ sát nhân, 2 là vợ ăn trộm, 3 là vợ kiêu sa: Đây là ba loại vợ không tốt. Loại thứ 4, 5, 6 và 7 đó là: vợ như mẹ, em út, bạn bè, người phục vụ là những người vợ tốt.
Trong 7 loại vợ trên, vợ sát nhân được giải thích như sau. Người vợ có tâm địa ác, có ý xấu, không có lòng thương, bỏ rơi chồng mình, yêu những người đàn ông khác, một dâm nữ, chỉ muốn làm phiền lòng người. Đó là loại vợ sát nhân. Như vậy, theo đó, một người vợ ngoại tình được coi là vợ sát nhân, tức là họ là nguyên nhân phá hủy gia đình.
Dựa trên tinh thần giáo dục của bài Kinh, chúng ta có thể quy ra bảy loại người chồng tương ứng với bảy loại người vợ, đó là: chồng như kẻ sát nhân, chồng như người ăn trộm, chồng như chủ nhân, chồng như người cha, chồng như người anh trai, chồng như người bạn, và chồng như người hầu. Và vì thế chồng ngoại tình vì thế cũng được xem là chồng sát nhân.
Lạc thú là nhất thời, cuộc đời an yên thiện hạnh mới là lẽ sống mà con người nên cố gắng mỗi ngày để đạt được. Làm người thứ 3, đi qua lạc thú rồi, chỉ còn lại khổ đau, thế nên cần hiểu đường dài chờ mình là cái gì?
Ngoại tình vì thế là nguyên nhân đẩy một gia đình đang bình an vào sóng gió, vào bão táp. Gia đình như vậy thì còn đâu gọi là hạnh phúc nữa. Ngoại tình phá hủy hôn nhân theo cách như vậy. Vậy thì mình chọn bình yên, hay mình chọn đau khổ? Cho nên, không cần phải tội quả báo gì, mà cái ta nhận được nó hiện tiền ngay đó!