Kiến thức
Làm sao để Phật tử hãnh diện, chủ động kê khai Phật giáo trong thủ tục hành chính
Thứ ba, 06/04/2021 08:42
Thực tế tôi biết có người là tín đồ Phật giáo, thực hành tín ngưỡng đạo Phật trong đời sống hàng ngày, nhưng trong giấy chứng minh nhân dân (CMND), hộ khẩu lại thể hiện mục tôn giáo là “không”.
Thậm chí, khôi hài nữa là vị xuất gia, hình ảnh đầu tròn áo vuông nhưng trên giấy CMND, mục tôn giáo cũng là “không”!
Tìm hiểu mới biết được nhiều nguyên nhân. Trước hết, do hoàn cảnh, một số người muốn tránh cái tiếng mình thuộc tôn giáo này hay tôn giáo khác, để thoải mái trong ứng xử và công việc xã hội, đặc biệt là với các vị tham gia vào các bộ máy chính trị, nên đã thể hiện như thế. Cũng có người vì thờ ơ, không quan tâm, chỉ muốn làm cho xong nên cái gì không cần thiết thì thể hiện trung tính, để các thủ tục được chấp nhận một cách nhanh nhất.
Nguyên nhân sâu xa nữa là ở chư Tăng Ni, những người hướng dẫn tín đồ. Chúng ta thường cũng dễ dãi trong vấn đề này, không hướng dẫn căn bản cho Phật tử, làm sao để họ hãnh diện bày tỏ mình là Phật tử. Việc đó, trước đây Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang cũng như chư vị tiền nhân thời chấn hưng Phật giáo đầu thế kỷ đã đề cập.
Cấp giấy “chứng nhận Phật tử”, việc làm hữu ích
Chúng ta thường tự hào đa số người dân mình là Phật tử, chiếm tới 50% hoặc đôi khi con số định lượng cảm tính lên tới… 80% dân số của cả nước, do đó, không ý thức để hướng dẫn Phật tử về việc thể hiện tôn giáo, là Phật tử trong các ứng xử xã hội, cụ thể nhất qua việc khai Phật giáo trên CCCD. Cho đến lúc Chính phủ công bố số lượng tín đồ các tôn giáo tại Việt Nam qua kết quả điều tra dân số quốc gia, con số “người theo Phật giáo” giảm sâu, chỉ còn 4,6 triệu (tương đương 4,8% dân số cả nước, không phải là tôn giáo có nhiều người theo nhất hiện nay), chúng ta mới giật mình. Nhiều ý kiến bàn thảo, đặt vấn đề hoài nghi, nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có số liệu nào khác có cơ sở từ điều tra để trưng dẫn, đính chính.
Và gần đây, việc báo Giác Ngộ phản ánh một số trường hợp người dân khi khai tôn giáo trong thủ tục làm CCCD, hay trong điều tra dân số quốc gia, cơ quan nhà nước yêu cầu phải có “giấy chứng nhận Tăng Ni”, “giấy chứng nhận Phật tử” của GHPGVN mới được ghi nhận là Phật giáo, còn không đủ thì chỉ được thể hiện tôn giáo là “không”!
Thiết nghĩ, ngoài thông báo về việc cấp giấy chứng nhận cho Phật tử, Giáo hội cần quan tâm hơn nữa, có phương hướng để công việc này được thực hiện một cách có hệ thống, phù hợp, giải quyết các ý kiến liên quan tới những trường hợp đặc biệt như đồng bào Phật tử Khmer và nếp sinh hoạt tôn giáo cũ do yếu tố lịch sử để lại mà báo Giác Ngộ từng nêu ra.
Quan trọng và lâu dài hơn cả, Giáo hội chúng ta cần có những việc làm để làm sao khi người có niềm tin đạo Phật hãnh diện mình là Phật tử, tự hào khi cầm được giấy chứng nhận Phật tử trên tay.
Hòa thượng Thích Minh Thông
Nguồn: Báo Giác Ngộ
Thông cáo báo chí Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 đăng trên kênh thông tin của Chính phủ cho biết: “Đến thời điểm Tổng điều tra năm 2019, có 16 tôn giáo được phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Tổng số có 13,2 triệu người theo tôn giáo, chiếm 13,7% tổng dân số cả nước. Trong đó, số người theo ‘Công giáo’ là đông nhất với 5,9 triệu người, chiếm 44,6% tổng số người theo tôn giáo và chiếm 6,1% tổng dân số cả nước. Tiếp đến là số người theo ‘Phật giáo’ với 4,6 triệu người, chiếm 35,0% tổng số người theo tôn giáo và chiếm 4,8% dân số cả nước”.
Số liệu trên khi được phổ biến, lập tức tạo nên nhiều ý kiến trái chiều. Vấn đề đó cũng được đặt ra tại một số hội nghị của Trung ương GHPGVN và từng được đưa vào nghị quyết: Giáo hội sẽ thống kê lại số lượng tín đồ Phật giáo tại Việt Nam. Do vậy, việc Ban Thường trực Hội đồng Trị sự ban hành Công văn 52/HĐTS-VP1 về việc điền mục 7 trên Tờ khai Căn cước công dân (CCCD) vào ngày 16-3-2021 vừa qua khiến dư luận quan tâm, trong đó có ý kiến cho rằng phải chăng nhân đây Giáo hội sẽ tiến hành thống kê lại tín đồ, Phật tử?
Là một tôn giáo gắn bó với dân tộc suốt mấy ngàn năm, từ kết quả thống kê chính thống của Chính phủ, so sánh với thực tiễn đã cho thấy đến nay, dường như vẫn tồn tại những nhập nhằng trong khái niệm giữa “người theo Phật giáo”, tín đồ đạo Phật và Phật tử, kể cả trong các văn bản pháp quy.