Kiến thức
Làm sao nhận diện và dứt trừ những nỗi lo âu sợ hãi?
Thứ năm, 21/03/2024 07:45
Cảm giác sợ hãi là một trong những trở ngại tâm lý lớn nhất của lộ trình tiến đến an vui hạnh phúc. Rất nhiều sự khổ đau bất an trong đời sống xuất phát từ nguồn gốc sợ hãi tế nhị mà không phải ai cũng nhận ra được.
Hai từ " Sợ hãi" khá quen thuộc với tất cả chúng ta. Có lẽ trong đời, phần đông ai cũng bị sợ một con gì đó, sợ một cái gì đó, sợ một chuyện gì đó, sợ một vật gì đó.
Có khi sợ hãi chỉ là cảm giác mà không biết sợ gì và tại sao lại sợ, nhưng cứ sợ thôi.
Cảm giác sợ hãi là một trong những trở ngại tâm lý lớn nhất của lộ trình tiến đến an vui hạnh phúc.
Rất nhiều sự khổ đau bất an trong đời sống xuất phát từ nguồn gốc sợ hãi tế nhị mà không phải ai cũng nhận ra được. Chúng ta vốn có nhiều những hạt giống (chủng tử) sợ hãi nằm sâu kín trong tâm hồn ( tàng thức), khi đủ duyên nó sẽ trỗi dậy mạnh mẽ.
Ai muốn đạt đến một đời sống an lạc hạnh phúc đích thực thì nhất định phải loại trừ dần những nỗi sợ hãi thống khổ trong ta, tiến đến không còn sợ hãi bất cứ thứ gì.
Đối với người học Phật tu hành thì một trong những tiêu chí xác thực để đánh giá tầm mức công phu thực tế là người đó đã loại trừ được mấy phần sự sợ hãi trong tâm họ. Ai không còn sợ hãi thì người đó đã đạt thành đạo quả.
Chúng ta hãy tự quan sát xem hiện nay ta thường hay sợ hãi những gì. Bình thường có khi ta rất khó nhận diện ra là ta đang mang trong mình những nỗi sợ hãi nào. Có những nỗi sợ dễ thấy dễ biết, cũng có những nỗi sợ hãi sâu kín tế nhị.
Việc này ta phải làm thường xuyên, nhất là lúc yên tĩnh vắng vẻ, trong đêm tối khi ta ở một mình, khi ta đối diện với những uy hiếp thực tế. Có những nỗi sợ hãi liên quan đến thân thể vật lý, và những cảm giác sợ hãi mang tính tâm lý. Dày vò và nguy hiểm nhất vẫn là những nội thương tâm lý bị khỏa lấp, bị che dấu bởi chính ta.
Thông thường ta sợ những gì?
Sợ nghèo, sợ khổ, sợ thiếu thốn, sợ bịnh, sợ ma, sợ chết, sợ cô đơn, sợ già, sợ xấu, sợ bị khinh thường, sợ bị ế, sợ thất nghiệp, sợ đông người, sợ đêm tối, sợ mông lung, sợ vô cớ, sợ thiên tai, sợ tai nạn, sợ thất bại...
Chúng ta có vô số nỗi sợ hãi, chung quy phổ biến nhất vẫn là sợ nghèo, sợ khổ, sợ chết, sợ vô cớ.
Những nỗi lo sợ ấy biểu hiện dưới nhiều hình thức trong đời sống thực tế như lo âu, buồn phiền, bất an, khổ sở, căng thẳng, chán chường, buông xuôi mọi thứ, sống lây lất qua ngày, thậm chí tuyệt vọng.
Vậy làm sao nhận diện và dứt trừ dần dần những nỗi lo âu sợ hãi?
Mỗi người, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, phẩm chất và năng lực khác nhau nên sẽ có những nỗi lo âu sợ hãi khác nhau. Chính bản thân ta mới nhận ra được vấn đề lo sợ thực tế làm giảm chất lượng sống của ta.
Những cách thông thường và phổ biến nhất để vượt qua những nỗi lo sợ:
- Giải pháp căn cơ và triệt để là biết rõ đối tượng sợ hãi là gì? Nguồn gốc của sợ hãi là thiếu hiểu biết hoặc nhận thức sai lệch về đối tượng gây nên sợ hãi. Vô minh là nguồn gốc căn bản của lo sợ. Nâng cao tri thức, trí tuệ giúp ta đoạn trừ nguồn gốc của mọi nỗi sợ hãi. Khi ta nhận thức đúng như thật về thế giới, về cuộc sống, về con người, về tiền tài danh vọng thì ta sẽ vượt thoát dần mọi sự lo âu sợ hãi.
Ôm ấp và nhìn sâu vào nỗi sợ hãi
Vậy làm sao để nhận thức đúng như thật về thực tính của vạn pháp, bản chất của con người và cuộc đời?
Nếu tự bản thân ta có đủ tuệ giác quan sát một cách sâu sắc và như thật về cuộc sống con người, thấy rõ chân lý vô thường, chân lý về khổ và chân lý vô ngã. Hoặc ta nương theo tuệ giác của đức Phật để chiêm nghiêm như thật về chúng. Khi ta thấy rõ ràng mọi thứ trong cuộc đời con người đều là hư ảo giả tạm và luôn biến chuyển thay đổi thì ta sẽ không còn bám víu, dính mắc cố chấp về tài sản, về dạnh lợi quyền chức địa vị và cả thân thể hình hài vóc dáng đẹp xấu. Khi ấy sợ hãi dần tan biến.
Quán sát một cách sâu sắc và toàn diện, ta sẽ thấy mọi sự sợ hãi lo âu đều xuất phát từ "cái ta" và "cái của ta". Hơn nữa mọi nỗi lo sợ đều có liên quan mật thiết đến việc nhận thức về bản ngã của ta và sở hữu của cái ta. Như tên của ta, hình dáng của ta, cha mẹ vợ con hoj hàng thân tôch của ta, địa vị chức vụ của ta, danh dự của ta, tài sản tiền bạc của cải của ta...tóm lại là dính mắc, chấp trước cái ta và cái của ta. Những gì động chạm, tổn thương, gây hại đến cái ta và cái của ta làm cho ta lo sợ.
Ví dụ như có nhiều người sợ ma quỷ. Nguyên nhân là họ bị ám ảnh bởi thói quen khi nghe nhiều người kể, bị dọa từ nhỏ, xem phim ma. Cơ bản là họ không biết ma quỷ thật sự là gì, có thật hay không. Khi ta biết rõ về ma quỷ chỉ là một dạng thức chúng sinh (có thể có cả người thân của ta) đang sống trong khổ đau triền miên vì đã từng gây tạo ác nghiệp, thì chẳng những ta không còn sợ hãi mà còn khởi lòng từ bi thương xót chúng.
Hoặc có nhiều người sợ chết vì không hiểu rõ về sự chết mà chỉ nghe những dân gian thêu dệt đáng sợ về cái chết. Nếu ta biết rõ như thật, chết chẳng qua là một cách thay đổi hình thức sống, thay đổi kiểu sống, thay đổi môi trường sống. Cuộc sống tiếp nối sau khi chết, tốt hay xấu, khổ hay vui phụ thuộc vào hành vi lời nói việc làm suy nghĩ hiện nay của ta. Hiện nay ta sống tốt, tích cực, lương thiện, biết quy kính tam bảo, không tạo ra ác nghiệp thì chắc chắn cuộc sống tiếp nối sau khi chết của ta sẽ càng tốt đẹp hơn.Những người biết quy y Tam Bảo, sống thiện thì họ sẽ vượt qua nỗi sợ hãi về cái chết.
Hoặc có người sợ nghèo bị người khác khinh khi xem thường. Thật ra, chỉ có bản thân ta mới xem thường được ta. Chỉ cần ta nỗ lực siêng năng làm việc, sống chính đáng lương thiện, hòa nhã, biết quan tâm giúp đỡ người khác khi ngoặc nghèo, thì đời sống sẽ khá lên dần, được mọi người quý mến. Thực tế, nhiều người không khá giả gì, vẫn gắng dành thời gian, đi tu tập làm việc thiện với thầy, được nhiều người quý mến.
Hoặc sợ mất chức, mất tiền, mất địa vị, mất nhà cửa, mất người thân...càng sợ mất thì càng bất an lo phiền.
Cụ thể là chúng ta làm gì hàng ngày giúp ta vượt thoát những nỗi sợ hãi căng thẳng bất an.
- Một là quy y Tam Bảo, kính tin Phật pháp, thường đọc kinh, nghe giảng phật pháp. Tin hiểu Phật pháp, có thiện thần ủng hộ, giúp ta bớt sợ hãi.
- Hai là sống lương thiện, tích cực, lành mạnh giúp người; không gây tạo ác nghiệp, không gây thù chuốc oán, không giao du bạn xấu, không bài bạc, rượu chè, cá cược, hơn thua, hút chích, nợ nần giúp ta không sợ hãi.
- Ba là thường luyện tập sức khỏe, ăn uống điều độ, tăng cường khả năng đề kháng, giúp ta ngăn ngừa bịnh tật đau đớn sợ hãi.
- Bốn là lúc sợ hãi ta chú tâm niệm: Nam mô A Di Đà Phật hoặc trì thần chú: Án Ma Ni Bát Di Hồng sẽ hết sợ hãi.
- Năm là thường tu tâm luyện chí, ngồi thiền, đọc sách, nghe giảng, nâng cao phẩm chất tâm linh, phát huy sức mạnh tâm ý, tăng cường sức mạnh của ý chí. Tâm càng chuyên nhất càng tập trung, càng thiện thì sức mạnh càng lớn, càng mạnh mẽ thì cảm giác sợ hãi không còn chỗ tồn tại trong ta.
Quốc sư Vạn Hạnh, thầy của vua Lý Công Uẩn ở thế kỷ XI của Việt Nam, vì thấu rõ như thật về cuộc đời nên vượt thoát mọi nỗi sợ hãi:
"Mặc cuộc đời có thịnh ắt có suy, đừng sợ hãi
Mọi thứ đều vô thường, tan nhanh như giọt sương sớm trên đầu ngọn cỏ."
Với định lực, ý chí và sức mạnh của tâm từ bi, một lòng hộ pháp, hộ quốc an dân, Bồ tát Thích Quảng Đức đã vượt qua mọi sự sợ hãi, đốt thân mình làm ngọn lửa từ bi sáng soi nhân thế, thức tỉnh lương tri, bảo vệ chánh pháp, hộ quốc an dân.
Thiền sư Nhất Hạnh, một cao tăng của Phật giáo đương đại, hay diễn lại ý kinh Bát Nhã: "Các pháp vốn không sinh, không diệt nên không có gì phải sợ hãi cả". Vì thực tính của tất cả các pháp và con người là vô ngã. Ai thấy rõ chân lý vô ngã thì người đó được giải thoát, và đương nhiên là không còn bất kỳ nỗi lo sợ nào nữa.
Thở ra không hít vào được là thân mạng và mọi thứ sẽ tiêu tan, muốn nắm giữ cũng không thể nào nắm giữ được.
Mong mọi người quan sát thật rõ như vậy, nỗ lực vượt qua chướng ngại sợ hãi, sống ít ham muốn và tỉnh giác và tích cực ngay trong từng phút giây hiện tại, để ta sống có ích hơn, cuộc đời của chúng ta sẽ an lạc hạnh phúc hơn.
Nói, làm ác
Luôn sợ hãi
Học Phật tọa thiền
Quán vô ngã, không
Tâm vững chãi.