Kiến thức
Làm sao trừ được khổ?
Chủ nhật, 18/10/2020 09:45
Câu nói cửa miệng của người đời là ‘sướng như tiên’. Kỳ thực thì chư Thiên, chư tiên là những vị có phước báo lớn nhưng vẫn còn khổ. Họ có thể thành tựu phước báo về nhà cửa, thọ mạng, dung sắc và các tiện nghi đời sống thù thắng nhưng các nỗi khổ tâm, phiền não, sinh tử vẫn còn.
Đau khổ không vì thiếu thốn mà vì mong ước quá nhiều
Vì vậy, thời Thế Tôn còn tại thế, các vị Thiên vẫn thường tham dự các pháp hội, nghe pháp và thỉnh vấn Ngài hóa giải các khổ đau, vướng mắc trong đời sống của họ. Kinh điển còn ghi lại rất nhiều pháp thoại mà vị đương cơ thỉnh Pháp là chư Thiên. Thành ra, khi còn trong Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) phước báo có thể khác nhau nhưng khổ đau, nhất là khổ đau sinh tử vẫn không chừa một ai. Vì lẽ ấy, những ai đã có phước báo rồi (tạm chỉ những người thành đạt trong cuộc sống) cũng cần chuyên tâm đến Phật pháp để tiếp tục gieo trồng cội phước, thiết lập nội tâm an tịnh, thăng hoa đời sống tâm linh, tiến tới thành tựu giải thoát.
“Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Thiên tử tướng mạo tuyệt diệu, cuối đêm đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, thân tỏa ánh sáng chiếu khắp rừng cây Kỳ-đà, vườn Cấp cô độc. Bấy giờ, Thiên tử ấy nói kệ hỏi Phật:
Làm sao qua các dòng
Làm sao qua biển lớn
Làm sao trừ được khổ
Làm sao được thanh tịnh?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Lòng tin vượt các dòng,
Không buông lung qua biển
Tinh tấn hay trừ khổ
Trí tuệ được thanh tịnh.
Thiên tử lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn
Chóng đắc Bát-niết-bàn
Mọi sợ hãi đều qua
Trọn vượt thoát ân ái.
Thiên tử này sau khi nghe Phật dạy xong, tùy hỷ hoan hỷ, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi biến mất.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 603).
Pháp thoại này Thế Tôn đã chỉ rõ, muốn thoát khổ phiền não, sinh tử trong Tam giới, cần tu tập bốn hạnh căn bản: Đó là lòng tin, không buông lung, tinh tấn và trí tuệ.
Lòng tin đây chính là chánh tín. Tin kính Tam bảo, tin chắc nhân quả, tin sâu nhân duyên, tin tuyệt đối vào Tâm sáng sạch của chính mình. Chánh tín là nền tảng quan trọng để dấn thân tu học, vượt qua mọi tà tín và sợ hãi, vững bước theo Phật để làm Phật.
Phật khuyên làm thiện, không làm ác
Không buông lung là giữ tâm vững chãi trước cám dỗ. Phần lớn chúng ta đều yếu đuối trước sự hấp dẫn của năm dục thế gian (tiền bạc, sắc đẹp, danh tiếng, ăn uống, ngủ nghỉ). Sống trong cõi Dục chẳng khác nào một người đang bơi trong biển. Nhẹ thì nổi mà nặng thì chìm. Học hạnh muốn ít và biết đủ để giữ mình thanh sạch, nhẹ nhàng. Học buông được chừng nào hay chừng nấy. Còn chạy theo, dính mắc ngũ dục thì nặng nề thêm. Chánh niệm tỉnh giác cao độ, luôn thấy rõ sự nguy hiểm của dục là chìa khóa để không buông lung, phóng dật trước cám dỗ.
Tinh tấn chính là sự siêng năng thực hành Pháp. Trong sự tu tập, giữ gìn sự siêng năng là việc vô cùng khó khăn. Phần đông chúng ta đều chỉ tinh tấn trong giai đoạn đầu, giữa và sau thì dần dần biếng nhác, giải đãi. Sở dĩ ‘Nhất niên Phật hiện tiền, nhị niên Phật thăng thiên’ là vì chúng ta không có pháp lạc và niềm vui trong tu học. Chúng ta đau khổ, mệt mỏi, uể oải, hoài nghi nhiều thứ khiến sơ tâm dũng mãnh và hùng lực dấn thân nhanh chóng lụi tàn. Cốt tủy của Pháp là thiền, là thực hành Bát Thánh đạo. Siêng năng thực hành Pháp mới có thể vượt qua khổ đau, phiền não.
Trí tuệ là sự nghiệp căn cốt nhất của người tu Phật. Thấy rõ và không lầm về nhân quả, nghiệp báo, nhân duyên và Bốn sự thật thế gian. Tâm tịnh thì trí sáng và ngược lại. Thiền quán về Thân, Thọ, Tâm, Pháp để thấu rõ sự thật Khổ, Vô thường, Vô ngã của vạn pháp. Thấu rõ rồi thì thanh tịnh và tự tại giải thoát. Chưa thấu triệt thì còn kẹt, chấp và bị ràng buộc, ô nhiễm và bất an.