Sống an vui
Làm thế nào để chung sống với người mình không thích?
Thứ ba, 15/08/2021 05:10
Chúng ta luôn kỳ vọng vào một thế giới hoàn hảo lý tưởng, mọi người có thể vừa hòa nhã, vừa thân thiện, quan tâm, chu đáo, hào phóng, công bằng, người hiểu mình, mình cũng hiểu họ, mọi người vui vẻ sống cùng nhau, không có những việc khó chịu, bực dọc hoặc có ý xấu, phê bình người khác v.v…
Thế nhưng trong thế giới hiện thực, mỗi ngày chúng ta đều sẽ gặp phải những người và những việc khiến mình buồn phiền. Có một số người có thể khiến chúng ta tức giận và bản thân chúng ta cũng có thể khiến người khác phật ý.
Chúng ta không thể chịu đựng nổi những người thô lỗ, khó chịu, hay xoi mói, chửi bới, nghi ngờ những việc chúng ta làm, không hiểu những lời đùa giỡn của chúng ta mà lại chỉ hy vọng chúng ta hiểu họ.
Đối với một người cứ khiến bạn tức giận hoặc bạn muốn tránh họ, bạn nên làm thế nào?
Bạn có cần phải học cách “thích” tất cả những người mà mình gặp hay không?
Chuyên gia khoa học quản lý đến từ trường Đại học Stanford – giáo sư Robert Sutton cho rằng không thể và cũng không cần thiết, bởi vì bạn không thể nào gộp hết thảy những người hàng xóm mà bạn có thể mời đến nhà ăn thịt nướng vào nhóm đồng nghiệp làm việc cùng bạn ở công ty được.
Vậy thì phải làm sao để chung sống cùng những người mà mình không thích đây?
Chấp nhận sự thật là mình không thể thích tất cả mọi người được
Những người thông minh biết rằng mình không thể thích tất cả mọi người mà mình gặp, cũng không thể làm cho mọi người đều thích mình. Bởi vì nguyên nhân của những sự phản đối và xung đột đa phần là do khác biệt về giá trị quan.
Những người không hợp với bạn không hẳn là thật sự xấu, do giá trị quan khác biệt nên kết quả nhận định sự việc cũng không giống nhau. Một khi hiểu được điều này thì bạn sẽ không bị cảm xúc điều khiển nữa, tự nhiên rồi bạn sẽ có thể chấp nhận được sự bất đồng ý kiến giữa mình và người khác.
Khoan dung với những người mình không thích chứ đừng lờ đi hoặc coi thường họ
Có thể bạn ghét việc người kia cứ không ngừng phê bình, chỉ trích bạn hay những người khác, các câu chuyện hài nhàm chán hoặc những cách làm kỳ quặc của họ v.v… Nhưng nếu bạn là sếp, đối với cấp dưới thì những người bạn không thích có thể sẽ tốt hơn những người mà bạn thích.
Theo nghiên cứu của giáo sư Sutton, cấp quản lý cần phải sở hữu những nhân viên bất đồng quan điểm và dám nêu ý kiến, bởi vì những người này có thể ngăn chặn cấp quản lý làm những việc có thể gây hại cho cả công ty. Việc những người quản lý phải làm việc cùng những nhân viên như thế này là không hề dễ dàng, nhưng bạn phải nhẫn nhịn và khoan dung họ.
Thường thì những người tranh đấu với chúng ta sẽ thúc đẩy chúng ta nảy ra những sáng kiến mới, giúp cả tập thể đi đến thành công. Hãy ghi nhớ rằng bạn cũng không hoàn hảo, nhưng mọi người đã nhẫn nhịn bạn.
Cư xử lịch sự với những người mà mình không thích
Dù cho bạn có cảm nghĩ thế nào về ai đó thì người đó cũng sẽ rất nhạy cảm đối với thái độ và hành vi của bạn, hơn nữa họ sẽ phản ứng với bạn theo thái độ của chính bạn. Nếu bạn thô lỗ với họ, rất có thể họ sẽ mặc kệ lễ nghi và cư xử thô lỗ với bạn. Vì vậy, trách nhiệm của bạn là phải đối xử công bằng với mọi người, bất cứ lúc nào cũng phải giữ lý trí bình tĩnh.
Chuyên gia tâm lý Ben Dattner – tác giả của quyển sách “The Blame Game” (Trò đổ lỗi) cho rằng việc học cách mang bộ mặt của một nhà ngoại giao là vô cùng quan trọng. Bạn phải để lại cho người khác ấn tượng chuyên nghiệp và tích cực, như vậy thì bạn mới sẽ không bị rơi xuống cùng cấp bậc với họ hoặc bị họ tác động cũng như “đồng hóa”.
Những tật xấu cần bỏ ngay để có cuộc sống an vui
Để ý và hạn chế kỳ vọng của bản thân
Chúng ta thường có những kỳ vọng không thực tế, ví dụ như mong người khác sẽ phản ứng, có suy nghĩ, có những lời nói, hành động giống mình khi gặp chuyện tương tự với mình. Thế nhưng đây là điều không thể.
Tính cách của mỗi người từ khi sinh ra đã không giống nhau, phản ứng đối với mọi việc ắt cũng khác. Việc kỳ vọng người khác có phản ứng giống bạn sẽ chỉ khiến bạn vô cùng thất vọng và phiền muộn.
Nếu lần nào gặp ai đó cũng đều xảy ra những việc không vui, bạn hãy điều chỉnh sự kỳ vọng của bạn với họ và chuẩn bị tâm lý thì sẽ không bị tức giận bởi những lời nói và hành vi của họ. Những người thông minh sẽ luôn làm điều này, bởi vì không có ai có thể tác động được đến hành vi của họ.
Dù cho có cố gắng ra sao thì vẫn có một số người sẽ khiến chúng ta không thể kiềm chế, muốn nổi nóng. Khi giao thiệp với những người như vậy, việc học cách kiềm chế sự thất vọng của bản thân là rất quan trọng. Đừng nghĩ đến việc người đó đáng ghét thế nào, hãy tập trung suy nghĩ vì sao mình lại có phản ứng như vậy. Thường những khuyết điểm mà mình không thích của chính bản thân sẽ trùng hợp xuất hiện ở những người mà chúng ta ghét và những điều mà chúng ta không thích lại chính là những khuyết điểm của chúng ta. Họ không hề tạo ra những điều khiến chúng ta không vui, họ chỉ vô tình phạm vào nó mà thôi.
Hãy tỉnh táo để tìm ra những điều khiến chúng ta nổi nóng tức giận thì mới có thể hy vọng làm dịu đi, thậm chí thay đổi phản ứng của bản thân. Hãy ghi nhớ là việc thay đổi quan điểm, thái độ và hành vi của bản thân dễ hơn việc yêu cầu người khác thay đổi.
Thường xuyên “dừng lại” để hít thở sâu
Có những người mà tính cách của họ luôn khiến người khác không chịu đựng nổi, hoặc họ luôn quên đi giới hạn cuối cùng hay thích làm “trò hề” nhạt nhẽo. Hãy xem thử việc khiến bạn nổi nóng là gì, ai khiến bạn nổi nóng, như vậy thì bạn sẽ có thể phòng bị trong tương lai.
Nếu bạn có thể “dừng lại” khi đang xúc động, để lý trí bình tĩnh lại thì rất có thể bạn sẽ có một cuộc nói chuyện hòa bình, không hề có sự chỉ trích hay phê bình. Hít thở sâu, lùi một bước, việc này không chỉ sẽ khiến bạn bình tĩnh mà còn có thể bảo vệ không cho bạn có những hành vi quá khích, không phù hợp. “Lùi một bước là biển rộng trời cao” mà đúng không?
“Lùi một bước là biển rộng trời cao”
Cách tu tập vượt thắng ngũ giới để có cuộc sống an vui
Nói ra điều mà mình cần
Nếu ai đó cứ luôn ngắt lời bạn, khiến bạn khó chịu, bạn có thể bình tĩnh cho họ biết thái độ hoặc cách nói chuyện của họ khiến bạn không thoải mái.
Tránh chỉ trích mà hãy nói “Khi anh/chị… tôi cảm thấy…”, ví dụ như bạn nói với người kia rằng “Khi anh/chị ngắt lời tôi trong cuộc họp, tôi cảm thấy anh/chị không tôn trọng ý kiến của tôi”. sau đó hãy đợi họ phản ứng.
Bạn có thể nhận ra sở dĩ người kia ngắt lời bạn là bởi vì họ không chú ý việc bạn chưa nói xong, hoặc do quá hứng thú với lời bạn nói nên nói xen vào.
Giữ khoảng cách
Nếu như những phương pháp trên đều không dùng được, vậy thì hãy giữ khoảng cách với họ. Chào hỏi lịch sự, sau đó rời đi.
Nếu trong công ty, hãy chuyển đến phòng khác hoặc ngồi phía bên kia bàn họp. Chỉ cần có một chút khoảng cách, góc độ thì có lẽ bạn sẽ có thể nói chuyện với những người đồng nghiệp mà bạn không thích giống như với những người bạn thích mà không bị tác động gì cả.
Nếu bạn hi vọng thế giới này tốt đẹp hơn thì hãy bắt đầu từ chính bạn!