Kiến thức
Làm thế nào để hàng ngày gửi thể chất vào hoa sen nơi cõi Tịnh độ?
Thứ ba, 22/04/2021 08:12
Để hoa sen của chúng ta có thể tỏa sắc hương từ bi, trí tuệ, chúng ta phải nuôi dưỡng bằng sự thực hành thiện pháp thân khẩu ý, tất cả mọi việc thực hành của chúng ta đều quy hướng Tịnh độ.
Để gửi được thể chất vào hoa sen ở cõi Tịnh độ, ngay từ giây phút này không chậm trễ, chúng ta cần phát Bồ đề tâm, hiểu được nguyện lực của đức Di Đà và công phu tu tập. Thể chất của hoa sen chính là lòng từ bi, trí tuệ và tự tính Phật nơi mỗi người. Khi chúng ta đã gửi thể chất thì bên cõi Tịnh độ có một đóa hoa sen. Để hoa sen của chúng ta có thể tỏa sắc hương từ bi, trí tuệ, chúng ta phải nuôi dưỡng bằng sự thực hành thiện pháp thân khẩu ý, tất cả mọi việc thực hành của chúng ta đều quy hướng Tịnh độ. Còn nếu chúng ta để việc thực hành gián đoạn thì hoa sen trên cõi Tịnh độ của chúng ta sẽ héo úa, tàn lụi.
Ký sự “Cực Lạc Du Lãm Ký” do Pháp sư Khoan Tịnh ghi lại khi Ngài đích thân kinh lịch (kinh nghiệm thực chứng) sang cõi Cực Lạc: Việc xảy ra vào ngày 25 tháng 10 âm lịch năm Đinh Mùi (tức năm 1967). Lúc đó Pháp sư đang ngồi thiền ở chùa Mạch Tà Nham, đột nhiên được thần lực của Đức Quán Thế Âm đưa sắc thân Ngài đến tạm ẩn nơi động Di Lặc, rồi dẫn thần thức sang Cực Lạc. Pháp sư có cảm giác thời gian du lãm trên chỉ trải qua một ngày đêm, nhưng khi trở về nhân gian đã là ngày mùng 8 tháng 4 năm Quý Sửu (tức là năm 1973). Pháp sư là một bậc cao tăng đắc định, giữ giới luật, tin nhân quả, quyết không khi nào nói lời hư dối. Đây hiển nhiên là Phật và Bồ tát vì lòng từ bi muốn cứu vớt và thức tỉnh chúng sinh thời mạt hậu, đã dùng phương tiện khéo truyền đạt lời giáo huấn qua bản thân Ngài mà thôi. Sau đây là những lời kể lại của Pháp sư về thể chất của hoa sen trong Hạ phẩm, nơi chúng hữu tình sinh về đều thuộc hàng “đới nghiệp vãng sinh”.
Xem khắp nơi xong, tôi lại được đưa đến một ao báu rộng lớn như biển. Nước ở đây trong sáng vô hình, nhiệm màu khó tả, không giống chất nước ở Ta Bà. Trong ao có nhiều hoa sen to đẹp nở tươi sáng rỡ. Một ít hoa sắp héo tàn. Hoa sen phẩm Hạ hạ nơi cõi An Dưỡng không đồng với hoa sen ở nhân gian, mà đường kính rộng lớn từ một dặm đến ba dặm. Trên đài hoa có lầu đều tuôn ra từ các thứ ánh sáng tùy màu sắc, như hoa xanh ánh sáng xanh, hoa vàng ánh sáng vàng…. Chúng sinh ở lầu các nơi đài sen nếu khởi các thứ vọng tưởng thì hoa trở nên ảm đạm không sáng suốt. Trái lại nếu quả thật không vọng tưởng, trong tâm thanh tịnh thì toàn thể đều phát ra tia sáng chói rực huy hoàng.
Tại sao tôi chọn pháp môn Tịnh độ?
Tôi hỏi Đức Quán Thế Âm:
- Tại sao trong ao báu lại có hoa sen khô, tươi, suy, thanh như thế?”.
Bồ tát đáp:
- Các đóa hoa suy, khô là những người ở Ta Bà ban sơ phát lòng thành tín, siêng năng niệm Phật, gieo nhân sen lành, nên khiến trong ao thất bảo hóa sinh hoa sen lần lần to lớn tròn sáng đẹp tươi. Nhưng các chúng sinh đó chỉ tinh tấn được một thời gian, rồi công phu lần hồi biếng trễ. Khi lòng tin không còn bền vững, thì chẳng những sự niệm Phật lơ là bỏ phế, mà có khi còn tạo nhiều điều ác nữa. Do đó, hoa sen lần lần khô héo, cọng sen gãy đổ rồi biến mất. Ngươi xem cánh sen khô gãy này là của một người ở Giang Tây. Ban sơ, kẻ đó trường chay, niệm Phật, sau vì làm quan nên không trì niệm, lại còn ăn mặn, tạo ác, hiện đã bị chính quyền tuyên án tử hình, nên cành sen khô héo và sẽ mất dạng. Còn cành sen khô gãy kia là của một người ở huyện Vĩnh Thái, quy y tinh tấn niệm Phật đã ba năm, hoa báu hiện thành cực kỳ tươi đẹp. Về sau, kẻ ấy tham đắm tài lợi, mải lo việc kinh doanh không tu hành, lại dùng đủ cách để mưu cầu tiền của phi nghĩa. Vụ việc bị phát giác nên phá sản, nợ nần chồng chất, cùn trí rồi tự vẫn. Do đó, cành sen này phải chết khô.
Tôi thưa:
- Bạch Bồ tát! Thường Lượng Pháp sư lúc còn sống có nói cho con biết: Chí tâm niệm một câu Phật diệt được vô lượng tội, sinh trưởng vô lượng phước. Kẻ kia niệm Phật ba năm tại sao không có công đức, mà kết cục lại bị thảm cảnh như thế?
Triết lý Tịnh độ nhân gian Phật giáo thời Chúa Nguyễn
Ngài đáp:
- Lời đó hàm ý sơ lược khái quát. Phải biết chí tâm niệm Phật tuy sinh vô lượng phước lành song chí tâm làm ác cũng sinh vô lượng tội chướng. Niệm Phật rồi tạo tội, đem công trừ tội, tất phước không còn. Tuy nhiên, kẻ niệm Phật rồi tạo nghiệp, nếu biết ăn năn sám hối quay đầu hướng thiện, thề không dám tái phạm, phát lòng tinh tấn niệm Phật như xưa, thì tội chướng lần tiêu, phước tuệ lớn dần. Trong ao bát công đức, hoa sen sẽ lại đâm chồi nở cánh tươi tốt, cuối cùng vẫn đới nghiệp vãng sinh, tiến lên quả vô thượng Bồ đề không còn thoái chuyển.
Bồ tát chợt dừng lại trong giây phút, rồi nói tiếp:
- Lại còn một điều, có kẻ miệng tuy vẫn niệm Phật nhưng trong lòng còn ô nhiễm đắm sắc, tham tài, đôi khi nảy sinh tâm ganh tị, giận hờn, tranh chấp, thầm lén hại người khác. Kẻ ấy dù còn chút công đức nhưng bị các chướng nghiệp đó, thì không được vãng sinh về Tịnh độ, chỉ gieo nhân sen đắc độ về sau mà thôi. Cho nên, tất cả thế gian, bất luận giàu nghèo, sang hèn, trí ngu, lành dữ, già trẻ, gái trai, nếu biết phát lòng tín thành, dứt dữ làm lành, trai giới niệm Phật, trong ngoài như một, giữ công phu bền lâu suốt đời, tất hoa sen nơi cõi Tịnh hóa hiện lớn đẹp sáng tươi, khi lâm chung sẽ được tiếp dẫn về Cực Lạc. Người nào chí nguyện không bền, lúc trễ lúc siêng, hoa báu tuy phát sinh, nhưng chẳng thể lớn mạnh tốt đẹp, nếu lại làm ác thì sen phải héo tàn, đã không được vãng sinh mà còn bị đọa luân hồi nữa.
(Trích ấn phẩm: “Cực Lạc Du Lãm Ký” - Khoan Tịnh Pháp Sư
HT. Thích Thiền Tâm soạn dịch - NXB Phương Đông, 2015)