Kiến thức
Làm thế nào để thể hiện lòng hiếu kính đối với ông bà tổ tiên một cách có ý nghĩa
Thứ năm, 11/04/2022 10:56
Không phải đợi đến tư tưởng Nho giáo du nhập vào nước ta, người Việt mới biết đến đạo hiếu, mà nó là truyền thống tốt đẹp có từ lâu đời của dân tộc.
Giáo sư Trần Văn Giàu khi bàn về giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam đã viết: “… ta chớ nên tưởng tượng cho rằng Nho giáo chiếm độc quyền trong chữ trung, chữ hiếu, chữ tiết, hay trong nhân, lễ, nghĩa, trí, v.v.. Những phạm trù đạo đức này, nước nào cũng có. Ở đâu có chế độ phụ quyền thịnh hành thì chữ hiếu thịnh hành” [1, tr.150].
Có lẽ vì vậy, từ xa xưa, người Việt có nhiều cách thể hiện lòng hiếu kính của mình: từ việc vâng lời, chăm nom, cấp dưỡng, … ông bà, cha mẹ khi còn sống cho đến việc thờ cúng khi các vị đã quá vãng. Trong thời đại ngày nay, khi cuộc sống vật chất của con người ngày càng đầy đủ, việc thể hiện lòng hiếu kính đối với người quá vãng đôi khi quá mức cần thiết và ở góc độ nào đó là không mang lại lợi ích: nào là việc sắm những món hàng mã như xe hơi, nhà lầu và nhiều loại trang sức để đốt cho ông bà, tổ tiên sử dụng; việc đua nhau xây lăng mộ sang trọng để thể hiện lòng hiếu kính; và việc giết gia súc, gia cầm để cúng tế, sau đó là chè chén linh đình.
Nhà nghiên cứu Phan Kế Bính bàn về phong tục người Việt có nhận xét rằng: “… nhiều người khi cha mẹ còn thì bạc thị chẳng ra gì, đến lúc mất lại cúng tế linh đình, kẻ có đã vậy, kẻ không có cũng cố đi vay mượn cầm nhà bán ruộng, để giả nợ miệng và lấy thể diện với đời, thực là một sự vô ích quá” [2, tr.35]. Do đó, bài viết này sẽ xem xét rộng hơn cách thể hiện lòng hiếu kính của người còn sống đối với người đã khuất dưới nhãn quan của đạo Phật để mọi người đều có thể thực hiện được nó một cách có ý nghĩa và mang lại lợi lạc nhiều hơn.
Thật ra, việc cúng tế người thân quá vãng đã được Đức Phật chỉ dạy cách đây hơn 2.500 năm. Trong Kinh Sanh văn [3], có một vị Bà-la-môn vì thương người thân của mình đã qua đời nên với tín tâm tổ chức cúng tế. Vì ông không biết chắc người thân quá cố của mình có thọ nhận được hay không, nên bèn đến gặp Đức Phật để thưa hỏi. Đức Phật trả lời ông rằng: “Không nhất định phải được. Nếu người thân tộc của ông sinh vào trong địa ngục, họ sẽ ăn thức ăn của chúng sinh địa ngục để nuôi sống sinh mạng, chứ không nhận được đồ ăn thức uống mà ông bố thí với tín tâm. Nếu họ sinh vào súc sinh, ngạ quỷ, hoặc loài người, họ sẽ được đồ ăn thức uống của loài người, không nhận được đồ bố thí của ông”.
Đức Phật cũng nói với vị Bà-la-môn thêm rằng: “Trong đường ngạ quỷ có một nơi tên là Nhập xứ ngạ quỷ, nếu người thân tộc của ông sinh vào trong Nhập xứ ngạ quỷ kia, thì sẽ nhận được thức ăn của ông”. Vị Bà-la-môn mới bạch với Đức Phật: “Nếu người thân tộc của con không sinh vào trong đường Nhập xứ ngạ quỷ, thì thức ăn do tín tâm của con bố thí ai sẽ hưởng được?”. Đức Phật bảo vị Bà-la-môn: “Nếu ông với tín tâm bố thí cho người thân tộc, nhưng họ không sinh vào chốn Nhập xứ ngạ quỷ, thì có những thân tộc quen biết khác đã sinh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ đó sẽ được hưởng”. Vị Bà-la-môn lại bạch Đức Phật: “Thưa Cù-đàm, nếu con do tín tâm bố thí cho người thân tộc, nhưng họ không sinh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ, và cũng không có các thân tộc quen biết khác sinh vào chốn Nhập xứ ngạ quỷ, thì thức ăn do tín bố thí đó ai sẽ hưởng?”. Đức Phật trả lời: “Giả sử ông vì những thân tộc quen biết mà bố thí, nhưng họ không sinh vào trong chốn Nhập xứ ngạ quỷ, và lại cũng không có những người quen biết khác sinh vào chốn ngạ quỷ, thì việc bố thí do tín, tự mình sẽ được phước”.
Từ việc giảng giải của Đức Phật nêu trên, có vài điều chúng ta cần phải suy ngẫm. Trước tiên, người cúng tế không nên chỉ biết đến ông bà, tổ tiên của mình ngay trong kiếp này vì trong Kinh Lăng già, khi Bồ tát Đại Huệ thưa hỏi Đức Phật về vấn đề không ăn thịt chúng sinh, Đức Phật đã giảng như sau: “… tất cả chúng sinh từ trước đến nay nhân duyên lần lượt thường làm lục thân, vì tưởng người thân nên không ăn thịt” [4, tr.561].
Như vậy, trong vô lượng kiếp tái sinh con người cũng có vô lượng những thân tộc quen biết nên liệu chăng nếu có cúng tế, chúng ta cần phát tâm rộng rãi cúng thí cho tất cả chúng sinh, không nên giới hạn chỉ cho ông bà tổ tiên của mình trong kiếp này. Khi chúng ta làm như thế cũng đồng nghĩa với việc tâm từ của mình mở rộng ra và vì thế việc cúng kính có thể được xem là một pháp tu cho người còn đang hiện tiền.
Mặt khác, việc cúng tế chưa hẳn là có một chúng sinh nào thọ nhận như lời Đức Phật đã thuyết giảng cho vị Bà-la-môn kia, nhưng không khéo có thể gây nên tai họa cho người còn sống. Nếu người còn sống sát sinh hại vật làm lễ vật cúng tế thì ắt chuốc lấy nghiệp báo. Trong Kinh số 1, Phẩm Bất thiện (Tăng Nhất A Hàm) [5], Đức Phật có thuyết rằng: “Nếu ai sát sinh hoặc quảng bá cho hành vi sát sinh thì sẽ bị đọa vào địa ngục, ngã quỷ hoặc súc sinh; nếu sinh trong cảnh giới người thì thọ mệnh rất ngắn.”
Hơn thế nữa, biết đâu trong số những con vật bị giết đó có người thân quyến thuộc nhiều đời nhiều kiếp của chúng ta thì sao. Vua Trần Thái Tông, một ông vua tu Phật và ngộ lý thiền, đã có lời cảnh tỉnh con người từ bỏ nghiệp sát sinh với lý do như sau: “Phàm các loài sanh từ trứng, thai, ẩm, hóa, tánh vẫn đồng, thấy nghe hiểu biết đâu khác. Chỉ do tạo nghiệp kết oán, nên thọ tên khác hiệu khác. Ngày trước vốn loài người, nay sanh đàn giống khác nhau. Hoặc là bạn bè, hoặc là anh em. Thay đổi áo xiêm đai mũ, biến làm mai vảy cánh lông. Vợ quên chồng, chồng quên vợ, con trái cha, cha trái con. Đã thấy đổi đầu khác mặt, lôi về mổ bụng chặt chân…” [6, tr.47]. Nếu con người giết con vật từng là người thân của mình trong kiếp quá khứ để cúng tế thì hiếu đạo ở chỗ nào. Vì vậy, lễ vật cúng tế nếu có nên chăng chỉ đơn giản bao gồm những món thanh tịnh như hoa, quả và các loại thực phẩm không chế biến từ thịt động vật.
Các đoạn trích từ kinh điển cũng như lời nhắc nhở của người xưa cũng cho chúng ta một cái nhìn rộng hơn về cách thể hiện lòng hiếu kính đối với ông bà, tổ tiên. Đó chính là cần phải thay đổi cách đối nhân xử thế trong cuộc sống hằng ngày. Phàm tình chúng ta thường chỉ đối xử tốt với người thân và bạn bè của chúng ta hiện tiền ngay trong đời sống hiện tại. Đối với những người khác, chúng ta thường xem chỉ là người dưng nước lã. Biết đâu trong số những người chúng ta đang oán thù, đang tìm cách ám hại, hay là những người đang gặp nạn mà chúng ta làm ngơ lại chính là ông bà, tổ tiên của chúng ta trong những kiếp quá khứ. Bên cạnh đó, mở rộng ra việc ứng xử hòa hợp với muôn loài cũng là cần thiết. Qua cuộc trao đổi giữa Đức Phật và vị Bà-la-môn có tên là Lộc Đầu trong Kinh số 4, Phẩm Thanh văn (Tăng Nhất A Hàm) [7] cho thấy chỉ có bậc tu hành chứng quả A-la-hán mới thoát khỏi sinh tử luân hồi. Thế thì việc ông bà, tổ tiên của chúng ta trôi lăn sáu nẻo (trời, a-tu-la, người, địa ngục, ngạ quỷ, và súc sinh) là hoàn toàn có khả năng xảy ra rất lớn. Vậy đối xử tốt với tất cả mọi người, mọi loài mà chúng ta có nhân duyên gặp trong đời này cũng là cách thể hiện hiếu đạo đối với tiền nhân của mình.
Có một vị tôn túc đã từng giảng rằng việc chăm lo, giáo dục cho thế hệ trẻ cũng chính là cách chúng ta đền ơn đối với ông bà, tổ tiên vì thế hệ trẻ chính là ông bà, tổ tiên của chúng ta tái sinh trở lại với chúng ta. Lời giảng này rất phù hợp với những gì trích dẫn từ kinh điển nêu trên. Vậy thì nếu chúng ta là những bậc làm cha mẹ, chúng ta thương yêu, giáo dục con em mình sống một đời sống đạo đức, chăm lo cho học hành tử tế; hay nếu chúng ta là những nhà sư phạm thì chúng ta nhiệt tình thương yêu dạy dỗ học trò, thì đó cũng là cách thể hiện đạo hiếu đối với tổ tiên. Và còn rất nhiều cách khác tùy vào vai trò của chúng ta trong xã hội là gì.
Tóm lại, cách thể hiện lòng hiếu kính đối với ông bà, tổ tiên cũng là cách thể hiện lòng biết ơn của con người. Việc con cháu thờ cúng là chính đáng, nhưng nếu chỉ dừng lại ở việc cúng kính thì không thấy hết giá trị thực sự của nó. Dưới cái nhìn của đạo Phật, lòng hiếu kính được thể hiện một cách rất sâu sắc và ý nghĩa. Trong phạm vi hạn hẹp của bài viết này với một vài đoạn trích từ kinh điển Phật giáo và lời giáo huấn của người xưa cũng chưa thể toát lên được hết ý nghĩa của nó. Nhưng hy vọng đây sẽ là một sự gợi mở để chúng ta có cái nhìn rộng hơn về cách thể hiện lòng hiếu kính của mình đối với những bậc tiền nhân nhằm đem lại lợi ích cho cá nhân, gia đình và xã hội.