Kiến thức
Lạy ông Phật nào?
Thứ sáu, 29/01/2021 09:58
Đa phần Phật tử chúng ta hay đi chùa lạy Phật vào những ngày cuối tuần, ngày rằm hay những ngày lễ lớn. Cũng có nhiều Phật tử ở nhà có thờ Phật nên lạy Phật mỗi bữa. Tuy nhiên, chúng ta có biết là chúng ta đang lạy ông Phật nào đây không?
Giả như chúng ta may mắn và phước đủ duyên đầy, được sanh ra vào thời có Phật, chúng ta cũng nên mỗi ngày tới gặp Phật và đảnh lễ Ngài để được thân cận những đức tánh siêu phàm thoát tục của Ngài. Tuy nhiên, chúng ta phước kém duyên mỏng nên sanh ra vào thời xa Phật, rồi vì kính ngưỡng Ngài nên chùa nào, nhà nào cũng an vị một tượng Phật để sớm hôm lễ bái, lâu ngày thành thói quen. Hễ đến giờ là y áo chỉnh tề đến trước bàn Phật tụng niệm lễ lạy, mà lắm khi không biết mình đang lạy ông Phật nào và phải lạy ông Phật nào?
Chúng ta đã từ vô thỉ lăn trôi tạo nghiệp, đã si mê, cố chấp, cuồng vọng, ganh ghét, đố kỵ, lọc lừa, thị phi, hơn thua, thành bại, tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến, sát, đạo, dâm, vọng… Chính những nội kết nầy đã chất chồng từ lớp nầy đến lớp khác khiến cho bản tâm nầy trở nên nhơ bẩn uế trược. Kịp đến lúc ăn được một vài cuống rau, đọc được vài biến kinh, niệm được vài câu chú, hoặc ngồi được dăm ba cử thiền thì đã vội xưng thầy nầy sư nọ. Kỳ thật chúng ta chưa bao giờ liễu ngộ được chân thiệt nghĩa của chữ “Tu,” chưa biết cách sống, chưa biết sửa đổi và gột rữa những lỗi lầm để tiếp nhận chân lý. Với bản thân mình, một giới chưa có, huống là năm giới ! trong gia đình, quan hệ cha con, chồng vợ, anh em, bạn bè, thầy trò… vẫn còn chưa biết thế nào là cảm thông, yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau.
Lời Phật dạy quý giá dành cho người phụ nữ
Ngược lại, chúng ta vẫn ngày ngày tranh tụng kiện cáo, vẫn cãi lẫy bất đồng… Đó! Cuộc sống của chúng ta là như vậy đó. Thế rồi lại ngày đêm lạy Phật để được phản bổn hoàn nguyên, hoặc để gột rữa những tội tình năm cũ. Chính vì thấy những mê muội của chúng sanh mà trước khi nhập diệt, Phật đã nhắn nhủ chúng đệ tử của Ngài, nhứt là những Phật tử tại gia rằng về sau nầy trong thời không có Phật, dù có tôn kính ngưỡng nhớ Như Lai, dù có đúc tượng Như Lai mà lễ lạy, phải nên luôn nhớ rằng: “Lạy tượng Phật, không bằng lạy kinh sách. Lạy kinh sách, không bằng lạy ông Thầy. Lạy ông Thầy, không bằng lạy bản tâm của chính mình.”
Tại sao Phật lại nhắn nhủ như vậy? Vì Ngài biết càng về xa Phật, giáo pháp thậm thâm của Ngài có cơ mai một và biến thể thành một thứ thần quyền mê tín dị đoan, đến độ đệ tử về sau nầy của Ngài chỉ còn biết lạy Phật, lạy Bồ Tát để cầu mua may bán đắc hoặc để cầu phước, cầu tài, cầu lộc…chứ không còn biết gì khác hơn hơn nữa. Thế nên lạy tượng Phật để kính ngưỡng và bắt chước theo những đức tính cao đẹp của Ngài cũng tốt, nhưng không bằng lạy những kinh sách mà Ngài đã để lại. Chân thiệt nghĩa của chữ “lạy” kinh sách ở đây là học hỏi và hành trì theo những giáo lý mà Ngài đã trao truyền.
Thật vậy, lạy tượng Phật không bằng tu tập hạnh từ, bi, hỷ, xả; lạy tượng Phật không bằng tu tập sáu pháp Ba La Mật (bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ). Lạy tượng Phật không bằng tu tập ba mươi bảy phẩm trợ đạo (Tứ Niệm Xứ: thân bất tịnh, tâm vô thường, pháp vô ngã, thọ thị khổ; Tứ Như Ý Túc: mong muốn, siêng năng, chuyên tâm, như thị; Bát Thánh Đạo; Thất Bồ Đề Phần: trạch pháp, siêng năng, vui vẻ, tín, tấn, niệm, định, huệ; Ngũ Lực).
Tuy nhiên, theo Phật thì lạy kinh sách cũng chưa bằng lạy minh sư. Đồng ý kinh sách cũng là những người bạn đồng tu rất tốt. Kinh pháp Phật là những chất nước cam lồ tưới mát sa mạc tình người khô cằn vì Phật pháp là thứ pháp an ổn, là chân lý, nhưng nếu không khéo, người đọc Phật pháp sẽ không tu được gì mà chỉ một bề dùng Phật pháp để dong ruỗi đó đây biện giải hí luận, vấn thầy, khảo bạn, phá đạo. Phật vì đại sự nhân duyên khai ngộ cho chúng sanh được ngộ nhập tri kiến Phật mà Ngài thị hiện. Ngài như một vầng mây lớn che mát cho chúng sanh đang lữ hành trong sa mạc khô cằn nóng cháy. Dù Ngài đã nhập diệt, Tăng đoàn của Ngài vẫn còn đây. Chính vì thế mà trước khi nhập diệt, Ngài đã nhắn nhũ với chúng đệ tử rằng khi còn mê nên tìm lạy một minh sư mà tu tập.
Tại sao minh sư hơn kinh sách? Đồng ý kinh pháp cũng là của Phật, cũng chỉ dạy những kim ngôn ngọc ngữ của Phật, và cũng dạy chúng sanh làm sao để xa lìa khổ đau phiền não để được an lạc, tỉnh thức và hạnh phúc. Nhưng kinh sách không sống động như vị minh sư. Mỗi khi sân giận đùng đùng nổi lên, chúng ta không còn biết đâu là kinh với sách, nhưng nếu có ông thầy bên cạnh, thầy sẽ khuyên lơn bày giải đâu là lợi, đâu là hại của sự sân hận. Thầy là hậu duệ của Phật, tâm của minh sư cũng tràn đầy từ bi hỉ xả như tâm Phật, chứ không có đây thương kia ghét, đây khuyên lơn kia bỏ bê. Mỗi khi chúng ta bị dục tình mê hoặc hay tà ma phá loạn, thì thầy sẽ kêu ngay lại mà khuyến tấn. Ngoài ra, Thầy còn là tấm gương sống về “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý.”
Qua cuộc sống thực của vị minh sư chúng ta sẽ thấm nhuần thế nào là không chấp nhơn, chấp ngã, chấp tướng, chấp chúng sanh, chấp pháp. Vì thấy thầy sống cuộc đời không thị phi tranh chấp nên chúng ta sẽ cảm thấy hổ ngươi mỗi khi mở miệng ra tranh chấp thị phi. Vì thấy thầy luôn lấy thiện diệt ác, lấy an nhiên tự tại diệt trừ phiền não và luôn làm lợi ích cho tha nhân nên dù một ngày một bữa chưa làm được như thầy, nhưng đã vào vườn lan vườn chi lâu ngày, thế nào hương lan hương chi cũng thấm vào hồi nào mình cũng không hay.
Tuy nhiên, câu cuối cùng trong bài pháp “Lạy Ông Phật Nào ?” Đức Từ Phụ đã nhắn nhủ: “Lạy tượng Phật, lạy kinh sách, lạy ông thầy, cũng không bằng lạy bản tâm của chính mình.” Vì đạo Phật là đạo của tự tu tự ngộ. Muốn đạt đến đỉnh cao nhân cách mà lần về giải thoát, con người phải tự thực nghiệm lấy tự thân, phải tu thật, phải phát tâm Bồ Đề cho thật kiên cố, chứ không thể nào mù quáng tin vào tha lực. Trong giác ngộ và giải thoát, tha lực chỉ đóng một vai trò rất nhỏ. Khi tự thân mình còn đang chìm mê trong biển khổ, thì có thể lễ lạy cốt tượng ; tuy nhiên, không lễ lạy một cách mù quáng. Lễ lạy để kính ngưỡng và tự nguyện với Thế Tôn rằng rồi đây con cũng sẽ tu y như Ngài. Đến khi đã ngộ rồi thì phải quay trở về lạy lấy “bản tâm” mình mà cương quyết tự độ bằng cách tu phước, tu đức, tu bất cứ pháp môn nào của Phật để đoạn trừ phiền não, rồi sau đó thực hành lợi tha.
Trong vấn đề tu tâm dưỡng tánh và ngay cả vấn đề giác ngộ giải thoát, Phật tại tâm trung. Phật chính là “bản tâm” của mình, hãy lạy ông Phật đó mà tu, chứ đừng chạy đông chạy tây cầu hình cầu tướng. Trong thời Phật còn tại thế, Ngài luôn nhắn nhủ với tứ chúng rằng: “Mục đích chính của đạo nầy là giúp cho chúng sanh sống hạnh phúc, tu giác ngộ và giải thoát với một điều kiện, là con người ấy phải biết quay về lạy ông Phật ngay chính bản tâm mình.” Người Phật tử hãy sống hãy tu như thế nào cho nội tâm và ngoại cảnh được hài hòa, thì không cần nói chi đến tu đức sửa mình, con người ấy cũng chuyển dần từ ác qua thiện, từ tham lam bỏn xẻn qua rộng lượng lợi tha. Chỉ có quay về lạy ông Phật nơi chính mình, người con Phật mới có đủ công năng phân biệt thiện ác, chọn lựa chánh tà; từ đó chúng ta thật sự nhận biết những gì nên làm những gì không nên làm.
Lời Phật dạy: 'Nghe" là một pháp tu thù thắng
Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Đức Phật đã nói rõ: “Lo âu sợ hãi sẽ khởi lên khi các ông chỉ biết hướng ngoại cầu hình. Ngược lại, người nào biết quay về lạy ông Phật nơi chính mình, kẻ đó là người trí, kẻ đó không bao giờ có cảm giác lo âu sợ hãi. Cũng như vậy, tai họa và hung hiểm sẽ luôn đe dọa nếu các ông chỉ một bề cầu tha lực. Ngược lại, người nào biết quay về lạy ông Phật nơi chính mình, kẻ đó là người trí, kẻ đó không bao giờ cảm thấy bị đe dọa bởi tai họa và hung hiểm.” Tóm lại, chỉ cần lắng nghe và làm theo bài pháp “Lạy Ông Phật Nào?” Chúng ta cũng sẽ có khả năng “trực chỉ nhân tâm” của chính mình để phản bổn hoàn nguyên. Chừng đó chúng ta sẽ không còn chấp vào ngôn ngữ, hình tượng hay định kiến biên kiến nữa, mà chúng ta sẽ trực ngộ trực giác.
Chừng đó dù không muốn, tâm nầy cũng đã vượt thoát khỏi sự đối đãi của chủ và khách, tâm và ngoại cảnh, ta và người… Chừng đó cuộc sống ta chỉ là một sự hài hòa tuyệt diệu. Chừng đó chúng ta mới thấy sự uyên thâm của những lời Phật dạy, không qua hình tượng, không qua kinh sách, không qua trung gian của bất cứ ai, mà là một dấu ấn trực tiếp từ tâm Phật qua tâm mình. Người con Phật nên luôn nhớ lời Phật dạy: “Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn.” Làm được thân người đã là khó, nghe được Phật pháp lại càng khó hơn.
Người con Phật nên luôn nhớ như vậy để dõng mãnh phát tâm hướng thượng, cố gắng tu hành hầu xa lìa những vui sướng tương đối và tạm bợ của trần thế. Muốn cứu vãn chính bản tâm mình, phải quay về lạy chính ông Phật nơi bản tâm, phải sám hối nghiệp chướng tiền khiên, phải diệt đoạn các niệm ác, tăng trưởng các niệm lành, và phải luôn kiểm soát tâm mình, không buông lung dễ duôi, không hướng ngoại cầu hình, thì dù chưa hoàn toàn thúc liễm thân tâm hay chưa đại ngộ đại giác, thân tâm nầy cũng đã an lạc, tỉnh thức và hạnh phúc lắm rồi vậy.