Chùa Việt

Lịch sử chùa Thiên Phước

Chủ nhật, 26/03/2013 10:21

Chùa Thiên Phước cách thành phố Hồ Chí Minh chưa đầy 200km về phía Vàm Cống, chùa nằm ở một vị trí khá đặc biệt một bên thuộc huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp, một bên thuộc huyện Chợ Mới tỉnh An Giang


Tổ sư sáng lập

Căn cứ vào lời truyền khẩu qua các thế hệ: chùa Thiên Phước, còn có tên “Xẻo Tre”, được xây dựng vào khoảng những năm 1870-1880, do Hòa thượng Thích Minh Thông, hiệu Hải Huệ, thuộc dòng Lâm Tế là một quan chức triều Nguyễn xuất gia, quê hương Ngài tận miền Trung Việt Nam đứng ra vận động xây dựng và trụ trì.       

Thiền sư từ quan vào Đồng Nai thọ giáo với Thiền sư Tiên Bổn - Tịnh Căn ở chùa Đại Giác, trên Cù lao Phố (nay thuộc xã Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai).

Sau một thời gian kiên trì tu học, sư Hải Huệ trở thành một tăng sĩ tài đức và được cử về trụ trì chùa Kim Cang ở Bình Thảo (Đồng Nai). Về sau, sư Hải Huệ cầu pháp với Thiền sư Tiên Giác – Hải Tịnh cũng là đệ tử đời thứ 37 của Thiền sư Nật Hoằng

Trong thời gian trụ trì chùa Kim Cang, Thiền sư Hải Huệ thường xuyên đi hoằng hóa ở đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất mới, nơi bá tánh đang trải qua một cuộc binh lửa do thực dân Pháp gây ra và đang sống dưới sự thống trị của chúng, rất cần có chỗ nương tựa tinh thần.

Thiên Phước đươc Thiền sư Hải Huệ khai sơn (ngoài ra các chùa như Linh Thứu ở Hội An Đông của huyện Lấp Vò, Linh Quang ở Long Hòa, Phước An ở Thới An Đông ở Cần Thơ cũng do thiền sư sáng lập), với ý định hoằng dương Phật pháp sâu rộng, Thiền sư Hải Huệ thu nạp nhiều đệ tử. Ngoài ra, Thiền sư còn cùng ông Nguyễn Văn Biểu (Phòng Biểu), một thủ lĩnh nghĩa quân thời Thiên Hộ Dương, nhà ở gần chùa, cất chòi, tập hợp trai tráng huấn luyện võ nghệ, chờ đợi thời cơ chống Pháp cứu nước.

Thiền sư viên tịch vào ngày mùng 4 tháng 8 năm Đinh Mùi (nhằm ngày 11/9/1907), thọ 92 tuổi. Thuyết kể rằng sau khi thiền sư viên tịch, báo thân được tiến hành hỏa thiêu theo nghi thức Phật giáo Nam tông, một hiện tượng lạ xuất hiện khi có một ngón tay trỏ của thiền sư không bị cháy, dù sau đó được thiêu thêm nhiều lần nữa. Sự kì diệu này đã dẫn đến một cuộc tranh giành giữa các chư tăng của các chùa do thiền sư lập, về việc muốn được chôn cất báo thân của Ngài. Tại chùa Thiên Phước chỉ lưu giữ một ngón tay trỏ được thờ phía trước chùa, còn bảo tháp thờ báo thân được thờ tại chùa Bửu Lâm.

Các đời trụ trì

Hơn một năm sau khi thiền sư Minh Thông - Hải Huệ viên tịch, được sự giới thiệu của chùa An Thạnh, Cái Đầm huyện Phú Tân, An Giang, thầy Thích Hoằng Quang, hiệu Như Minh về trụ trì, đồng thời thầy còn hướng dẫn đệ tử của mình là Nguyễn Văn Thới, (cũng là chủng tử) khoảng 11 tuổi cùng tu học chung. Khoảng hơn mười năm sau thầy Như Minh viên tịch, thầy Nguyễn Văn Thới, pháp danh Thích Hồng Thới, hiệu Bảo Nguyên (còn gọi thầy giáo Dậu) kế vị trụ trì được khoảng 10 năm thì thầy hoàn tục trở về quê nhà tại Cần Đăng, Châu Thành, tỉnh An Giang.

Khoảng năm 1932 chùa An Thạnh lại cử thầy Thích Hồng Hựu hiệu Thiện Ân, (thầy Giáo Hựu) về trụ trì. Đến năm 1974 (Giáp Dần ), thầy viên tịch. Chùa lại thiếu chư tăng trụ trì. Chăm sóc chùa là Sư Cô Thích Nữ Hồng Hậu, tự Diệu Căn, là người tu trước đây với thầy Giáo Hựu ở chùa An Thạnh.

Năm 1982 còn có sư cô Thích Nữ Như Lực được Ban Đại diện Phật giáo huyện Thạnh Hưng (tên cũ Lấp Vò, cụ thể là chùa Phước Ân xã Vĩnh Thạnh) cử đến để giúp đỡ công việc chùa với Sư cô Hồng Hậu. Tuy nhiên sư cô Như Lực đã hoàn tục trước khi sư cô Hồng Hậu viên tịch.

Sau khi sư cô Hồng Hậu viên tịch. Năm 1988 (Mậu Thìn), thầy Thích Trí Hiền được chùa tổ Bửu Lâm, thuộc Bình Hàng Tây, huyện Cao Lãnh về quản lý. Một năm sau đó, Ban Đại diện phật giáo huyện Thạnh Hưng bổ nhiệm Thầy Hồ Tấn Phát, quê Vĩnh Thạnh, Lấp Vò, pháp danh Thích Thiện Thông (thầy Ký) về trụ trì.

Đến năm 2007 (Đinh Hợi) HT.Thích Thiện Thông viên tịch, tiếp nối trụ trì đương nhiệm Thích Lệ Nhật, là đệ tử thứ 3 của Hòa thượng Thiện Thông, xuất gia ngay tại Tổ đình Thiên Phước Tự.    

   Chùa Thiên Phước ngày nay

Vị trí địa lý

Chùa Thiên Phước cách thành phố Hồ Chí Minh chưa đầy 200km về phía Vàm Cống, chùa nằm ở một vị trí khá đặc biệt một bên thuộc huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp, một bên thuộc huyện Chợ Mới tỉnh An Giang, cách chợ trung tâm huyện chưa đầy 2 km, và cách ranh giới Cần Thơ chưa đầy 10km. Do đó chùa được rất nhiều phật tử biết đến và về tu tập.

Hiện nay chùa đã được sửa sang khá tươm tất, nhiều công trình hạng mục mang tính giá trị lâu năm, các chi tiết hoa văn vừa mang tính hiện đại nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, vừa mang dáng dấp của chùa Việt nhưng vẫn thể hiện môi ngôi chùa Bắc tông. Các hoạt động tu học được diễn ra hàng tuần vào ngày chủ nhật, giúp bà con trong địa phương có nơi sinh hoạt tu dưỡng tinh thần


Nguồn: www.thienphuoctu.net

loading...