Chùa Việt

Linh thiêng chùa Đại Thọ ở Vĩnh Long

Thứ bảy, 02/06/2016 10:28

Những ai đã từng có dịp đến tham quan tìm hiểu về chùa Đại Thọ (tọa lạc tại ấp Đại Thọ, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) đều có chung nhận xét: Ngôi chùa này rất trầm mặc, cổ kính, mang nhiều dấu ấn rất huyền bí pha lẫn sự linh thiêng rất lạ thường.

Một góc chùa Đại Thọ
Ông Thạch Nghét, ngụ ấp Kỳ Son, xã Loan Mỹ cho biết “…ngôi chùa này có từ lâu đời, là nơi để bà con người Khơ Me đến cúng dường ngày thường lẫn ngày lễ truyền thống. Đây là niềm tự hào về di sản văn hóa cổ của chúng tôi…”.

Chùa này có tên nguyên thủy là Măng Kol Bô Rây nhưng người dân địa phương đã quen gọi là chùa Ba Phố Cũ hay chùa Đại Thọ. Chùa có diện tích trên 24.000 mét vuông, là 1 trong 2 ngôi chùa cổ kính mang đậm nét văn hóa Khmer lớn nhất của huyện Tam Bình và đã được cộng nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Nét uy thiêng của chùa được thể hiện bằng con đường dẫn vào chùa yên tĩnh và có nhiều cây to. Vách tường được xây dựng rất đẹp, kiên cố có nhiều hoa văn được trang trí đẹp mắt. Cổng chính của chùa hướng ra dòng sông thật êm đềm tạo nét chấm phá độc đáo.
Cổng chùa Đại Thọ
Ông Thạch Thôn, 87 tuổi ngụ ấp Đại Thọ kể rằng “…trong thời kỳ đánh Pháp, đánh Mỹ, ngôi chùa này đã từng là nơi che giấu, tiếp tế cho cách mạng. Cạnh đó còn là nơi ẩn náu rất an toàn của hàng trăm hộ dân để tránh bom đạn của kẻ thù…”

Điều đáng quý là hiện nay chùa có lưu giữ nhiều tượng phật lớn nhỏ khác nhau có giá trị văn hóa lịch sử lâu đời bằng đất nung những đã tồn tại hàng trăm năm nay. Chánh điện được tôn cao bằng loại gạch tốt để các vị sư ngồi hành lễ. Xung quanh nền chùa đắp một thành đất cao 2,5 mét, rộng 6 mét, dài 100 mét, bao xung quanh, bảo vệ được kiến trúc cổ, mang đậm nét nghệ thuật Khmer.

Điều rất đặc biệt là tại đây đang sở hữu một cây Sao có trên 700 tuổi thọ đang được đề nghị các ngành hữu quan công nhận là cây di sản Việt Nam.
Cây Sao 700 năm tuổi
Cây Sao vừa nêu cao trên 35 mét, chu vi gốc xấp xỉ 9 mét, phần tàng lá trên ngọn cây bao trùm bóng mát hàng trăm mét vuông dù đã được cắt tĩa bớt trong nhiều năm có mưa gió lớn. Thân cây thẳng đứng, vỏ khá xù xì. Hôm chúng tôi đến phần đất dưới gốc cây đang được nâng nền, lót gạch khá đẹp tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều du khách đến tham quan, thưởng lãm một “ kỳ quan ” hiếm hoi. 

Ông Lê Văn Thái ngụ ấp Đại Thọ kể thêm “…khi chúng tôi nâng nền lát gạch xung quanh gốc cây đã phát hiện nhiều hủ cốt xung quanh gốc sao, có thể là hài cốt người dân đến đây tránh bom đạn…”

Không biết hư thực ra sao nhưng du khách đến đây thường nghe kể về câu chuyện “ chim cứu người”. Chuyện kể rằng: Trong lúc người dân đến ẩn náu tại gốc Sao để tránh những cuộc càn quét và bom đạn chiến tranh, nhiều người bị đói vì không có thức ăn. Tất cả bèn nguyện cầu Phật trời hộ mạng thì xuất hiện rất nhiều đàn chim miệng ngậm cá đồng bay tới và bỏ xuống gốc cây rất nhiều cá. Nhờ vậy không người dân nào bị chết đói ( ?).

Câu chuyện mang đầy vẻ tâm linh thứ hai là khi thấy chùa này đã xuống cấp nghiêm trọng, một vị sư cả trước đây đã kêu người đến để cưa bán cây Sao này với mục đích lấy tiền sửa chữa chùa. Khi nhóm thợ đang cưa bỗng nhiên từ thân cây xuất hiện nhiều dòng nhựa có màu đỏ như máu người tuôn chảy.

Quá hoảng hốt, sư cả cho dừng việc cưa cây. Nhờ vậy cây sao này mới sống được đến ngày nay. Sau hai giai thoại kỳ bí vừa nêu, mỗi ngày có nhiều người đến thắp hương xung quanh gốc cây cho đến tận ngày nay.

Đến đây khách có thể thưởng thức các món ẩm thực của đồng bào khmer như: Bún nước lèo, thốt lốt,…xem lễ hội đua Ghe Ngo, ghe truyền thống, trò chơi dân gian vào các ngày lễ tết của đồng bào dân tộc Khmer.

Trương Thanh Liêm
loading...