Kiến thức

Lời Đức Phật dạy: Hãy sống với hiện tại

Thứ bảy, 09/03/2024 04:10

Trong bài kinh nổi tiếng “Nhất dạ hiền giả” (Trung bộ kinh số 131), Đức Phật nhấn mạnh đến giá trị của hiện tại rằng:

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Quá khứ không truy tìm,

Tương lai không ước vọng.

Quá khứ đã đoạn tận,

Tương lai lại chưa đến,

Chỉ có pháp hiện tại,

Tuệ quán chính ở đây.

Ngài luôn nhắc một sự thật hiển nhiên mà ít ai chịu chấp nhận, đó là quá khứ đã qua rồi. Dù đó là việc gì đi nữa, nó cũng đã xảy ra rồi và trôi vào dĩ vãng. Đừng để tâm tiếc nuối, bám níu hay buồn phiền, khổ đau về việc đã xảy ra, vì chúng ta không thể nào quay ngược thời gian để có thể thay đổi quá khứ, để có thể ‘xóa nháp’ làm lại được. Ngài cũng khuyên chúng ta không rượt đuổi theo những mơ tưởng ở tương lai, vì tương lai vẫn còn mờ mịt như một ẩn số. Chỉ có hiện tại là nhiệm mầu và chúng ta hãy sống với giây phút thực tế này để tự mình cảm nhận trọn vẹn nghĩa sống. Nói như vậy không có nghĩa là không có hoạch định chương trình gì cho tương lai. Mình có thể lên kế hoạch cho hôm nay, cho ngày mai hoặc xa hơn nữa trên cơ sở thực tế của hiện tại, thì hành động ‘lên kế hoạch’ ấy chính là hành động trong hiện tại.

Đức Phật đặt toàn bộ nền giáo lý của Ngài để giải quyết những vấn đề thực tế trong hiện tại và những lời dạy của Ngài được biết đến với đặc tính không thể nhầm lẫn với các hệ thống giáo lý của bất kỳ tôn giáo nào khác là giải quyết khổ đau trong hiện tại. Pháp Ngài thuyết là “thiết thực trong hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng” (Trung bộ kinh số 7: Kinh ví dụ tấm vải). Công dụng của pháp là giúp cho người thực hành “đoạn tận khổ đau ngay trong hiện tại” (Trung bộ kinh số 9: kinh Chánh tri kiến). Đức Phật và chư Thánh Tăng chứng đạt quả vị giải thoát ngay trong hiện tại chứ không đợi đến cảnh giới nào, thời gian nào xa xôi cả “chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát” (Trung bộ kinh số 12: Đại kinh sư tử hống; kinh số 26: kinhThánh cầu; kinh số 27: Tiểu kinh dấu chân voi; kinh số 40: Tiểu kinh xóm ngựa).

Do đó, tu là tu trong hiện tại, tương lai tươi sáng được làm từ hiện tại thiện lành. “Sự không làm ác nghiệp trong tương lai chính do sự hộ trì về thân, sự hộ trì về lời nói, sự hộ trì về ý ngay trong hiện tại, ở tại nơi đây” (Trung bộ kinh số 14: Tiểu kinh khổ uẩn). Tất cả mọi sự chuyển biến tích cực từ tâm thức, lời nói hay hành vi đều cần làm trong hiện tại và chỉ hiện tại là cái chúng ta thật sự có mà thôi.

Dành trọn vẹn tâm trí, chuyên chú vào việc chúng ta đang làm ấy gọi là sống trong hiện tại. Nói một cách dễ hiểu, khi nào chúng ta làm việc gì mà giữ được ‘thân đâu, tâm đó’ nghĩa là chúng ta đang sống trong những phút giây nhiệm mầu của hiện tại vậy. Thế nhưng, thường thì con người bình thường như chúng ta thiếu khả năng này hoặc có nhưng không thường xuyên. Ví dụ đang chạy xe trên đường mà trong đầu lo nghĩ, trước khi ra khỏi nhà, mình tắt đèn nhà khách chưa nhỉ? Khi tham gia giao thông mà không toàn tâm toàn ý vào tình trạng giao thông, thân đang làm một việc mà tâm bận cho một việc khác thì vô cùng nguy hiểm. Tốt nhất là chúng ta chú tâm vào một việc duy nhất là điều khiển phương tiện giao thông mình đang sử dụng trong môi trường cụ thể hiện tại, vào các cung đường mà ta đang chạy mà thôi.

Trong cuộc sống, khi áp dụng điều này, chúng ta có khi chú tâm và trụ tâm tốt vào việc đang làm, có lúc chưa; nghĩa là có khi nhớ đem tâm về với thân, có khi quên thì tâm rời thân rong ruổi cùng nơi khắp chốn. Khi nào chúng ta duy trì được tâm trong thân, thì hiệu quả công việc tốt hơn nhiều lắm và chúng ta không phải phí công sức và lãng phí thời gian. Một điều quan trọng hơn là khi đem tâm về với thân, chúng ta có thể nhận biết, theo dõi, kiểm soát và làm chủ tâm ý của mình một cách tốt hơn và điều này giúp mình tránh được nhiều sai lầm và những điều đáng tiếc trong cuộc sống. Chúng ta sẽ thấy cuộc sống an vui hơn, hạnh phúc nhiều hơn và ý nghĩa hơn khi biết sống với hiện tại vì hiện tại đã hàm chứa cả quá khứ và tương lai.

loading...