Kiến thức
Lời nguyện cầu
Thứ hai, 23/12/2020 08:32
Hải đảo tự thân như lời Bụt dạy là một điều gì đó phải qua thực tập, phải “ngộ” rồi mới có thể tự độ, tự nương vào mình để mà vững chãi, mà bình an.
Những khi đi thăm người bệnh, những khi gặp chướng duyên nghịch cảnh, trong tâm tôi hiện lên lời cầu nguyện: Nam mô Tầm thanh Cứu khổ Cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát! Tôi thường từ mình sao thì khuyên người như vậy. Khi họ bệnh, tôi thành tâm nói họ gắng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát che chở... Cũng như bản thân và mẹ tôi, tôi cũng tâm niệm và làm như vậy. Đúng, ở một sách nào đó, quý vị có thể đọc thấy người ta giải thích rằng: Phật không ban phát, không cứu khổ ban vui... Cầu xin an vui, cầu xin khỏe mạnh, cầu xin bất cứ điều gì đều là không đúng với chánh pháp.
Nhưng tôi không cho là như vậy. Đói thì cho thức ăn nuôi thân, no bụng rồi thì cho thức ăn nuôi tâm. Tất thảy không nằm ngoài quy luật của tùy duyên mà thuận pháp. Các pháp quan trọng nhất chính là phải tùy duyên mà tuyên thuyết, tùy duyên mà hóa độ, đúng lúc đúng thời và đúng đối tượng.
Đức Phật có phủ nhận việc cầu nguyện?
Cuộc sống vốn nhiều rối ren như sông mê bể khổ. Sân si và tham lam trong tâm chưa thoát thì lại vướng nơi bệnh tật, chia lìa tang thương, chiến tranh và thiên tai địch họa, đói nghèo và ô nhiễm. Những lúc như vậy, con người thực sự cần được nương tựa. Hải đảo tự thân như lời Bụt dạy là một điều gì đó phải qua thực tập, phải “ngộ” rồi mới có thể tự độ, tự nương vào mình để mà vững chãi, mà bình an.
Còn khi mê, người ta cần cứu cánh. Nên tổ Huệ Năng mới nói khi chia tay thầy mình nơi bến sông: “Khi mê, thầy độ, ngộ rồi, con tự độ mình”.. Tôi đã ở bên mẹ mình những ngày mẹ bệnh, cũng là những ngày cuối cùng của cuộc đời mẹ. May mắn thay, một đời mẹ tôi thường mạnh khỏe, an vui. An vui không phải bởi cuộc đời quá ư nhẹ nhàng mà bởi mẹ sống với lòng lành thiện, với đức kiên nhẫn và hài hòa. Mẹ chu toàn, tần tảo và khéo léo như tất cả những tấm lòng người mẹ hiền trong đời này. Bởi thương lo vuông tròn, bởi hiền hòa lành lẽ, nên tôi tin mẹ đã an vui. Khi mẹ bệnh, tôi nhắc mẹ niệm câu: Nam mô Tầm thanh Cứu khổ Cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát! Tôi tin, hữu cầu sẽ tất ứng. Trong tín, nguyện, hạnh thì “hạnh” vốn là quan trọng nhất. Người có lòng từ bi, một đời làm việc lành, lại có tín tâm và phát nguyện để quyết tâm, thì đức Phật sẽ gia hộ. Chư vị Bồ Tát, chư thiện thần hộ pháp, các vị linh thần sẽ thị hiện để cứu khổ, cứu nạn.
Tôi ngày ngày cầu nguyện cho mẹ mình, và tôi đã tin, bồ tát sẽ thị hiện dẫn dắt, chỉ đường để con mẹ gặp được thuốc hay thầy giỏi, cho mẹ bớt đau đớn và an ổn thân tâm. Biết mẹ tuổi đã cao, biết là sinh tử phải qua, nhưng có qua cũng được che chở cho sự vượt qua ấy được nhẹ nhàng. Thế rồi cũng như những người già trải qua bạo bệnh rồi nhắm mắt xuôi tay. Mẹ tôi ra đi nhẹ nhàng sau một tháng mắc ung thư, căn bệnh tưởng chừng sẽ vô cùng đau đớn những ngày tháng cuối cùng, nhưng nhờ đức Phật từ bi che chở, nhờ Quán Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn, mẹ đã an lành mà rời bỏ thân xác giả tạm. Tôi cũng đã dặn mẹ hết lòng trì niệm hồng danh Phật A Di Đà trong những tuần cuối ấy. Hít vào và thở ra đều tâm niệm câu Phật hiệu.
Rồi, mẹ đã lần chuỗi, và lời cuối cùng mẹ nói với chúng tôi trước khi nhắm mắt là mẹ “muốn lên lạy Phật”. Niềm tin về một sự trút bỏ thân xác như cởi bỏ một hình hài đã yếu bệnh già nua và thong dong đến cõi sáng, một cõi nước tịnh độ không còn tham sân uế trược khi mẹ nhất tâm về trở với bản thể thanh tịnh sẽ giúp mẹ nhẹ bước thong dong.. Tôi đã tin, mẹ niệm Phật thành công. Mẹ đã được nhẹ nhàng và bản tâm thanh tịnh của mẹ đã hòa vào ánh sáng, ánh sáng của Đức Phật vô lượng quang, vô lượng thọ.
Câu chuyện người mẹ quỳ giữa trời nắng gắt để cầu nguyện cho con
Hơn 20 năm nay đi về trên những nẻo đường đất bắc, từ trăn trở của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, từ tình yêu của chiếc nôi văn hóa Việt nhưng đã đang phần nào bị khuất lấp bởi mê tín, tôi vẫn tùy thời để gieo duyên lành cho người người về nẻo thiện. Có hạnh nguyện, có tín tâm, làm thiện nghĩ thiện, thì hữu cầu sẽ tất ứng. Bên đạo Cơ đốc, người ta hay dùng từ “phó tác”, “tín thác”.. Mọi sự đều là của Chúa cho, Chúa quyết, Chúa ở cùng.. thậm chí, bình an nếu có thì cũng là “Bình an của Chúa” đang ở cùng. Và xin thay lời kết bằng những lời dạy rất gần gũi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Với đức Bồ tát Quán Thế Âm, với đức Bồ tát Địa Tạng, với đức Bồ tát Phổ Hiền cũng vậy. Người ta có thể nói các vị Bồ tát đó không có một sự thật lịch sử, nhưng mình không cần điều đó, tại vì mình biết rằng bản chất của Bồ tát Quán Thế Âm là tình thương.
Mà tình thương là cái gì có thật ở trên đời này. Với hình tướng này hay hình tướng khác, là đàn bà hay đàn ông, là em bé hay nhà chính trị, hễ tình thương có mặt là có mặt Bồ tát Quán Thế Âm. Thành ra nhà sử học không thể nào làm cho tôi mất niềm tin nơi đức Quán Thế Âm Bồ tát được. Tại vì tôi đã biết quá rõ rằng tình thương là một cái gì có thật, và tình thương được biểu hiện trên rất nhiều hình thức” Tôi biết, thầy đã nói đúng.
Tôi chứng nghiệm những điều này qua cuộc đời của mình, qua những bước chân của mình trong suốt những tháng năm dài gieo duyên cho người vững tin nơi những con đường đi về nẻo thiện. Cuộc đời của cha tôi, mẹ tôi, của Thụy Ứng ngay từ buổi đầu đã luôn tràn đầy ơn phước của Chư Phật và các vị Bồ Tát. Và tôi vẫn khuyên người, vẫn luôn nguyện cầu... Nam mô Tầm thanh Cứu khổ Cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát!
Theo: reatimes.vn