Sách Phật giáo

Lời Phật dạy muốn ít biết đủ (P.3)

Thứ ba, 15/05/2017 08:23

Con người là chủ nhân ông của bao điều họa phúc, bất hạnh hay khổ đau đều do mình quyết định. Chúng ta hãy vì tình thương của nhân loại mà bình đẳng giúp đỡ sẻ chia cho nhau, vì con người hơn hẳn các loài vật là có sự hiểu biết chân chính, nên chúng ta phải thiết lập tình thương theo nhịp cầu tương thân, tương ái bằng tình người trong cuộc sống.

Phật dạy sắc đẹp làm con người mê muội

Sắc là các màu sắc, hình dáng mà mắt tiếp xúc nhìn thấy mọi hình ảnh sự vật rồi sinh tâm phân biệt đẹp xấu, từ đó muốn chiếm hữu, nhất là lòng ham muốn về nam sắc, nữ sắc là đầu mối dẫn chúng sinh luân hồi trong sinh tử trong vô số kiếp.

Từ ngàn xưa cho đến nay tình ái vẫn là thứ dễ làm cho con người mù quáng và si mê nhất, nên dễ dàng gây ra nhiều tội lỗi, do đó, rất nhiều câu chuyện thương tâm xảy ra làm đau lòng nhân thế. Cảnh nhồi da xáo thịt làm mất đi nhân cách của một con người, con giết cha, mẹ giết con, vợ giết chồng rồi kẻ tình địch giết hại lẫn nhau vì ghen tuông vô cớ. Con người càng ngày làm mất đi giá trị đạo đức do không tin sâu nhân quả, nên dễ dàng gây ra nhiều tội lỗi và làm khổ đau cho nhau.

Ai cũng có thể biết tình yêu đưa đến hôn nhân nhằm phát triển giống nòi nhân loại và bảo vệ truyền thống gia tộc, nhưng lại là đầu mối của nhiều hệ lụy khổ đau, bởi sự yêu thương trong ích kỷ của riêng mình. Khi mới yêu, ai cũng cố gắng che dấu khiếm khuyết của mình để được người tình yêu mến, khi đã lấy nhau rồi thói quen xấu mới lòi ra, nhà Phật gọi là tập khí.

Tập khí tức những thói quen từ những suy nghĩ rồi hành động, được huân tập lập đi lập lại nhiều lần. Bởi vì huân tập lâu ngày cho nên nó có sức mạnh chi phối, sai sử chúng ta dù biết đó là tác hại, như người đam mê sắc dục ham của lạ, có thể làm tan vỡ hạnh phúc gia đình mình hoặc người khác, nhất là những người giàu sang và có địa vị trong xã hội. 

Thật ra tình dục không phải là chuyện xấu, nó luôn gắn liền với con người từ vô thủy kiếp đến nay. Đã là chúng sinh thì phải ăn, phải ngủ, phải làm việc và thụ hưởng các cảm giác khoái lạc giác quan.

Con người là một sinh vật cao cấp, hơn hẳn các loài khác về mọi phương diện, nếu biết suy nghĩ, nói năng và hành động hướng thiện bằng trái tim yêu thương và hiểu biết, thì sẽ giúp ích cho nhân loại sống an vui, hạnh phúc.

Ngược lại vì tình cảm riêng tư muốn chiếm hữu trong sự ganh ghét, ích kỹ sẽ gây khổ đau cho nhau. Chính vì thế, mà loài người luôn đứng ở vị trí cao quý vì biết cách làm chủ bản thân, nếu vì lòng tham cho riêng mình thì cùng hung cực ác, nếu vì lợi ích chung cho nhân loại thì không có loài nào sánh bằng. 

Thế gian là một trường đời hỗn hợp, ai biết tu nhân tích đức thì sống an vui hạnh phúc, ai không biết thì cam chịu khổ đau trong si mê sa đọa. Hạnh phúc hay khổ đau đều do mình tạo lấy, không ai có quyền ban phước giáng họa, mà chính mình là chủ nhân ông của bao điều họa phúc, được gây ra từ thân, miệng, ý, của mỗi người.

Phật dạy người cư sĩ tại gia có quyền lấy vợ lấy chồng, nhưng phải thủy chung một chồng một vợ, không được dan díu và quan hệ bất chính với vợ chồng người khác. Ngoại tình là nguyên nhân dẫn đến ghen tuông vô cớ và phá hoại hạnh phúc gia đình người khác.

Trong tình yêu ghen tuông luôn gắn liền với ích kỷ và nó là trạng thái tâm lý không thể tách rời nhau, có yêu thương là có ghen ghét. Bao nhiêu vụ án xảy ra làm đau lòng nhân thế với những cái chết thật đáng tiếc và vô lý làm sao, chỉ vì ghen tuông trong mù quáng. Bởi vì chúng ta yêu thương trong sự lợi dụng lẫn nhau, mà không có tình yêu thương chân thật, nên dẫn đến hẹp hòi, ích kỹ làm tan vỡ hạnh phúc gia đình.

Trong tình ái do bảo vệ cái ta ích kỹ hoặc ghen tuông vô cớ, dễ làm con người mù quáng gây nhiều đau khổ cho nhau. Tình yêu bản chất vốn không xấu xa tội lỗi, ai cũng muốn mình được an vui, hạnh phúc trong đời sống lứa đôi, nhưng vì chúng ta không có sự hy sinh và chia sẻ cho nhau, ta không biết bao dung và độ lượng, cảm thông và tha thứ, vì sự tham lam ích kỷ của ta.

Sắc đẹp là điều ai cũng ưa thích và muốn chiếm hữu mãi mãi, không muốn rời xa. Người đời phần nhiều thường đua chen, giành giựt chạy theo sắc đẹp mà đôi khi quên cả chính mình.

Người tham muốn sắc đẹp, thì suốt đời giong ruổi đi tìm, thấy ai có nhan sắc xinh đẹp thì say mê đắm đuối chẳng muốn rời xa. Một khi đã thỏa mãn được dục vọng, thì lại ruồng bỏ người đẹp này, để chạy theo người đẹp khác, khiến mình mất hết cả nhân cách. 

Một ví dụ: Khi tôi nhìn thấy một cô gái xinh đẹp, hình tướng thon thả, dáng điệu dễ nhìn. Người có trí huệ sẽ biết biết tư duy, nghiệm xét đam mê sắc đẹp sẽ làm tan nhà nát cửa. Gái đẹp thường ham giàu sang phú quý và khó chung thủy, nếu chúng ta muốn chiếm hữu thì phải hao tốn tiền của và mất mát nhiều thứ, còn làm cho mình hao tổn tinh thần vì lo sợ người khác chiếm đoạt.

Người đẹp thường hay kiêu ngạo và chấp vào thân mình là thật có và lâu dài, nên lúc nào cũng trau chuốt làm đẹp, thậm chí phải tốn tiền thẩm mỹ để được mọi người ham thích khen ngợi. Các diễn viên điện ảnh, minh tinh màn bạc, người mẫu, hoa hậu khó bao giờ sống chung thủy một vợ, một chồng bởi vì họ quá chấp ngã, ai không cung phụng chiều chuộng đúng mức thì dễ dàng bị leo cây.

Chính vì vậy, ai đã sở hữu được thân hình bốc lửa và xinh đẹp thì hãy nhớ khéo tu tập, đến khi nhan sắc tàn phai sẽ rất khổ tâm, lúc này chẳng ai thèm quan tâm đến, sống cô đơn quạnh quẻ một mình mà đau khổ vô cùng vì tiếc nuối quá khứ, một thời oanh liệt nay giờ còn đâu.

Người quá xinh đẹp và người quá xấu cũng đều có một nỗi khổ riêng, đẹp quá nhiều người tìm đến tìm cách dụ dỗ, chiếm đoạt dẫn đến ghen tuông thù địch lẫn nhau. Người quá xấu không ai thèm dòm ngó đến, nên rất là mặc cảm tự ti sống trong tủi hờn và đau khổ.

Vì lòng tham cho riêng mình mà con người giết hại lẫn nhau

Một hoàng hậu vì đã ghen ghét, đố kỵ một ái phi được nhà vua yêu thích nên cố tình tìm cách hãm hại. Bà ta thường khen ngợi sắc đẹp nghiêng thành đổ nước của ái phi với thân hình gợi cảm đầy quyến rũ.

Một hôm, hoàng hậu đến thăm nàng ái phi và nói “chị nói em nghe nè, cái mũi em quá đẹp nên lúc nào cũng quyến rũ nhiều người, làm các quan trong triều mỗi khi nhìn thấy lại xao xuyến trong lòng, vì thế mỗi khi hầu vua em nên lấy khăn che mũi lại”.

Ái phi nghe nói có lý nên làm theo lời hoàng hậu, không ngờ bị trúng kế độc mà không biết. Vua lấy làm lạ nên mới hỏi hoàng hậu “ái phi của trẫm sao lúc nào cũng lấy khăn che mũi lại vậy?”

Sau nhiều lần gạn hỏi, hoàng hậu mới trả lời “bệ hạ không biết đó sao, ái phi chê bệ hạ hôi nên mới lấy khăn che mũi lại đó!” Câu trả lời đụng đến chỗ ngứa của nhà vua, cái mũi của ái phi được đem đi triển lãm liền lập tức và sau đó bị lưu đày biệt xứ vì cái tội dám khi dễ nhà vua.

Tâm ganh ghét và tật đố của con người thật đáng sợ, họ vì quyền lợi riêng của mình mà đành lòng sát hại kẻ tình địch khi có điều kiện trong tay. Quan niệm chồng chúa vợ tôi từ cái thấy sai lầm của các ông vua thời phong kiến dựa vào học thuyết có một đấng thần linh thượng đế ban phước, giáng họa.

Vua đại diện cho tầng lớp đó nên thời phong kiến quân chủ vua là trên hết, vua là thiên tử thay trời trị vì thiên hạ, nên vua muốn phong quan tiến chức cho ai thì phong, muốn giết ai thì giết. Ai được lòng vua thì hưởng vinh hoa phú quý cả gia tộc, bằng ngược lại sẽ chịu họa đau khổ, thê thảm không thể lường.
 
Xưa nay đàn ông hai ba vợ là chuyện bình thường, nhưng một phụ nữ có hai chồng ở chung một nhà vậy mới lạ chứ; nghe qua ai cũng tưởng chuyện bịa đặt nhưng đây là sự thật. Cô ta là vợ của một sĩ quan chế độ cũ.

Sau ngày nước ta hoàn toàn thống nhất, người chồng bị mất tích và hai người hoàn toàn mất liên lạc. Thời gian thấm thoắt trôi qua hơn 5 năm, người vợ nghĩ chồng đã chết nên tái giá. Đùng một cái ông chồng trở về, hỏi ra mới biết trong thời cuộc chiến ông bị quân giải phóng bắt rồi cho đi cải tạo, nay mới được tha về.

Thật khó xử trước hoàn cảnh éo le, cô vợ không phải kẻ bạc tình nhưng tưởng chồng chết mà đành bước thêm bước nữa. Trước hoàn cảnh đó họ đành chấp nhận cùng chung sống với nhau. Hai người đàn ông chấp nhận vợ chung xưa nay hiếm thấy, chúng ta chỉ nghe “trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ một chồng”, vậy mà cặp tình tay ba này sống bên nhau rất hòa thuận, hạnh phúc.

Có người thắc mắc mới hỏi: “vậy chị sắp xếp thế nào trong việc chăn gối với chồng?” Cô nói rất hồn nhiên, “chúng tôi ba người đều có phòng riêng, đêm nào muốn ngủ với ai tôi chỉ việc thảy chiếc gối vào phòng người đó”. Quả thật là hy hữu và và đáng khâm phục cuộc tình tay ba có một không hay trong lịch sử. Chuyện chồng chung là việc thường thấy, còn việc vợ chung là việc khó tin nhưng lại là có thật. Họ dám can đảm hy sinh để nhường nhịn lẫn nhau mà cùng sống chung với một người đàn bà. Đúng là câu chuyện hiếm có xưa nay.
Ai cũng bảo vệ bản ngã của mình, vì thương mình nên phải nhờ người khác trao tặng để mình được hạnh phúc. Trên đời này không có gì sâu đậm, mặn nồng, tha thiết yêu thương hơn tình ái; nhưng sự thật phũ phàng, chua chát, tình yêu thực chất là gì? Là một sự lợi dụng lẫn nhau cả thể xác lẫn tinh thần nhằm thỏa mãn khoái lạc của chính mình mà thôi.

Khi được thoải mái thì sinh ra yêu thích, quyến luyến, muốn giữ mãi không rời; ngược lại thì sinh thù hằn, ghét bỏ, tìm cách hãm hại nhau. Vậy mà hai người đàn ông trên vẫn vui vẻ cùng nhau chúng sống với một người phụ nữ.
 
Phật dạy danh vọng địa vị làm con người sa đọa

Người tham muốn danh vọng, thì suốt đời giong ruổi theo quyền cao, chức trọng, danh thơm tiếng tốt. Họ bằng mọi thủ đoạn để lòn cúi hết chỗ này đến chỗ khác, cố mong được địa vị cao sang. Họ lao tâm, khổ trí, tìm đủ mọi cách để nắm giữ cho được cái danh vọng, hư ảo nhằm đạt được quyền lợi tối cao. 

Ngày xưa, con người cảm thấy bé nhỏ với bầu vũ trụ bao la này nên đa số đặt niềm tin vào một đấng tối cao có quyền ban phước, giáng họa. Từ đó, các ông vua phong kiến lợi dụng danh nghĩa mình là Thiên-tử thay trời trị vì thiên hạ.

Đất nước và con người đều thuộc quyền sở hữu của nhà vua. Tất cả mọi người đều phải trung thành tuyệt đối. Vua muốn phong quan tiến chức cho ai thì phong, muốn giết ai thì giết; kẻ dưới không có quyền khiếu nại, nếu vua bảo chết mà không chịu nghe gọi là bất trung; với một quyền lực như vậy, ông vua được hưởng tất cả mọi nhu cầu cần thiết theo sự kính trọng tột cùng của mọi người.

Làm vua quả thật không đơn giản tí nào, vì người đó vô số kiếp đã từng phục vụ và đóng góp cho nhân loại quá nhiều, nên ngày nay mới được hưởng phước làm vua. Quyền lực thời phong kiến xem ông vua là con trời, và cả đất nước con người thuộc quyền sở hữu của nhà vua.

Ở thời đại cổ xưa, con người rất tin tưởng vào đấng thần linh, thượng đế mà không dám chống trái vì sợ thần linh giận dữ, trừng phạt. Ngày nay, con người văn minh tiến bộ vượt bậc nên thấy chế độ phong kiến quân chủ độc tôn không còn phù hợp với thời kỳ khoa học hiện đại, do đó đã thay đổi cơ chế quyền lực thành dân chủ nhiều đảng để cùng cạnh tranh làm việc, phục vụ, đóng góp lợi ích cho xã hội, được dân bầu từng nhiệm kỳ một.

Nếu vị lãnh đạo nào có khả năng làm lợi ích cho đất nước nhiều thì được bầu thêm một nhiệm kỳ mới, nhưng tối đa chỉ hai nhiệm kỳ rồi nhường chỗ cho người khác, do đó tình trạng tham nhũng, lạm phát của công rất ít khi xảy ra.

Cơ chế dân chủ hay ở chỗ nếu mình nắm ghế quyền lực mà không đủ khả năng để giúp ích mọi người thì tự xin từ chức, hoặc nếu lạm dụng quyền hạn tham nhũng thì có ban hành pháp truy tố theo pháp luật hiện hành đem lại công bằng, lợi ích cho xã hội.

Lịch sử nhân loại với không biết bao triều đại đã lợi dụng, quyền cao chức trọng để được ăn trên ngồi trước, bóc lột tham nhũng hà hiếp dân chúng gây đau thương tổn hại cho nhiều người. Chúng ta nếu biết áp dụng con người tâm linh của chính mình, mới có đủ khả năng giúp nhân loại vượt qua rào cản của si mê, tội lỗi nhờ hiểu biết chân chính và thương yêu mọi người trong bình đẳng. Ai làm người cũng nên biết thao thức, trăn trở và hãy mở rộng tấm lòng ra để cùng nhau kết nối yêu thương, sẻ chia cuộc sống bằng trái tim hiểu biết.

Đời sống con người luôn song hành hai phần thân và tâm, tức thể xác và tinh thần; nhưng đa số chúng ta chỉ chú trọng về phần vật chất cho thân nhiều hơn mà quên lãng đi yếu tố tinh thần. Mặc dù chúng ta sống trong giàu có, tiện nghi vật chất đầy đủ, nhưng lại nghèo nàn phần tâm linh nên chúng ta thường làm tổn hại nhiều người khác. Lại có một hạng người tuy giàu có, dư dã, nhưng lại sống khổ sở hơn người nghèo vì chẳng dám ăn, dám xài, nói chi đem ra giúp đỡ cho người khác. Họ sống trong tham lam, ích kỷ, hẹp hòi, lao tâm nhọc sức để tích chứa cho riêng mình mà chẳng giúp ích gì cho ai.

Chúng ta muốn cho xã hội được phát triển vững mạnh và lâu dài, thì con người cần phải làm giàu tri thức và đạo đức. Tri thức giúp phát triển xã hội, đạo đức giúp con người sống có hiểu biết và yêu thương hơn. Tri thức và đạo đức như đôi cánh chim tung bay khắp cả bầu trời rộng lớn để cùng bồi đắp cho nhau sống có tình người bằng trái tim hiểu biết. Thiếu tri thức thì không làm được gì, có tri thức mà không có đạo đức thì dễ dàng bị tha hóa, tiêu cực, làm thiệt hại cho nhau.

Phật dạy: Con người là chủ nhân ông của bao điều họa phúc, bất hạnh hay khổ đau đều do mình quyết định. Chúng ta hãy vì tình thương của nhân loại mà bình đẳng giúp đỡ sẻ chia cho nhau, vì con người hơn hẳn các loài vật là có sự hiểu biết chân chính, nên chúng ta phải thiết lập tình thương theo nhịp cầu tương thân, tương ái bằng tình người trong cuộc sống.

Phật dạy tham cầu ăn uống làm con người khổ

Người tham muốn ăn uống ngon hợp khẩu vị, thì suốt đời lân la bên cạnh những món ngon vật lạ, quanh quẩn bên những tiệc tùng, tìm khoái khẩu trong những rượu ngon, vị lạ nên phải giết hại nhiều các loài vật để bồi bổ cho mình.

Chúng ta thử tìm hiểu xem, con người lúc vừa mới chào đời tuy chưa biết ăn nhưng ta biết khóc để đòi bú sữa mẹ, mà sữa mẹ là do đã ăn cơm uống nước cùng các loài sinh vật khác bị giết. Khi biết ăn ta đã ăn thịt cá từ bé đến giờ, nên gây đau khổ cho rất nhiều loài vật.

Tại sao ta phải giết chết các loài vật để ăn trong khi ta không cần giết chúng, mà vẫn có sự sống nhờ các loài hoa màu bằng thảo mộc, chúng vẫn có thể giúp ta giữ được sức khỏe và hạn chế tối đa việc làm tổn thương các loài có tình thức? Nếu sự sống của con người vẫn được tồn tại mà không làm chết các sinh vật khác thì cuộc đời an vui, hạnh phúc biết bao.

Tại sao con người giết sinh vật để ăn? Từ khi loài người có mặt trên thế gian này họ chỉ ăn các loại cây trái và hoa màu thiên nhiên. Lúc đầu, loài người chỉ ăn các loại nấm, hạt, hoa, lá, củ, quả, cây, nghĩa là chỉ ăn thức ăn bằng thực vật mà thôi, nhưng dần dần con người ăn thịt cá là do bắt chước các loài dã thú ăn nuốt lẫn nhau.

Ăn uống, tiệc tùng như thế lâu ngày đã trở thành văn hóa tín ngưỡng trong dân gian mà "phép vua cũng thua lệ làng". Nói cho cùng, ăn uống là một nhu cầu cần thiết và cũng là phương tiện để bày tỏ tình thân hữu hay mối quan hệ giữa con người với nhau trong xã hội, nhưng do lối văn hóa ăn uống của người Việt đã ăn thì phải ăn cho đã, đã uống thì phải uống cho say, ăn với uống phải no say.

Người đàn ông thường hay mắc phải thói quen rượu bia, mới đầu vì nhu cầu quan hệ đối tác làm ăn sau riết rồi trở thành thói quen, thành nghiệp nghiện rượu bia. Bữa nào lỡ không có chiến hữu tiệc tùng, thì sẽ cảm thấy bứt rứt khó chịu, bồn chồn trong người, đêm đó thế nào cũng ngủ không yên vì cơn thèm khát.

Con ma rượu bia này chính do mình tạo ra, nuôi dưỡng nên nó âm thầm phát triển cho đến khi ngày nào không có nó, ta cảm thấy khổ sở khó chịu là biết mình bị ma men xâm nhập. Khi chúng ta đã bị con ma men này xâm nhập rồi thì tai hại sẽ bắt đầu ụp đến, làm cho ta có thể tán gia bại sản, thân tàn ma dại. Khi cơn nghiện rượu nổi lên rồi thì mất tự chủ, cuối cùng có thể cướp của hay lường gạt của người khác để có tiền uống rượu.

Đối với thức ăn vật chất, đức Phật dạy mọi người không nên ăn nhiều, chỉ ăn vừa đủ giúp cơ thể khỏe mạnh, không nên ăn những gì không thích hợp với cơ thể. Cách thức ăn uống của người Việt tương đối lành mạnh nhưng chế độ ăn uống thường mang tính cách theo thói quen, ngon miệng, hợp khẩu vị mà có thể thiếu các chất bổ dưỡng cần thiết hoặc dư chất bổ dưỡng.

Trong cuộc sống chúng ta thường chỉ lo ăn với uống cho đó là vấn đề chính yếu. Tối ngày chúng ta làm lụng vất vả chỉ để ăn với uống sao cho ngon miệng nên ta phải giết hại các sinh vật rồi tham đắm, dính mắc vào đó mà chịu quả báo xấu khi đủ nhân duyên. Ăn thì phải món ngon vật lạ hoặc cao lương mỹ vị.

Nhìn từ góc độ triết lý học Phật giáo, chúng ta thấy vô vàn, vô số địa ngục khác như các bệnh viện phòng cấp cứu, các nhà bếp của mỗi gia đình, các quán nhậu, các lò sát sinh, các chợ bán thịt cá, heo, bò, gà, vịt, các loài hải sản và cuối cùng là các nhà lưới bẫy đánh bắt.

Mỗi một ngày, vô số các loài bị phanh da xẻ thịt để cung cấp phục vụ cho loài người. Nhìn ở góc độ địa ngục trần gian, chúng ta còn có thể hình dung địa ngục trong tâm thức mỗi người, đó là tâm toan tính hại người, hại vật hoặc bị phiền não chi phối gọi là địa ngục tâm thức. Người tu nếu đạt đến giác ngộ giải thoát thì tâm sẽ an nhiên, tự tại dù thân có bị hành hạ, đau nhức chi phối.

Chúng ta ăn chay để tránh nghiệp báo bệnh tật và chết yểu, nhưng cũng có người cho rằng “cỏ cây cũng có sự sống”. Đúng! Cây cỏ cũng có sự sống, nhưng cây cỏ không có cảm giác, không có ý thức tham sống sợ chết, lo lắng sợ hãi, vui buồn khổ đau như các loài vật. Con người là một sinh vật có hiểu biết cao nhờ biết suy nghĩ và nghiệm xét, con người là vật tối linh trong các loài sinh vật.

Ăn chay đúng cách sẽ tránh được nhiều bệnh tật, các nhà khoa học chuyên nghiên cứu chất dinh dưỡng đều xác định rằng: “Không chỉ trong thịt cá mới có chất dinh dưỡng mà trong các loại rau đậu, củ quả cũng có rất nhiều”. Con người cần phải có ăn uống mới bảo tồn mạng sống, nếu ăn không đúng cách dễ sinh ra nhiều bệnh tật, do tâm tham muốn quá độ.

Ăn rau đậu, củ quả thì trong người cảm thấy nhẹ nhàng, còn ăn thịt cá thấy hôi tanh và cơ thể nặng nề. Chính vì thế, khi nấu nướng người ta thường cho gia vị thật nhiều để làm át mùi tanh hôi của thịt cá và tạo nên sự hấp dẫn, nhằm kích thích khẩu vị của mọi người.

Một bằng chứng cho thấy một số động vật chỉ ăn cỏ cây, hoa lá có thân hình thật to lớn, lại khỏe như voi, trâu, bò, ngựa, dê,… Chúng chẳng bao giờ ăn thịt cá nhưng lại to lớn, khỏe mạnh và có thể giúp nhiều cho con người.

Ăn chay là thể hiện lòng từ bi đối với các loài vật nên người phật tử phải tập ăn chay từ một hai ngày mỗi tháng, đến khi đủ nhân duyên thì ăn chay hoàn toàn. Khi ăn chay chúng ta nên thay đổi thức ăn cho đỡ ngán, tất cả có thể cùng ăn với cơm, bánh mì, bún, hủ tiếu…v.v..

Nếu không biết nấu sẽ mất chất bổ, làm hại bộ máy tiêu hóa, lại không ngon miệng. Khi nấu luộc nên đậy nắp, không nấu luộc quá chín hoặc chỉ luộc sơ qua, chúng ta nấu luộc vừa chín tới để đảm bảo đầy đủ chất bổ dưỡng.

Tóm lại, vấn đề ăn mặn và ăn chay còn khá nhiều khía cạnh tế nhị khác, trong phạm vi hạn hẹp và có giới hạn chúng tôi không dám luận bàn nhiều, chỉ nhắc lại lời cổ nhân dạy: “Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn". Nghĩa là, con người sinh ra trên trái đất này, ngoài chuyện ăn uống để bảo tồn mạng sống, thì chúng ta còn phải làm tròn trách nhiệm đối với gia đình, người thân và đóng góp lợi ích thiết thực cho xã hội.

Phật nói: "Chúng sinh sở dĩ đi không cách đất, không khỏi cỏ cây, ra vào không rời khỏi không khí, là bởi ăn những món do gieo trồng từ đất, nên thân thể rất nặng nề và chậm chạp.

Còn nữa...
Thích Đạt Ma Phổ Giác

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


loading...