Lời Phật dạy
Lời Phật dạy về các tín ngưỡng dân gian
Thứ bảy, 14/12/2019 09:57
Người Phật tử chân chính trước tiên phải nghiên cứu lời Phật dạy rồi sau đó suy ngẫm, quán chiếu và ứng dụng tu hành thì sẽ biết rõ mọi việc trên thế gian này đúng sai, phải quấy, tốt xấu, thật giả ra sao.
Ngày xưa có một ông nhà giàu quanh năm suốt tháng cứ mải mê đầu cơ tích trữ, nuôi tham vọng làm giàu để bồi đắp cho bản thân bất chấp mọi thủ đoạn bóc lột để mình được giàu có, sung túc đủ đầy.
Một lần nọ vợ ông bệnh nặng, ông đã thỉnh một vị Tăng về nhà tụng kinh cầu an để tiêu trừ nghiệp chướng. Ông nói với vị Tăng: “Nhờ thầy tụng kinh cầu nguyện chư Phật và Bồ-tát gia hộ cho gia đình tôi được bình an, việc làm ăn của gia đình ngày càng thêm phát đạt, vợ tôi mau qua khỏi cơn trọng bệnh, con cháu tôi sớm được thăng quan tiến chức và tiền bạc vô đều đều”.
Vị Tăng nghe ông nhà giàu nói vậy thì muốn cảnh tỉnh ông nên bèn dùng pháp làm lễ mà khấn lớn tiếng rằng: “Nguyện cầu chư Phật và chư Bồ-tát từ phương xa mau về đây từ bi chứng giám, hiện tiền gia chủ cầu khẩn chư Phật, chư Bồ-tát gia hộ cho gia đình ông ta được bình an, hạnh phúc, con đông cháu đầy, việc làm ăn ngày càng thịnh vượng, vợ ông bệnh tật tiêu trừ, tai qua nạn khỏi, mọi người trong gia đình đều được như ý muốn”.
Nghe vị Tăng khấn nguyện như vậy ông nhà giàu lấy làm ngạc nhiên, ông thắc mắc: “Tại sao thầy lại cầu khẩn chư Phật và Bồ-tát phương xa mà không thỉnh các vị ở gần đây để các vị ấy đến đây ban phúc đức cho gia đình con nhanh chóng?”
Vị Tăng trả lời: “Sở dĩ tôi không cầu Phật và Bồ-tát ở gần là vì e ngại các vị ấy không chịu đến để giúp cho gia đình ông. Ông hãy suy nghĩ lại đi! Ông nay đã trên 60 tuổi, sắp gần đất xa trời rồi mà chưa từng biết giúp đỡ một ai, nói chi là bố thí cúng dường, ngược lại còn tham lam bỏn sẻn, sân hận chửi mắng, đánh đập người khác, không biết tôn trọng mọi người, có của dư thừa thà đem đổ bỏ mà không chịu san sẻ cùng người. Bởi chư Phật và Bồ-tát ở gần đây đều biết ông tham lam, bỏn sẻn, keo kiết nên các Ngài sẽ không đến giúp gia đình ông đâu. Chính vì vậy mà tôi phải thỉnh cầu chư Phật và Bồ-tát ở phương xa về giúp ông ít nhiều gì đó.”
Đây là một câu chuyện ngụ ngôn mang một triết lý sâu sắc nhằm nhắc nhở chúng ta phải tin sâu nhân quả, muốn được sống an vui hạnh phúc về vật chất lẫn tinh thần thì phải biết gieo nhân tốt. Chúng ta muốn cầu Phật và Bồ-tát có sự cảm ứng thì lúc nào cũng phải sống có nhân cách đạo đức tốt, biết giúp đỡ người khác khi gặp hoàn cảnh khó khăn, luôn mở rộng tấm lòng vô ngã vị tha… Phật và Bồ-tát là những bậc toàn chơn, toàn giác, toàn thiện, toàn mỹ, muốn cầu các Ngài có cảm ứng thì tâm niệm và việc làm của chúng ta phải tương ưng với hạnh nguyện của các Ngài.
Trên thế gian không chỉ riêng ông nhà giàu nọ mà có rất nhiều người không biết tội phước là gì nên không tin nhân quả. Họ điên đảo làm các việc xấu ác, đến lúc gặp quả xấu thì van xin, lạy lục, cầu xin Phật, Bồ-tát giúp cho.
Nhân quả công bằng khi đủ duyên thì quả tốt hay xấu sẽ đến, đâu có Phật, Bồ-tát ban phước giáng họa cho ta được. Nếu Phật làm được điều đó thì đâu có khuyên ta hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với Chánh pháp. Phật luôn khuyên mọi người tin sâu nhân quả mà ráng cố gắng làm điều lành, dứt trừ việc ác và luôn giữ tâm ý trong sạch.
Những người có tâm địa không tốt, xấu xa, độc ác, tham lam, ích kỷ, hẹp hòi thì làm sao có được kết quả tốt đẹp và làm sao có được sự cảm ứng nơi các Ngài. Khi chúng ta đã tin sâu nhân quả rồi, nếu muốn có cây lành trái ngọt thì phải biết gieo nhân tốt và tạo các duyên thích hợp để nhân đó được phát triển và trổ quả lành.
Chúng ta muốn sống lâu thì phải không sát sinh hại vật, trước là không được giết người và hạn chế tối đa việc giết hại các loài vật khác, hoặc dứt khoát không giết một vật nào. Thứ hai là phải có ý thức giữ gìn sức khỏe, siêng năng vận động, ăn uống tiết độ, làm việc có chừng mực và không vui chơi trác táng quá đáng. Chúng ta đã không giết hại mà còn phải biết bố thí, phóng sinh các loài vật khi tánh mạng của chúng bị đe dọa.
Muốn được giàu sang thì phải biết bố thí cúng dường, giúp đỡ sẻ chia mỗi khi cần thiết; kế đến là siêng năng cần mẫn trong công việc, tiết kiệm trong chi tiêu, không vui chơi hoang phí và trộm cướp lường gạt của người khác vì đó là nguyên nhân dẫn đến nghèo cùng khốn khổ.
Tóm lại, nếu chúng ta không biết gieo nhân lành và sống tốt với người khác thì khi gặp hoạn nạn ta không thể cầu chư Phật, Bồ-tát giúp cho mình tai qua nạn khỏi được. Nhân quả nhãn tiền có cầu tất có ứng là do nhân nhiều đời biết giúp người cứu vật, không có gì là đương nhiên khi không hoặc do đấng tối cao ban phước giáng họa cho ta.
Ngày nay, những tín ngưỡng dân gian với quá nhiều hình thức làm cho con người không biết rõ được bản chất thực hư của nó như giết hại loài vật cúng tế, mê tín dị đoan, ông lên bà xuống, cúng sao giải hạn và vô vàn các tập tục làm con người đánh mất chính mình vì không biết cách làm chủ bản thân. Nhan nhản khắp nơi trong các đình, chùa, miếu là hiện tượng xin bùa phát lộc để làm ăn phát đạt, dán tiền lên tượng Phật, Bồ-tát hoặc lấy tay xoa lên hình tượng rồi xoa vào thân mình và gọi đó là lộc của trời, Phật, Bồ-tát hay của đấng bề trên.
Khi đến chùa thì ta vái lạy, cầu khẩn, van xin đủ thứ chuyện. Ta chỉ cúng một ít tiền hay phẩm vật mà lại muốn Phật, Bồ-tát ban cho mình đủ thứ. Nếu những gì mình cầu xin mà được như ý thì luật nhân quả sẽ không còn tồn tại. Rõ ràng, từ con người cho đến muôn loài vật đều phải chịu sự chi phối của nhân quả, không có vật nào trên thế gian này thoát ngoài lý nhân quả.
Người không tu theo đạo Phật không tin lý nhân quả là lẽ đương nhiên. Nhưng đã là Phật tử mà ta còn mê tín dị đoan, lúc nào cũng cầu khẩn, van xin, mong muốn đủ thứ thì có xứng đáng là người Phật tử chân chính hay không?
Ông nhà giàu trong câu chuyện trên vì nhiều đời đã biết cúng chùa, làm phước, bố thí nên hiện đời mới được giàu có. Nhưng do thiếu tu nên càng giàu ông càng tham lam, bỏn sẻn, rồi lại nghĩ mình giàu sang là do các bậc hiền Thánh, Phật, Bồ tát ban cho.
Tuy nhiên, nếu chúng ta bố thí với tâm tham lam, ích kỷ, mong muốn việc bố thí sẽ giúp mình được giàu hơn thì dĩ nhiên phước vẫn có nhưng tâm tham đắm, dính mắc sẽ ngày càng nặng nên càng bố thí ta lại càng mê muội.
Những ai phóng sinh với tâm mong cầu, hám danh thì sẽ bỏ tiền mua một con vật nào đó rồi nhốt lại, chờ ngày có lễ trong chùa mới tụng kinh cầu nguyện, phóng sinh, mặc cho con vật thoi thóp trong chậu, trong lồng. Phóng sinh như vậy là vô tình đánh mất ý nghĩa phóng sinh, không phải vì lòng từ bi thương vật.
Phóng sinh đúng nghĩa là khi thấy con vật sắp bị con người giết hại thì vì lòng từ bi thương xót ta mua lại đem thả hay khuyên họ thả chúng. Phóng sinh như vậy mới đúng ý Phật, cách phóng sinh đó sẽ không làm người khác có cơ hội lợi dụng sinh lợi nhuận như những người mua bán chim cá trong các chùa.
Người Phật tử chân chính trước tiên phải nghiên cứu lời Phật dạy rồi sau đó suy ngẫm, quán chiếu và ứng dụng tu hành thì sẽ biết rõ mọi việc trên thế gian này đúng sai, phải quấy, tốt xấu, thật giả ra sao.
Chúng ta tin Phật ở đây là niềm tin chân chính sau khi phát sinh trí tuệ, nhờ vậy ta tin sâu nhân quả, tin chính mình làm chủ được bản thân. Do đó, ta thờ Phật, cúng Phật, lạy Phật là vì lòng cung kính, vì sự biết ơn nên cố gắng thực hành “phước huệ song tu” cho đến khi nào bằng Phật mới thôi.