Chùa Việt
Long An cổ tự, ngôi chùa sắc tứ muộn màng
Thứ năm, 10/03/2024 10:39
Thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên và xóa hệ thống Nam kỳ lục tỉnh của nhà Nguyễn. Ngày 1/1/1900, hạt tham biện Mỹ Tho đổi thành tỉnh Mỹ Tho. Lúc bấy giờ Nam kỳ có 20 tỉnh. Đất Nam kỳ dù thuộc Pháp, nhưng việc sắc phong đình miếu, chùa chiền của nhà Nguyễn thi thoảng vẫn còn.
Một số địa phương làm đơn gửi ra Huế, kèm bưu phí xin cấp sắc, vài ngôi chùa cũng được sắc tứ muộn màng trong những dịp tình cờ. Chùa Sắc tứ Long An ở khu phố Bình Sơn, TT.Bình Phú, H.Cai Lậy (Tiền Giang) là một ví dụ.
Lai lịch ngôi chùa
Trong gánh họ Trần tại Rạch Tràm thuộc thôn Bình Phú xưa có một người tên là Trần Văn Đôn xuất gia tu hành tại Gia Định. Ông mang tội ngộ sát, song nhờ quan Khâm sai đại thần xin giúp nên khỏi tù tội và phải rời Gia Định trở về quê ẩn dật, lập một cái am bên cạnh vàm rạch sớm hôm kinh kệ. Sau khi ông mất, người trong họ Trần cử con cháu cai quản, dùng ruộng đất tài sản của ông làm hương hỏa và lấy huê lợi tích lũy nhiều năm xây dựng nên một ngôi chùa hiệu là Long An. Đến cuối thế kỷ 19, chùa Long An do người cháu là ông Trần Văn Sóc, pháp danh Trường Độ, trụ trì.
Theo tài liệu Sắc tứ Long An cổ tự Ngộ Thông hòa thượng sự tích của ông Phạm Kim Chi in năm 1924, Võ Ngộ Thông sinh năm 1878, thuở bé có tên là Võ Niệm Thường, tự là Sâm, là cháu ngoại ông Trần Văn Sóc. Năm 13 tuổi, Niệm Thường theo ông ngoại đến chùa Hội Thọ (Cái Bè) xin xuất gia, pháp danh là Trường Đức, pháp hiệu Ngộ Thông. Tương truyền ông thông minh lanh lợi, đồng thời rất giỏi y dược, thông hiểu các phương thuật bói dịch, phong thủy, các loại bùa chú, đặc biệt là bùa "lỗ ban".
Khoảng năm 1900, Võ Ngộ Thông về làm thư ký chùa Long An, tập sự làm trụ trì thay vị sư đã già yếu. Sau khi sư viên tịch, Võ Ngộ Thông được cử làm thủ tọa chùa Long An. Nhưng Ngộ Thông nhiễm bệnh lao phổi nặng nên phải giao chùa cho người quản lý, rồi dùng một chiếc thuyền tự chèo đi hết tỉnh này đến tỉnh khác tìm thầy chữa trị. Đến Rạch Giá, ông mới tìm được một danh y hốt thuốc trị dứt căn bệnh, đồng thời gặp người bác ruột của mình đang tu tại đây là Yết Ma Thanh Đường. Võ Ngộ Thông được thầy Yết Ma truyền cho "bùa năm ông" và một số phương thuật bổ sung vào vốn hiểu biết của mình.
Năm Đinh Tỵ 1917, chùa Long An được trùng tu. Hôm khánh thành, chính quyền địa phương Cai Lậy báo cáo lên tỉnh Mỹ Tho, cũng là dịp Ngộ Thông "khai bằng" hợp thức hóa danh hiệu Hòa thượng của mình. Cũng dịp này, ông thuê nhóm thợ Tài công Xuyên ở Gò Công lên đắp bộ tượng Phật, Bồ Tát, các vị Thiện thần bằng hồ vữa, nay trở thành di sản quý của chùa. Để khách hành hương đến chùa thuận lợi, ông vận động xin đất, huy động phật tử đắp con đường đất dài gần
3 km từ lộ Đông Dương (quốc lộ 1 hiện nay) vô tới vàm Rạch Tràm. Con lộ hiện nay được mở rộng, xây bằng bê tông, vẫn gọi là lộ Hòa Thượng.
Nam kỳ là đất của ai?
Đầu năm 1924, Hòa thượng Võ Ngộ Thông đọc báo Lục Tỉnh tân văn biết tin giữa tháng 8 năm ấy ở kinh đô Huế sẽ tổ chức lễ Tứ tuần Đại Khánh tiết của vua Khải Định, bèn gọi cháu là Võ Công Phi trụ trì chùa Long Nhơn (Vĩnh Long) đến vấn kế.
Họ mua vé tàu thủy ra Huế. Khi đến Nha Trang, thầy trò Ngộ Thông gặp anh chủ quán trọ khuyên hai thầy trò đem giấy tờ tùy thân đến trình diện với quan Phủ doãn Thừa Thiên rồi dẫn đến chùa Tây Thiên và chùa Sắc tứ Bảo Quốc chiêm bái, nhìn nhận tông môn và bày tỏ ý nguyện muốn chúc thọ vua Khải Định.
Đến ngày rằm tháng 8 năm Nhâm Tý 1924, chùa Sắc tứ Bảo Quốc tập hợp chư tăng tại kinh đô tụng kinh chúc thọ, vua Khải Định đến dâng hương lễ bái. Sau đó nhà vua và bá quan đến thiền đường uống nước. Vị hòa thượng trụ trì chùa Sắc tứ Bảo Quốc giới thiệu có hai vị hòa thượng người Nam kỳ ra kinh đô, muốn vào chúc thọ nhưng còn e ngại. May mắn lúc đó có quan Phủ doãn Thừa Thiên đứng bên cạnh nói vào nên vua Khải Định truyền cho Võ Ngộ Thông và Võ Công Phi ra trình diện.
Hai người ra lạy chào và dâng lời chúc thọ, nhà vua hỏi: Nam kỳ là đất của ai ? Võ Ngộ Thông bẩm, đất Nam kỳ được khai thác từ triều đại liệt thánh trước đến đời Thế tổ Cao hoàng thống nhất một mối, khai hóa nhân dân, mở mang xóm làng, bờ cõi. Đến nay mọi người còn tưởng nhớ (ý nói Nam kỳ thuộc Pháp nhưng lòng dân vẫn hướng về triều đình). Trong hơn nửa giờ, vua Khải Định và Hòa thượng Võ Ngộ Thông đàm đạo nhiều vấn đề. Vua khen ông là người mộ đạo, chân tu, thông hiểu giáo lý nhà Phật nên ra lệnh ban thưởng. Báo Trung Lập số ra ngày 21/11/1924 đưa tin, phần thưởng đó là một cái "tam hạng kim tiền" có chạm long vân khắc bốn chữ "Khải Định bửu giám" cùng thùy anh huyền bội và một cấp bằng "sắc tứ", ghi lời khen ngợi của vua.
Mấy ngày sau, tôn cung Thái hậu bị bệnh cho người mời hai thầy trò vào cung An Định xem mạch bốc thuốc, tụng kinh cầu an. Khi tôn cung Thái hậu dứt bệnh, bà ban thưởng cho hòa thượng Võ Ngộ Thông 3 lạng "Tinh ngân Khải Định niên tạo". Mấy tháng sau, thầy trò Hòa thượng về chùa, thiết lập đại lễ khánh hạ và đổi hiệu chùa là "Hoàng Ân sắc tứ Long An cổ tự".
Sau khi Võ Ngộ Thông mất, chùa Sắc tứ Long An vẫn do người trong họ Trần trực tiếp cai quản. Qua nhiều đời trụ trì, đến năm 2016, chánh điện chùa Sắc tứ Long An được đại đức Thích Phước Nhân đứng ra vận động trùng tu quy mô bằng chất liệu gỗ quý. Các khung bao lam, liễn đối, hoành phi, các bức đại tự đều được làm bằng gỗ sơn son thếp vàng rất tinh xảo.
Nguồn Thanh Niên