Sách Phật giáo
Lòng bồ đề tâm (Phần cuối)
Chủ nhật, 26/04/2015 08:34
Tâm là thực thể của vạn pháp. Tâm vọng thì vạn pháp hoạt hiện sai biệt, hình hình sắc sắc, trùng trùng duyên khởi, cái này có cái kia có và ngược lại, liên hệ ảnh hưởng lẫn nhau rối ren trong lưới đế châu.
9. Lòng Bồ Đề
Luận sư A Đề Sa là người đã đưa ra nhiều phương cách để tu dưỡng Tâm Bồ Đề, có nhiều ảnh hưởng lên truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Khác với quan niệm của Đại thừa, truyền thống Mật tông tại Tây Tạng xem Bồ Đề Tâm là một sự thật cụ thể. Sự tiếp cận với sự thật này có thể đưa đến một dạng giác ngộ mà toàn thân thể của một hành giả có thể cảm nhận thật sự. Theo cách định nghĩa của Phật giáo Tây Tạng thì Bồ Đề Tâm có hai dạng, tương đối và tuyệt đối.
Bồ Đề Tâm tương đối lại được chia làm hai cấp bậc: 1.Xuất phát từ lòng từ bi, hành giả quyết tâm giải thoát để cứu độ chúng sinh; 2.Hành giả hành trì thiền định, mục đích đạt được phương tiện thiện xảo, để biến ước mơ thành hiện thật.
Bồ Đề Tâm tuyệt đối chính là sự chứng ngộ được tính Không của mọi hiện tượng. Đó là một dấu hiệu chứng tỏ rằng, hành giả đã bắt đầu bước vào cấp Kiến Đạo (zh. 見道, sa. darśanamārga) của Ngũ Đạo, đã trở thành một Thánh Nhân và từ lúc này trở đi, mỗi khi hành giả trực nhận được tính Không thì tâm thức nội tại lúc ấy của họ chính là Bồ Đề Tâm tuyệt đối.
Wikipedia định nghĩa: Bồ Đề Tâm (zh. 菩提心, sa. bodhicitta, bo. byang chub kyi sems བྱང་ཆུབ་ཀྱི་སེམས་), còn được gọi là Giác Tâm (zh. 覺心), là tâm hướng về giác ngộ, tâm an trú trong giác ngộ, tâm của sự giác ngộ. Đây là một trong những thuật ngữ quan trọng của Phật Giáo Đại Thừa.
Kinh Đại Tỳ Lô Giá Na nói, “Bồ Đề Tâm làm nhân, đại bi làm căn bản, phương tiện làm cứu cánh.” Người tu Phật trước tiên phải lấy quả vô thượng Bồ Đề làm mục tiêu cứu cánh; lấy lòng đại bi lợi mình lợi sinh làm chủ đích thực hành; và kế đó tùy sở thích căn cơ mà lựa chọn các pháp môn hoặc Thiền, hoặc Tịnh, hoặc Mật làm phương tiện tu tập. Phương tiện với nghĩa rộng hơn, còn là trí huệ quyền biến tùy cơ nghi, áp dụng tất cả hạnh thuận nghịch trong khi hành Bồ Tát Đạo. Cho nên Bồ Đề Tâm là mục tiêu cần phải nhận định của hành giả, trước khi khởi công hạnh huân tu.
Nơi Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã dạy, “Nầy thiện nam tử! Bậc Bồ Tát phát Bồ Đề Tâm là khởi Tâm Đại Bi cứu độ tất cả chúng sinh. Nếu quên mất Bồ Đề Tâm mà tu các pháp lành, đó là ma nghiệp.” Người tu Phật nếu dụng công khổ nhọc mà quên sót mục tiêu cầu thành Phật để lợi mình lợi sinh, thì bao nhiêu hạnh lành chỉ đem đến kết quả hưởng phước nhân thiên, chung cuộc vẫn bị chìm mê quanh quẩn trong nẻo luân hồi, chịu vô biên nỗi khổ, nghiệp ma vẫn còn. Như vậy phát tâm Bồ Đề lợi mình lợi người là bước đi cấp thiết của người tu.
Theo Giáo sư Suzuki trong Đại thừa Phật giáo Khái luận, Bồ Đề Tâm là đặc tánh quan trọng nhất của Bồ Tát, nên thuyết giảng về siêu việt tánh của Bồ Đề Tâm trong Triết học Trung Quán của Ngài Long Thọ có nhấn mạnh về các đặc tánh của Bồ Đề Tâm như sau:
1) Bồ Đề Tâm siêu việt tất cả mọi hạn định của ngũ uẩn, thập nhị xứ, thập bát giới. Nó không phải cá biệt mà là phổ quát.
2) Từ bi chính là bản chất của Bồ Đề Tâm, vì thế tất cả Bồ Tát coi Bồ Đề Tâm là lý do tồn tại của họ.
3) Bồ Đề Tâm cư ngụ trong trái tim của bình đẳng tánh, tạo nên những phương tiện giải thoát cho cá nhân.
Phân loại Bồ Đề Tâm:
1) Nhị Chủng Bồ Đề Tâm:
- Duyên Sự Bồ Đề Tâm
- Duyên Lý Bồ Đề Tâm
2) Tam Chủng Bồ Đề: Theo Hòa thượng Thích Thiền Tâm trong Niệm Phật Thập Yếu, đem công đức niệm Phật để cầu phước lợi nhỏ nhen ở thế gian, tất không hợp với bản hoài của Phật, cho nên hành giả phải vì sự thoát ly khỏi vòng sống chết luân hồi mà niệm Phật. Nhưng nếu vì giải thoát cho riêng mình mà tu niệm, cũng chỉ hợp với bản hoài của Phật một phần ít mà thôi. Vậy bản hoài của Phật như thế nào? Bản hoài đích thực của Đức Thế Tôn là muốn cho tất cả chúng sinh đều thoát vòng sinh tử, đều được giác ngộ như Ngài. Cho nên người niệm Phật cần phải phát Bồ Đề Tâm. Bồ Đề nghĩa là “Giác.”
Trong ấy có ba bậc :
- Thanh Văn Bồ Đề
- Duyên Giác Bồ Đề
- Phật Bồ Đề: Người niệm Phật phát tâm Bồ Đề, chính là phát tâm cầu quả giác ngộ của Phật; quả vị ấy cùng tột không chi hơn, siêu cả hàng Thanh Văn và Duyên Giác, nên gọi là Vô Thượng Bồ Đề. Tâm nầy gồm hai chủng tử chính, là từ bi và trí huệ, hay phát xuất công năng độ thoát mình và tất cả chúng sinh.
3) Quán Lục Tâm.
4) Quán Tám Cách Phát Bồ Đề Tâm.
Làm cách nào để phát Tâm Bồ Đề ? Phát Bồ Đề Tâm như trên đã nói, có thể tóm tắt trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện:
Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Theo Hòa thượng Thích Thiền Tâm trong Niệm Phật Thập Yếu, không phải chỉ nói suông “Tôi phát Bồ Đề Tâm” là đã phát tâm, hay mỗi ngày tuyên đọc Tứ Hoằng Thệ Nguyện, gọi là đã phát Bồ Đề Tâm. Muốn phát Bồ Đề Tâm hành giả cần phải quán sát để phát tâm một cách thiết thật, và hành động đúng theo tâm nguyện ấy trong đời tu của mình. Có những người xuất gia, tại gia mỗi ngày sau khi tụng kinh niệm Phật đều quỳ đọc bài hồi hướng, “Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não…” Nhưng rồi trong hành động thì trái lại, nay tham lam, mai hờn giận, mốt si mê biếng trễ, bữa kia nói xấu hay chê bai chỉ trích người, đến bữa khác lại có chuyện tranh cãi gây gổ buồn ghét nhau. Như thế tam chướng làm sao tiêu trừ được? Chúng ta phần nhiều chỉ tu theo hình thức, chứ ít chú trọng đến chỗ khai tâm, thành thử lửa tam độc vẫn cháy hừng hực, không hưởng được hương vị thanh lương giải thoát của Đức Phật đã chỉ dạy. Cho nên ở đây lại cần đặt vấn đề, “Làm thế nào để phát Bồ Đề Tâm?” Muốn cho Tâm Bồ Đề phát sinh một cách thiết thực, chúng ta nên suy tư quán sát để phát tâm theo sáu yếu điểm như sau :
Lục Tâm: Chúng ta phần nhiều chỉ tu theo hình thức, mà ít chú trọng đến chỗ khai tâm, thành thử lửa tam độc vẫn cháy hừng, không hưởng được hương vị thanh lương giải thoát mà Đức Phật đã chỉ dạy. Muốn cho lòng Bồ Đề phát sinh một cách thiết thực. Theo Hòa Thượng Thích Thiền Tâm trong Niệm Phật Thập Yếu, chúng ta nên suy tư quán sát để phát tâm theo sáu yếu điểm sau đây:
1) Giác Ngộ Tâm: Chúng sinh thường chấp sắc thân nầy là ta, tâm thức có hiểu biết, có buồn giận thương vui là ta. Nhưng thật ra, sắc thân nầy giả dối, ngày kia khi chết đi nó sẽ tan về với đất bụi, nên thân tứ đại không phải là ta. Tâm thức cũng thế, nó chỉ là thể tổng hợp về cái biết của sáu trần là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Cái biết của ta khi có khi không, hình ảnh nầy tiêu hình ảnh khác hiện, tùy theo trần cảnh thay đổi luôn luôn, hư giả không thật, nên chẳng phải là ta. Cổ đức đã bảo, “Thân như bọt tụ, tâm như gió. Huyễn hiện vô căn, không tánh thật.” Nếu giác ngộ thân tâm như huyễn, không chấp trước, lần lần sẽ đi vào cảnh giới “nhân không” chẳng còn ngã tướng. Cái ta của ta đã không, thì cái ta của người khác cũng không, nên không có “nhân tướng.” Cái ta của mình và người đã không, tất cái ta của vô lượng chúng sinh cũng không, nên không có “chúng sinh tướng.” Cái ta đã không, nên không có bản ngã bền lâu, không thật có ai chứng đắc, cho đến cảnh chứng thường trụ vĩnh cửu của Niết Bàn cũng không, nên không có “thọ giả tướng.” Đây cần nên nhận rõ, cũng không phải không có thật thể chân ngã của tánh chân như thường trụ, nhưng vì Thánh Giả không chấp trước, nên thể ấy thành không. Nhân đã không thì pháp cũng không, vì sự cảnh luôn luôn thay đổi sinh diệt, không có tự thể. Đây lại cần nên nhận rõ chẳng phải các pháp khi hoại diệt mới thành không, mà vì nó hư huyễn, nên đương thể chính là không, cả “nhân” cũng thế. Cho nên cổ đức đã bảo, “Cần chi đợi hoa rụng, mới biết sắc là không.” (Hà tu đãi hoa lạc, nhiên hậu thỉ tri không.) Hành giả khi đã giác ngộ “Nhân” và “Pháp” đều không, thì giữ lòng thanh tịnh trong sáng không chấp trước mà niệm Phật. Dùng lòng giác ngộ như thế mà hành đạo, mới gọi là phát Bồ Đề Tâm.
2) Bình Đẳng Tâm: Trong khế kinh, đức Phật khuyên dạy, “Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh, đều là cha mẹ đời quá khứ và chư Phật đời vị lai.” Chư Phật thấy chúng sinh là Phật, nên dùng tâm bình đẳng đại bi mà tế độ. Chúng sinh thấy chư Phật là chúng sinh, nên khởi lòng phiền não phân biệt ghét khinh. Cũng đồng một cái nhìn, nhưng lại khác nhau bởi mê và ngộ. Là đệ tử Phật, ta nên tuân lời Đức Thế Tôn chỉ dạy, đối với chúng sinh phải có tâm bình đẳng và tôn trọng, bởi vì đó là chư Phật vị lai, đồng một Phật tánh. Khi dùng lòng bình đẳng tôn kính tu niệm, sẽ dứt được nghiệp chướng phân biệt khinh mạn, nảy sinh các đức lành. Dùng lòng bình đẳng như thế mà hành đạo, mới gọi là phát Bồ Đề Tâm.
3) Tâm Từ Bi: Ta cùng chúng sinh sinh đều sẳn đủ đức hạnh, tướng hảo trí huệ của Như Lai, mà vì mê chân tánh, khởi hoặc nghiệp nên phải bị luân hồi, chịu vô biên sự thống khổ. Nay đã rõ như thế, ta phải dứt tâm ghét thương phân biệt, khởi lòng cảm hối từ bi tìm phương tiện độ mình cứu người, để cùng nhau được an vui thoát khổ. Nên nhận rõ từ bi khác với ái kiến. Ái kiến là lòng thương yêu mà chấp luyến trên hình thức, nên kết quả bị sợi dây tình ái ràng buộc. Từ bi là lòng xót thương cứu độ, mà lìa tướng, không phân biệt chấp trước; tâm nầy thể hiện dưới đủ mọi mặt, nên kết quả được an vui giải thoát, phước huệ càng tăng. Muốn cho tâm từ bi được thêm rộng, ta nên từ nỗi khổ của mình, cảm thông đến các nỗi khổ khó nhẫn thọ hơn của kẻ khác, tự nhiên sinh lòng xót thương muốn cứu độ, niệm từ bi của Bồ Đề Tâm chưa phát bỗng tự phát sinh. Trong Kinh Hoa Nghiêm, ngài Phổ Hiền đã khai thị, “ Đại Bồ Tát với lòng đại bi có mười cách quán sát chúng sinh không nơi nương tựa mà khởi đại bi. Quán sát chúng sinh tánh chẳng điều thuận mà khởi đại bi, quán sát chúng sinh nghèo khổ không căn lành mà khởi đại bi. Quán sát chúng sinh ngủ say trong đêm dài vô minh mà khởi đại bi. Quán sát chúng sinh làm những điều ác mà khởi đại bi. Quán sát chúng sinh đã bị ràng buộc, lại thích lao mình vào chỗ ràng buộc mà khởi đại bi. Quán sát chúng sinh bị chìm đắm trong biển sinh tử mà khởi đại bi. Quán sát chúng sinh vương mang tật khổ lâu dài mà khởi đại bi. Quán sát chúng sinh không ưa thích pháp lành mà khởi đại bi. Quán sát chúng sinh xa mất Phật pháp mà khởi đại bi…” Đã phát tâm đại bi tất phải phát đại Bồ Đề tâm thề nguyền cứu độ. Thế thì lòng đại bi và lòng đại Bồ Đề dung thông nhau. Cho nên phát từ bi tâm tức là phát Bồ Đề Tâm. Dùng lòng đại từ bi như thế mà hành đạo, mới gọi là phát Tâm Bồ Đề.
4) Hoan Hỷ Tâm: Đã có xót thương tất phải thể hiện lòng ấy qua tâm hoan hỷ. Lòng tùy hỷ trừ được chướng tật đố nhỏ nhen. Lòng hỷ xả giải được chướng thù báo phục. Bởi tâm Hoan Hỷ không ngoài sự giác ngộ mà thể hiện, nên đó chính là Lòng Bồ Đề. Hoan hỷ có hai thứ:
a) Tùy Hỷ là khi thấy trên từ chư Phật, Thánh nhân, dưới cho đến các loại chúng sinh, có làm được công đức gì , dù là nhỏ mọn cũng vui mừng theo. Và khi thấy ai được sự phước lợi, hưng thạnh thành công, an ổn, cũng sinh niệm vui vẻ mừng dùm.
b) Hỷ xả là dù có chúng sinh làm những điều tội ác, vong ân, khinh hủy, hiểm độc, tổn hại cho người hoặc cho mình, cũng an nhẫn vui vẻ mà bỏ qua. Sự vui nhẫn nầy nếu xét nghĩ sâu, thành ra không thật có nhẫn, vì tướng người, tướng ta và tướng não hại đều không. Nên Kinh Kim Cang dạy, “Như Lai nói nhẫn nhục Ba La Mật, tức chẳng phải nhẫn nhục Ba La Mật, đó gọi là nhẫn nhục Ba La Mật.”
5) Sám Nguyện Tâm: Trong kiếp luân hồi, mọi loài hằng đổi thay làm quyến thuộc lẫn nhau. Thế mà ta vì mê mờ lầm lạc, từ kiếp vô thỉ đến nay, do tâm chấp ngã muốn lợi mình nên làm tổn hại chúng sinh, tạo ra vô lượng vô biên ác nghiệp. Thậm chí đến chư Phật, Thánh nhân, vì tâm đại bi đã ra đời thuyết pháp cứu độ loài hữu tình, trong ấy có ta, mà đối với ngôi Tam Bảo ta lại sinh lòng vong ân hủy phá. Ngày nay giác ngộ, ta phải hổ thẹn ăn năn, đem ba nghiệp chí thành sám hối. Đức Di Lặc Bồ Tát đã lên ngôi bất thối, vì muốn mau chứng quả Phật, mỗi ngày còn lễ sám sáu thời. Vậy ta phải đem thân nghiệp kính lễ Tam Bảo, khẩu nghiệp tỏ bày tội lỗi cầu được tiêu trừ, ý nghiệp thành khẩn ăn năn thề không tái phạm. Đã sám hối, phải dứt hẳn tâm hạnh ác, không còn cho tiếp tục nữa, đi đến chỗ tâm và cảnh đều không, mới là chân sám hối. Lại phải phát nguyện, nguyện hưng long ngôi Tam Bảo, nguyện độ khắp chúng sinh để chuộc lại lỗi xưa và đền đáp bốn ân nặng (ân Tam Bảo, ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân thiện hữu tri thức, và ân chúng sinh.) Có tâm sám nguyện như vậy tội chướng mới tiêu trừ, công đức ngày thêm lớn, và mới đi đến chỗ phước huệ lưỡng toàn. Dùng lòng sám nguyện như thế mà hành đạo, mới gọi là phát Bồ Đề Tâm.
6) Bất Thối Tâm: Dù đã sám hối phát nguyện tu hành, nhưng nghiệp hoặc ma chướng không dễ gì dứt trừ, sự lập công bồi đức thể hiện sáu độ muôn hạnh không dễ gì thành tựu. Mà con đường Bồ Đề đi đến quả viên giác lại xa vời dẫy đầy gay go chướng nạn, phải trải qua hằng sa kiếp, đâu phải chỉ một hai đời. Ngài Xá Lợi Phất trong tiền kiếp chứng đến ngôi lục trụ, phát đại Bồ Đề Tâm tu hạnh bố thí. Nhưng khi chịu khổ khoét một con mắt cho ngoại đạo, bị họ không dùng liệng xuống đất rồi nhổ nước dãi, lấy chân chà đạp lên trên, ngài còn thối thất Đại Thừa Tâm. Thế thì ta thấy sự giữ vững tâm nguyện là điều không phải dễ. Cho nên hành giả muốn được đạo tâm không thối chuyển, phải lập thệ nguyện kiên cố. Dùng lòng bất thối chuyển như thế mà hành đạo, mới gọi là phát Bồ Đề Tâm.
Tám Cách Phát Tâm Bồ Đề: Trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Thế Tôn và chư Bồ Tát đã thuyết giảng rộng rãi về công đức của Bồ Đề Tâm, “Cửa yếu vào đạo trước phải phát tâm. Việc yếu tu hành, trước nên lập nguyện.” Nếu không phát tâm rộng lớn, không lập nguyện bền chắc, thì dù trải qua vô lượng kiếp, vẫn y nhiên ở trong nẻo luân hồi; dù có tu hành cũng khó tinh tấn và chỉ luống công khổ nhọc. Do đó nên biết muốn học Phật Đạo, quyết phải phát Bồ Đề Tâm không thể trì hưởn. Do đó, khi xưa Đại Sư Tỉnh Am bên Trung Quốc đã soạn ra bài phát nguyện, “ Phát Bồ Đề Tâm Văn” để khuyến khích tứ chúng. Trong ấy, ngài đã theo các tâm nguyện mà trình bày sự phát tâm thành tám cách Tà, Chánh, Chân, Ngụy, Đại, Tiểu, Thiên, Viên. Trong tám cách nầy, Tà, Ngụy, Thiên, Tiểu nên bỏ; Chân, Chánh, Viên, Đại nên theo. Được như thế mới gọi là phát Bồ Đề Tâm đúng cách.
1) Tà: Có những người tu không tham cứu tự tâm, chỉ biết theo bên ngoài, hoặc cầu danh lợi, đắm cảnh vui hiện tại, hay mong quả phước trong tương lai mà phát Lòng Bồ Đề. Trong đời sống, đây là hạng người chỉ một bề hành theo “Sự Tướng” mà không chịu xoay vào “Chân Tâm.” Phát tâm như thế gọi là TÀ. Trên đây là lối phát tâm của đa phần các người tu, tại gia và xuất gia, trong thời mạt pháp nầy. Những người như thế có nhan nhãn ở khắp mọi nơi.
2) Chánh: Như chẳng cầu danh lợi, không tham cảnh vui cùng mong quả phước, chỉ vì thoát vòng sinh tử, lợi mình lợi sinh mà cầu đạo Bồ Đề. Đây là hạng người trên không cầu lợi dưỡng, dưới chẳng thích hư danh, vui hiện thế không màng, phước vị lai chẳng tưởng. Họ chỉ vì sự sinh tử mà cầu quả Bồ Đề. Phát tâm như thế gọi là CHÁNH. Đây là lối phát tâm của bậc tu hành chân chánh, chỉ cầu mong giải thoát. Lối phát tâm và cách tu hành nầy đời nay khó thể nào thấy được, họa hoằn lắm trong muôn ngàn người tu mới có được một hay hai vị mà thôi.
3) Chân: Mỗi niệm trên vì cầu Phật đạo, dưới vì độ chúng sinh, nhìn đường Bồ Đề dài xa mà không khiếp, thấy loài hữu tình khó độ nhưng chẳng sờn. Tâm bền vững như lên núi quyết đến đỉnh, như leo tháp quyết đến chót. Những bậc nầy, niệm niệm trên cầu Phật đạo, tâm tâm dưới độ chúng sinh. Nghe thành Phật dù lâu xa chẳng sợ, chẳng lui. Phát tâm như thế gọi là CHÂN.
4) Ngụy: Có tội lỗi không sám hối chừa cải, ngoài dường trong sạch, trong thật nhớp nhơ, trước tinh tấn sau lười biếng. Dù có tâm tốt nhưng còn xen lẫn lợi danh, có pháp lành song bị tội lỗi làm ô nhiễm. Phát tâm mà còn những điều nầy, gọi là NGỤY. Đây là lối phát tâm của hầu hết người tu hành trong thời mạt pháp nầy.
5) Đại: Cõi chúng sinh hết, nguyện mới hết; đạo Bồ Đề thành, nguyện mới thành. Phát tâm như vậy gọi là ĐẠI. Đây là lối phát tâm của hàng Đại Thừa Pháp Thân Đại Sĩ Bồ Tát, hay bậc Thánh Tăng Bồ Tát, đã đắc được vô sinh pháp nhẫn, chuyển pháp luân bất thối trong mười phương pháp giới .
6) Tiểu: Xem tam giới như tù ngục, sinh tử như oan gia, chỉ mong mình mau giải thoát, chẳng muốn độ người. Phát tâm theo quan niệm nầy gọi là TIỂU. Đây là cách phát tâm của bậc Thánh Nhân trong hàng nhị thừa Thanh Văn và Duyên Giác. Lối phát tâm nầy tuy là được giải thoát ra ngoài tam giới, chứng được Niết Bàn, nhưng vẫn bị Phật quở là đi ra ngoài con đường hạnh nguyện độ sinh của Bồ Tát và Phật.
7) Thiên: Thấy chúng sinh và Phật đạo ở ngoài tự tánh, rồi nguyện độ nguyện thành, đường công hạnh chẳng quên, sự thấy hiểu không dứt. Phát tâm như thế gọi là THIÊN. Đây là cách phát tâm sai lầm của những vị tu hành mà quả vị chứng đắc vẫn còn nằm trong ba cõi sinh tử, chớ chưa giải thoát được, họ chỉ tu hành để đạt được cảnh giới cao hơn như lên cõi sắc giới hay vô sắc giới, vì các vị ấy chưa thông đạt lý, “ngoài tâm không pháp, ngoài pháp không tâm.”
8) Viên: Biết chúng sinh và Phật đạo đều là tự tánh, nên nguyện độ nguyện thành, tu công đức không thấy mình có tu, độ chúng sinh không thấy có chúng sinh được độ. Các bậc nầy dùng tâm rỗng như hư không mà phát nguyện lớn như hư không, tu hành rộng như hư không, chứng đắc như hư không, cũng chẳng thấy có tướng “không.” Phát tâm như thế gọi là VIÊN. Đây là lối phát tâm của các hàng Đăng Địa Bồ Tát, Đẳng Giác Bồ Tát, và Nhứt Sinh Bổ Xứ Bồ Tát. Các vị nầy sẻ chứng được quả vị Phật với đầy đủ thập hiệu.
10. Kết Luận
Tâm là thực thể của vạn pháp. Tâm vọng thì vạn pháp hoạt hiện sai biệt, hình hình sắc sắc, trùng trùng duyên khởi, cái này có cái kia có và ngược lại, liên hệ ảnh hưởng lẫn nhau rối ren trong lưới đế châu. Tâm chơn thì pháp giới tánh với tâm là một, vạn vật đồng nhất thể. Trong Kinh Hoa Nghiêm, đức Phật chỉ cho chúng sinh thấu rõ cội nguồn của xum la vạn tượng do mê thức vọng tưởng nghiệp duyên hình thành, các pháp hiện hành trong vũ trụ là huyễn hóa, như hoa trong gương, như trăng dưới nước. Đó là tư tưởng của Kinh Hoa Nghiêm: Tất cả vạn pháp trong pháp giới đều từ tâm sinh.
Theo Stephen Hawking (nhà vật lý người Anh, hiện mang chức danh Giáo sư Lucasian tức giáo sư toán học của đại học Cambridge, chỉ những nhà khoa học xuất sắc như Isaac Newton hay Paul Dirac mới có chức danh này) đã có bài thuyết trình nhan đề “Gödel & The End of Physics” (Gödel & Sự kết thúc của Vật lý.) Ý kiến chủ yếu của ông có thể được gói gọn trong tấm ảnh dưới đây.
Gödel & Sự kết thúc của Vật lý, Stephen Hawking |
Stephen Hawking đả tái khám phá nhửng gì đả dạy trong Kinh Duy Ma Cật, phẩm Bất Tư Nghì, của Phật giáo Đại thừa về vũ trụ trong hạt cải,“Lấy núi Tu Di bỏ vào trong hạt cải, lấy nước bốn biển đổ vào chân lông.” Đây là một công án khó giải thích mà cho đến ngày nay rất ít người trì được ý kinh (artha.) Chính vì thế mà Thứ Sử Giang Châu là Lý Bột đời Đường, đọc sách nhiều đến nỗi được gọi là Lý Vạn Quyển, lên Lô Sơn tham vấn Hòa thượng Qui Tôn,“Kinh nói hạt cải chứa núi Tu Di là sao?” Hòa thượng hỏi lại,“Thế thì vạn quyển sách chứa trong đầu ông thế nào?” Lý Bột nghe thế bỗng dưng đại ngộ. Nói theo khoa học hiện đại, “Thế thì cả softwares, tin học, kiến thức, ngôn ngữ, hình ảnh, âm thanh trên thế giới chứa trong nhửng cái chip điện tử của computers, cell phones, TV, vệ tinh, servers, databases, máy bay, tàu thủy, xe cộ, GPS,...là sao?”
Vũ Trụ trong vỏ Hạt Dẻ (The Universe in a Nutshell) là một trong những tác phẩm do Stephen Hawking viết về chủ đề vật lý lý thuyết. Tuy nhiên, Stephen Hawking củng như nhửng khoa học gia khác chỉ mới gỏ cửa của chân như chứ chưa vào được vô môn quan vì còn chấp nhị nguyên, vẫn còn tìm tòi, nghiên cứu vật chất ngoại cảnh chưa biết quán tự tại, nhìn vào bên trong như ông ta thú nhận: chúng ta không phải là thiên thần nhìn vũ trụ từ ngoài vì chúng ta và nhửng mô hình của chúng ta đều ở trong vũ trụ.
Cho dù chúng ta là thiên thần ở ngoài vũ trụ và nhìn vũ trụ từ bên ngoài thì cái nhìn đó củng từ trong Ta (ngã) nhìn ra ngoài. Vẫn là thiên thần mù nhìn voi. Hawking công nhận tiếp, cái khám phá của khoa không bao giờ được nhất quán và đầy đủ rốt ráo. Khoa học duy vật đặt sai nền tảng, sở trụ vào hữu thường, chấp vào nhị nguyên dựa vào Lục Căn bị chi phối bởi Lục Trần, dùng dụng cụ đo đạt không chính xác rồi suy luận tương đối, cho nên khoa học của nhân sinh còn lâu mới theo kịp Phật Giáo trừ khi chúng ta giác ngộ, kiến được Lòng Bồ Đề (Phật Tâm.) Đó mới đích thị là sự thật, là nhất quán tuyệt đối, là chân lý tối thượng.
Cho dù chúng ta là thiên thần ở ngoài vũ trụ và nhìn vũ trụ từ bên ngoài thì cái nhìn đó củng từ trong Ta (ngã) nhìn ra ngoài. Vẫn là thiên thần mù nhìn voi. Hawking công nhận tiếp, cái khám phá của khoa không bao giờ được nhất quán và đầy đủ rốt ráo. Khoa học duy vật đặt sai nền tảng, sở trụ vào hữu thường, chấp vào nhị nguyên dựa vào Lục Căn bị chi phối bởi Lục Trần, dùng dụng cụ đo đạt không chính xác rồi suy luận tương đối, cho nên khoa học của nhân sinh còn lâu mới theo kịp Phật Giáo trừ khi chúng ta giác ngộ, kiến được Lòng Bồ Đề (Phật Tâm.) Đó mới đích thị là sự thật, là nhất quán tuyệt đối, là chân lý tối thượng.
Hamlet có thể gần đúng, “Ta có thể tôi bị giam trong một vỏ hạt. Và tự coi mình là vua của khoảng không vô tận.” (I could be bounded in a nutshell. And count myself a king of infinitive space.) Tôi xin diễn tả khác hơn, Ta (ngã) vì vô minh tưởng Tâm ở trong Ta cho nên cho rằng ‘thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn.’ Ta củng vì vô minh cứ tưởng Tâm ở ngoài Ta nên mất công tìm kiếm cái Không thể kiếm được. Vô ngã (không ngã) không có ở trong Tâm, không có ở ngoài Tâm. Đó mới thật là ý Không (emptiness of emptiness) của Bát Nhã Ba La Mật Tâm Kinh!
Muốn trì ý Tâm Thông của vũ trụ cùng thế giới thực tướng phải dùng Vô Tự Kinh. Bỡi hữu tự kinh với ngôn ngữ giới hạn của con người chỉ là một phương tiện ngụy tạo không chính xác, không giảng giải được thật tướng của đối tượng, không miêu tả nổi về Tâm Thông tức là Tông Thông. Rời văn tự (ruta,) ngôn thuyết mới là Phật Pháp đích thực, chứng được chân lý tối hậu, đệ nhất nghĩa đế (paramartha) của vạn vật trong vũ trụ. Kinh Lăng Già,“Thật nghĩa ngoài Văn Tự. Ngôn thuyết bất khả đắc!”.
Trong kinh Pháp Hoa, Phật nói, " Ta vì đại sự nhân duyên mà Khai (mở ra), Thị (là Chỉ) Ngộ, Nhập Phật Tri Kiến cho chúng sinh.” Khai, Thị thuộc về Thuyết Thông. Còn Ngộ Nhập thuộc về Tông Thông. Tức là "Nương giáo ngộ tông" Muốn nhập vào Chánh Pháp phải rời ngôn ngữ, văn tự mà khởi đầu tu chứng. Tương tự, Thầy Nhất Hạnh viết: Đạo không phải chỉ được thấy nhờ học Kinh và nghe giảng mà nhờ thực tập. Càng thực tập ta càng thấy rõ đạo.
Trong kinh Pháp Hoa, Phật nói, " Ta vì đại sự nhân duyên mà Khai (mở ra), Thị (là Chỉ) Ngộ, Nhập Phật Tri Kiến cho chúng sinh.” Khai, Thị thuộc về Thuyết Thông. Còn Ngộ Nhập thuộc về Tông Thông. Tức là "Nương giáo ngộ tông" Muốn nhập vào Chánh Pháp phải rời ngôn ngữ, văn tự mà khởi đầu tu chứng. Tương tự, Thầy Nhất Hạnh viết: Đạo không phải chỉ được thấy nhờ học Kinh và nghe giảng mà nhờ thực tập. Càng thực tập ta càng thấy rõ đạo.
Bài viết này được tóm gọn trong nhửng đoãn văn và bài kệ dưới đây: Tôi chỉ hiễu ngắn gọn, Lòng Bồ Đề là Phật, Phật là Bồ Đề Tâm. Tâm vô lượng bao trùm khắp cả vũ trụ. Thể tánh bao la của tâm nhiếp thâu tất cả vạn vật. Ngược lại, tất cả vạn hữu vũ trụ có thể nằm gọn trong một nguyên tử tâm. Lòng nguyên tử cực vi có thể thâu nhiếp tất cả vũ trụ bao la lẫn vô lượng pháp. Tâm là vũ trụ, vũ trụ là Tâm. Tâm là nguyên tử, nguyên tử là Tâm. Tất cả là một, một là tất cả. Đó là chân lý của Tâm bất nhị!
Lòng Bồ Đề vô thỉ vô chung; không sinh không diệt; không có thời gian để đến hay đi; không có không gian để sở, để trụ. Cho nên, Tâm Phật không có đả (quá khứ,) đang (hiện tại,) và sẻ (tương lai,) ‘tìm lại’ Lòng Phật. Lòng Phật là Phật Tâm! Đây là điều bất khả tư nghi!
Tôi xin ra bài kệ:
Thấy trong Lòng Bồ Đề
Toàn thể vũ trụ
Thấy trong Tâm nguyên tử
Toàn cỏi Ta Bà
*
Tâm không ở trong ta,
Tâm không ở ngoài ta.
Mà chúng ta đang ở trong tâm,
Đó là điều như thị tri kiến.
*
Muốn được minh Tâm, kiến Tánh.
Muốn ngộ được ý tâm kinh
Thì tìm nơi không chữ mà đọc.
Vì đó là nhửng điều bất khả thuyết.
Lê Huy Trứ
-
Tài liệu tham khảo:
1. CƯ TRẦN LẠC ĐẠO, Cư Sĩ Chánh Trực, Toronto, Canada Toronto, Canada - TL 2002
2. CÁI TÂM LÀ GÌ? PHẠM CÔNG THIỆN
3. Tĩnh thức: Chánh niệm trong dòng Tâm thức, Phổ Nguyệt
4. Ðại Kinh Sáu Xứ. HT. Thích Minh Châu Việt dich, đăng trên website Trung Tâm Phật Giáo Chùa Việt Nam tại Houston, phần Kinh Tạng: http://www.vnbc.org/TTPG
5. Minh Sát Tuệ. Trích trong Cốt Tủy Các Kinh Căn Bản Phật Giáo. Phổ Nguyệt, 2006, tại website Tạng Thư Phật Học: http://www.tangthuphathoc.net
6. Thực Tại & Chí Đạo. Phổ Nguyệt, 2002. phần Thắp Sáng Hiện Hữu, trích trong website Tạng Thư Phật Học:
7. THỰC TẬP THIỀN MINH SÁT. Hòa thượng Mahasi Sayadaw. Dịch Giả: Tỳ khưu Khánh Hỷ - Hiệu Đính: Tỳ khưu Kim Triệu, trích trong website Thư Viện Hoa Sen , phần kinh Thiền Nguyên Thủy: http://.thuvienhoasen.org
8. Tâm là gì? Minh Đức
9. Tâm thức là gì? Unkown
10. Tâm Thức, Không Gian Ba Chiều, Minh Đạt, Atlanta, USA, ngày 6 tháng 10 năm 2011.
11. KINH KIM CANG, Dịch nghĩa và lược giải, Trích Phật Học Phổ Thông, Hòa Thượng Thích Thiện Hoa
12. Phật Học Tự Điển Việt-Anh Thiện Phúc
TIN, BÀI LIÊN QUAN:
TIN, BÀI LIÊN QUAN: