Kiến thức
Lòng từ bi
Chủ nhật, 21/09/2020 08:31
Từ bi với chính mình là thấu hiểu sự gian manh xảo trá của tư tưởng mình để làm chủ nó, để giải thoát khỏi sự lệ thuộc của thời gian tâm lý, để sống trong hiện tiền của tâm tưởng ta thật ra là tĩnh lặng, an lạc và thanh tịnh.
Từ bi cho con người
Cách đây nhiều năm, tôi có hướng dẫn một sinh viên dược khoa làm đề tài nghiên cứu tốt nghiệp đại học. Khổ nỗi đề tài này liên quan đến súc vật là chuột lang (cobaye). Để khảo sát sự biến đổi của niêm mạc dạ dày của chuột dưới tác động của một loại thuốc, chuột phải bị giết đi bằng cách bẻ cổ đúng phương cách để chết tức khắc, sau đó mổ bụng lấy dạ dày quan sát.
Em sinh viên đã chuẩn bị phần thực nghiệm rất chu đáo, nhưng khi đứng trước chuồng nuôi chuột, em lại khóc nức nở: “Thưa thầy, em không thể giết những con chuột ấy được đâu! Bởi em theo đạo ông bà cha mẹ, ăn chay mùng một và rằm. Đặc biệt em thực hành ngũ giới cấm của đạo Phật mà giới thứ nhất là bảo vệ sự sống tức không được sát sanh. Đạo Phật giúp em thấm nhuần ý nghĩa của chữ Từ Bi từ rất lâu rồi ạ”.
Cần một góc nhìn Từ Bi trước sự muộn phiền nơi cửa Phật
Tôi đã nói với em: “Em nên biết, không chỉ thử nghiệm lâm sàng, tức thử thuốc trên người, là phải tuyệt đối theo đúng các tiêu chuẩn y đức; mà thử nghiệm trên súc vật, chúng ta cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức thử trên súc vật mà thế giới đề ra. Nếu em làm đúng theo quy trình thử nghiệm đã thiết kế, đặc biệt không làm điều gì gọi là ngược đãi hành hạ thú vật trước khi giết chúng là được rồi. Hơn nữa chúng bị hy sinh là vì khoa học, việc ta làm là cần thiết và bất đắc dĩ. Ta làm vì lòng từ bi cho con người”. Chính mấy chữ “hy sinh vì khoa học, từ bi cho con người” làm em sinh viên nguôi ngoai, vững tinh thần, tiến hành làm đề tài nghiên cứu rất tốt.
Trong kinh Bồ-đề Vương tử có truyện kể rằng:
“Có một vị vương tử tên là Bồ-đề, ông ta xây cất một tòa lâu đài nguy nga và tráng lệ, vì thế ông muốn Đức Phật - một người đầy đủ phước báu và được mọi người tôn kính - chính là người đầu tiên bước chân vào tòa lâu đài của ông.
Sau khi vương tử Bồ-đề thỉnh Đức Phật đến nhà và được nhận lời, ông đã tất bật chuẩn bị mọi thứ để nghinh đón Đức Thế Tôn. Đáng chú ý là ông trải một tấm vải trắng từ trong nhà mình, xuống tới tam cấp và ra thẳng tới cổng. Khi Đức Phật cùng các đệ tử đến, ông thỉnh Đức Phật hãy đặt chân lên tấm vải trắng này và bước vào tòa lâu đài. Đức Phật im lặng và đứng tại chỗ. Lần thứ hai Bồ-đề tiếp tục thỉnh nữa, Đức Phật đứng im lặng. Và lần thứ ba tiếp tục thỉnh nữa, Đức Phật vẫn đứng im lặng.
Lúc đó, Tôn giả A-nan hiểu được ý của Đức Phật nên nói như sau: “Đức Thế Tôn không thể để chân mình bước lên tấm vải trắng vì Đức Thế Tôn đang nghĩ đến người nghèo không có mảnh vải che thân”. Thế là vương tử Bồ-đề nghe lời, cuốn tấm vải trắng đó lên và lúc đó Đức Thế Tôn đi vào tòa lâu đài trên đường không còn trải khăn trắng”.
Sở dĩ Đức Phật không bước lên tấm vải trắng tinh mà vương tử Bồ-đề trải để đón tiếp Ngài là vì Đức Phật đã nghĩ đến những người nghèo khổ còn khó khăn về ăn mặc. Đây là một trong vô số trường hợp nói về lòng từ bi sâu sắc mà Đức Phật đã thể hiện trong cuộc đời của Ngài. Chỉ có đạo Phật mới có thể phản ánh trọn vẹn ý nghĩa của chữ “Từ Bi” và chỉ có Đức Phật là người làm trọn vẹn điều này!
Từ bi không có nghĩa đơn giản là “xót thương” người khác một cách thụ động và tiêu cực, mà ngược lại Từ bi là một sức mạnh tích cực đưa ta thẳng vào hành động từ nhỏ nhặt đến lớn lao, trong mục đích loại trừ mọi thể dạng của khổ đau và mọi cội rễ của khổ đau.
Từ bi cho chúng sinh
Có câu chuyện kể rất thú vị: Một Hòa thượng lên núi chặt củi, trên đường trở về, ông phát hiện cậu thiếu niên nọ đã bắt được một con bướm và đang cố gắng khom hai bàn tay lại để giữ cho bướm không bay mất.
Nhìn thấy Hòa thượng, cậu cất lời: “Thưa Hòa thượng, cháu và ngài đánh cược một ván được không? Ngài đoán xem con bướm trong tay cháu sống hay chết? Nếu ngài đoán sai, bó củi sẽ thuộc về cháu”.
Vị Hòa thượng đồng ý và đoán: “Con bướm trong tay cháu chết rồi”.
Cậu thiếu niên cười lớn đáp: “Ngài đoán sai rồi”. Nói đoạn, cậu mở tay ra, con bướm từ lòng bàn tay cậu bay lên.
Hòa thượng nói: “Được, gánh củi này thuộc về cháu”. Nói xong, ông đặt gánh củi xuống, vui vẻ bước đi.
Về nhà, nghe hết câu chuyện của con trai, cha của cậu thiếu niên nói với giọng trách móc: “Con ơi, con hồ đồ quá rồi! Con nghĩ là mình đã thắng sao? Con không hề biết mình đã thua đấy”.
Lời cha nói khiến cậu con trai ngơ ngác, không hiểu gì. Người cha liền lệnh cho cậu ta gánh bó củi lên vai, và hai cha con mang củi đến trả cho nhà chùa.
Lắng nghe với tâm từ bi làm vơi bớt khổ đau
Nhìn thấy vị Hòa thượng, người cha liền cất tiếng: “Thưa thầy, con trai tôi đắc tội với thầy, xin thầy lượng thứ”. Hòa thượng gật đầu, mỉm cười và không nói gì.
Trên đường trở về nhà, cậu thiếu niên đã nghe cha nói: “Vị Hòa thượng đã cố ý đoán con bướm chết, như thế con mới thả nó ra và thắng được gánh củi. Nếu ông ấy nói con bướm còn sống, con sẽ bóp chết con bướm và con cũng sẽ thắng cược. Vị Hòa thượng thua một bó củi nhưng đã thắng được thứ giá trị hơn rất nhiều, đó là lòng từ bi. Còn con, con đã thua, đã để mất thứ quý giá đó mà chẳng hề hay biết”.
Có câu chuyện khác kể về ngài Vô Trước (Asanga). Ngài Vô Trước là một Đại luận sư Phật giáo, sáng lập ra Duy Thức tông. Ngài đã tìm một hang động trong núi Kukkûtapâdâ, gần thị trấn Râjagrha ngày nay, để tự tham thiền. Ngài thiền định bằng cách quán tưởng Đức Phật Di-lặc. Hai lần ngài bỏ hang ra đi vì thất vọng, nhưng sau rốt vẫn trở về hang để tiếp tục thiền định. Tổng cộng sau mười hai năm thiền định như thế, ngài vẫn không thấy Phật Di-lặc ứng hiện. Ngài lại bỏ hang và ra đi, trên đường ngài thấy một con chó ghẻ lở khắp thân thể, giòi bọ nhung nhúc và đang hấp hối. Ngài quá thương xót con vật và loay hoay tìm cách cứu giúp bằng cách chùi các vết thương cho con chó, nhưng lại thương các con giòi bị chùi mạnh mà chết, ngài liền thè lưỡi để liếm và đẩy các con giòi ra khỏi các vết thương. Nhưng bất thần con chó biến mất và Đức Di-lặc hiện ra trước mặt ngài.
Đức Di-lặc đã bảo ngài Vô Trước cõng mình lên vai và đi về ngôi làng trong thung lũng phía dưới kia. Có một cụ già chặn ngài Vô Trước lại và hỏi : “Này ông kia, ông làm cái trò gì mà cõng con chó ghẻ kinh tởm trên vai như thế?”.
Từ trước đến đây, ngài Vô Trước chỉ thấy Đức Di-lặc qua những hình tướng thiếu hoàn hảo, nhưng con chó ghẻ đã giúp ngài phát lộ lòng Từ bi của mình một cách toàn vẹn hơn.
Từ bi cho chính mình
Lòng từ bi không phải chỉ để ứng dụng đối với người khác mà còn bao gồm luôn cả chính bản thân mình nữa. Vì mình cũng là một chúng sinh! Vì sao ta không thực hành hạnh Từ Bi với chính mình là không để cho những thị phi, đàm tiếu khiến làm cho mình bị đau, bị khổ, giúp cho mình giảm bớt tâm tham, sân, si?
Đức Phật đã dạy: “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi!”.
Theo tôi, lời Đức Phật dạy cũng có nghĩa, để từ bi cho người khác trước hết hãy từ bi với chính mình. Rõ ràng là khi nói đến lòng từ bi là chúng ta thường liên tưởng đến từ bi đối với người khác, thậm chí là với cả chúng sinh. Nhưng hãy “tự thắp đuốc” để tự độ mình rồi mới độ tha. Chính nhờ từ bi với chính mình mà ta mới thấu hiểu cách nào để rộng mở lòng từ bi đến cho mọi người.
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc quả là có lý khi ông viết: “Hình như ta chẳng bao giờ thực sống. Lúc còn trẻ, ta mơ ước tương lai, sống cho tương lai, nghĩ rằng phải đạt cái này cái nọ, có được cái kia cái khác mới là sống. Khi có tuổi, khi đã có được cái này cái nọ, cái kia cái khác thì ta lại sống cho quá khứ. Nhỏ mong cho mau lớn, lớn mong cho nhỏ lại. Quả là lý thú khi biết rằng ta chẳng biết quý những giây phút hiện tại. Khi 20 tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình. Đến 40 thì ai nghĩ gì mặc họ. Đến 60 mới biết chả có ai nghĩ gì về mình cả. Tóm lại, chấp nhận mình là mình và từ bi với mình một chút”.
Rõ ràng theo bác sĩ, hãy từ bi với chính mình là biết sống với hiện tại.
Từ bi với chính mình là không để cho những thị phi, đàm tiếu thuộc về quá khứ khiến làm cho mình phải đau, phải khổ, khiến cho tâm tham, sân, si được phen mở rộng. Vì vậy, ta hãy sống thong dong với hiện tiền và không bị ảnh hưởng do sân hận, bực bội và lo lắng.
Nhà hiền triết Krishnamurti thì cho rằng: “Hãy chết đi từng ngày, chết đi từng giây phút với tất cả mọi thứ, với tất cả những ngày hôm qua và với cái chốc lát mới vừa thoáng trôi qua của cuộc đời chúng ta”. Từ bi với chính mình là phải biết “chết” với từng giây phút trong tâm tưởng vì chính sự “chết” này dẫn đến sự bất tử của cái mới trong cuộc đời chúng ta.
Từ bi với chính mình là thấu hiểu sự gian manh xảo trá của tư tưởng mình để làm chủ nó, để giải thoát khỏi sự lệ thuộc của thời gian tâm lý, để sống trong hiện tiền của tâm tưởng ta thật ra là tĩnh lặng, an lạc và thanh tịnh.
Xử lý vấn đề tình cảm theo quan niệm Phật giáo
Nguồn: Văn hóa Phật giáo 284