Kiến thức
Luân hồi là gì?
Thứ bảy, 13/09/2020 08:36
Luân hồi là sự chuyển sinh một cách liên tục qua nhiều kiếp sống khác nhau. Quá trình này thể hiện trên 1 bánh xe luân hồi. Theo quan niệm Phật giáo, bánh xe này không có điểm bắt đầu hay kết thúc. Nó sẽ xoay mãi đến khi nào chúng sanh biết tu tập để đi đến sự giải thoát.
Luân hồi là gì?
Luân hồi (Samsàra): Là sự sống chết nối tiếp nơi một chúng sinh. Như chúng ta biết, dòng nhân quả diễn tiến một cách tương tục mà không bị hạn cuộc trong đời sống hiện tại. Do đó khi nào còn lòng tham sống và còn gây nghiệp (karma) thì lúc đó chúng ta sau khi chết vẫn còn sinh trở lại và nhận lấy quả báo.
Nói cách khác, sau khi thân xác này ngừng hoạt động, dòng sống vẫn còn tiếp diễn, mặc dù hình thái của sự sống ở giai đoạn sau không phải là hình thái của sự sống ở giai đoạn trước. Cần lưu ý dòng sống này luôn chuyển biến chứ không phải là một linh hồn bất tử (âme éternelle) đi từ đời này qua đời khác như một lữ khách đi từ quán trọ này đến quán trọ kia.
Hành trình đến cửa luân hồi, ngẫm về ý nghĩa canh Mạnh Bà
Luân hồi và sự tái sinh
Đức Phật dạy rằng luân hồi sẽ được thể hiện qua việc tái sinh. Tức là sau khi chết sẽ trở lại thế giới dưới 1 hình hài khác. Thuộc 1 cõi khác thuộc lục đạo luân hồi. Khi nhắc đến luân hồi và tái sinh, Phật giáo thường đề cập về 2 khái niệm cơ bản về sinh tử:
Chu kỳ sinh tử của từng sát na: diễn ra trong thời gian rất nhanh, như 1 tia chớp. Khái niệm này chỉ có thể hiểu rõ hơn khi luận bàn về thiền định.
Chu kỳ sinh tử của một đời sống: chia làm 4 giai đoạn là sinh, lão, bệnh, tử. Chu kỳ này cũng là trọng tâm để nghiên cứu về luân hồi trong đại chúng.
Những bằng chứng của sự luân hồi: Bí ẩn thiên tài từ kiếp trước
Sự tái sinh (renaissance): Theo đạo Phật, không có nghĩa là sự nhập xác (rénacarnation) hay là sự nhất tính sinh trở lại thế giới loài người này với “cái linh hồn xưa cũ không thay đổi”. Do nghiệp lực ác hay lành (sức mạnh của hành động có cố ý) mà sau khi thân xác này chết, một hình thái khác cao hơn loài người như các loài trời (deva) hoặc thấp hơn loài người như cầm thú, ma quỷ và các loài cực khổ sẽ hiện thành.
Như vậy dòng suối, cứ tiếp diễn trong trạng thái đổi thay như dòng nước chảy xiết. Chúng sinh sau thừa hưởng gia tài tốt hay xấu của chúng sinh trước. Hai hình thái sống của hai giai đoạn thời gian và hai hoàn cảnh “không giống nhau nhưng cũng không khác nhau”.
Không có vấn đề con người trở thành trời hoặc thú, mà chính hành động của thân, miệng, ý (nghiệp) mang tính chất trời hay thú. Không những trong tương lai mà ngay cả hiện tại, chúng ta có thể trở thành thế này hay thế khác tùy theo hành động (nghiệp) của chúng ta.
Từ điều kỳ diệu hy hữu trong cuộc sống suy nghĩ về sự luân hồi
Giáo lý luân hồi là câu trả lời duy nhất hợp lý cho câu hỏi “Sau khi chết còn hay mất”, chứ không phải là câu trả lời “sau khi chết người ta sẽ sinh vào thiên đàng hay địa ngục và sống ở đó đời đời kiếp kiếp” hay câu trả lời “không còn gì nữa sau khi chết”.
Theo quan niệm Phật giáo, chúng sinh đều chịu sự chi phối của luật vô thường. Biểu hiện qua sinh, lão, bệnh, tử của từng kiếp sống. Quá trình này kết thúc cũng là lúc mở ra 1 kiếp sống mới và thừa hưởng những nghiệp lực từ kiếp trước.
Nghiệp lực luôn hiện hữu bên mỗi người chúng ta dù sau khi kết thúc 1 kiếp sống. Thì nó vẫn theo chúng ta đi tiếp qua kiếp sống sau. Tuy nhiên, bản chất của nghiệp là vô ngã, tức là nó sẽ biến đổi qua từng kiếp.