Kiến thức

Luân hồi sẽ là vô tận đối với người không thông đạt chánh Pháp

Chủ nhật, 18/02/2022 09:28

Điều kiện để ra khỏi luân hồi sinh tử là phải thông đạt chánh Pháp, nhưng muốn thông đạt chánh pháp cũng không hề dễ dàng, tùy thuộc vào lòng thành và cả duyên may của mỗi người nữa.

Đức Phật đã nói rằng “Luân hồi sẽ là vô tận đối với người không thông đạt chánh Pháp”. Như vậy, phải thông đạt chánh Pháp thì mới có ngày ra khỏi luân hồi. Nhưng thế nào là thông đạt chánh Pháp?

Nếu ta bước ra đường và hỏi bất kỳ người nào về chánh Pháp, đa phần mọi người hoặc là thờ ơ không quan tâm, hoặc là chê bai: “Tu theo mấy ông thầy làm gì, thụ động quá, sống ở đời là phải vui vẻ”. Còn nếu ta hỏi về chánh Pháp với những Phật tử đã đi chùa thuần thục, họ sẽ hào hứng giải thích cho ta nghe, một lát sau có thể họ sẽ dắt mình đi lạc đường.

Trên thực tế rất nhiều người cũng đến với chánh pháp nhưng hiểu sai rồi làm bậy, tu không tiến, nên trường hợp này cũng không gọi là thông đạt chánh pháp được. Người thờ ơ, chê bai chánh pháp thì dĩ nhiên không thông đạt chánh pháp, nhưng ngay cả những người đã đến với đạo Phật, đã quy y rồi cũng chưa chắc đã thông đạt chánh pháp nếu không gặp được bậc minh sư dẫn dắt.

Đức Phật đã nói rằng “Luân hồi sẽ là vô tận đối với người không thông đạt chánh Pháp”

Đức Phật đã nói rằng “Luân hồi sẽ là vô tận đối với người không thông đạt chánh Pháp”

Như vậy, điều kiện để ra khỏi luân hồi sinh tử là phải thông đạt chánh Pháp, nhưng muốn thông đạt chánh pháp cũng không hề dễ dàng, tùy thuộc vào lòng thành và cả duyên may của mỗi người nữa. Chúng ta không biết vị thầy nào tốt để mình đi theo cho đúng chánh pháp, bởi nếu biết ai là thầy tốt thì ta gần như đã giỏi bằng thầy rồi, không cần phải học nữa.

Vì không đánh giá được điều này nên người đệ tử cứ bênh vực thầy mình theo cảm tính, cảm tình trong khi chưa chắc ông thầy đã đúng. Ngay đến bản thân vị thầy có khi cũng không biết mình đúng hay sai. Vì sao vậy? Vì điều mà vị thầy thấy là đúng hôm nay, có khi ba mươi năm sau ông lại thấy sai. Tức là dù giỏi hơn đệ tử nhưng vị thầy cũng chưa chắc đã phát hiện ra cái sai của mình.

Vậy nên, chúng ta rất cần có lòng thành. Chúng ta hãy quỳ lạy Phật cầu nguyện: “Bạch Đức Thế Tôn, con kính tin Phật và mong muốn được thông đạt chánh Pháp để có ngày thoát khỏi luân hồi sinh tử, tùy nguyện độ sinh. Nhưng giữa thế gian nhiễu nhương, vô minh, đúng sai lẫn lộn này, con không biết nơi nào là bến bờ của chánh Pháp, ai là bậc chân sư thiện hữu. Xin chư Phật từ bi gia hộ, dìu dắt cho con gặp được chân sư thiện hữu mà nương theo tu học”.

Nhờ lời nguyện này ngày nào đó ta sẽ gặp được bậc minh sư sáng suốt, dạy ta những đạo lý chính xác, nghe đâu hiểu đó... Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở đây thì ta vẫn chưa được gọi là thông đạt chánh pháp, vì còn thiếu thực hành. Cái hiểu và cái hành phải đi đôi với nhau mới củng cố cho nhau được. Tri - hành hợp nhất.

Trích sách " Những điều thú vị từ truyện tích Pháp Cú" 

loading...