Đức Phật
Lược truyện Đức Phật Thích Ca: Thái tử nhân từ
Thứ bảy, 17/11/2020 10:52
Thái tử Tất-đạt-đa có một điều khác còn nổi bật hơn cả sự thông minh của ngài, đó là lòng tử tế, sự lịch thiệp và tình yêu thiên nhiên. Thái tử thương yêu các súc vật nhỏ sống ở trong vườn của hoàng cung và trở thành người bạn thân thiện của chúng.
Sau khi sinh thái tử được 7 ngày thì hoàng hậu Ma-da từ trần. Trước khi qua đời, hoàng hậu đã dặn dò người em của mình là Ma-ha-ba-xà-ba-đề (Mahapajapati): “Chắc chị sẽ không còn sống lâu để chăm sóc con được nữa. Sau khi chị mất, em hãy chăm sóc Tất-đạt-đa giùm chị”. Người em nhận lời. Bà hứa sẽ thương yêu thái tử và chăm sóc cháu như là con của mình.
Thái tử lớn lên trở thành một cậu trai thông minh, xinh đẹp và nhân từ. Vua đã sắp xếp cho thái tử được học với những vị thầy danh tiếng nhất vương quốc, và thái tử đã tỏ ra là một người thông minh phi thường. Sau vài ngày đầu học tập, những vị thầy đã trình lên vua rằng: “Muôn tâu bệ hạ! Thái tử rất thông minh, những bài học chúng tôi chỉ dạy qua một lần là thái tử hiểu và nhớ rất kỹ. Thật ra, có những điều mà thái tử thắc mắc chúng tôi không thể giải đáp, hoặc thái tử có những hiểu biết mà chúng tôi chưa hiểu biết”.Nghe được điều này, niềm tự hào của vua về đứa con trai của mình càng tăng thêm. Ông sung sướng nghĩ: “Với sự thông minh này, thái tử con ta chắc chắn sẽ trở thành một vị vua thông minh và đầy uy quyền”.
Đề Bà Đạt Đa là ai? Tại sao Đề Bà Đạt Đa hãm hại Đức Phật?
Thế nhưng thái tử có một điều khác còn nổi bật hơn cả sự thông minh của cậu, đó là lòng tử tế, sự lịch thiệp và tình yêu thiên nhiên. Đối với những đứa trẻ cùng trang lứa với thái tử, chúng thích đùa giỡn, nghịch phá hoặc chia phe đánh nhau trong những lúc rảnh rỗi. Riêng thái tử thì ngược lại thích ngồi yên lặng một mình. Cậu thương yêu các súc vật nhỏ sống ở trong vườn của hoàng cung và trở thành người bạn thân thiện của chúng. Những con vật biết thái tử không làm thương tổn chúng, cho nên chúng không bao giờ sợ thái tử. Ngay cả những động vật hoang dại, chúng sẽ bỏ chạy khi thấy một người nào đó đến gần, nhưng mỗi khi thái tử vào trong vườn, chúng lại mừng rỡ mon men đến gần và ăn các thức ăn trên tay thái tử một cách tự nhiên, vì mỗi lần thái tử vào trong vườn đều đem theo thức ăn cho chúng.
Một ngày nọ, thái tử đang ngồi trong vườn, có một đàn thiên nga trắng xóa bay ngang trên đầu. Bất ngờ, một mũi tên bắn lên không trung, trúng vào một con trong bầy, nó lảo đảo rồi rơi xuống đất ngay trước chân của thái tử, mũi tên vẫn còn ghim nơi cánh của no.
“Ôi! Tội nghiệp con thiên nga quá!” - thái tử nhủ thầm và ôm con chim lên: “Đừng có sợ nghe cưng, ta sẽ chăm sóc cho con, từ từ rồi ta sẽ lấy mũi tên ra cho!”. Thế rồi, tay này thái tử nhẹ nhàng vuốt ve con thiên nga để nó bớt sợ, tay kia thái tử rút mũi tên ra một cách thận trọng. Xong thái tử lấy thuốc rửa chùi vết thương cho nó, vừa làm thái tử vừa thì thầm an ủi khiến cho nó không còn sợ hãi nữa. Lau vết thương xong, thái tử cởi áo ngoài của mình ra, quấn quanh mình nó cho ấm.
Một lúc sau, có cậu thiếu niên chạy vào trong vườn. Đó là người em họ của thái tử tên là Đề-ba-đạt-đa (Devadatta). Cậu ta mang theo cung tên và rất vui mừng nói: “Tất-đạt-đa, Tất-đạt-đa, em vừa mới bắn được một con thiên nga. Anh thấy đấy, em chỉ bắn có một phát thôi là đã hạ được một con chim rồi. Nó rơi xuống chung quanh đây, anh kiếm giúp giùm em đi!”.
Ngay lúc ấy, Đề-bà-đạt-đa phát hiện một mũi tên của mình dính máu nằm ở dưới đất gần bên chân của Tất-đạt-đa. Nhìn kỹ, cậu ta thấy thái tử đang cầm vật gì trong tay và rồi nhận ra đó là con thiên nga mà cậu đang tìm. Cậu la lên: “Anh lấy con thiên nga của em đấy à? Đưa lại cho em đi. Em đã bắn hạ nó thì nó là của em!”. Đề-bà-đạt-đa liền chụp lấy con chim, nhưng thái tử ôm sát nó vào lòng mình, khiến Đề-bà-đạt-đa tức giận vô cùng.
Đôi điều về nhân cách văn hóa của Đức Phật
Thái tử nói một cách kiên quyết rằng: “Anh đã bắt gặp con chim nằm quằn quại đầy máu nơi mình. Anh không thể đưa nó cho bất cứ ai khi nó đang bị thương!”.
Đề-bà-đạt-đa la lên: “Nhưng nó là của em. Chính em đã bắn nó, anh phỗng tay trên của em đâu có được. Hãy trả nó lại đây!”.Hai cậu thiếu niên đứng tranh cãi một hồi. Đề-bà-đạt-đa càng lúc càng trở nên giận dữ, nhưng thái tử vẫn một mực không giao con thiên nga cho cậu ta. Sau cùng thái tử nói: “Khi hai người tranh cãi một vấn đề không xong thì nên giải quyết bằng pháp luật. Trước những người thông thái có thẩm quyền, chúng ta cứ trình bày những sự việc xảy ra, để cho những vị này quyết định ai đúng. Tôi nghĩ chúng ta nên giải quyết bằng cách này là tốt nhất”.
Đề-bà-đạt-đa không thích ý kiến này lắm, song chỉ còn có cách này mới hy vọng lấy lại được con thiên nga mà thôi, nên cậu phải đồng ý. Rồi họ đi vào cung điện, thưa lại với vua và quần thần. Mọi người đều bật cười với nhau khi nghe họ trình bày sự việc. Các quan nói: “Chỉ có mỗi một con chim mà làm mất thời giờ của chúng tôi quá, thật không đáng tí nào!”. Nhưng vua lại nói: “Tất-đạt-đa và Đề-bà-đạt-đa là những thái tử của hoàng tộc, trẫm rất vui mừng vì chúng đã biết nhờ chúng ta giải quyết những việc bất bình bằng xét xử. Trẫm nghĩ điều đó rất quan trọng, bởi vì chúng là những nhà lãnh đạo tương lai, biết dùng cách giải quyết bằng pháp lý. Chúng ta hãy xét xử xem sao!”.Sau đó mỗi cậu trình bày những sự việc đã xảy ra. Các quan cố gắng lắng nghe để quyết định ai đúng, thì con thiên nga sẽ thuộc về người đó. Người thì cho rằng Đề-bà-đạt-đa bắn con chim, đương nhiên nó thuộc về cậu ta. Người khác lại cho rằng Tất-đạt-đa bắt được con thiên nga thì nó thuộc về thái tử. Các quan bàn luận với nhau mà chưa giải quyết dứt điểm.
Cuối cùng một ông lớn tuổi nhất nói: “Giá trị của sự sống quý hơn tất cả mọi thứ trên thế gian này. Vì thế, tôi nghĩ rằng con thiên nga thuộc về ai đã cứu sống nó, không thuộc về người đã cướp mất đời sống của nó. Vậy con thiên nga này là của Tất-đạt-đa!”.
Mọi người vỗ tay hoan hô ý kiến này. Thế là thái tử Tất-đạt-đa được mọi người biểu quyết thắng cuộc.