Kiến thức

Lược ý Tăng mão trong Phật giáo Bắc truyền

Chủ nhật, 05/09/2020 05:10

Vào mùa đông trời lạnh các vị Tỳ Kheo đau đầu, bạch Phật, Phật dạy: “nên lấy len kết mão để đội”. Chư Tăng đội mão không những chỉ có ở Đông Độ mà các vị Tăng ở Tây Vực cũng có tục đội mão.

 Lời Phật dạy về Y phục

“Đầu đội trời, chân đạp đất” là quan niệm truyền thống về hình dáng của Tăng già Phật Giáo, vấn đề chư Tăng Phật Giáo Bắc truyền có đội mão, có chổ không thông với quan niệm trên. Phật giáo khi truyền qua Đông Độ quan niệm “Đầu đội trời chân đạp đất” không còn phù hợp đối với khí hậu cũng như phong tục tập quán lễ chế của phương Đông, làm cho chư Tăng Bắc truyền trong sinh hoạt thường ngày cũng như hoằng Pháp có nhiều trở ngại. Để thuận tiện trong việc truyền giáo ở Đông phương và phương tiện trong sinh hoạt thường ngày. Việc hình dáng truyền thống của Tăng già có một vài thay đổi để thích hợp với khí hậu cũng như phong tục tập quán của dân địa phương và những nghi thức khi hành pháp sự của Phật giáo Đại Thừa phát triển là một việc làm cần thiết. Nhưng sự thay đổi này không phải của Phật giáo Bắc truyền mà có nguồn gốc từ thời Đức Phật còn tại thế.

Chư Giới Sư Đắp Y gấm đội mão Hiệp Chưởng trong nghi thức Cung An Chức Sự

Chư Giới Sư Đắp Y gấm đội mão Hiệp Chưởng trong nghi thức Cung An Chức Sự

[Tứ Phần Luật] chép: “Một thời Phật tại nước Xá Vệ, bấy giờ có Tỳ Kheo đội mũ trên đầu đi đến chổ Phật bạch rằng: “Đây là pháp làm đoan nghiêm của đầu đà, xin Phật cho phép.” Phật dạy: “Tỳ Kheo không được đội mũ, đây là việc làm cư sĩ, nếu người nào đội mũ thì như pháp mà trị”. Bấy giờ vào mùa đông trời lạnh các vị Tỳ Kheo đau đầu, bạch Phật, Phật dạy: “nên lấy len kết mão để đội”. Chư Tăng đội mão không những chỉ có ở Đông Độ mà các vị Tăng ở Tây Vực cũng có tục đội mão. Trong [Đại Tỳ Kheo Tam Thiên Oai Nghi] chép: Có năm việc cần làm khi vào nhà:

1. Phải khảy ngón tay trước khi bước vào. 

2. Khi vào nhà phải lấy mão xuống.

3. Vào nhà làm lễ chào hỏi.

4. Khi vào nhà phải đứng cho nghiêm trang chờ chủ nhân mời ngồi mới được ngồi.

5. Không được quên trì Kinh vào nhà…”.

Tới thời nhà Đường thì việc chư Tăng đội mũ trong sinh hoạt thường ngày đã rất phổ biến. [Tổ Đình Sự Uyển] chương “Thượng Đường” chép: “Đại chúng đến nghe Pháp, không được đội mũ trùm khăn…”. Từ những chiếc mũ bình thường để che mưa nắng hoặc là để đội ấm trên đầu trãi qua thời gian, văn hóa, nghệ thuật, lễ chế của Đông phương, cộng với tư tưởng phát triển của Đại Thừa viên giáo chiếc mũ đã trở thành Tăng mão được dùng trong các nghi thức pháp hội trang nghiêm của Phật giáo Bắc Truyền.

Hòa Thượng Đàn Đầu đội Mão Quan Âm ( Bồ tát cân) và chư Giới Sư đội Mão Hiệp Chưởng trong nghi thức cung an chức sự và truyền giới Bồ Tát

Hòa Thượng Đàn Đầu đội Mão Quan Âm ( Bồ tát cân) và chư Giới Sư đội Mão Hiệp Chưởng trong nghi thức cung an chức sự và truyền giới Bồ Tát

Y phục của Phật giáo Việt Nam

Thế kỷ thứ 8 Mật giáo từ Ấn Độ truyền vào Đông Độ, do Ngài Thiện Vô Úy, Ngài Kim Cang Trí và Ngài Bất Không Tam Tạng. Mật Giáo y vào [Kinh Đại Nhật], [Kinh Kim Cang Đảnh] kiến lập “Tam Mật Du Dà”, “Sự Lý Quán Hành” và “Pháp Môn Tu Bổn Tôn”. Nhân vì hành giả tu trì Mật Tông y chỉ vào “Tam Mật Du Dà” - Thân, Khẩu, Ý thanh tịnh tương ưng. Tu phép “Sự Lý quán Hành” từ trong chánh kiến tạm mượn hình tượng Phật và Bồ Tát “Pháp Môn Tu Bổn Tôn” nương cùng với thệ nguyện của chính Bổn tôn rồi huyễn hành vào thế giới của chư Phật và Bồ Tát, Bổn tôn mà hành giả đang tu trì, du hý thần thông, cầu chứng Phật quả, dần dần khai mở phát huy hết thảy trí huệ của chính bản thân mình, liễu ngộ mật hạnh của chư Phật, Bồ Tát và hết thảy các pháp, chứng đắc thậm thâm vi diệu của hết thảy hình tướng của chư Phật Bồ Tát, cùng các chủng loại Pháp khí, Pháp cụ của chư Phật Bồ Tát thọ trì.

Hành giả trước tiên dùng hình tượng Phật Bồ Tát tương ưng hiển hiện “Đàn Thành”, sau nhập Phật không Pháp giới tánh lập thành thế giới, từ Pháp giới không tánh tương ưng Tam mật Thân, Khẩu, Ý chuyển hóa thành “Thể Tánh Trí” dung hợp thân cảnh trong ánh sáng của Pháp Tánh phóng đại quang minh, không còn nhơn ngã, cho đến thân cảnh phóng quang minh cũng chỉ còn ánh sáng làm cho hành giả có năng lực siêu việt thời không, siêu việt hết thảy vạn vật, Địa, Thủy, Hỏa, Phong, Không, tùy theo ý mà chuyển động, có khả năng biến hiện tất cả vạn vật. Hành giả hành Mật giáo có thể hằng thường cùng vũ trụ không có sanh diệt phiền não chính đây là cứu cánh của Mật Thừa. Do hành trì Pháp tu dùng hình tượng Phật Bồ Tát quán tưởng, liễu nghĩa Pháp cụ và Pháp khí của chư Phật Bồ Tát thọ trì cho nên Pháp cụ và Pháp khí của Mật Tông có nhiều hơn những tông phái khác trong Phật giáo.

Đời Đường Mật giáo thịnh hành nhất là pháp “Thí Ngạ Quỉ” còn được gọi: “Phóng Diệm Khẩu” rất được phổ biến rộng rãi, trong khi tu trì pháp này hành giả vì thể nhập “Tỳ Lô Hoa Tạng Giới” nên hiện tướng của Đức Đại Nhựt Như Lai. Theo đồ hình đức tướng của Đại Nhựt Như Lai đảnh thượng đội “Mão Ngũ Phương Phật” do đó khi hành trì pháp này hành giả phải đội mão “Ngũ Phương Phật” nên mão Tỳ Lô Ngũ Phương có từ thời Đường.

Mão Ngũ Phật Bảo Quan.

Mão Ngũ Phật Bảo Quan.

Lục Tổ Huệ Năng và câu chuyện truyền y bát

Mão Ngũ Phật hay thường gọi là mão Tỳ Lô. Theo Kinh [Chư Phật Cảnh Giới Nhiếp Chân Thật] quyển trung có ghi: “Ngũ Phật Bảo Quan còn gọi là mão Ngũ Phật, mão Ngũ Trí, mão Ngũ Bảo Thiên Quan hay là mão Quyền Đảnh Bảo Quan. Đây là mão báu mà Đức Đại Nhựt Như Lai, Bồ Tát Kim Cang Tát Đỏa, Ngài Hư Không Tạng Bồ Tát đội trên đầu, trên chính giữa mão báu có để hình tượng của Ngũ Phương Phật dùng để biểu thị đức tướng của Ngũ Trí Viên Mãn.”

Trong Kinh [Đại Lạc Kim Cang Tát Đoả Tu Hành Nghi Quỹ] chép: “Khi tu Pháp nhập Mạn Đà La Đạo Tràng thọ Pháp Quyền Đảnh, A Xà Lê (thầy Gia Trì) kết Ấn Ngũ Phật tụng Quyền Đảnh Chân Ngôn….đầu đội mão Ngũ Phật Bảo Quan, tức thọ Ngũ Phật quyền đảnh ý tức tự thân thành Tỳ Lô Như Lai…” trong [Tôn Thắng Phật Đảnh Tu Du Dà Pháp Quỹ Nghi] chép về các bài trí Ngũ Phật quan: “…phối trí Ngũ Phật có hai cách thức, một là để Đức Phật Tỳ Lô ở trung ương còn bốn phương để Tứ Phương Phật. Hai là để thành hành ngan từ trái sang phải…” theo [Yến Nam Kỷ Đàm] chép: “Mật Gia hành pháp thí thực có đội mão, nhân vì trên mão có để hình tượng của Phật Tỳ Lô nên gọi là mão Tỳ Lô.”

mao2
mao3
Mão Tỳ Lô Miền Nam

Mão Tỳ Lô Miền Nam

Mão Tỳ Lô được tạo thành có hai phần gồm mão và Phật Quan. Hình dạng mão Tỳ Lô hình tròn như hoa sen, vành mão được được tạo thành bởi hai cánh sen lớn, chính giữa có bảo đảnh hình như một hoa sen, phía trên như một búp sen tạo thành chóp mũ, phía dưới hoa sen nở hình khai mãn tạo thành phần mũ che đầu. Phật quan có hình năm cánh sen mỗi cánh sen có đính hình Ngũ Phương Phật, Đông, Nam, Tây, Bắc, Trung Ương, Phật quan hai bên còn có hai thẻ dây dài có thêu Lục Tự Chơn Ngôn, khi đăng đàn đến Ngũ Phương kết giới thầy Gia Trì kết Ngũ Phật quan lên mão Tỳ Lô, lúc này thì hình dáng, hàm ý, công năng của mão Tỳ Lô mới cụ túc. Vành mão được tạo thành bởi sự hợp lại của hai cánh sen lớn biểu trưng “Thai Tạng” và “Kim Cang” lưỡng Giới, bảo đảnh được kết thành như hình “Trung Đài Bát Diệp Liên Hoa” hàm ý thể nhập Quán Âm thiền định, chóp mũ có hình hoa sen búp hình trụ, tượng trưng cho “Tu Di Bảo Đảnh” Phật quan và hai thẻ dây có thêu Lục Tự Chân Ngôn thể hiện tính “Tam Mật Tương Ưng”. Mão Tỳ Lô được cấu thành như một Mạn Đà La trong đó hàm lượng hết thảy trí huệ, thần lực, tinh hoa chủ yếu của Mật Pháp Du Già.

 width=
 width=
Mão Tỳ Lô (Việt Nam)

Mão Tỳ Lô (Việt Nam)

Mão Ngũ Phật Bảo Quan

Mão Ngũ Phật Bảo Quan

Ý nghĩa cây Tích trượng trong Phật giáo

Mão Ngũ Phật có hình dạng như hoa sen đang nở, được tạo thành bởi năm cánh sen, tám cánh sen hoặc bảy cánh sen, mão Ngũ Phật là tiền thân của mão Tỳ Lô có xuất xứ từ mão của Mật Giáo Tây Tạng ngày nay còn được các vị Lạt Ma dùng khi hành Mật Pháp. Ở Việt Nam các vị Gia Trì miền Bắc khi hành Pháp đội mão Thất Phật có nguồn gốc từ mão “Ngũ Phật Liên Hoa”.

06
Mão Thất Phật (miền Bắc)

Mão Thất Phật (miền Bắc)

Bồ Tát Giới từ khi truyền nhập cho đến đời Tùy, Đường  phát triển cực thạnh, trào lưu truyền thọ Bồ Tát Giới từ triều đình cho đến dân gian rất được thịnh hành. Thời kỳ này chẳng những các vị Tăng theo Mật tông khi hành trì Mật Pháp có đội mão mà ngay những vị Tăng thuộc Giáo Tông hay Luật tông, Thiền Tông khi hành giáo cũng đội mão. Trong [Tây Nham Huệ Thiền Sư Lục] “Quốc Nhất kiến Đại Tông Khởi Lập Tụng” chép: “Trang nghiêm hơn cả những oai nghi thường thấy, đầu đội mão làm bằng gấm rồng do Vua ban…” khi ngài Trí Giả đại sư đăng đàn truyền Bồ Tát Giới cho Vua Tùy Dưỡng Đế cũng có đội mão.

Trong [Tông Phụng Tạp Tập] chép: “Tùy Dưỡng Đế thỉnh Thiên Đài Tông Trí Khải Đại sư truyền thọ Bồ Tát Giới, hôm ấy trời lạnh, Vua lấy khăn lụa trong tay áo Long Bào ra ban cho Đại Sư làm mão đội lên đàn…” theo [Yên Nam Kỷ Đàm] chép: “Vua Nhật Bản là Hoàn Vũ Đế cũng thỉnh Ngài Duệ Sơn Truyền Giáo Đại Sư truyền thọ Viên Đốn Bồ Tát Giới, Vua cũng theo tích xưa của Vua Tùy Dưỡng Đế mà ban mão lụa cho Truyền Giáo Đại Sư. Từ đấy có lệ đội mão lụa khi truyền Bồ Tát Giới…”.

Mão Quan Âm Tây Tạng

Mão Quan Âm Tây Tạng

Mão Quan Âm còn gọi là Khăn Bồ Tát. Trong [Thiền Lâm Tượng Khí Tiên] chép: “Khăn Bồ Tát tên gọi thường là Mão Quan Âm.” Trong sách [Pháp Uyển Châu Lâm] chép: “Pháp Sư Huệ Chấn ở núi phía sau chùa lập thất hai gian tu hạnh đầu đà, thường có Thiện Thần hộ vệ, đến niên hiệu Đại Đồng thứ nhất, vị thần hộ trì trên núi hiện hình, đầu đội mũ Bồ Tát, thân đắp Y Ca Sa, hình tướng vô cùng trang nghiêm…”. Trong [Phật Quang Từ Điển] quyển hạ chép: “Mão Vô Lượng Thọ Phật Bảo Quan, trên mũ có trí hình tượng của Đức Phật A Di Đà, là mũ của Bồ Tát Quán Thế Âm thường đội…”

Mão Quan Âm Việt Nam

Mão Quan Âm Việt Nam

Ý nghĩa các âm điệu pháp khí trong nghi lễ Phật giáo

Mão Quan Âm ở Việt Nam được may bằng gấm, thường có màu vàng, màu đỏ, màu nâu.  Mão này thường được các vị Trưởng Lão tôn túc Miền Bắc cũng như Miền Trung đội khi chứng minh Trai Đàn hoặc là đăng đàn truyền giới. Mão Quan Âm có hình một cái khăn, phần trên có hình hai cánh sen úp lại thể hiện diệu tính thanh tịnh của Bồ Tát “Cư trần bất nhiễm”, phần dưới được may xòe ra tròn như một lá sen với ý nghĩa Pháp giới viên mãn của Bồ Tát “Hiển Mật viên thông”. Đồng thời hàm lượng tâm địa Bồ Tát Đại Thừa “Tâm dung diệu lý hư không thiểu, vạn tượng sum la hải ấn hàm”. Những ý nghĩa trên đây bao gồm hết thảy những ý niệm cứu cánh, hạnh nguyện, pháp môn, cũng như công đức mà chư Bồ Tát nguyện hồi hướng cho chúng sinh. Cho nên khi Chư Tôn Đức đội mão Quan Âm đăng đàn truyền giới hoặc chứng minh đàn tràng Pháp sự, như trao truyền hành nguyện, pháp môn, công đức của Bồ Tát đến đạo tràng, hồi hướng cho hết thảy chúng sinh phát tâm Đại Thừa hành Bồ Tát đạo nguyện thành Phật quả.

152
Mão Hiệp Chưởng Huế

Mão Hiệp Chưởng Huế

Mão Hiệp Chưởng là mão Tăng Quan của chư Tôn Đức Tăng ngày xưa được phong chức “Tăng Cang” trong triều đình nhà Nguyễn Việt Nam. Theo sách [Tăng Sử Lược] chép “Tăng Cang là danh xưng của chức quan của triều đình phong tặng cho các vị cao Tăng trong Phật Giáo, chưởng quản thống lãnh đạo toàn bộ Tăng Ni trong cả nước”. Trong [Tăng Quan] chép: “Chức vụ Tăng Cang gồm có:

1. Pháp vụ Tăng Cang quản lý sự vụ của Tăng Ni và Tự Viện trong toàn quốc.

2. Oai nghi sư Tăng Cang làm giám luật mô phạm cho Tăng Ni.

Chế độ Tăng Quan có rất sớm trong Phật Giáo Bắc Truyền, ở Trung Quốc chế độ Tăng Quan có từ thời Ngụy Tấn Nam Bắc Triều (280 - 588), ở Hàn Quốc có từ thời Tân La (550), ở Nhật Bản có từ thời Thôi Cổ Thiên Hoàng (642), ở Việt Nam có từ thời triều Vua Đinh Tiên Hoàng (933 - 1011).

Mão Quy Mạng Tây Tạng

Mão Quy Mạng Tây Tạng

Vị Hòa Thượng được phong chức Tăng Cang đầu tiên của triều Nguyễn là Thiền Sư Tổ Ấn Mật Hoằng (1735-1835). Theo sách [Đại Nam Nhất Thống Chí, Thừa Thiên Phủ] chép: “Năm Gia Long thứ 13, vua triệu Hoằng về kinh cấp cho chức Tăng Cang trụ trì chùa Thiên Mụ, quán thống tăng chúng…”. Theo [Việt Nam Phật Giáo Sử Lược] của  Thượng tọa Mật Thể ghi: “Niên hiệu Gia Long năm Ất Hợi (1815) vua sắc sửa lại chùa Thiên Mụ và triệu Ngài Mật Hoằng vào kinh cấp bằng Tăng Cang.” Chế độ phong chức Tăng Cang cho các vị tôn đức Tăng ở Việt Nam được duy trì cho đến đời vua Bảo Đại vị vua cuối cùng của triều Nguyễn.

Mão Hiệp Chưởng có nghĩa là mão chắp tay, mão quy mạng, mão đãnh lễ . Sách [Thích Thị Yếu Lãm] chép: “Hiệp chưởng là chỉ chắp tay vậy” trong [Pháp Uyển Châu Lâm] chép: “chắp tay nếu như ngón tay chắp lại mà hai bàn tay không đụng nhau thì không phải chắp tay vậy… cho nên hiệp chưởng là sự hợp nhất của hai bàn tay và ngón tay…” Mão Hiệp Chưởng có hình dáng như một đôi bàn tay chắp lại, trong hình dáng của đôi bàn tay chắp lại có ba nền gấm được may ba màu khác nhau, ba nền gấm tượng trưng cho Tam Thân Phật, vành màu vàng lớn nhất tượng trưng cho Thanh Tịnh Pháp Thân Phật, vành màu xanh đậm tượng trưng cho Viên Mãn Báo Thân Phật, vành màu đỏ tượng trưng cho Thiên Bá Ức Hóa Thân Phật. Phật Giáo khi truyền vào Đông Độ vào đời Ngài Huệ Viễn ở Lô Sơn lập ra thuyết “Sa Môn Bất Bái Quân Vương” cho nên khi Chư Tăng đội mão, trên mão có Phật cho nên không tiện lễ bái nhà vua. Vì là mão Tăng Cang thuộc quan mão do bộ lễ của triều đình chế, cho nên có ảnh hưởng học thuyết Tam Cang của Nho Giáo, nhưng Tam Cang của Phật Giáo không nằm trong học thuyết này. Trong [Đại Tống Tăng Sử Lược] chép: “Duy Na, Tự Chủ, Thượng Tọa là chức vụ của Tăng, thường được gọi “Tự Viện Tam Cang”. Tam Cang đều có chức vụ quyền hạn của riêng từng bộ phận. Duy Na Cang coi việc Tăng sự, Tự Chủ Cang tổng quản tự viện, Thượng Tọa Cang coi về giới luật trong chùa.”

172
Mão Hiệp Chưởng Bình Định và Miền Nam

Mão Hiệp Chưởng Bình Định và Miền Nam

Pháp khí Mật tông: Ý nghĩa và cách sử dụng

Ngoài mão Hiệp Chưởng được may bằng gấm ở Huế ra thì mão Hiệp Chưởng của miền trong từ Bình Định vào tới Miền Nam không may bằng gấm mà được may bằng nhung hoặc nỉ, trên nền của mão có thêu hình Phạn tự và hoa văn để trang trí, nền lớn thứ nhất có màu đen hoặc vàng thường đính hạt kim sa chữ Án Dạ Hồng, biểu thị tổng trì nhất thiết pháp giới “Đại Quang Minh Tạng”. Nền thứ hai thường có màu xanh đậm hoặc màu đỏ mỗi mặt thêu hình năm ngón tay tượng trưng cho “qui mạng hiệp chưởng”. Nền thứ ba thường có màu với nền thứ nhất có kết cườm hình hai trái Phật thủ và hoa văn thị ý “Nhất nhất biến lễ sát trần Phật”.

Ngày nay chế độ Tăng Cang không còn nữa nhưng mão Hiệp Chưởng nói riêng và Tăng mão Phật Giáo Bắc Truyền nói chung vẫn còn nguyên giá trị của mình, trở thành mão của các vị Tôn Đức niên cao lạp trưởng, đức cao vọng trọng trong Phật Giáo, được chư Tôn Trưởng Lão đội để chứng minh hay làm sám chủ trong những Giới Đàn, Đàn Tràng Pháp Hội long trọng trang nghiêm của Phật giáo, Mão Hiệp Chưởng không những làm tăng thêm sự trang nghiêm long trọng cho pháp hội mà còn thể hiện mật ý Tam Thân Phật quang lâm đạo tràng, tô đậm thêm màu sắc giới đức của các bậc Trưởng Lão, làm tăng thêm nét cổ kính của sắc phục Tăng già, tạo dựng một cảnh giới Tịnh Độ ở nhân gian.

Mời quý Phật tử xem thêm video "Đức Phật hữu tình hay vô tình":