Sống an vui

Luyện tâm như đất

Thứ năm, 14/03/2024 08:14

Này Rahula, ví như trên đất người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ không tịnh, quăng phân uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu; tuy vậy đất không lo âu, không dao động hay không nhàm chán.

Cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập như đất. Này Rahula, do tu tập sự tu tập như đất, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. (Kinh Trung Bộ I, 62)

Hãy quán tâm như là mặt đất thì tất cả mọi điều xảy ra trong cuộc đời, dù như ý không như ý, các lời phê bình chỉ trích, các nghịch cảnh, thậm chí là mọi sự hâm dọa của cuộc đời đối với mình cũng không có chỗ để bám vào. Vì đất là mặt bằng chứa đựng và nó không hề có bất kỳ một phân biệt đối xử nào với tất cả những vật dù là dơ hay sạch, thơm hay thối uế.

vi-sao-thien-dem-lai-tri-tue-1414

Đức Phật đã sử dụng mặt đất như là hình ảnh của sự bình đẳng, không phân biệt để giải phóng tâm nhị nguyên của ý thức ra khỏi dòng cảm xúc và nhận thức thì lúc đó, mọi ân oán giang hồ, hay tất cả cảnh huống diễn ra đối với chúng ta thì chúng ta có thể vượt qua và làm chủ lấy nó. Quán tâm mình như mặt đất, như vậy là ai có phê bình chỉ trich, khen chê thì cũng không lấy đó làm buồn hay vui, vì mặt đất có thể dung chứa tất cả và thanh lọc tất cả sau một thời gian.

Khi quán niệm thân này như mặt đất thì lúc đầu, ta vẫn có sự ngượng gạo, một sự tập trung quá cao độ có thể làm tâm mỏi mệt do phải hình dung. Nhưng sau vài ngày thực tập, ta thấy tâm nhẹ nhõm vô cùng. 

Mặt đất còn tượng trưng cho sự chịu đựng. Khi quán tâm mình như đất thì thái độ chịu đựng, kham nhẫn, kiên gan, bền chí ở trong các sự nghiệp, lý tưởng,…những nỗ lực sẽ được thực thi một cách dễ dàng và thành công hơn.

(Trích lời giảng của thầy Nhật Từ)

loading...