Hỏi - Đáp
Ly dị vợ có phạm tội không?
Chủ nhật, 27/04/2021 08:08
Về nguyên tắc, người Phật tử đã lập gia đình mà hôn nhân bị trục trặc, sau nhiều nỗ lực hàn gắn nhưng không cải thiện, không thể tiếp tục sống chung được nữa thì vợ chồng có thể bàn bạc với nhau để ly dị, nhằm giải thoát cho nhau.
Hỏi: Ngày xưa chúng tôi yêu nhau nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên không đến được với nhau. Rồi cả hai đều có gia đình riêng. Chúng tôi vẫn liên hệ nhau nhưng không làm gì quá giới hạn. Mười mấy năm sau cô ấy ly dị chồng.
Tôi rất thương cô ấy nhưng vì trách nhiệm gia đình nên vẫn cố chịu đựng. Gần đây cô ấy nói muốn đến với tôi. Thật tình thì tôi yêu cô ấy nhiều hơn yêu vợ nhưng nghĩ đến chuyện ly dị thì không nỡ vì sợ vợ đau lòng, sợ con đau khổ. Vì thế tôi luôn sống trong cảnh phải đấu tranh tư tưởng rất khổ sở. Đến với cô ấy thì tôi được sống thật với con người của tôi. Nhưng để người này hạnh phúc thì người khác phải chịu khổ nên trong lòng ray rứt. Nay tôi có điều xin hỏi quý Báo: Nếu ly dị vợ để đến với cô ấy thì tôi có phạm tội không? Có phù hợp với đạo lý nhà Phật không? Tôi là Phật tử mà làm thế có phạm giới không?
Đáp: Về nguyên tắc, người Phật tử đã lập gia đình mà hôn nhân bị trục trặc, sau nhiều nỗ lực hàn gắn nhưng không cải thiện, không thể tiếp tục sống chung được nữa thì vợ chồng có thể bàn bạc với nhau để ly dị, nhằm giải thoát cho nhau. Khi tình đã cạn, duyên đã hết thì quá trình ly thân hay ly dị cần được tiến hành trong ôn hòa, tôn trọng, có trách nhiệm với vợ (chồng) và con cái. Thiết nghĩ, việc ly dị cũng phù hợp với thuyết nhân duyên của đạo Phật. Sau khi ly dị thì có thể tái hôn mà không hề phạm giới.
Một vài quan điểm Phật giáo về vấn đề ly hôn
Thiết nghĩ mỗi người chồng nên bình tâm để suy nghĩ thật cặn kẽ. Cuộc sống không bao giờ hoàn hảo và như ý cả, được cái này thì mất cái kia. Việc ly dị vợ để đến với người yêu cũ dù được bao biện “nhằm sống thật với con người mình” cũng thể hiện rõ tính ích kỷ, thiếu trách nhiệm. Người mà chỉ nghĩ cho mình, sống ích kỷ và thiếu trách nhiệm thì khó xây dựng hạnh phúc với bất cứ ai.
Mặt khác, nếu tìm mọi cách để được sống với người yêu cũ thì cũng không có gì đảm bảo rằng bạn sẽ có hôn nhân hạnh phúc. Đơn giản vì, có thể tình yêu mà bạn dành cho cô ấy còn nguyên vẹn nhưng mọi thứ khác về bạn và cô ấy đều đã thay đổi. Cụ thể, cô ấy trong trái tim bạn và cô ấy trong thực tế mười mấy năm sau có thể khác xa đến trời vực. Thêm nữa, giả như bạn được toại nguyện thì con cái sẽ như thế nào? Chúng đâu có tội tình gì mà phải thiếu cha, vắng mẹ? Rồi chuyện “con anh, con em, con chúng ta” và vô vàn những khó khăn trong cuộc sống khác nữa là những thách thức không nhỏ mà bạn phải vượt qua.
“Ly hôn vì Corona” và triết lý về hôn nhân của Phật giáo
Hiện nay, về căn bản thì gia đình của bạn vẫn đang êm ấm, ổn định. Bạn là Phật tử nên lập hạnh “muốn ít” cùng với “an trú trong hiện tại” và không nên “sống trong cảnh phải đấu tranh tư tưởng rất khổ sở” nữa. Nếu tiến hành ly hôn thì bạn chính là người đã phản bội vợ con của mình. Vẫn biết bạn thương người yêu trước thật nhiều nhưng với hiện tại thì tất cả đã là dĩ vãng.
Tình yêu mà bạn dành cho cô ấy rất đáng trân trọng nhưng bạn nên giấu kín trong lòng hoặc chuyển hóa thành tình bạn để làm tròn bổn phận và trách nhiệm của người chồng, người cha.