Đức Phật
Mật hạnh tôn giả Rāhula (La-hầu-la) – Mẫu người lý tưởng cho Tăng Ni trẻ hiện nay
Chủ nhật, 26/12/2021 04:31
Tự cổ chí kim, con người luôn khao khát và tìm cầu mọi cách để được trường sinh bất tử. Thế nhưng, lưới vô thường (sanh, lão, bệnh, tử) nào có chừa một ai?
Phật dạy La Hầu La cách thức buông xả
Bất tử có chăng là những gì mà con người đã cống hiến hết mình cho cuộc đời, cho nhân sinh bằng những phẩm chất và hành động cao quý để rồi sau khi nhắm mắt xuôi tay được thế gian ca tụng, lưu truyền mãi về sau. Quả thật là chân bất tử của một kiếp người và Tăng đoàn Phật giáo cũng đã có những con người bất tử như thế. Một trong những tấm gương đó chính là tôn giả Rāhula (La-hầu-la).
Tôn giả Rāhula (La-hầu-la), một vị A-la-hán trẻ tuổi nhất trong Thập đại đệ tử Phật. Ngài là người rất tự giác, mặc tịnh và trầm tư. Cuộc đời của tôn giả Rāhula để lại cho chúng ta nhiều bài học về phẩm hạnh cao quý về quá trình trau dồi giới đức và trí tuệ. Mật hạnh của Ngài không những là mẫu người lý tưởng cho Tăng đoàn thời Phật còn tại thế mà cho đến ngày nay, Tăng Ni trẻ trong thời đại công nghệ số nói riêng và những ai quan tâm đến một đời sống phạm hạnh, thanh tịnh nói chung cần lấy đó làm tấm gương để học tập và hành trì.
Mật hạnh tôn giả Rāhula (La-hầu-la)
Kinh điển ghi lại rằng bảy vị Phật trong quá khứ đều có con khi còn ở đời sống thế gian như: “Đức Phật Tỳ-bà-thi có con tên Phương Ưng. Phật Thi-khí có con tên Vô Lượng. Tỳ-xá-bà có con tên Diệu Giác. Câu-lưu-tôn có con tên Thượng Thắng. Câu-na-hàm có con tên Đạo Sư. Ca-diếp có con tên Tập Quân. Ta nay có con tên là La-hầu-la” [1].
Tôn giả Rāhula sinh ra và lớn lên tại kinh đô Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) của tộc Sākya (Thích-ca) thuộc vương quốc Kosala (Kiều-tát-la), trên vùng biên giới Nepal và Bắc Ấn; là cháu nội của của vua Suddhodana (Tịnh Phạn) dòng dõi Gotama và hoàng hậu Mahāmāyā (Ma Da). Tôn giả là con trai duy nhất của thái tử Siddhattha (Tất-đạt-đa) và công chúa Yasodharā (Da-du-đà-la).
Sử liệu Nam truyền Phật giáo ghi nhận Rāhula xuất gia năm lên 7 tuổi, từ vị Sa di nhỏ tuổi nhất trải qua 13 năm thực tập lời Phật dạy đến năm 20 tuổi cầu thọ Cụ túc giới. Ở lứa tuổi ấy, những phẩm hạnh đáng kính của Tôn giả Rāhula được Đức Phật tán thán: “Trong các vị đệ tử Tỳ-kheo của Ta ưa thích học tập, này các Tỷ-kheo, tối thắng là Rāhula” [2].
Điều này được thể hiện qua hình ảnh Sa-di Rāhula luôn có thói quen dậy sớm vào buổi sáng nhặt lên một nắm cát và tự nhủ: “Cầu mong cho tôi có được những lời giáo giới từ Đức Thế Tôn và thầy tế độ của tôi nhiều như những hạt cát trong tay của tôi” [3]. Đây là một trong những mật hạnh cao quý của Tôn giả. Chính khát khao này sẽ xây dựng cho Rāhula thói quen sống xứng đáng với người cha đại trí của mình và được người đời sau tôn kính.
Chuyện tiền thân Tipallatthamiga kể về con nai cháu với ba cử chỉ đã học từ những đức tính tốt đẹp, khôn ngoan của loài nai đặc biệt là của nai cậu (tiền thân Phật) và nai mẹ Upplavannā, cứu sống nó khỏi sự truy sát từ người thợ săn. Con nai cháu đó chính là tiền thân của Tôn giả Rāhula. Đức Thế Tôn một lần nữa khẳng định: “Rāhula không phải nay mới ham học, thuở trước cũng đã ham học như vậy” [4].
Với đức tính tốt đẹp như vậy, lại có quan hệ huyết thống đối với Đức Thế Tôn, nếu là những vị còn tâm tánh phàm phu chắc hẳn sẽ thường dựa dẫm, ỷ lại vào Đức Phật, nhưng Rāhula không như vậy. Trong số ba bài kinh tiêu biểu cho việc giáo giới Rāhula, chính Đức Phật đã hai lần đích thân gặp Tôn giả để thăm và giảng dạy. Điều này cho thấy mật hạnh của Rāhula rất đáng ngưỡng mộ, dù tuổi còn rất nhỏ. Rāhula không bao giờ bày tỏ thái độ bất kính đối với Thế Tôn cũng như các vị trưởng lão trong Tăng đoàn. Kinh tạng còn ghi lại câu trả lời của Rāhula với Đức Phật:
“Thường chung sống người hiền,
Con không có khinh miệt
Người cầm đuốc loài người
Thường được con tôn trọng” [5].
Mật hạnh của Rāhula còn được Đức Thế Tôn ấn chứng trong pháp hội Long Hoa: “Hạnh kín của Rāhula chỉ Ta biết mà thôi” [6].
Kinh Ambalathika Rahulovada (M.i,61) ghi lại sự kiện Đức Phật đến thăm Rāhula khi Tôn giả đang ở rừng Ambala. Tôn giả sắp đặt chỗ ngồi và nước rửa chân để hầu cận Đức Thế Tôn. Sau khi rửa chân, Đức Phật đã để lại chút ít nước trong chậu và dụ cho: “Sa môn hạnh của người nào biết nói láo, không có tàm quý” [7]. Kế đó, Ngài đổ nước đi, lật úp chậu rồi lại lật ngửa chậu lên. Hình ảnh ấy ví dụ cho Sa-môn hạnh trống rỗng của những người biết nói láo, không có tàm quý vậy.
Sử dụng hình ảnh chậu nước để giáo giới là một phương pháp dạy dỗ rất khéo léo của Đức Thế Tôn đối với lứa tuổi như Rāhula lúc bấy giờ. Tính chân thật là điều đầu tiên Đức Phật muốn dạy Rāhula trong những ngày chập chững bước vào sinh hoạt Tăng đoàn. Bởi lẽ, người thế gian còn lấy sự thật thà, ngay thẳng, không lừa gạt mình, không dối gạt người làm quy chuẩn cho đạo đức ứng xử để hình thành nên nhân cách con người. Người thực hành lời Phật dạy càng phải lấy tính chân thật làm nền tảng căn bản cho tự thân. Chính đức tính ấy sẽ làm cho đời sống phạm hạnh được thăng hoa.
Đức Phật tiếp tục sử dụng hình ảnh “Một con voi của vua, có ngà dài như một cán cày, to lớn, khéo luyện, thường có dùng hai chân trước, dùng hai chân sau, dùng phần thân trước, dùng phần thân sau, dùng đầu, dùng tai, dùng ngà, dùng đuôi nhưng bảo vệ cái ngà… Cũng vậy, này Rāhula, đối với ai biết mà nói láo, không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm” [8]. Xuất thân từ hoàng cung xứ Ấn Độ xưa, hình ảnh con voi không còn gì xa lạ đối với Rāhula. Qua hình ảnh voi, Đức Thế Tôn muốn răn dạy Tôn giả rằng người thế gian cũng không được nói dối gạt người, còn với người đã từ bỏ gia đình thì việc chơi đùa sẽ không đưa đến một lợi ích tốt đẹp nào cho con đường tu tập, huống chi đến việc nói láo để mà giỡn cợt thì quả thật là điều không nên làm.
Cuối cùng, Đức Phật dạy cho tôn giả Rāhula quán xét nội tâm, thấy việc nào đưa đến khổ đau, hãy từ bỏ và vững niềm tin mà hành động, không chỉ bắt tay vào làm, mà còn quán chiếu trong khi đang và sau khi làm, thông qua hình ảnh cái gương: “Này Rāhula, sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành thân nghiệp… hãy hành khẩu nghiệp… hãy hành ý nghiệp” [9]. Cái gương ở đây không dùng để soi mặt, mà soi chiếu tâm hồn của chính mình cho phù hợp với nếp sống đạo đức và lời Phật dạy để trừ diệt mọi ý niệm, lời nói, hành vi bất thiện nhằm đem lại lợi ích cho mình và người. Bởi nếu tổn hại đến chính mình và người khác là chánh nhân của bất thiện pháp đưa đến đọa xứ khổ đau. Vì thế, bài pháp này còn được xem là đường lối phản tỉnh của tất cả Sa-môn chứ không phải của Đức Phật giảng dạy dành riêng cho Tôn giả.
Trong bước chân đầu đời thực hành phạm hạnh, đây quả thật là những lời giáo huấn tâm niệm vô cùng tuyệt vời, đúng lúc, đúng thời, làm nền tảng để Rāhula hoàn thiện bản thân mình. Đây cũng là hàng rào giúp Tôn giả kiện toàn về giới hạnh, không vi phạm vào những quy định mà Đức Phật đề ra trong Tăng đoàn.
Trong “Đại kinh Giáo Giới Rāhula” (M.i,62), Đức Thế Tôn nhân buổi đi khất thực tại Sāvatthi (Xá-vệ) cùng Tôn giả Rāhula (khi ấy đã được 18 tuổi), đã dạy Rāhula đối với Năm uẩn, Bốn đại… “Phải quán sát như thật với chánh trí tuệ: cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải tự ngã của ta” [10]. Tôn giả quyết tâm nỗ lực tu tập, thực hành các thiện pháp ngõ hầu thăng tiến trên con đường tâm linh.
Năm Tôn giả hai mươi tuổi, khi được truyền thọ Cụ túc giới sau 13 năm gia nhập Tăng đoàn, vào mùa an cư đầu tiên của Tỳ-kheo Rāhula, Đức Thế Tôn quán chiếu thấy Tôn giả đã thuần thục các pháp, trình độ tâm linh đã chín muồi cần được huấn luyện để đoạn tận các lậu hoặc. Đây là lần thứ hai, Đức Phật đi tìm Rāhula, gọi đến Andhavana giáo giới. Đức Thế Tôn dạy con mắt là vô thường, do vô thường chịu sự biến hoại, thời không có hợp lý khi quán cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi. Cũng như vậy, đối với sự quán chiếu về năm căn và năm trần, tất cả đều vô thường, khổ và vô ngã. “Vị đa văn thánh đệ tử là người nhìn thấy như vậy sẽ sanh khởi sự yếm ly, ly tham, do ly tham vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát là sự hiểu biết: Ta đã được giải thoát. Và vị ấy biết: Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa” [11].Do huân tập căn lành từ vô lượng kiếp cùng với sự nỗ lực tu tập miên mật, không giải đãi, từ ngày gia nhập Tăng đoàn, qua bài thuyết giảng của Thế Tôn thì Rāhula được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không chấp thủ. Rāhula thành tựu được quả vị A-la-hán lúc 20 tuổi và trở thành vị A La Hán trẻ nhất trong Giáo hội.
Những bài Kinh được Đức Thế Tôn giáo giới cho Tôn giả Rāhula chỉ mang con số khá khiêm tốn với các bài Kinh tiêu biểu như: Ambalathika Rahulovada Sutta (Kinh Giáo giới Rāhula ở rừng Ambala) (M,i,61); Maha Rahulovada Sutta (Đại Kinh Giáo giới Rāhula) (M,i,62); Cula Rahulovada Sutta (Tiểu Kinh Giáo giới Rāhula) (M,ii,147) cùng một vài bài kinh nói về tiến trình quán chiếu các pháp trong Tương Ưng bộ kinh. Tuy nhiên, nếu hệ thống lại theo tiến trình tu tập của Tam vô lậu học thì vào những năm đầu trở thành Sa-di Rāhula, Đức Thế Tôn đã dạy Tôn giả về đạo đức của một người xuất gia đó chính là con đường thành tựu Giới uẩn. Năm 18 tuổi, Ngài lại dạy Tôn giả về phương pháp thực tập thiền quán, con đường thành tựu Định uẩn. Cuối cùng, 20 tuổi được truyền thọ Cụ túc giới, sau khi quán chiếu các thiện pháp đã thành tựu thì Đức Phật dạy Rāhula về con đường đưa đến thành tựu Tuệ uẩn, chứng đắc đạo quả.
Ngoài ra, mật hạnh dễ thương kín đáo, vâng lời và vô cùng cung kính với các bậc Tỳ-kheo của Rāhula còn được minh chứng trong Jātaka 16 (Chuyện tiền thân): Chuyện con nai có ba cử chỉ. “Thỉnh thoảng, các Tỳ kheo từ xa đến, vì mục đích thử thách, thường quăng bên ngoài cái các chổi hay một ít rác, chờ khi tôn giả đến và hỏi:– Hiền giả, ai quăng đồ rác này?”
Nếu không phải là một vị thật tu, thật học, chắc hẳn sẽ tìm mọi cách chứng minh cho sự trong sạch của mình hay làm ngơ bỏ đi để tránh gây phiền phức hoặc thưa con không biết việc này. Trái lại, “Tôn giả thường dọn rác ấy đi, im lặng, khiêm tốn xin lỗi và sau khi được tha lỗi mới đi” [12]. Với phương cách ứng xử ấy, Rāhula càng cho thấy được hạnh nhẫn nhục, khiêm nhường đã được thành tựu một cách sâu kín trong thân tâm của Tôn giả.
Hơn thế nữa, khi Đức Phật quy định Tỳ-kheo nào nằm ngủ chung với người chưa thọ đại giới là phạm tội Pācittiya (Ưng đối trị). Các vị Tỳ-kheo đã chỉ dạy Rāhula hãy tìm chỗ ở của mình vì trước đấy Tôn giả ngủ cùng với các vị khác. Rāhula không còn nơi để ngủ vì là người nhỏ nhất trong Tăng đoàn nhưng: “Rāhula không đi đến Thế Tôn là phụ thân của mình, cũng không đi đến Sāriputta là vị tướng quân chánh pháp cũng là Giáo thọ sự của mình, cũng không đi đến Moggallāna là bậc Sư trưởng của mình, lại đi vào phòng vệ sinh của Thế Tôn, như thể đi vào cung điện Phạm thiên và trú ở đấy” [13].
Lựa chọn nơi ở ấy Rāhula không vì cảnh sang trọng được làm bằng đất thơm, mà chính vì kính trọng lời khuyên bảo của các bậc trưởng thượng, vì muốn học tập nên trú chỗ ấy. Khi Phật hỏi, Tôn giả từ tốn bạch rằng: “Vì không có chỗ, vì sợ phạm tội, không cho con chỗ ở; vì nghĩ rằng đây là chỗ không va chạm một ai, nên con nằm ở đây” [14].
Câu trả lời của Rāhula không có tâm ỷ lại là con của Thế Tôn, không chống đối, trách oán hay sân giận với các Tỳ kheo. Chính việc làm này đã khiến Đức Phật xúc động mạnh mẽ trong chánh pháp. “Này Xá-lợi-phất, nếu các ông vứt bỏ La-hầu-la như vậy, thì đối với các lớp trẻ mới xuất gia, có gì các ông không làm được? Nếu sự việc là vậy, những ai xuất gia trong giáo pháp này sẽ không ở lại. Bắt đầu từ hôm nay, các ông được phép cho người chưa thọ đại giới ở chung một hay hai ngày. Đến ngày thứ ba, cho họ ở ngoài, sau khi biết chỗ ở của họ” [15].
Tất cả những điều trên đã minh chứng cho đức hạnh kín đáo, thành tựu các oai nghi tế hạnh cũng như sự quyết tâm tu tập đạt đến tâm giải thoát và tuệ giải thoát của vị thánh Rāhula.
Hiện trạng và tương lai của đời sống phạm hạnh
Kinh Tương Ưng bộ, Đức Phật dạy về nguyên nhân mất đi diệu pháp rằng: “Ở đây, này Kassapa, các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống không tôn kính, không tùy thuận bậc Đạo sư… không tùy thuận Chánh pháp… không tùy thuận chúng Tăng… không tùy thuận học giới… không tùy thuận đối với thiền định. Này Kassapa, chính những thối pháp này đưa đến sự hỗn loạn, sự biến mất của diệu pháp” [16].
Vì thế, những vấn đề được trình bày ở trên là các chuẩn mực mà Đức Phật đưa ra để làm sống dậy đời sống Tăng đoàn. Cho dù, đạo Phật là đạo của từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha, nhưng không phải ai cũng có thể xuất gia được, cũng không phải ai cũng có thể tu tập và chứng đạo được. Thế nên, Luật Ma Ha Tăng Kỳ đưa ra 32 điều mà một người nếu phạm dù chỉ là một điều ví như: lừa đảo, phạm ngũ nghịch, mù điếc, câm què… thì cũng không thể xuất gia được [17]. Ở đây, Thế Tôn không phải là không thể hiện tinh thần từ bi hay bất bình đẳng mà vì Ngài không muốn giáo pháp bị huỷ hoại bởi những người không đủ khả năng hay không đủ tư chất kham nhẫn mà hành trì những lời dạy thậm thâm vi diệu ấy.
Thông qua những mật hạnh, phẩm chất của tôn giả Rāhula, người viết cho rằng: Đây là cơ hội để tất cả những ai tự xem mình là Sứ giả Như Lai, đặc biệt là Tăng Ni trẻ cần phải quán xét sự thực hành phạm hạnh của bản thân. Cố gắng phát huy điểm tích cực, sửa đổi những mặt chưa được, chưa tốt để chuyển hóa thân tâm trong chánh pháp. Sau đó, dùng “thân” giáo để giáo hóa chúng sanh như tấm gương của Tôn giả Rāhula đã từng làm, đây cũng là cách vừa an toàn, vừa hiệu quả cho những ai muốn báo ân đức của Đức Từ phụ và tha thiết đoạn sanh tử luân hồi. Hay nói cách khác, mật hạnh của Tôn giả Rāhula là tấm gương sống, mẫu người lý tưởng cho những ai mong muốn vẹn toàn giữa đạo và đời
Chú thích:
[1] Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh Tập I, Kinh Trường A Hàm, Taiwan, 2000, tr.14-15.
[2] HT.Thích Minh Châu dịch, Tăng Chi Bộ Kinh tập I, Nxb Tôn giáo, 2018, tr.24.
[3] Tỳ kheo Minh Huệ dịch, Đại Phật Sử VI, Nxb Hồng Đức, 2019, tr.220.
[4] HT.Thích Minh Châu dịch, Tiểu Bộ Kinh tập III, Nxb Tôn giáo, 2018, tr.91.
[5] HT.Thích Minh Châu dịch, Tiểu Bộ Kinh tập I, Nxb Tôn giáo, 2018, tr.402.
[6] HT Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb Tôn Giáo, 2011, tr.224.
[7] HT Thích Minh Châu dịch, Trung Bộ Kinh tập I, Nxb Tôn giáo, 2018, tr.507.
[8] Sđd, tr.508.
[9] Sđd, tr.508.
[10] HT Thích Minh Châu dịch, Trung Bộ Kinh tập I, Nxb Tôn giáo, 2018, tr.508.
[11] Sđd, tr.625.
[12] HT Thích Minh Châu dịch, Tiểu Bộ Kinh tập III, Nxb Tôn giáo, 2018, tr.88.
[13 Sđd, tr.89.
[14] Sđd, tr.89.
[15]Sđd, tr.89.
[16] HT. Thích Minh Châu dịch, Tương Ưng Bộ Kinh, Nxb Tôn giáo, 2018, tr.566-567.
[17] Thích Trung Hữu, Đừng Ham Hành Đạo Sớm. Bài đăng trên báo Giác Ngộ, số 1020, 11/10/2019, tr.33.